4 tỉnh phía Nam cần tận dụng "thời gian vàng" để cắt đứt chuỗi lây nhiễm

Thứ Tư, 28/07/2021, 15:09
Sau 10 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại 4 địa phương: Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre
vẫn tiếp tục gia tăng. 4 tỉnh phải tận dụng "thời gian vàng” để thực hiện đồng bộ "chặt trong- chặt ngoài", sớm cắt đứt nguồn lây nhiễm. 


Số ca mắc tăng nhanh

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế với các tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, An Giang và Bến Tre vào chiều 27/7, lãnh đạo ngành y tế tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ ca nhiễm đầu tiên vào ngày 4/7, đến nay số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng nhanh, lên 144 ca. Có 1.190 trường hợp là F1 đang cách ly tập trung.

Hiện tại khu công nghiệp trên địa bàn có khoảng 20.000 công nhân làm việc, trong đó đặc biệt tại các nhà máy chế biến thuỷ sản có môi trường khép kín nên Sóc Trăng tổ chức mô hình hoạt động “3 tại chỗ”.

Tỉnh lập hơn 1.000 tổ COVID-19 cộng đồng và hơn 100 chốt tại nhiều điểm trên địa bàn để đảm bảo thực hiện Chỉ thị 16 “ở trong chặt và ở ngoài cũng chặt”; đã thiết lập 10 vùng cách ly y tế trên địa bàn.

Tại An Giang, trong 3 ngày gần đây (25-27/7), số ca mắc tăng mạnh với hơn 110 ca, chủ yếu là đối tượng F1 chuyển thành bệnh nhân. Hiện toàn tỉnh đang có 175 trường hợp. Hiện có 3 chùm ca bệnh ở huyện Châu Thành, Châu Đốc và TP Long Xuyên. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh truy vết, xét nghiệm các trường hợp liên quan, do đó, dự kiến số ca bệnh sẽ gia tăng.

Tại Tiền Giang, từ 5/6 đến nay, tỉnh có hơn 2.052 bệnh nhân, 231 ca khỏi, 32 ca tử vong. Tất cả các địa phương trong tỉnh đều có ca mắc COVID-19. 

Đại diện tỉnh Tiền Giang cho biết, những ngày gần đây số ca nhiễm tăng nhanh. Nếu thời gian đầu chỉ khoảng 30 ca/ngày thì mấy ngày qua, có ngày tăng lên 200 ca. Toàn tỉnh đã thành lập 291 tổ truy vết.

“Chúng tôi cho rằng tình hình diễn biến dịch của địa phương rất phức tạp, tới đây số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng. Do đó, chúng tôi mong muốn Bộ Y tế chi viện thêm cho tỉnh 10 bác sĩ chuyên ngành hồi sức”- đại diện tỉnh Tiền Giang nói.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên họp trực tuyến với 4 tỉnh phía Nam. (Ảnh: Trần Minh)

Tại Bến Tre, từ 3/7 đến nay đã ghi nhận 585 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; 8/9 huyện, thị đã có bệnh nhân COVID-19.

Liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị 16 từ 19/7, tại cuộc họp, đại diện 3 trên 4 tỉnh gồm Bến Tre, An Giang và Tiền Giang cho biết đã yêu cầu người dân không ra đường nếu không có lý do thực sự cần thiết từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Riêng với An Giang, tỉnh đang xem xét có thể kéo dài Chỉ thị 16. Còn Bến Tre đề xuất sau 14 ngày thực hiện Chỉ thị 16 thì không dừng đột ngột mà giảm dần mức độ.

Nâng cao năng lực điều trị

Do số ca bệnh tăng nhanh và dự báo tình hình dịch sẽ còn diễn biến phức tạp nên các tỉnh Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang và Tiền Giang đều cho biết, ngoài các cơ sở điều trị đã có, số giường bệnh đã chuẩn bị, các địa phương đều chủ động thiết lập, lên kế hoạch xây dựng thêm bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng…; đồng thời thiết lập thêm khu vực điều trị cho bệnh nhân nặng. Hiện các tỉnh đều thực hiện “phân tầng” điều trị.

Tại An Giang, có 14 bệnh viện tuyến tỉnh và huyện dùng làm khu điều trị bệnh nhân COVID-19, riêng Bệnh viện tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân nặng đến rất nặng với tổng số khoảng 90 giường; Trung tâm Y tế tuyến huyện và Phòng khám Đa khoa khu vực tiếp nhận điều trị bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhẹ đến trung bình với tổng số hơn 150 giường.

Hiện nay, do lượng bệnh nhân tăng nên tỉnh đã chuyển toàn bộ hoạt động của Trung tâm Y tế huyện Châu Thành sang điều trị bệnh nhân COVID-19 quy mô 100 giường. “An Giang đang xây dựng mở rộng thêm 300 giường bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19”- đại diện tỉnh An Giang thông tin.

Tại Tiền Giang hiện có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, với quy mô khoảng 3.290 giường theo các tuyến, “tầng” khác nhau, trong đó có 80 giường điều trị bệnh nhân nặng đi vào hoạt động ngày 28/7.

