Tình thương lặn lội 6 thập kỷ
Những ngày này, Thượng tá Chu Nghiêm, 85 tuổi, cựu cán bộ Công an thành phố Hà Nội đang sống trong cảm xúc ngỡ ngàng khó tả, niềm vui xen lẫn niềm thương nhớ. Bởi điều mà ông mong mỏi hơn nửa thế kỉ qua đã trở thành hiện thực, là tìm thấy con gái sau 57 năm thất lạc, từ khi con là bé gái 20 tháng tuổi.
Ông bảo nếu không có các đồng chí Công an phường Cửa Nam, Hà Nội tận tình giúp đỡ, cùng với sự tiện ích của hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thì có lẽ sẽ không bao giờ có điều kỳ diệu này.
Cuộc gặp đặc biệt tại phòng tiếp dân công an phường
Sáng 24/3/2025, Thiếu tá Chu Đức Hùng và Đại úy Nguyễn Văn Luân, cán bộ Công an phường Cửa Nam, đang làm nhiệm vụ tại khu vực ga Hà Nội thì một người phụ nữ tới gặp để nhờ hỗ trợ. “Chị là Nguyễn Thị Thủy cùng người con rể đến hỏi chuyện chúng tôi. Chị ấy từ Bắc Giang xuống tìm thông tin về người cha. Chúng tôi hỏi chị Thủy có ảnh và thông tin của người cha không thì chị lắc đầu. Chị chỉ có đoạn video của người cha tìm con gái thất lạc tên là Chu Thị Tuyết Mai ở khu vực ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội), từa tựa như hoàn cảnh của chị, nên chị xuống đây tìm xem có đúng không. Chúng tôi hướng dẫn chị đến trụ sở công an phường ngay gần đó, để đồng đội của tôi có thể hỗ trợ”, Thiếu tá Hùng nhớ lại.

Tại trụ sở, các đồng chí công an phường đã hỏi kĩ tình tiết vụ việc, nhưng thông tin thu được rất ít ỏi và mơ hồ. Chị Thủy không có một chút ký ức nào về thời điểm đó, chỉ nghe nói lại rằng mình bị lạc cha mẹ từ khi là một đứa trẻ 20 tháng tuổi, được bố mẹ nuôi đưa về Bắc Giang từ đó đến nay. Ngoài đoạn video, chị Thủy không có bất cứ một thông tin xác thực nào về người cha chị đang đi tìm. Như mò kim đáy bể, nhưng các cán bộ công an phường vẫn kiên nhẫn nghe chị trình bày và xem lại video để chắt lọc thông tin. Người đàn ông trong video tên là Chu Nghiêm, đi tìm con gái sinh năm 1967, bị lạc ở ga Hàng Cỏ từ năm 1968, lúc con gái 20 tháng tuổi.
Đại úy Nguyễn Duy Long – cán bộ Công an phường Cửa Nam chia sẻ: “Tuy thông tin rất mơ hồ, nhưng xác định đây là trách nhiệm giúp người dân nên chúng tôi báo cáo Trung tá Nguyễn Huy Quý – Trưởng Công an phường. “Nhìn chị Thuỷ dáng người nhỏ bé, từ Bắc Giang xuống tìm cha, tôi rất xúc động. Tôi phân công nhiệm vụ cho các tổ cảnh sát khu vực, tổ hình sự, bộ phận căn cước tập trung tìm thông tin về ông Chu Nghiêm”, Trung tá Quý chia sẻ.
Đại úy Long cho biết: “Chúng tôi tìm thông tin bằng nhiều cách. Từ việc lật tìm hồ sơ lưu trữ, hỏi các đồng chí cảnh sát khu vực của phường thời kỳ trước, đến việc liên hệ với quản trị trang fanpage đăng đoạn video, nhưng chưa có kết quả. Song song với đó là tra cứu thông tin trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống cấp căn cước”.
Đại úy Trần Thị Thùy Linh - tổ căn cước cho biết: “Cái tên Chu Nghiêm khá đặc biệt, nên không có nhiều người trùng tên. Chúng tôi đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt, cuối cùng cũng tìm thấy trường hợp công dân có tên Chu Nghiêm sinh năm 1941, hiện ở quận Hoàng Mai. Chưa biết có phải là người mà chị Thủy đang tìm hay không, nhưng từ chỉ huy đến cán bộ chiến sĩ đều hy vọng và tập trung vận dụng mọi cách có thể, bởi chúng tôi không nỡ để chị Thủy phải thất vọng trở về quê”.

