Kênh đào Suez 1956: Tấm gương bị lãng quên

Thứ Hai, 31/10/2022, 09:54

Xung đột vũ trang toàn diện, châu Âu đối mặt khủng hoảng năng lượng, dầu mỏ trở thành đòn bẩy tác động đến các sự kiện chính trị, và cả những lời úp mở về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân… Không, đó không phải là những đường nét liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền đông Ukraine hiện tại. Đó là câu chuyện về cuộc khủng hoảng năm 1956, tại kênh đào Suez.

Quyết định “động trời” của tướng Nasser

Ngày 19/10/1956, bán đảo Sinai rung chuyển, khi một cuộc xâm lược ba bên bắt đầu - chiến dịch quân sự mang tên “Lính hỏa mai”. Đi tiên phong là các lực lượng vũ trang Israel - quốc gia đã từng và vẫn đang có những cuộc đụng độ dọc biên giới với Ai Cập, cho đến thời điểm ấy. Hai ngày sau đó, với lý do “bảo vệ kênh đào” và “bảo vệ quyền tự do hàng hải”, không quân hai đế quốc thực dân cũ là Anh và Pháp - những cường quốc chia sẻ các ảnh hưởng to lớn nhất ở Trung Đông và Bắc Phi - tiến hành không kích các mục tiêu trên đất Ai Cập. Ngày 5/11, lính dù và thủy quân lục chiến của liên quân Anh - Pháp chính thức nhập cuộc, bắt đầu chiếm đóng các vị trí chiến lược chung quanh kênh đào Suez.

israeli_troops_in_sinai_war (1).jpeg -0
Binh sĩ Israel trên bán đảo Sinai.

Vì sao lại là “bảo vệ kênh đào”? Vì trước đó, tháng 7/1956, Tổng thống, “người hùng Ai Cập” – tướng  Gamal Abdel Nasser tuyên bố quốc hữu hóa 120 dặm thuộc kênh đào Suez. Động thái này, theo các trang nghiên cứu lịch sử quốc tế uy tín như History và Britanica, là nhằm phản ứng lại việc các cường quốc phương Tây ngừng tài trợ cho dự án xây dựng đập Aswan trên sông Nile.

Song, đó cũng mới chỉ là “phần nổi của tảng băng”. Những nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột dữ dội này là cả một mạng lưới chồng chéo những xung đột, mâu thuẫn và cạnh tranh, ở cả tầm khu vực lẫn quốc tế, trong một trật tự thế giới mới chỉ vừa kịp hình thành.

Thứ nhất, về riêng kênh đào Suez - hải trình huyết mạch nối liền Địa Trung Hải với Hồng Hải (và thông ra vịnh Persique cũng như Ấn Độ Dương), đó là công trình được tạo nên dưới sự thúc đẩy của cựu lãnh sự Pháp Ferdinand de Lesseps vào năm 1869. Hơn hai phần ba lượng dầu mà châu Âu sử dụng hằng năm, hằng tháng, hằng ngày… được vận chuyển qua đây. Nước Pháp, nước Anh hay cả Tây Âu đều có lợi ích cốt lõi liên quan đến con kênh này. Và không chỉ vậy, họ cũng đã quen với việc áp đặt tầm ảnh hưởng cũng như những quyết định của mình lên khu vực mà Anh và Pháp từng chia nhau quyền ủy trị.

Nhưng kể từ khi lật đổ vua Ai Cập Farouk vào năm 1952, rồi thay thế tướng Mohammed Neguib trên cương vị người lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Ai Cập Nasser không còn muốn tiếp tục chấp nhận trật tự ấy. Ông tỏ ra “ngang ngạnh” với các quyền lực cũ, và không ngại ngần “đi trên dây”, xích lại gần một siêu cường mới là Liên Xô, nhằm khuếch trương tối đa những đòn bẩy liên quan đến dầu mỏ, nhằm tạo cho Ai Cập một vị thế mới.

