PV: Chào bà. Xin chúc mừng bà đã giành Giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX-2023. Bà có thể chia sẻ thêm về tác phẩm đã giúp bà giành giải thưởng, cuốn sách “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture” (tạm dịch là “Nghệ thuật thị giác Việt Nam trong lịch sử, tôn giáo và văn hóa”)?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Xin cảm ơn! Phải nói là tôi rất ngạc nhiên và có phần “sốc” khi hay tin mình đoạt Giải Nhì Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX-2023 của Việt Nam. Khi viết cuốn sách này, tôi đơn giản chỉ là muốn viết những gì mình đã nghiên cứu. Chính Giám đốc Nhà xuất bản Thế Giới (nơi xuất bản cuốn sách) đã chọn lựa tác phẩm đem đi dự thi. Tôi thật sự biết ơn bởi nhờ có hành động này mà tôi mới có cơ hội giành được giải thưởng. Thật sự tự hào. Tôi không biết nói gì hơn, chỉ thấy mình thật may mắn khi gặp được nhiều người bạn Việt Nam đáng quý.
Về cuốn sách “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture”, đây là ấn bản sửa đổi và bổ sung của cuốn “Arts of Việt Nam 1009-1945” (tạm dịch là “Nghệ thuật Việt Nam từ 1009-1945”) cũng do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2013. Cuốn sách đề cập đến sự phát triển qua nhiều thế kỷ của các lĩnh vực như kiến trúc, tượng (đá, đất sét và sơn mài lõi gỗ), kim loại (đồng, vàng, bạc), chạm khắc ngọc bích và ngà voi, sơn mài, đồ nội thất, khảm trai, in khắc gỗ và gốm sứ. Cùng với đó, cuốn sách còn nói về tác động với nền nghệ thuật thị giác trong thời kỳ thuộc địa của Việt Nam thế kỷ 19-20.
PV: Như bà nói, đây là cuốn sách được tái bản có cập nhật, bổ sung từ cuốn “Arts of Việt Nam 1009-1945”. Vậy, điều gì đã thôi thúc bà tiếp tục dành 10 năm để bổ sung, nâng cấp và mở rộng nội dung cuốn sách đã xuất bản?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Ngay khi hoàn thành “Arts of Việt Nam 1009-1945”, tôi đã thấy cần phải viết tiếp. Việc viết một cuốn sách như thế này trả lời nhiều câu hỏi nhưng đồng thời lại mở ra nhiều câu hỏi khác mà không phải tất cả đều có thể trả lời được cùng một lúc. Hơn nữa, trong thập niên vừa qua, Việt Nam liên tục có các phát hiện khảo cổ học như báo cáo cuối cùng về cuộc khai quật ở Hoàng thành Thăng Long chưa được công bố khi tôi viết cuốn sách trước. Ví dụ, cổng Đoan Môn trước đây được cho là thế kỷ 15, nay được đặt đúng vào thế kỷ 17; sự chưa rõ ràng về niên đại của gốm Chu Đậu gồm chén, bát, đĩa, hộp hũ, bình, tước... được khai quật ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Nhiều sản phẩm gốm được tìm thấy ở điểm khai quật Cù Lao Chàm có phương pháp và kỹ thuật chế tác đạt đến trình độ cao, sau đó được trang trí và tráng bằng nhiều loại men khác nhau như men hoa lam, men ngọc và men tam thái - loại men xanh lục, vàng nhạt đôi khi cùng cả chất vàng phủ lên lớp men hoa lam.