Đại úy Vũ Văn Khoa – tổ Cảnh sát hình sự, được giao nhiệm vụ liên lạc với công dân Chu Nghiêm. Anh nhớ lại: “Tôi nhập số điện thoại của công dân Chu Nghiêm vào Zalo, lập tức thấy ảnh bìa là đoạn tin nhắn tìm người thân tên là Chu Thị Tuyết Mai. Lúc đó tôi đã ngờ ngợ, linh cảm đây có lẽ chính là người mà chị Thủy cần tìm”. Sau khi anh trao đổi thông tin với ông Nghiêm, chỉ một lúc sau ông được con trai đưa đến trụ sở công an phường.
Ông Nghiêm cho biết mình là thượng tá công an đã nghỉ hưu, trước đây công tác tại Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Hà Nội. Ông chính là người trong video tìm con. Cả ông Nghiêm và chị Thủy đều đưa ra nhiều câu hỏi, mong mỏi tìm được chút liên quan. “Ông Nghiêm xưng là chú, gọi chị Thủy là con, còn chị Thủy khóc rất nhiều. Chúng tôi chứng kiến giây phút đó đều xúc động. Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy thời điểm, địa điểm ông Nghiêm mất con trùng với thời điểm, địa điểm chị Mai được đưa về nuôi ở Bắc Giang. Tuy nhiên, để xác định chính xác quan hệ huyết thống của hai người thì cần phải xét nghiệm ADN. Điều đó phải do hai bên tự trao đổi và quyết định”, Trung tá Quý kể.
Ngày 25/4/2025, một tháng sau cuộc gặp định mệnh tại Công an phường Cửa Nam, ông Nghiêm đến công an phường thông báo tin vui: Kết quả xét nghiệm ADN đã xác định ông và chị Nguyễn Thị Thủy có quan hệ cha – con. Chị Thủy chính là con gái ruột Chu Thị Tuyết Mai mà ông tìm kiếm bao nhiêu năm qua. Đó thực sự là cái kết có hậu, là niềm vui không chỉ của bố con ông Nghiêm, mà còn của cán bộ chiến sĩ Công an phường Cửa Nam khi trở thành nhịp cầu nối bờ vui đoàn tụ. Đó cũng là minh chứng cho tính hiệu quả, thiết thực khi triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
57 năm cha đi tìm con
Tôi theo Đại úy Vũ Văn Khoa đến thăm Thượng tá Chu Nghiêm. Căn chung cư ở quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội của ông những ngày này luôn ấm áp, rộn ràng. Đã 84 tuổi, ông Nghiêm vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, nói năng khúc triết. Ánh mắt lấp lánh niềm vui, ông bảo: “Họ hàng, người thân hỏi thăm tôi. Các đồng chí đồng đội khóa D2, Học viện An ninh nhân dân cũng gọi điện, nhắn tin chúc mừng tôi đã tìm được con. Bạn bè, đồng chí đều biết hoàn cảnh của tôi, hỗ trợ tôi, động viên tôi suốt bao nhiêu năm qua. Đồng đội của tôi đều bảo: “Thật kỳ tích anh Nghiêm ơi, như một giấc mơ vậy”. Tôi lạc mất con khi 27 tuổi, nay 84 tuổi tôi mới tìm được con, đúng là chỉ trong mơ tôi mới nghĩ đến”.

Ông Chu Nghiêm sinh ngày 30/4/1941 ở xã Phúc Lợi, huyện Gia Lâm, nay là phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi mới 10 tuổi, Chu Nghiêm đã đi làm liên lạc, hoạt động ở tiểu đoàn Thiên Đức từ 1951-1953. Năm 1959, ông tái ngũ, đến năm 1962 chuyển ngành sang Công an. Ông là học viên khóa D2, Học viện An ninh nhân dân.