Trên hành trình đó, Nasser tạo cho nước Pháp cảm giác rằng ông có những mối liên hệ mật thiết, và thậm chí là hỗ trợ các lực lượng nổi dậy đòi độc lập tại một thuộc địa cực kỳ quan trọng của Pháp là Algeria. Đây là điều Paris không thể chấp nhận, nhất là sau khi họ vừa phải cay đắng rút khỏi Đông Dương, sau thất bại thảm hại ở Điện Biên Phủ.

Đồng thời, vào thời điểm ấy, Ai Cập cũng xem Israel là kẻ thù được “điểm mặt chỉ tên”. Sau khi Nhà nước Do Thái được thành lập năm 1948, Ai Cập không cho phép bất cứ tàu nào mang cờ Israel được qua lại kênh đào Suez. Mối hiềm thù này được tiếp nối bởi cuộc chiến năm 1948, mà Ai Cập chính là quốc gia đóng góp nhiều binh lính nhất trong liên quân Arab, mưu đồ bóp nghẹt quốc gia Do Thái.

Không chỉ vậy, khi Nasser tuyên bố vào tháng 9/1956, bác bỏ mọi ý tưởng giám sát quốc tế đối với những tài sản quốc gia của Ai Cập, thì nước Anh thực sự “nổi giận” (có lẽ là xuất phát từ ý thức về sự vượt trội về quân sự đã được bồi đắp qua nhiều thế kỷ bành trướng đế quốc).

Như bình luận của trang History, hành động này từ Cairo có thể xem là chỉ dấu rõ ràng, chứng minh ý đồ hất cẳng sự hiện diện quân sự liên tục của Anh trong khu vực Kênh đào Suez, vốn được coi là biểu tượng cho sự thống trị của đế quốc Anh suốt từ năm 1880, gây nhiều cay đắng cho Ai Cập. Và khi phái cách mạng ở Cairo “dám” đề nghị rằng họ sẽ phụ trách kênh đào Suez, thì cơn thịnh nộ của chủ nghĩa đế quốc Anh lại bùng lên.

Khi thời thế đổi thay

Ngay từ năm 1954, Tướng Nasser đã xúc tiến đàm phán một hiệp ước mới. Theo đó, các lực lượng quân sự Anh sẽ rời Ai Cập trong vòng 20 tháng. Ban đầu, mọi thứ đều diễn ra có vẻ suôn sẻ. Nhưng sau đó, khi chính trường Anh thay đổi, với tân Thủ tướng Anthony Eden thay thế Winston Churchill lão luyện vào năm 1955, tình hình biến chuyển nhanh và khó lường hơn. Bởi, “Mặc dù từng là ngoại trưởng trong suốt Đệ nhị Thế chiến, nhưng Eden vẫn chưa bao giờ thấm thía một sự thật đơn giản: Thế giới đã thay đổi mãi mãi”. Ván cờ lớn đã có những “người chơi chính” mới đầy tham vọng.

linhdu-phap.jpeg -0
Lính dù Pháp rời khỏi Ai Cập cuối năm 1956.

Ký kết được một hợp đồng mua bán vũ khí với Liên Xô, Nasser tự tin ra lệnh quốc hữu hóa kênh đào Suez. Tuy nhiên, quân đội Israel nhanh chóng chứng minh rằng chỉ vũ khí thôi thì vẫn là chưa đủ. Chưa đến một tuần, các đơn vị Do Thái thiện chiến đã chiếm đóng toàn bộ bán đảo Sinai. Không quân và lục quân Ai Cập tổn thất nặng nề, dù vẫn giữ được tinh thần chiến đấu.

Kề vai với “người anh em Hồi giáo” Ai Cập, trong cuộc xung đột, phía Syria tổ chức phá hoại cả đường ống xuyên Arab và đường ống Iraq-Baniyas, làm tình trạng gián đoạn nguồn cung cấp dầu cho Tây Âu thêm trầm trọng. Mặc dù vậy, không ai nghi ngờ, với sự vượt trội về giá trị tác chiến, liên quân Anh – Pháp – Israel sẽ tiếp tục duy trì được thế thượng phong, để giành lại quyền kiểm soát kênh đào Suez.