Chưa hết, các văn bản liên quan bằng tiếng Anh xuất bản ở bên ngoài Việt Nam thì hiếm khi nói về nghệ thuật thị giác của Việt Nam và nếu có thì bằng một cách khó hiểu và không chính xác. Tôi cũng thấy mình cần trình bày một góc nhìn rộng hơn về gốm trong nghệ thuật làng quê Việt Nam như gốm ở Phù Lãng (Bắc Ninh), Thổ Hà (Bắc Giang)... Công trình của tôi được tham chiếu từ nghiên cứu của nhiều nhà khảo cổ học và các chuyên gia văn hóa Việt Nam mà tôi đã thừa nhận trong sách. Từ đó, tôi cũng đưa ra những quan sát của riêng mình. Thí dụ, tôi rất muốn nói rõ về một chi tiết mà tôi quan sát được trong các biểu tượng thời Lý: Tam bảo của Phật giáo được đặt giữa một đôi rồng ở bên trong lá bồ đề - biểu tượng của Phật giáo. Tư duy hình tượng này thể hiện sự tôn kính và hòa hợp của quân quyền đối với đạo Phật. Đây là một biểu tượng tổng hợp tuyệt vời, chính xác, súc tích và đẹp mắt về mặt nghệ thuật nhưng tôi chưa từng được đọc một đề cập nào như vậy, từ các văn bản tiếng Anh và cả trong tiếng Việt.
PV: So với phiên bản đầu tiên, cuốn sách “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture” có những điểm gì mới, thưa bà?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Vâng, cuốn sách mới được minh họa bắt mắt hơn, chế bản đẹp và chứa hơn 300 bức ảnh xuất sắc về hiện vật, địa điểm và những cảnh vật. Nó cập nhật, sửa đổi và mở rộng đáng kể so với ấn phẩm trước, từ 300 trang nâng lên thành 500 trang. Nó gần như một cuốn sách mới, vì thế, chúng tôi đặt cho nó cái tên mới là “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture”.
Cuốn sách bao gồm 11 chương nội dung chính. Ngoài ra còn có chương dẫn đầu và chương cuối cùng, trong đó tác giả nhìn lại ngàn năm thời phong kiến với tóm tắt về những kết nối, những đứt đoạn và đưa ra kết luận về bản sắc chính yếu của nghệ thuật thị giác Việt Nam. Mỗi hiện vật được trình bày đều trong bối cảnh lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Các kỹ thuật khác nhau mà các nghệ nhân sử dụng được giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu trong những khung (box) riêng biệt. Trong lời tựa cho cuốn sách mới này của tôi, TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam đã viết, đây là một góc nhìn mới về nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng nói rằng, điểm nổi bật của tác phẩm là “nhận thức và đánh giá khác biệt về nghệ thuật Việt Nam so với quan điểm trước đây của các học giả phương Tây”.
PV: Sự khác biệt nhận thức ở đây là gì? Có phải đây là lý do mà bà từng nói về sự vắng bóng của đánh giá sự thật về nghệ thuật Việt Nam (tức là nghệ thuật Việt Nam bị thế giới hiểu lầm)?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Nghệ thuật thị giác Việt Nam cũng như văn hóa Việt Nam có một lịch sử dài và phong phú. Nghệ thuật thị giác Việt Nam từ lâu đã phát triển phong phú, rực rỡ và phản ánh bản sắc dân tộc Việt chứ không phải là “sự sao chép nhạt nhòa” (pale reflection) của nghệ thuật Trung Quốc như một số không nhỏ các nhà nghiên cứu từng nhận xét vào đầu thế kỷ XX.
Tôi vốn là một giáo viên. Năm 1992, tôi viết một tiểu luận về làng gốm Bát Tràng cho Tạp chí Nghệ thuật châu Á (Arts of Asia) phát hành ở Hong Kong và bà chủ biên Tuyết Nguyệt khuyến khích tôi viết về Việt Nam. Từ lúc đó, tôi tập trung nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam. Từ năm 2000, tôi là một trong những biên tập viên hợp tác cho tạp chí này. Ngay từ lúc đầu, khi quan tâm đến nghệ thuật Việt Nam vào những năm 1960, tôi đã nhận thấy sự vắng bóng gần như hoàn toàn những bài viết về nghệ thuật Việt Nam trong những bài viết bằng tiếng Anh, Có chăng, là mấy lời nhận xét với giọng điệu vắn tắt mà đôi khi còn kèm cả sự gạt bỏ. Dường như có một khoảng cách vô hình ngăn cách nghệ thuật Việt Nam với thế giới sử dụng tiếng Anh.