Năm 1966, ông và bà Bùi Thị Lý (sinh năm 1948) nên duyên vợ chồng. Vợ ông làm tại bưu điện ga Hàng Cỏ nên gia đình ông ở ngay trong khu vực ga tàu. Ông kể: “Ngày 17/4/1967, vợ tôi sinh con gái đầu lòng, tên là Chu Thị Tuyết Mai. Ngày 16/12/1968, trời đã vào đông rét mướt, khi ấy vợ tôi mới sinh con trai thứ 2 được một tháng, vẫn đang ở cữ. Tôi lúc đó đang đi làm nhiệm vụ không ở nhà. Vợ tôi nằm bế con nhỏ trong phòng, con gái tôi lẫm chẫm ra ngoài và lạc mất. Khi đó bé Mai 20 tháng tuổi”.
Lo lắng, hoảng hốt, ông Nghiêm lập tức ra ga hỏi thời điểm đó có đoàn tàu nào rời ga. Theo suy đoán của ông, rất có thể một ai đó đã thấy cháu và đưa lên tàu hỏa. Thời điểm đó có đoàn tàu đi Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai và vào Nghệ An. Ông nhờ cậy người thân, họ hàng, bạn bè, đồng đội tìm con. Tờ thông báo truy tìm trẻ em thất lạc của Phòng Cảnh sát hình sự, Sở Công an Hà Nội ngày 19/12/1968 được phát đi nhiều nơi. Trong thông báo ghi rõ bé Mai có đặc điểm tóc thưa, da ngăm đen, đi chân đất, khi đi cháu mặc váy lanh Liên Xô hoa xanh đỏ, bên trong có mặc áo sơ mi hoa kẻ sọc nâu... Tuy nhiên mọi cố gắng vẫn không đem lại kết quả.
Theo lời ông Nghiêm thì thời kỳ đó nạn bắt cóc trẻ em thường xuyên xảy ra. Vì thế, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã cử một tổ công tác truy tìm trẻ em bị bắt cóc. Ông được Ban Giám đốc Công an Hà Nội cho tham gia vào tổ công tác đó để vừa làm nhiệm vụ vừa đi tìm con. Mang theo giấy khai sinh của bé Mai, giấy thông báo tìm trẻ lạc, ông đã đi khắp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, các huyện ngoại thành Hà Nội tìm con. Cũng có một vài trường hợp trẻ bị lạc bố mẹ, nhưng khi tìm gặp thì không phải con ông. Điều khiến ông khổ tâm là chưa kịp chụp cho con gái một tấm ảnh nào. Trong suốt hành trình gian nan ấy, đến đâu ông cũng được đồng chí đồng đội giúp đỡ đưa đi tìm con. Nhưng lúc đó thời chiến tranh, việc tìm con đâu có dễ dàng nên bé Mai vẫn bặt vô âm tín.
Tai họa lại một lần nữa giáng xuống gia đình ông Nghiêm. Vài tháng sau thời điểm con gái mất tích, đứa con trai được 6 tháng tuổi cũng bỏ vợ chồng ông đi sau một trận ốm nặng. “Chỉ trong sáu tháng, tôi lạc một đứa con, mất một đứa con. Đó là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp của gia đình tôi. Chúng tôi nhớ con quay quắt, lo lắng, hoang mang, tôi tưởng mình không trụ nổi. Nhưng tôi phải cố gắng cứng cỏi để động viên vợ tôi đứng vững”, ông Nghiêm nghẹn ngào.
Ông Nghiêm nói với chúng tôi rằng, 57 năm qua, hành trình tìm con chưa một ngày dừng lại, từ mùa đông giá rét đến mùa hè đổ lửa. Có lần ông lên huyện Chợ Mới, Bắc Kạn, vào gặp đồng chí trưởng công an huyện nhờ giúp đỡ. Đồng chí ấy lập tức cử cán bộ đưa ông đi tìm, suốt mấy ngày mà không thấy. Thất vọng quay về, giữa đường trời mưa tầm tã, nước mắt hòa lẫn nước mưa.
Gia đình ông Nghiêm đã nhiều lần chuyển chỗ ở, nhưng có 2 thứ quan trọng nhất ông luôn giữ bên mình, là giấy khai sinh của bé Mai và tờ giấy truy tìm trẻ lạc. Tuy không có một tấm ảnh nào của con, nhưng hình ảnh con gái bé nhỏ 20 tháng tuổi lẫm chẫm và bập bẹ gọi “bố ơi” mãi in hằn trong trí nhớ của ông gần 6 thập kỷ qua.
