Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Hoa Kỳ sẽ đồng hành cùng Việt Nam trong việc thực hiện những mục tiêu đặt ra như trở thành nền kinh tế số vào năm 2030, nền kinh tế xanh vào năm 2050, hoặc có 80.000 nhân lực công nghệ mới... Chúng tôi sẽ tham gia mọi lĩnh vực, từ chuyển đổi năng lượng sạch, hỗ trợ sản xuất công nghệ cao, đến nâng cao chất lượng nguồn năng lực... Không chỉ có Chính phủ Hoa Kỳ, mà các doanh nghiệp và tổ chức học thuật của Hoa Kỳ cũng đóng góp, đồng hành cùng Việt Nam. Chúng tôi tự hào là một phần trong hành trình phát triển đầy tham vọng của Việt Nam.
Trong tuyên bố chung nâng cấp quan hệ giữa hai nước năm 2023, Việt Nam và Hoa Kỳ đã gọi việc hợp tác về phát triển công nghệ là bước đột phá trong quan hệ giữa hai nước. Xin nói thêm rằng, tôi vô cùng lạc quan về tương lai của Việt Nam, về cơ hội để Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất công nghệ cao. Việc hai nước cùng quan tâm đến tầm quan trọng của sản xuất chất bán dẫn, sản xuất công nghệ cao nói chung đã giúp làm nổi bật Việt Nam và cho các nhà đầu tư thấy rằng Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện bước đi táo bạo vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao. Khái niệm sản xuất chất bán dẫn và công nghệ cao không chỉ là đầu tư vào một nhà máy. Đó còn là việc tạo ra một hệ sinh thái sẽ làm cho Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Những yếu tố như lực lượng lao động và việc đảm bảo Việt Nam có lực lượng lao động cần thiết để đáp ứng các thách thức của thế kỷ 21, có thể làm việc tại các cơ sở sản xuất công nghệ cao là rất quan trọng.
Tôi nghĩ, tài nguyên lớn nhất của Việt Nam chính là con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người vô cùng cần cù, thông minh và rất chú trọng cập nhật những phát triển mới nhất trong công nghệ cao cùng các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán lượng tử. Người trẻ Việt Nam, các doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự xuất sắc vượt trội, kể cả trong các cuộc thi như Olympic Toán học, Olympic Vật lý và Olympic Robotics... Chẳng hạn, các đội tuyển trẻ Việt Nam mà chúng tôi tài trợ để tham gia cuộc thi về Robotics ở bang Texas luôn giành được nhiều huy chương. Mà không chỉ trong lĩnh vực robot, tại các cuộc thi ở lĩnh vực công nghệ cao khác, các bạn trẻ Việt Nam thường xuyên vượt qua các thí sinh từ các quốc gia khác trên thế giới.
Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam và các công ty tại Hoa Kỳ, các trường đại học tại Hoa Kỳ, để giúp Việt Nam phát triển chương trình giáo dục cần thiết nhằm đào tạo thế hệ nhà khoa học máy tính, kỹ sư điện và công nhân công nghệ cao tiếp theo. Vì vậy, tôi nghĩ, không có lý do gì để nghi ngờ rằng, trong những năm tới, Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành một trung tâm công nghệ cao của khu vực và trên thế giới.
Khi chúng ta hướng tới kỷ nguyên tăng trưởng mới, tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là phải thừa nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong việc phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là trong 3 thập kỷ qua. Thật tuyệt vời khi chứng kiến Việt Nam đang phát triển đầy nhiệt huyết và năng lượng. Đó là điều ấn tượng nhất đối với tôi.
Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam rất tham vọng, rõ ràng và có một số yếu tố chính mà tôi nghĩ thực sự tác động mạnh đến tương lai như: phát triển công nghệ, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Đây là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển và Việt Nam có tiềm năng to lớn để đạt được điều đó. Chính phủ Việt Nam hiện nay có một chủ trương mạnh mẽ là tiếp tục cải cách, tiếp tục phát triển và hiện đại hóa. Vương quốc Anh cũng đang nỗ lực phát triển nền kinh tế và các dịch vụ công, các ngành công nghiệp của riêng mình. Những gì tôi thấy ở Việt Nam là Việt Nam có tham vọng lớn để phát triển những lĩnh vực mới mà hai nước chúng ta thực sự có thể hợp tác như: khoa học và công nghệ, trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn. Tiềm năng giữa hai nước là có và quan trọng là hai nước cần tận dụng cơ hội cũng như cố gắng đạt được tăng trưởng cao.
