Người Moors, nước Morocco và những gạch nối lịch sử

Chủ Nhật, 01/01/2023, 13:57

Trong thế giới phẳng đương đại, có những ý niệm đã hằn đủ sâu để trở thành không cần phải bàn cãi, cho dù xuyên suốt dòng chảy lịch sử, ý niệm ấy cũng đã trải qua không ít lần thay đổi so với nguyên thủy. Thí dụ, đương nhiên, chẳng có gì sai khi tại kỳ World Cup vừa khép lại, thành công của đội tuyển Morocco được xem là kỳ tích của bóng đá châu Phi. Tuy vậy, thực tế, từng có thời người Moors - những tổ tiên của các công dân Morocco hiện đại - cũng mang trong mình đậm đặc những chỉ dấu của "tính châu Âu".

Cuộc chinh phục bán đảo Iberia

Moors hay Maure (trong tiếng Pháp) chính là tiền đề để quốc gia Morocco định danh. Mặc dù vậy, theo giới nghiên cứu lịch sử quốc tế, Moors không phải là một nhóm dân tộc riêng biệt, và thuật ngữ Moors/Maure cũng không mang giá trị thực thụ về tính chủng tộc.

moors-in-spain.jpg -0
Người Moors đã từng là chủ nhân của bán đảo Iberia trong suốt nhiều thế kỷ.

Điều này, rất dễ hiểu, được chính Đại sứ quán Vương quốc Morocco tại Việt Nam giải thích: "Tại một ngã tư của châu Phi và lục địa Châu Âu, Vương quốc Morocco, trong nhiều thế kỷ, đã là nơi giao thoa văn hóa của nền văn minh Hồi giáo Arab, là vùng đất của đối thoại, cởi mở, và bao dung. Thời cổ đại, Morocco đã trải qua những đợt xâm lăng của người Phoenicia, Carthage, La Mã, Vandals và Byzantines, nhưng với sự xuất hiện của Hồi giáo, Morocco đã phát triển thành quốc gia độc lập, khỏi những kẻ xâm lược hùng mạnh".

Bởi vậy, Moors là từ được những người châu Âu Trung cổ và hiện đại sử dụng, để gọi chung một nhóm dân cư trong lịch sử, bao gồm người Berbere (một sắc dân du mục Bắc Phi), người Arab, và cả người Iberia Hồi giáo.

Đúng vậy, bán đảo Iberia đã từng hoàn toàn thuộc về lãnh thổ của đế chế Hồi giáo Umayyad, trong quãng thời gian kéo dài tới gần 770 năm.

Quá trình này bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ VIII. Bán đảo Iberia (lúc đó gọi là Hispania) nằm dưới quyền cai trị của vương quốc người Visigoth, suốt 200 năm. Song, đến thời điểm đó, vương triều Visigoth này đã mục ruỗng và lụn bại đến tận cùng. Ngược lại, trỗi dậy như một cơn sóng triều, các đoàn quân của Đế chế Hồi giáo nhanh chóng tràn ngập khắp một dải Trung Đông-Bắc Phi, các hạm đội của họ tranh hùng cùng các hạm đội Thiên Chúa giáo trên khắp Địa Trung Hải, và vó thiết kỵ Hồi giáo cũng dễ dàng tiến chiếm Gibraltar, nơi địa đầu Bắc Phi mà chỉ cách Hispania 7,7 hải lý (14,3km).

Quân đội Umayyad cũng được các sử gia gọi tắt là "người Moors/ Maure". Đơn cử, trong cuốn “Lịch sử Văn minh Arab” (học giả Nguyễn Hiến Lê dịch), sử gia lừng danh Will Durant viết: "Mới đầu là người Maure chứ không phải người Ảrập xâm chiếm Y Pha Nho. Tarik là một người Berbere. Đạo quân của ông gồm bảy ngàn người Berbere, và chỉ có 300 người Ảrập... Tarik được viên thống đốc Ảrập ở Bắc Phi tên là Musa ibn Nusayr phái qua Y Pha Nho. Năm 712, Musa vượt biển với 10 ngàn quân Ảrập, tám ngàn quân Maure, bao vây rồi chiếm Sevilla và Merida…".

Chưa đầy hai vạn quân Hồi giáo (kể cả sau đó có những đợt tiếp viện lẻ tẻ), nhưng những kẻ viễn chinh vẫn thắng như chẻ tre. Đến đầu năm 715, trừ một vài khu vực hẻo lánh, hầu hết các thị trấn và thành phố quan trọng trên bán đảo Iberia đã hoàn toàn bị chinh phục. Điều này chỉ có một nguyên nhân duy nhất: Sự suy sụp đến không thể cứu vãn của vương quốc Visigoth.

Năm 718-719, quân Hồi tiến đến dãy Pyrennes, đánh đuổi tàn quân Thiên Chúa giáo còn lại về các vùng núi hiểm trở phía Bắc và phía Tây. Lúc này lãnh thổ Tây Ban Nha chỉ còn quần đảo Balearic (Mallorca) là vẫn trong quyền kiểm soát của đế chế Byzantine, vài năm sau nó lệ thuộc vào sự bảo vệ của vương quốc Frank, và thoát khỏi số phận chinh phục Ảrập mãi đến năm 902-903. Phải đến năm 732, quá trình bành trướng của người Moors ở Hispania mới bị chặn lại, sau trận Tours - nơi quân đội vương quốc Frank (tiền thân của nước Pháp) do Charles Martel chỉ huy có một cuộc tử chiến đi vào sử thi.

Gần 800 năm kế tiếp, người Moors Hồi giáo là chủ nhân đích thực của bán đảo Iberia - nơi mà họ gọi là hành tỉnh Al Andalus. Nghĩa là, về vị trí địa lý, họ thuộc về châu Âu, như hiện tại Morocco nằm ở Bắc Phi.