Ví dụ như trong cuốn cẩm nang của một bảo tàng lừng danh in năm 1999, chỉ có một dòng duy nhất nói về nghệ thuật Việt nhưng lại theo cách phủ nhận sự sáng tạo của người Việt rằng: “Cái mà người ta gọi là thời kỳ vàng son của Việt Nam - thời Lý - Trần, mở đầu với nền độc lập: Gốm hoa lam Việt Nam có sự cách tân vĩ đại trong giai đoạn Trung Hoa đô hộ ngắn ngủi vào thế kỷ 15 và xuất phát từ thợ gốm phương Bắc (có nghĩa là Trung Quốc)”. Dĩ nhiên đây là điều sai lầm và nó gạt bỏ sự sáng tạo của người Việt.
Những bài viết như thế đã thôi thúc tôi cầm bút viết để giới thiệu với thế giới tiếng Anh một nền nghệ thuật thị giác của Việt Nam, cho họ biết giá trị của nó và nói thêm rằng, nền nghệ thuật này không hề thua kém bất cứ nền nghệ thuật nào khác.
PV: Vậy ý nghĩa của tên cuốn sách “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture” là gì? Tại sao bà lại chọn gọi là nghệ thuật thị giác?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Tên sách “Nghệ thuật thị giác Việt Nam trong lịch sử, tôn giáo và văn hóa” mô tả chính xác nội dung cuốn sách và cho biết, nghệ thuật thị giác nằm trong bối cảnh lịch sử, tôn giáo và văn hóa. Có người nói với tôi đây là một cách khác khi tiếp cận nghệ thuật Việt Nam. Nghệ thuật thị giác là những hình thức nghệ thuật tạo ra các tác phẩm, sản phẩm được tiếp nhận chủ yếu qua kênh thị giác. Với nội hàm rộng nhất, nghệ thuật thị giác bao hàm cả mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình (plastic art), nghệ thuật trang trí (decorative art), nghệ thuật ứng dụng (applied art), trong đó sự khu biệt giữa một bên là nghệ thuật hàn lâm - hội họa, kiến trúc, điêu khắc - với bên kia là nghệ thuật dân gian, thủ công và gia dụng sẽ không còn. Mà điều này phần nào lại phù hợp với tính chất của nghệ thuật Việt thời phong kiến, khi phần lớn chỉ có những nghệ nhân, nghệ sĩ vô danh cùng những công trình tập thể hơn là cá nhân.
Nghệ thuật thị giác sống động của Việt Nam rất phong phú và đa dạng. Tôi luôn muốn giới thiệu điều này đến với độc giả nói tiếng Anh.
PV: Hành trình để một người nước ngoài nghiên cứu thông tin và chắt lọc về nghệ thuật ở Việt Nam trong cả giai đoạn lịch sử dài quả là không phải dễ dàng, thưa bà?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Vâng, tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ chắp bút viết về văn hóa Việt Nam. Nhưng, có lẽ số phận đã sắp đặt cho tôi có cơ hội được khám phá nền nghệ thuật riêng biệt này. Đầu tiên là cái duyên của tôi với chồng (ông Nguyễn Kim Long - PV) khi chúng tôi gặp nhau vào năm 1960. Lúc đó, cả hai còn đang còn học đại học ở Australia. Khi nên duyên vợ chồng, anh Long nhà tôi làm việc ở Australia và Papua New Guinea, sau đó làm việc cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Philippines, tham gia thực hiện dự án về xóa đói giảm nghèo. Tôi và các con khăn gói theo chồng tới quốc gia Đông Nam Á đó.
Vì điều lệ Chính phủ Philippines, phu nhân như tôi không được phép đi làm. Ở nhà mãi cũng chán, tôi trở thành tình nguyện viên phục vụ trong nhiều bảo tàng khác nhau. Là thành viên Hội gốm phương Đông của Philippines, tôi phát hiện ra rằng, gốm sứ cổ của Việt Nam đã được đưa sang Philippines vào thế kỷ 14-15, một điều trước nay chưa từng được biết đến. Những phát hiện mới này thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu thêm về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam.