Song, đến đây, một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới mở ra, và đảo ngược toàn bộ các tính toán của trục Paris – Luân Đôn – Tel Aviv.

Anthony Eden có lẽ đã nghĩ rằng ông sẽ dễ dàng thuyết phục được nước Mỹ “làm ngơ”, cho hành động đi ngược Hiến chương Liên hợp quốc của mình. Song, thực tế là Washington cảm thấy hành động này đe dọa làm mất ổn định khu vực chiến lược quan trọng, và củng cố mối liên hệ của Liên Xô với các phong trào giải phóng trên thế giới. Do đó, Tổng thống Mỹ D.Eisenhower gây áp lực buộc thông qua một nghị quyết của Liên hợp quốc về ngừng bắn tại Ai Cập, chỉ 8 ngày sau khi chiến sự bùng nổ. Xét cho cùng, có lẽ Eisenhower hy vọng có thể xoa dịu tình hình trước khi nó biến thành một cuộc đối đầu trực diện Xô – Mỹ.

Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đe dọa trừng phạt chính các đồng minh gần gũi nhất, và thật đáng ngạc nhiên, điều này nhận được sự hỗ trợ rất đáng kể từ Liên Xô. Liên Xô, quốc gia cung cấp vũ khí và tiền bạc cho Ai Cập, đã đưa ra những lời đe dọa mơ hồ nhưng thực sự đáng ngại, về việc sử dụng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân để hỗ trợ Ai Cập, nếu Anh và Pháp không chịu rút quân.

Ở một khía cạnh nào đó, việc Mỹ và Liên Xô cùng lên tiếng gay gắt lần này cũng chính là sự đánh dấu một trật tự lưỡng cực mới cho thế giới, khi hai đế quốc thực dân hùng mạnh nhất thế giới một thời chính thức lùi vào hậu trường. Tháng 11/1956, các đội quân Anh và Pháp rời Ai Cập. Vài tuần sau, Anthony Eden từ chức. Nước Anh nhận thức được rõ ràng: Họ không còn là quyền lực số 1 toàn cầu nữa. Sau khi Israel rút lui vào tháng 3/1957, Ai Cập mở cửa trở lại kênh đào cho việc vận chuyển thương mại.

Tầm ảnh hưởng địa chính trị ở Trung Đông được chuyển giao từ Anh - Pháp sang Mỹ - Xô. Còn Nasser trở thành anh hùng dân tộc của Ai Cập. 

* Sau khoảng hai tuần giao tranh dữ dội, quân Anh mất 100 binh sĩ, quân Pháp thiệt hại 43 người, quân Israel thương vong 200 người. Đổi lại, quân đội Ai Cập có đến 5.000 binh sĩ chết và bị thương. Mặc dù vậy, những con số thống kê này chỉ làm rõ hơn một chân lý: Tính toán thương vong để phân định thắng thua trong một cuộc chiến là điều hoàn toàn vô nghĩa. Thành - bại chỉ có thể được xác định trên yếu tố duy nhất: Phía nào đạt được mục tiêu đề ra của mình.

* "Chúng ta sẽ đòi lại lợi nhuận mà công ty đế quốc này (tức là Công ty Kênh đào Suez, do Anh và Pháp kiểm soát) - quốc gia trong một quốc gia này - đã kiếm được trong khi chúng ta chết đói. Tôi muốn thông báo rằng Công báo chính thức đang công bố quy chế quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez. Tại thời điểm này, các đặc vụ chính phủ đang chiếm giữ các văn phòng của Công ty!” - Lời tuyên bố đêm 26/7/1956 của Tướng Nasser (theo nguồn Le Monde Diplomatic), được nhân dân Ai Cập nhiệt liệt ủng hộ, nhưng dĩ nhiên bị phương Tây xem là thấm đẫm chủ nghĩa dân tộc (hẹp hòi).

Thiên Phong
.
.