Những tiền nhân lạc thời

Bài cuối: Đặng Huy Trứ: "Làm ra của cải là một đạo lý lớn"

Thứ Tư, 29/08/2018, 07:24
Một ngày xuân cách đây 150 năm, ngày 14-3-1869, trên phố Thanh Hà - Hà Nội, xuất hiện một hiệu ảnh mang tên "Cảm Hiếu Đường" do người Việt Nam lập ra. Người đã lập nên hiệu ảnh ấy, và sau này được suy tôn là"ông tổ nghề nhiếp ảnh"chính là Đặng Huy Trứ.

Một tấm lòng vì dân

Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, quê làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông sinh ngày 16 tháng 5 năm 1825, tên của ông vốn xuất phát từ sự tích ra đời của ông. 

Vốn là mẹ ông trước đó có thai thường bị sẩy, nên thân phụ ông sợ ông tiếp tục bị "quỷ luân hồi" bắt đi, liền cho đào một đường ngầm thông từ buồng sản phụ sang nhà hàng xóm để khi trở dạ, đứa bé được ông thầy cúng cầm đuốc soi đường sang nhà hàng xóm ngay đêm đó. Ngọn đuốc đã thành tên chú bé (Trứ nghĩa là ngọn đuốc). 

Đến năm 12 tuổi, cậu mới được cha mẹ ruột đón về ở cùng. Đặng Huy Trứ nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ từ nhỏ. Ông tham gia khoa thi 1847, dễ dàng lọt qua các vòng thi Hương và thi Hội, nhưng đến thi Đình thì do bài thi phạm húy nên bị cách tuột và cấm thi trọn đời. Phẫn đời, Đặng Huy Trứ mở lớp dạy học. 

Cho đến năm 1855 thì số phận mỉm cười với Đặng Huy Trứ khi vua Tự Đức mở lệnh ân xá, giúp Đặng Huy Trứ được tham dự khoa thi Hội năm Ất Mùi. 

Ông thi đỗ tiến sĩ và bắt đầu sự nghiệp làm quan dưới triều Tự Đức, với các chức vụ: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Thiên Trường, (Nam Định), rồi trở về kinh đô Huế giữ chức Hàn lâm viện trước tác, Ngự sử lĩnh chưởng ấn khoa binh. Ở nơi đâu, ông cũng quan niệm "Dân không chăm sóc chớ làm quan." 

Bức chân dung truyền thần Đặng Huy Trứ mặc triều phục do Lý Thụy Nham vẽ ở Quảng Đông trong chuyến công vụ năm 1865.

Đến năm 1864, tỉnh Quảng Nam bị hạn nặng, nhớ về vị quan thanh liêm Đặng Huy Trứ, nên sĩ phu xứ Quảng dâng sớ xin triều đình cử Đặng Huy Trứ vào giữ chức Bố chính Quảng Nam để chống hạn và cứu đói cho dân. Triều đình phê chuẩn, Đặng Huy Trứ vào Quảng Nam giữ chức Bố chính Quảng Nam. 

Vào nhậm chức ở Quảng Nam, Đặng Huy Trứ tổ chức thực hiện những biện pháp cứu đói, khơi thông sông ngòi nhằm chống hạn. Ông có hai đề xuất quan trọng, đấy là lập các kho tích trữ lương thực cứu đói cho dân nghèo và kiến nghị thành lập "nghĩa trang" ở các địa phương để chôn cất những người chết vào những điểm được quy hoạch trước. 

Đặc biệt, ông báo về triều đình để thay đổi những tri phủ, tri huyện bất tài. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất đến hôm nay của ông chính là "Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó. Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn. Hờn căm, gắn bó tùy ta cả".

Bước ngoặt đến với Đặng Huy Trứ là trong chuyến "thám phỏng Dương tình" (dò xét tình hình nước ngoài) ở Quảng Đông vào năm 1865 theo lệnh của triều đình. Chính ở đó, những cải cách và lối suy nghĩ mới đã xuất hiện trong ông, để ông dấn thân vào đó.