Sự trục xuất người Moors

Năm 1492, quá trình mang tên Reconquista (tái chinh phục bán đảo Iberia) của các dòng họ đế vương Thiên Chúa giáo châu Âu kết thúc, với việc Tiểu vương quốc Granada - nhà nước Hồi giáo cuối cùng còn sót lại tại Hispania vào thời điểm đó - đầu hàng.

Ngay lập tức, Vua Ferdinand II và Nữ hoàng Isabella của triều đình Tây Ban Nha siết chặt kiểm soát đối với những người Moors (hay còn gọi là Mudejar trong tiếng Tây Ban Nha).

102014327_univ_lsr_xl.jpg -0
Những gia đình Morista bị trục xuất khỏi Tây Ban Nha.

Trong gần 8 thế kỷ đã trôi qua trước đó, những người Moors Hồi giáo đã hòa nhập và bắt rễ sâu vào đời sống xã hội trên bán đảo Iberia. Họ có quyền cư trú hợp pháp, và bất chấp những biến thiên trong quá trình Reconquista, họ vẫn được phép giữ luật lệ, phong tục và thực hành tôn giáo riêng, ở một số nơi.

Song, dưới sự tác động của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã, chế độ quân chủ Tây Ban Nha muốn lập một nước Ki-tô giáo "thuần thành". Người ta xem người Morisco là dị giáo và lý luận rằng sự hiện diện của họ là một tội trọng trước mắt Đức Chúa Trời. Sau nhiều năm, một giải pháp được đưa ra: Người Morisco phải bị trục xuất.

Người Moor phản kháng, vì điều này vi phạm hiệp định trước đó. Vào năm 1499, họ khởi loạn, song quân triều đình dễ dàng dập tắt cuộc dấy loạn ấy. Nhưng sau đó, hết nơi này đến nơi khác, người Hồi giáo bị ép buộc phải cải đạo hoặc di cư. Người Tây Ban Nha gọi những người cải đạo và ở lại Tây Ban Nha là người Morisco. Trong tiếng Tây Ban Nha, Morisco có nghĩa là "người Moor nhỏ bé".

Đến năm 1526, Hồi giáo bị cấm đoán khắp Tây Ban Nha, nhưng nhiều người Morisco vẫn bí mật thực hành tôn giáo của họ. Nói chung, cộng đồng đó vẫn giữ được bản sắc văn hóa của mình.

Lúc đầu, dù biết người Morisco chỉ "theo Công giáo bằng môi miệng", người ta vẫn có thể bỏ qua. Suy cho cùng, nhóm người này đóng vai trò quan trọng trong việc đóng thuế và làm những nghề như thủ công mỹ nghệ, thủ công hay lao động chân tay. Nhưng nhìn chung, người Morisco vẫn không chịu đồng hóa nên bị cả triều đình lẫn dân chúng phân biệt đối xử, trong sự phẫn nộ.

Đến năm 1567, Vua Philip II ban lệnh cấm ngôn ngữ, trang phục, phong tục và truyền thống của người Morisco. Lệnh cấm này kích động một cuộc phản loạn mới và gây đổ máu.

Theo các sử gia, giới lãnh đạo Tây Ban Nha tin rằng "người Morisco không phải là giáo dân tốt, cũng chẳng phải là công dân trung thành". Vì lý do đó, người ta buộc tội người Morisco là cấu kết với các kẻ thù của Tây Ban Nha, gồm nhóm hải tặc Berbere, người Tin Lành ở Pháp và đế chế Ottoman, nhằm ủng hộ cuộc xâm lược của ngoại bang. Vì sự kỳ thị và nỗi lo sợ rằng người Morisco rồi sẽ phản bội nên Philip III đã ban lệnh trục xuất toàn bộ người Morisco vào năm 1609.

Kể từ đó, người Moors hay người Morisco không còn "căn cước châu Âu" nữa. Song, từ khoảng năm 1070, Youssef Ibn Tachfine, Quốc vương của triều đại Almoravid, đã xây dựng thành phố Marrakech (thủ đô tương lai của Vương quốc Morocco), sau đó đạt được sự thống nhất chính trị của Morocco và Tây Ban Nha Hồi giáo. Thông qua nó, nền văn minh Andalusian sẽ lan rộng khắp Maghreb, và bao trùm toàn bộ bán đảo Iberia, để lại những dấu ấn văn hóa cực kỳ sâu đậm cho đến tận thời hiện đại.

Đó là những gạch nối mờ nhạt và đứt đoạn, nhưng sẽ không thể bị xóa mờ, trong dòng chảy lịch sử châu Âu nói riêng cũng như nhân loại nói chung. 

* "Sử gia Al Makkari chép lại về chiến dịch Tây Bắc của quân Hồi: "Chúng không để nhà thờ nào không bị đốt cháy, không để chiếc chuông nào không bị đập vỡ". Nhưng nhìn chung, sau đó, giáo dân Ki-tô vẫn được giữ một số nhà thờ, dùng một số luật Visigoth giải quyết tranh chấp pháp lý, và cũng như họ, người Do Thái được đối xử tử tế (mặc dù người không theo Hồi giáo chỉ được coi như công dân hạng hai).

* "Ước tính có khoảng 300.000 người Morisco bị buộc phải rời khỏi Tây Ban Nha trong tình trạng vô cùng khốn khổ. Dường như có ít nhất 10.000 người thiệt mạng vì kháng cự lệnh trục xuất. Suốt những năm sau đó, bất cứ ai bị tình nghi là người Morisco đều bị ngược đãi. Nhờ chính sách khắc nghiệt này, Tây Ban Nha trở thành một nước thuần Thiên Chúa giáo.

Thiên Phong
.
.