Cũng phải nói thêm rằng, Việt Nam đang mở rộng phát triển những lĩnh vực mới và Anh có thể đồng hành cùng Việt Nam. Chúng ta có cơ sở vững chắc để làm như vậy. Ví dụ, trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, cần có một trung tâm tài chính quốc tế được thành lập tại Việt Nam và lĩnh vực này nên là ưu tiên phát triển. Ngành dịch vụ tài chính hỗ trợ rất nhiều cho phần còn lại của nền kinh tế. Nó giúp đưa tài chính và đầu tư vào ngành công nghiệp. Nó giúp đảm bảo rằng người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm họ cần. Vì vậy, chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với khu vực tư nhân và với các tổ chức của Vương quốc Anh để chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi từ Khu tài chính London và cách thức phát triển của nó trong Vương quốc Anh; cũng như chia sẻ những khả năng lựa chọn cho trung tâm tài chính quốc tế của Việt Nam phát triển trong tương lai.
Chính sách của Vương quốc Anh đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã có nhiều bước tiến lớn trong thập kỷ qua. Chúng tôi đã phát triển và mở rộng mối quan hệ của mình với Việt Nam, cũng như các quốc gia khác trong khu vực này, bởi vì, đối với chúng tôi, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương không chỉ là một khu vực có tầm quan trọng về mặt chiến lược, mà còn là một khu vực quan trọng về mặt kinh tế và là một phần quan trọng trong câu chuyện tăng trưởng, phát triển trong tương lai của thế giới. Việt Nam và Vương quốc Anh có vai trò rất quan trọng trong việc cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh trong khu vực này và cả trên thế giới.
2024 là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, với 2 sự kiện lớn: kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí Thư Tô Lâm. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện cũng thể hiện sự cam kết của Pháp trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển nhiều lĩnh vực.
Theo tôi, có 4 lĩnh vực hợp tác rất có tiềm năng giữa hai nước là: năng lượng, giao thông đường sắt, nông nghiệp bền vững và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Pháp mong muốn đồng hành cùng quá trình chuyển đổi năng lượng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu vừa bảo đảm sự tăng trưởng của Việt Nam, vừa giảm thiểu những tác động về môi trường. Thứ hai là lĩnh vực giao thông đường sắt. Sự kiện khai trương tuyến Metro số 3 tại Hà Nội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ Pháp, vì đây không chỉ là lĩnh vực thế mạnh của các doanh nghiệp nước này, mà còn là cột mốc mới trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực giao thông đô thị. Bên cạnh đó còn có dự án đường sắt tốc độ cao xuyên Việt. Pháp vốn rất nổi tiếng với hệ thống đường cao tốc TGV, thậm chí đã xuất khẩu công nghệ của mình đến nhiều nước trên thế giới.
Ngoài ra, Pháp cũng rất quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp sinh thái để bảo đảm hướng đi phát triển bền vững; lĩnh vực đào tạo nhân lực... và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong việc tinh gọn bộ máy chính trị, cải cách hành chính, phát triển nền hành chính điện tử.
Trong 40 năm đổi mới, Việt Nam luôn đặt ra cho mình những mục tiêu đầy tham vọng và luôn biết cách đạt được những mục tiêu này. Là một trong những đối tác phương Tây đầu tiên đồng hành cùng quá trình phát triển của Việt Nam từ giai đoạn mở cửa cho đến nay, chúng tôi mong muốn tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam với những mục tiêu được đề ra trong thời gian tới. Chúng tôi tin tưởng Việt Nam có đủ nguồn lực và phương thức để đạt được những mục tiêu này.
Kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, không chỉ có kinh tế, thương mại, đầu tư mà cả an ninh quốc phòng và giao lưu nhân dân. Tháng 3/2024, hai nước chúng ta cũng đã nhất trí khởi động "Sáng kiến chung Nhật Bản - Việt Nam trong kỷ nguyên mới" để đạt kết quả cụ thể trên 5 lĩnh vực hợp tác: năng lượng, đổi mới, tăng cường chuỗi cung ứng gồm cả công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện môi trường đầu tư.