Nhà cải cách dám dấn thân

Năm 1869 khi Đặng Huy Trứ lập nên hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường", thì Việt Nam còn nằm trong chế độ phong kiến, triều đình Tự Đức với hệ tư tưởng Nho Gia vẫn là chủ đạo, còn Đặng Huy Trứ là một vị quan to của triều nhà Nguyễn. 

Vậy mà, vị quan ấy đã làm những việc thật đặc biệt, mở hẳn một cửa hiệu cho riêng mình đã là đặc biệt rồi, lại còn là hiệu ảnh - một ngành kỹ nghệ phương Tây vừa gia nhập vào Việt Nam. 

Còn đặc biệt hơn khi ông sử dụng luôn cả những câu đối, vốn là đặc trưng của khoa cử Việt Nam thời đó dùng cho việc tân thời này. Các câu đối không phải để khoe chữ, thi tài, thử tài nhau, mà viết câu đối để… quảng cáo cho hiệu ảnh của mình.

Câu đối 1: "Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường"

(Bản dịch: "Thanh Hà phố ấy dân trù mật/ Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng").

Câu đối 2: "Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền".

(Bản dịch: "Hiếu thờ cha mẹ người người muốn/ Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền").

Đặng Huy Trứ cũng đã tìm mua tân thư và máy móc, vũ khí gửi về nước, hòng cải cách quân đội nhà Nguyễn sang hướng hiện đại, để có thể đối đầu được với phương Tây. Đặc biệt Đặng Huy Trứ đã lập công lớn khi tìm mua được 239 khẩu "quá sơn pháo" (pháo bắn qua núi) để gửi về nước. 

Bàn về chuyện này, cũng cho thấy cái nhanh nhẹn đặc biệt của ông, mà nếu là một người đi sứ theo kiểu "văn khoa" cũ sẽ khó mà làm được. Đấy là Đặng Huy Trứ nhờ trung gian mà đi tiếp xúc được với những người… buôn lậu vũ khí ở Hương Cảng nhờ vậy mà mua được pháo. 

Vấn đề khó khăn tiếp theo là làm sao vận chuyển được 239 khẩu "quá sơn pháo" này về nước. Thật may đúng khi ấy, Thị lang bộ Hộ Trần Đình Túc đang dẫn đầu đoàn sứ thần nhà Nguyễn công cán ở Hương Cảng. Thế là Đặng Huy Trứ liền bí mật cho chuyển số pháo đó xuống tàu Thuận Tiệp, nhờ Trần Đình Túc chuyển về nước.

Nhận định Đặng Huy Trứ là một nhà cải cách xông pha là bởi đi cùng với các bản kiến nghị cho triều đình, ông còn đích thân thực hiện chúng. 

Chẳng hạn như vào năm 1866, Đặng Huy Trứ đề xuất với triều đình thành lập Ty Bình Chuẩn đặt tại Hà Nội để lo việc kinh doanh buôn bán, hòng gây dựng tài chính cho triều đình, thì cũng chính ông đích thân ra Hà Nội để giữ chức Bình Chuẩn sứ ấy. Tại đó, ông đã cho mở nhiều hiệu buôn để thực hiện nhiệm vụ này. 

Ông làm việc rất thanh liêm, quyết không xâm phạm của công, vì cái "lợi" phải đi cùng cái "danh". Đặc biệt, Đặng Huy Trứ đã tạo nên một công thức đi trước thời đại, đấy là huy động được nguồn vốn tư nhân theo "công tư lưỡng lợi". 

Ông cho mở Lạc Đức Điểm, rồi lặn lội buôn củ nâu từ miền ngược xuống miền xuôi. Ông mở thêm Lạc Sinh Điểm và Lạc Thanh Điểm để mang hải sản và muối đi ngược lên miền núi. 