Tại Sóc Trăng, bệnh nhân tại 4 bệnh viện dã chiến đã được phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đặc biệt tại bệnh viện trung tâm là nơi chỉ điều trị nặng và nguy kịch.

Để chủ động trong điều trị, tuần tới, khu điều trị quy mô 150 giường sẽ được tỉnh Sóc Trăng đưa vào vận hành, nâng công suất điều trị của tỉnh lên hơn 600 giường với 40 giường dành cho bệnh nhân COVID-19 diễn biến nặng.

Tại Bến Tre, hiện năng lực thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 của tỉnh khoảng 1.750 giường theo các tuyến điều trị khác nhau.

Về xét nghiệm, các tỉnh này thực hiện được khoảng từ 900 tới hơn 2.200 mẫu đơn/ngày, trong đó 4 cơ sở xét nghiệm của Tiền Giang có thể xét nghiệm 2.247 mẫu đơn/ngày.

Bến Tre đang lên kế hoạch mở rộng các khu cách ly tập trung theo các tuyến khác nhau. An Giang đã chuẩn bị đủ điều kiện cách ly 4.000 giường và đang mở rộng thêm cơ sở cách ly nâng quy mô lên 5.000 giường.

Tiền Giang đã đưa vào hoạt động 69 khu cách ly, hiện đang cách ly 3.985 người; Bến Tre là 4.549 giường; Sóc Trăng đang mở rộng thêm cơ sở cách ly, nâng tổng số giường lên hơn 7.600.

Tại cuộc họp, đại diện 4 tỉnh này cho biết đã được phân bổ khoảng 395.000 liều vaccine phòng COVID-19 cho 3 đợt tiêm. Đến nay, các tỉnh đang bắt đầu tiêm đợt 3.

Tận dụng "thời gian vàng" trong giãn cách

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế cũng đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch của 4 địa phương này

TS Đăng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, chỉ trong thời gian ngắn số ca dương tính của  địa phương gia tăng nhanh. Do đó, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truy vết, giám sát. Các địa phương cần thực hiện nghiêm việc giãn cách tránh tình trạng “bên ngoài chặt nhưng bên trong lỏng lẻo”, bởi nếu không thực hiện nghiêm thì nguy cơ lây nhiễm gia tăng là hiện hữu.

Các địa phương cần thường xuyên đánh giá nguy cơ của từng khu vực theo từng mức độ và phân loại để triển khai giải pháp chống dịch phù hợp. Đối với khu vực nguy cơ rất cao cần nhanh chóng tổ chức truy vết triệt để nhằm cách ly nguồn lây ra cộng đồng; đồng thời các địa phương cũng cần rà soát, chuẩn bị sẵn cơ sở vật chất về cách ly.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế nhấn mạnh Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải quan tâm và đảm bảo về phòng chống dịch tại các khu công nghiệp; phải xét nghiệm định kỳ hàng tuần ít nhất cho 50% công nhân trong các nhà máy của các khu công nghiệp.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, dự báo tình hình dịch của 4 tỉnh sẽ diễn biến phức tạp hơn. “Tôi đề nghị các tỉnh không chủ quan, tiếp tục thực hiện biện pháp phòng chống dịch nghiêm túc, quyết liệt trong bối cảnh số ca mắc trong 9 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của các tỉnh vẫn tăng cao. Đây là thời gian vàng, phải thực hiện đồng bộ "chặt trong- chặt ngoài", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Về đề nghị của một số tỉnh không dừng đột ngột thực hiện Chỉ thị 16, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, hiện có 3 chỉ thị 15, 16 và 19 theo từng mức giãn cách khác nhau đã được hướng dẫn cụ thể.

Về phòng chống dịch trong cộng đồng, Thứ trưởng đề nghị phải tăng cường năng lực xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm rồi khoanh vùng, truy vết, phong tỏa. Tại các địa bàn phong tỏa, phải sàng lọc ít nhất 1% dân số bằng các phương thức xét nghiệm.

4 tỉnh cần nâng cao năng lực cách ly với ít nhất 10.000 chỗ/tỉnh và xây dựng phương án cách ly F1 tại nhà theo hướng dẫn chi tiết Bộ Y tế đã ban hành.

Trước dự báo số ca mắc có khả năng tăng nhanh trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các tỉnh phải xây dựng ít nhất 5.000 giường điều trị, với ít nhất 100 giường ICU/tỉnh. Trong đó, Trung tâm ICU phải đặt ở bệnh viện đa khoa tỉnh, kết nối với hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đồng thời kết nối các bệnh viện dã chiến hay bệnh viện tuyến dưới. Cùng đó, các bệnh viện dã chiến cần đặt ở từng khu vực.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo, bệnh viện đa khoa tỉnh chỉ tập trung điều trị bệnh nhân nặng, các bệnh nhân còn lại thực hiện phân tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh quá tải cho bệnh viện đa khoa tỉnh, bởi tuyến cuối này còn tập trung chăm sóc sức khoẻ cho người dân mắc các bệnh nặng khác.

T.Bình -T.Hằng
.
.