“Nếu bố mất rồi mà các con tìm được chị, thì hãy yêu thương chị”.
Thời gian trôi đi, vợ chồng ông Nghiêm sinh thêm 3 người con, 1 gái 2 trai. Ông bà luôn kể chuyện “chị Mai” cho các con nghe, như thể “chị Mai” vắng nhà chứ không hề xa lạ. Đã có mấy lần ông Nghiêm tìm được một vài trường hợp nghi là con, nhưng khi xét nghiệm ADN thì không phải. Nhiều lần hy vọng rồi thất vọng, rồi lại tiếp tục ngóng chờ tin con. Có lần, vợ chồng ông mang theo cả các con cùng rong ruổi đi tìm con gái.
Năm 1998, Thượng tá Chu Nghiêm nghỉ hưu và tiếp tục hành trình tìm con. Ông đăng tin tìm con trên báo, đài, thậm chí cả chương trình truyền hình. Hình đại diện trên Facebook và Zalo ông đều đăng thông báo tìm người thân, nhưng vẫn không có kết quả. Khi tuổi đã cao, ông dặn các con: “Nếu bố còn sống mà chị về với bố thì không gì vui bằng. Nếu bố mất rồi mà các con tìm được chị, thì hãy yêu thương chị”.

Theo lời ông Nghiêm thì đến đầu năm 2025, ông nhờ người đăng tải video tìm con trên mạng xã hội. Như một phép màu, con gái ông đã xem được đoạn video và đi tìm ông. Ông bộc bạch: “Lần đầu gặp Thủy, trước mắt tôi là người phụ nữ 58 tuổi, làm sao còn có nét của bé gái khi mới 20 tháng. Con tôi lớn lên như thế nào, hình dáng thay đổi ra sao, tôi nào có biết. Nhưng nhìn Thủy mắt đỏ hoe, từng lời nói đều thấm đẫm mong mỏi tìm cha, trong tôi trào lên tình thương. Tôi cảm thấy vững tin khi các cán bộ Công an phường Cửa Nam quan tâm, chia sẻ và làm việc đầy trách nhiệm để giúp đỡ tôi”.
Ngày nhận kết quả xét nghiệm ADN có lẽ là ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời Thượng tá Chu Nghiêm. Từ hôm hai bố con tìm được nhau, ngày nào họ cũng gọi điện cho nhau trò chuyện. Ông bảo ngày ấy con mới 20 tháng, nay đã thành bà ngoại, bà nội, đầu hai thứ tóc. Khoảng cách 57 năm không gì lấp đầy được, nên ông thương con lắm. Các con ông, là em trai, em gái của Tuyết Mai cũng mừng mừng tủi tủi khi tìm được chị.
Lời ông nói chất chứa tình cha sâu nặng: “Tôi mừng vì con khỏe mạnh, sống lương thiện. Suốt những năm qua chúng tôi đều nhớ và mừng sinh nhật vắng mặt con. Khi thì cắm bình hoa, khi thì có chiếc bánh sinh nhật. Bà nhà tôi đã mất cách đây 5 năm mà không kịp biết rằng con gái còn sống và ở cách chúng tôi không xa. Có lẽ bà ấy phù hộ cho bố con tôi tìm thấy nhau”.
Vốn là một sĩ quan an ninh, ông hay tưởng tượng, suy đoán các phương án tìm con và có niềm tin mãnh liệt sẽ tìm được khi có đủ 4 điều kiện. Thứ nhất là con còn sống, thứ 2 là con biết rằng con có cha mẹ ruột, thứ 3 là bản thân con muốn đi tìm cha mẹ, thứ 4 là nơi con đang sinh sống không quá xa xôi hẻo lánh mà không thể tiếp cận được thông tin cha đang tìm con. Có một điều chắc chắn, là ông chưa bao giờ nghĩ đến trường hợp xấu nhất.