Bàn về chuyện này, trong tờ sớ tấu lên nhà vua, ông viết: "Gia đình tôi là gia đình nhà nho đã bốn năm đời, nghề buôn bán dẫu là nghề mạt, nhưng chịu ơn nước và tự xét mình, xin đưa sức khuyển mã ra báo đáp, đảm nhận việc tài chính quốc gia, sớm tối lo toan, chạy khắp Đông Tây, dẫu thịt nát xương tan không từ nan". 

Đặng Huy Trứ cho tổ chức, đầu tư, và huy động nhân lực hàng ngàn người ở các tỉnh phía Bắc đi khai thác mỏ. Còn khi giữ chức Bố chính Quảng Nam, chính Đặng Huy Trứ đề xướng chủ trương mở mang công nghệ, kỹ nghệ, lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, chế tạo máy móc. Không phải ai khác, chính Đặng Huy Trứ là người tiên phong trong việc phát triển công nghiệp và thương nghiệp đối với nền kinh tế của nước nhà. 

Bằng những việc làm xưa giờ chưa từng có ai làm được, Đặng Huy Trứ thể hiện một tinh thần cải cách đi cùng việc làm chứ không đơn thuần là các kiến nghị thông thường. Đặng Huy Trứ là một vị quan lạc thời xông pha trong triều Tự Đức.

Nhà thờ họ Đặng, nơi thờ gia tộc họ Đặng, trong đó có Đặng Huy Trứ, ở làng Thanh Lương (xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).

Phận đời của nhà canh tân

Hai năm sau khi lập nên hiệu ảnh "Cảm Hiếu Đường", Tự Đức và triều đình hủ lậu tiếp tục đi vào ngõ cụt khi bắt đầu từ chối các kiến nghị của Đặng Huy Trứ. 

Đẩy số phận nhà cải cách rẽ sang hướng quân sự khi giao cho ông giữ chức Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái (gồm các tỉnh: Lạng Sơn - Cao Bằng - Bắc Ninh - Thái Nguyên), phái ông lên biên giới phía bắc giúp Hoàng Kế Viêm đánh dẹp giặc phỉ. 

Nơi đâu, Đặng Huy Trứ cũng thể hiện tầm vóc kinh bang tế thế của mình, ông từng nói: "Quân đội là nanh vuốt có quan hệ đến sự thắng bại, nhưng nhân dân mới là huyết mạch quyết định sự an nguy của đất nước". 

Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội vào năm 1873, Đặng Huy Trứ cùng Hoàng Kế Viêm phải lui quân về trấn giữ căn cứ Đồn Vàng ở Hưng Hóa. Ở nơi này, Đặng Huy Trứ ngã bệnh. Một buổi chiều định mệnh ngày 7 tháng 8 năm 1874, Đặng Huy Trứ ra đi. 

Những khẩu "quá sơn pháo" nổ tiễn biệt người cha đã đem chúng về. Nhà canh tân đất nước của thế kỷ 19 đã sống làm người quân tử, chiến đấu để làm ra của cải cho đất nước như một nhà buôn, và chết như một người lính.

Ở nơi đâu, Đặng Huy Trứ cũng cố gắng phát triển mọi mặt kinh tế từ thương nghiệp, khai thác mỏ đến buôn bán. 

Trong thời kỳ mông muội đó mà Đặng Huy Trứ đã từng tuyên bố: "Làm ra của cải là một đạo lý lớn, không thể coi thường". Tư tưởng làm kinh tế của ông, tình yêu quê hương dân tộc của ông đã tạo cảm hứng đặc biệt cho nhà tư sản lừng danh Bạch Thái Bưởi. 

Sau này, Bạch Thái Bưởi đã đặt tên cho chiếc tàu thủy chạy biển xuyên Việt đầu tiên của doanh nghiệp họ Bạch là Bình Chuẩn - tên chức quan của Đặng Huy Trứ, để tưởng nhớ "người gieo mầm khai hóa" (lời Phan Bội Châu).

Dũng Phan
.
.