Các doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, bán lẻ, xây dựng cơ sở hạ tầng... đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam. Riêng về 3 cơ sở hạ tầng chiến lược mà Chính phủ Việt Nam đã nêu ra gồm giao thông và đường sắt đô thị, năng lượng, kỹ thuật số, Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới vì sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Hợp tác với Việt Nam trong phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, Nhật Bản còn muốn đóng góp một phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia là trở thành nước phát triển và có thu nhập cao vào năm 2045. Hoặc, trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Nhật Bản sẽ sử dụng công nghệ và tài chính của mình nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra; giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 bằng cách xây dựng cơ chế hợp tác trong nhiều lĩnh vực sâu rộng như: năng lượng điện gió ngoài khơi, năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Hiện nay, số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản đã gia tăng, lần đầu tiên vượt quá 600.000 người. Nhật Bản tiếp tục giữ vị trí hàng đầu, như là điểm đến ưa thích của người lao động Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cũng đang nỗ lực hoàn thiện cơ chế và cải thiện môi trường để giới trẻ Việt Nam lựa chọn Nhật Bản và để Nhật Bản tiếp tục là thị trường lao động hấp dẫn đối với giới trẻ Việt Nam. Nguồn nhân lực người Việt Nam vô cùng quan trọng, có giá trị đối với nền kinh tế và xã hội của Nhật Bản, nên chúng tôi muốn đảm bảo rằng người lao động Việt Nam có thể sống hạnh phúc hơn ở Nhật Bản.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, dưới sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Tô Lâm đứng đầu, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam sẽ là cơ hội tuyệt vời để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm hơn nữa cho cộng đồng quốc tế. Chúng tôi tin tưởng rằng, lập trường ngoại giao tích cực như vậy của Việt Nam càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản trên các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc hay ASEAN...
Là Đối tác Chiến lược Toàn diện, Ấn Độ - Việt Nam có nhiều ưu tiên để thúc đẩy hợp tác. Chẳng hạn, việc rà soát đối với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA) dự kiến hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo ra một cơ chế đơn giản, thân thiện hơn, tạo thuận lợi cho thương mại và tăng cường chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp hai nước cũng như với các nước ASEAN khác. Tôi thấy rất vui khi các tập đoàn kinh doanh hàng đầu tại Ấn Độ và Việt Nam đang chú ý nhiều hơn đến đầu tư và hợp tác kinh doanh với những cơ hội mới nổi ở cả hai quốc gia.
Ngoài tăng trưởng kinh tế thì công nghệ cao và đổi mới sáng tạo cũng đang là những ưu tiên cấp quốc gia ở Ấn Độ và Việt Nam; thúc đẩy trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau cũng như các sáng kiến về giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng. Một số công ty Ấn Độ đã có mặt và mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin và ứng dụng kỹ thuật số. Tháng 11/2024, Trung tâm Đào tạo và Phát triển phần mềm chất lượng cao do Ấn Độ hỗ trợ thành lập tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, TP Hồ Chí Minh đã được khánh thành. Trước đó, hồi tháng 8/2024, Công viên phần mềm quân đội tại Trường Đại học Thông tin liên lạc Nha Trang với trang thiết bị hiện đại, trung tâm dữ liệu, máy chủ và cơ sở đào tạo do Chính phủ Ấn Độ tài trợ cũng được thành lập...
Tôi tin rằng, đối thoại và trao đổi giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực như viễn thông 5G & 6G, cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số, công nghệ quốc phòng, đổi mới do doanh nghiệp khởi nghiệp thúc đẩy, hợp tác trong giáo dục công nghệ, ứng dụng không gian... sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước và thúc đẩy con đường phát triển thông qua công nghệ và đổi mới. Việc tổ chức đối thoại an ninh song phương vào tháng 12/2024 để tiếp nối đối thoại an ninh gần đây nhất vào năm 2022 cho thấy cam kết, sự quan tâm và triển vọng hơn nữa trong việc tăng cường hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các lĩnh vực như giải quyết các cuộc tấn công mạng, tội phạm xuyên quốc gia, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan; chia sẻ các hoạt động và kinh nghiệm về an ninh kinh tế và các công nghệ mới nổi.
Ấn Độ và Việt Nam, với tư cách là hai nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ gấp đôi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình toàn cầu, đang chứng kiến sự gia tăng tương đối nhanh chóng về các cơ hội kinh tế và kinh doanh giữa hai nước. Điều quan trọng là các doanh nghiệp và tập đoàn của chúng ta phải chung tay với nỗ lực của hai chính phủ để tận dụng những bước phát triển này. Việc mở rộng thêm các cầu nối chuỗi giá trị, hợp tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe, kết nối tài chính và ngân hàng, kết nối vận tải hàng hải và hàng không dân dụng, trao đổi công nghệ... có thể là những yếu tố đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của hai nước trong tương lai.