Những năm 1990, tôi tiến hành nghiên cứu nhiều hơn về nghệ thuật Việt Nam ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bạc, gốm sứ, sơn mài... Năm 1992, tôi về Việt Nam để học tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa. Tôi ở trọ tại khu tập thể Trung Tự (Hà Nội) trong 9 tháng, trong khi đó con gái thứ hai của tôi là Mai Nguyễn-Long ở trọ với gia đình một người bạn. Phải nói là 9 tháng ở Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều trong hiểu biết về lối sống của người Việt và được tham quan những làng nghề truyền thống...
Sau này, cũng do công việc của chồng tôi mà chúng tôi di chuyển liên tục giữa Việt Nam và Philippines. Nhờ đó mà tôi cũng có thêm cơ hội được đến thăm các bảo tàng, chùa, đình, đền và nhà thờ của Việt Nam để nghiên cứu và tìm hiểu. Chồng tôi đi đâu cũng chụp rất nhiều hình để lưu giữ kỷ niệm và không ngờ rằng, sau này chúng lại là những bức ảnh tư liệu quý giá.
Thời gian đó, tôi cũng đã dụng công thu thập, phân tích và giới thiệu nghệ thuật Việt Nam trên nhiều diễn đàn khác nhau, trong vai trò là cộng tác viên của Tạp chí Nghệ thuật châu Á. Tổng cộng, tôi đã viết hơn 50 bài báo về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam và là đồng tác giả nhiều cuốn sách tiếng Anh. Cuốn sách đầu tiên tôi tham gia viết về nghệ thuật của Việt Nam là “Gốm Bát Tràng thế kỷ 14-19” do Giáo sư Phan Huy Lê (Giám đốc Trung tâm Hợp tác nghiên cứu Việt Nam), chuyên gia Nguyễn Đình Chiến (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) và Phó Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện dưới sự chủ trì của Giáo sư Phan Huy Lê, được Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2003. Trong phần Phụ lục, tôi viết bài nghiên cứu “Bát Tràng và buôn bán gốm ở quần đảo Đông Nam Á” (Bat Trang and the Ceramic trade in Southeast Asian Archipelagos).
Tôi cũng đã viết chung với Tiến sĩ Bùi Minh Trí trong cuốn sách “Gốm hoa lam Việt Nam” do Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 2001. Chồng tôi dịch bài tôi viết từ tiếng Anh sang tiếng Việt và ngược lại cho bài viết của Tiến sĩ Bùi Minh Trí và phần còn lại. Ngoài ra, tôi cũng cộng tác với Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến để viết nhiều bài đăng trên Tạp chí Nghệ thuật châu Á. Quãng thời gian ấy đã tạo điều kiện cho tôi hiểu thêm về văn hóa và nghệ thuật Việt Nam để cuốn sách mang tên “Arts of Việt Nam 1009-1945” ra đời năm 2013 và tiếp giờ là "Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture".
PV: Thu thập tư liệu trong một quá trình dài, lại không thành thạo tiếng Việt, vậy bà làm thế nào để vượt qua thách thức về ngôn ngữ, đặc biệt là hàng ngàn tên riêng bằng tiếng Việt với đầy đủ dấu thanh trong cuốn sách mới?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Viết một cuốn sách về lịch sử nghệ thuật không hề đơn giản, cái khó nhất là phải tìm hiểu văn hóa của nước đó. Tôi cố gắng tranh thủ mọi lúc mọi nơi để nắm được hồn cốt của nghệ thuật thị giác Việt Nam. Chúng tôi thực hiện rất nhiều chuyến đi tới mọi miền của đất nước. Đi đến đâu tôi đều ghi chép lại cẩn thận những điều mắt thấy tai nghe. Kể từ khi chồng tôi nghỉ hưu, chúng tôi có thêm nhiều thời gian để thực hiện công việc nghiên cứu. Chồng tôi như một trợ lý nghiên cứu của tôi và đóng vai trò phiên dịch cho những tài liệu chuyên ngành nói về tinh hoa của nghệ thuật Việt.