“Tôi được nhặt ở ga, thì quay về ga để tìm bố mẹ”
Chúng tôi đã liên lạc với chị Nguyễn Thị Thủy ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Mấy ngày nay chị tất bật với những chuyến lên thủ đô thăm bố Nghiêm. Vừa mới đây, bố Nghiêm đưa chị về quê nhận họ hàng ở quận Long Biên. Đi đến đâu bố cũng nói: “Đây, con bé Mai đây, con gái tôi đây”.
Chị Thủy kể rằng mình không có một chút kí ức nào về thời thơ bé. Khi lớn lên thì bố mẹ bảo chị sinh năm 1966, là con đầu của ông bà, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thủy. Sau chị, ông bà sinh thêm 5 người con nữa. Rồi dần dần, qua câu chuyện của hàng xóm láng giềng, chị mơ hồ biết rằng năm 1968, chị được bố mẹ “nhặt” từ ga Hàng Cỏ về nuôi nấng. Vì sợ bố mẹ buồn nên chị không bao giờ hỏi về câu chuyện năm xưa. Dù bố mẹ nuôi rất yêu thương chị, nhưng chị luôn đau đáu về nguồn cội của mình, nhưng không có một manh mối nào để đi tìm cha mẹ đẻ.

Năm năm 1984 chị lấy chồng ở gần nhà và sinh lần lượt 3 người con. Quanh năm suốt tháng chị tần tảo sớm hôm với ruộng vườn. Chồng chị đã mất cách đây vài năm. Các con chị cũng đã lấy vợ, lấy chồng. Chị càng mong mỏi một ngày được biết bố mẹ đẻ của mình là ai, tại sao chị lại phải xa bố mẹ để lên sinh sống ở Bắc Giang. Đầu tháng 3/2025, một người họ hàng của bố mẹ nuôi gửi cho chị đoạn video trên mạng xã hội để chị “tham khảo”. Chị mở ra xem thì thấy có một người là Chu Nghiêm đang tìm con gái bị thất lạc. Mốc thời gian và địa điểm con gái ông Nghiêm bị lạc có phần giống với hoàn cảnh của chị.
Chị kể: “Tôi xem đi xem lại đoạn video không biết bao nhiêu lần. Ngày 24/3/2025, sau bao nhiêu trăn trở, hối thúc, tôi quyết định xuống Hà Nội, nhưng giấu mọi người trong gia đình, chỉ có cậu con rể đưa tôi đi là biết mục đích chuyến đi ấy. Tôi được nhặt ở ga Hàng Cỏ thì tôi quay về ga để tìm bố mẹ. Tôi đến khu vực bưu điện ga, nhưng không còn gia đình nào ở đấy nữa. Hỏi ông bán nước gần đó thì ông lắc đầu không biết. Thật may có các đồng chí Công an phường Cửa Nam tận tâm giúp đỡ nên tôi đã gặp được chú Nghiêm. Nhìn thấy chú Nghiêm là tôi òa khóc, một cảm giác thân gần đặc biệt dâng lên”.
“Ngày 17/4/2025, chú Nghiêm hẹn tôi xuống nhà chú để cùng mở phong bì kết quả. Cả hai chúng tôi đều vỡ òa khi đọc kết luận “có quan hệ huyết thống bố - con”. Tôi nghẹn ngào gục đầu vào vai bố mà khóc. Nếu không có cuộc hội ngộ này thì tôi đâu biết mình còn có tên Tuyết Mai, rằng bố Nghiêm vẫn đau đáu đi tìm tôi. Bởi trước đó có lúc tôi tủi thân nghĩ rằng, hay là bố mẹ đem cho tôi đi. Tôi hãnh diện vì có bố là một cán bộ công an. Tôi hạnh phúc khi giờ đây có 2 người bố và 2 người mẹ. Chỉ tiếc rằng tôi không kịp gặp được mẹ đẻ của mình. Tôi vui khi có 2 cái tên, có đến 8 anh chị em ở hai gia đình, có thêm một mái ấm ở Hà Nội để đi về thăm bố và các em”, giọng chị khấp khởi mừng.
Ngắm gương mặt đã nhăn nheo của bố, chị Thủy hỏi: “Bố thấy con của đồng chí Công an có giỏi không, con đi tìm một lần là thấy bố”. Bố nheo mắt nhìn con và mắng yêu: “Bố chị!”. Rồi hai bố con cùng cười, khi những giọt nước mắt hạnh phúc cứ lặng lẽ rơi…