Bộ Y tế làm việc với Bình Dương liên quan về việc các bệnh nhân cấp cứu bị từ chối tiếp nhận
Ngày 20/8, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế trực tiếp đến Bình Dương, chỉ đạo xử lý sự việc từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến tử vong.
Trước đó, bà T.K (50 tuổi, quê Cà Mau) tức ngực, khó thở nên được người thân đưa đến Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An (P. Thuận Giáo, TP Thuận An) nhưng không được bảo vệ cho vào cấp cứu mà chỉ đi nơi khác dẫn đến hậu quả bà K tử vong trên đường.
Tương tự, ông N.D (57 tuổi) có tiền sử huyết áp cao, có dấu hiệu đột quỵ. Ông D chuyển biến nặng, khó thở, nôn ói nên được đưa đến phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, phòng khám này cho rằng bệnh ông D nặng quá nên chuyển đi nơi khác. Đến nơi khác cũng không được nhận, nên ông D tử vong.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, ngay khi có sự cố xảy ra, lực lượng thanh tra ngành y tế và công an đã vào cuộc. Hiện vụ việc đang được làm rõ và xử lý một cách khẩn trương theo chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như tỉnh Bình Dương. Trước mắt, đã ký và ban hành văn bản đề nghị Phòng khám Đa khoa Phúc Khang An và Phòng khám Đa khoa Hồng Ngọc tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác xác minh sự việc của cơ quan pháp luật và Thanh tra Sở Y tế.
Lý do ban đầu hai phòng khám trên bị dừng hoạt động là để xảy ra tình trạng bệnh nhân không tiếp cận được cơ sở để cấp cứu, thực hiện chuyển viện không an toàn dẫn đến người bệnh tử vong trên đường.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả cơ sở y tế công lập và tư nhân phải tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Nếu vi phạm, căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý, Sở Y tế Bình Dương cần xử lý ngay vụ việc này.
Trực tiếp đến kiểm tra tại hai phòng khám trên, ông Lương Ngọc Khuê yêu cầu Giám đốc Sở Y tế Bình Dương phải tạm thu giữ ngay giấy phép hoạt động khám chữa bệnh của hai cơ sở. Cùng với đó, giám sát nghiêm việc thực hiện tạm dừng hoạt động, phải thật nhanh chóng làm rõ các vi phạm (nếu có), sai ở cá nhân nào, khâu nào phải xử lý rốt ráo ngay.
Ông Nguyễn Hồng Chương khẳng định, Công an và Thanh tra ngành y tế đang hoàn tất thanh tra, điều tra. Mặc dù trong lúc này ngành y tế rất cần lực lượng khám chữa bệnh nhưng đối với sai phạm chủ ý hay không chủ ý… sẽ được làm rõ. Ngành y tế Bình Dương cũng đã cảnh báo nhiều lần, yêu cầu tất cả các cơ sở phải trực cấp cứu 24/24 theo đúng giấy phép đăng ký khám chữa bệnh, không được từ chối bệnh nhân, nếu sai xử theo pháp luật.
Ngoài chỉ đạo xử lý các phòng khám, đoàn công tác Bộ Y tế còn làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng một số ban ngành và kết nối làm việc trực tuyến với các Trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn tỉnh này về công tác điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Theo thông tin Sở Y tế Bình Dương, hết ngày 19/8, tổng số ca nhiễm COVID-19 trong đợt dịch thứ 4 ở Bình Dương đã vượt mốc hơn 55.600 ca. Ghi nhận tại nhiều địa phương ở Bình Dương, số ca tử vong vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nắm bắt tình hình từ một số Bệnh viện dã chiến, các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19, BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương cho biết, cần phải điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế; điều trị tốt, điều trị sớm, đúng phác đồ thì cơ may cứu bệnh nhân sẽ cao.
“Chúng tôi đã chia các phác đồ thành 2 nhóm và in phác đồ cụ thể điều trị cho từng nhóm bệnh (tầng bệnh) phát cho mỗi bác sĩ một tập. Bệnh nhân nào nhóm 1 dán phác đồ vào bệnh án, nhóm 2 cũng thế. Ví dụ như nhóm 1 thì phải có thuốc chống đông; nhóm 2 thuốc chống đông, tiêu huyết và thở oxy. Nhóm 3 nặng lên rồi thì chuyển lên Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương”, BS Nguyễn Lân Hiếu cũng chia sẻ.
Để giảm thiểu ca bệnh tử vong, ông Lương Ngọc Khuê cho rằng lãnh đạo tỉnh cần nắm chắc cơ sở điều trị nào có bao nhiêu giường trống, chỗ nào cần điều chuyển bệnh nhân nặng. Tỉnh cần mở rộng điều trị ở tầng 1, tầng 2, vì 80% bệnh nhân COVID-19 là nhẹ và không có triệu chứng. Cùng với đó đẩy mạnh cấp phát các túi thuốc an sinh đến người dân, huy động tối đa hệ thống y tế tư nhân vào cuộc. Đặc biệt, phải tổ chức, quản lý, điều hành cho thông suốt, điều trị thật sớm, chuẩn theo phác đồ; hạn chế tối đa để bệnh nhân chuyển biến nặng, khó lường.