Cũng phải nói thêm rằng, tuy vốn tiếng Việt của tôi còn hạn chế nhưng tôi ý thức rất rõ về tầm quan trọng của việc có đầy đủ dấu thanh khi viết tên riêng tiếng Việt nhằm tránh sai sót, dù là nhỏ nhất. Với tiếng Việt, nếu thiếu dấu thanh, chúng ta sẽ gặp nhiều rắc rối, lúng túng trước biết bao tên người và địa điểm khác nhau. Nhưng, dấu thanh trong tiếng Việt quả là một khó khăn đối với người không nói tiếng Việt như tôi. May mắn là tôi được chồng giúp giải quyết phần việc này. Vì vậy, chúng tôi quyết định sử dụng tên tiếng Việt cho tất cả các địa điểm, thời gian lịch sử hay các sản phẩm được nhắc đến trong cuốn sách. Nhân đây, tôi muốn nói thêm, riêng với tên "Việt Nam", bản ấn hành năm 2003 ghi rõ là Việt Nam nhưng với ấn phẩm mới này, vì sách dành cho người đọc tiếng Anh nên chúng tôi quyết định dùng từ tiếng Anh thông dụng "Vietnam".
PV: Nghe có vẻ như chồng bà, ông Nguyễn Kim Long là người hỗ trợ bà rất nhiều trong những nghiên cứu về nghệ thuật của Việt Nam?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Đúng vậy, chồng tôi không chỉ là một trong những nhân tố khiến tôi thấy yêu thương và gắn kết với đất nước Việt Nam hơn, mà anh ấy còn luôn đồng hành cùng tôi trong các cuộc nghiên cứu, hỗ trợ tôi trong quá trình nghiên cứu bằng công sức của mình. Khi tôi gặp khó khăn, anh ấy cũng là người động viên tôi đừng nản chí mà hãy tiếp tục. Hơn 300 bức ảnh trong cuốn sách của tôi hầu hết do anh ấy chụp. Ở cương vị một người bạn, một đồng nghiệp thì anh ấy thật tuyệt vời.
PV: Đi đi về về Việt Nam thường xuyên như vậy, bà cảm nhận như thế nào về mảnh đất này?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Tôi gắn bó với Việt Nam đến nay đã gần 50 năm. Còn nhớ lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 1978. Khi đó, tôi theo chồng về thăm gia đình ở Sóc Trăng và đấy là một trải nghiệm đẹp. Ngoài đường, mọi người nhìn tôi lạ lẫm lắm. Lũ trẻ thì đi theo cười đùa gọi trêu tôi là “bà Liên Xô” nên các em chồng may bộ áo bà ba và quần đen cho tôi mặc ra đường, kèm theo chiếc nón lá. Nhưng, ai cũng tình cảm, hỏi han, quan tâm...
Thoắt cái đã mấy chục năm trôi qua, tôi cũng đã đi đi về về Việt Nam hàng chục lần. Việt Nam giờ thay đổi rất nhiều, hiện đại, sôi động và năng động hơn nhưng tình người thì vẫn vẹn nguyên. Mà vẻ đẹp của Việt Nam thì rất riêng. Các bạn đã có nền tảng về nghệ thuật của riêng mình, điều quan trọng là làm sao giữ gìn và phát triển nó trong tương lai. Các vùng đất di sản, các bảo vật, hiện vật của các bạn còn nhiều lắm, chính các bạn cũng đang trong quá trình tìm hiểu và khai phá nó. Tôi rất vui vì đã được cùng tham gia vào hành trình đầy cảm hứng này.
PV: Sắp tới bà có dự định nào nữa không?
Nhà nghiên cứu Kerry Nguyễn-Long: Tôi năm nay bước sang tuổi 80, chồng tôi cũng vậy. Có thể nói, cuốn sách “Vietnam Visual Arts in History, Religion & Culture” là món quà tri ân mà tôi muốn dành tặng Việt Nam, quê hương chồng tôi và cũng là quê hương thứ hai của tôi. Từ bây giờ, tôi muốn dành thời gian để đọc sách, làm vườn (tôi có mảnh vườn nhỏ) và nhiều thời gian với gia đình, bên chồng con mình và 10 cháu nội, ngoại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện thú vị này!
* Ảnh trong bài: Nguyễn Bình - NVCC