Nỗi khổ tâm của "Thủ tướng Thép"

Thứ Năm, 29/09/2022, 09:30

Vì sao trong lịch sử, hệ thống thuộc địa của nước Đức lại "nghèo nàn" đến vậy, khi đặt cạnh các cường quốc cựu lục địa cùng thời? Sẽ có nhiều câu trả lời, xuất phát từ nhiều khía cạnh khác nhau. Song, trong đó, quan điểm khởi thủy của "Thủ tướng Thép" Otto von Bismarck  về vấn đề thuộc địa có lẽ vẫn sẽ là những lý giải đáng chú ý, và chỉ ra những nguyên nhân mang tính quyết định.

Sự "nhún nhường" đầy nghịch lý

"Bản đồ châu Phi của ngài rất đẹp, nhưng bản đồ châu Phi của tôi thì nằm ở châu Âu. Nước Pháp ở bên trái, nước Nga ở bên phải, và chúng ta ở giữa. Đó là bản đồ châu Phi của tôi". Bismarck từng khẳng định như vậy vào ngày 5-12-1888, với Eugen Wolf - một đại biểu nhiệt thành của phái ủng hộ việc nước Đức mở rộng hệ thống thuộc địa.

napoleon_iii_otto_von_bismarck_(detail).jpg -0
Bismarck và vị tù nhân danh giá: Hoàng đế Pháp Napoleon III.

Đó đã là thời điểm 26 năm sau khi Otto von Bismarck trở thành Thủ tướng của Vương quốc Phổ (23-9-1962), và 17 năm sau khi ông nhận cương vị Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Đức thống nhất (21-3-1871).

Nhà chính trị được mệnh danh là "Thủ tướng Thép", con người khét tiếng với tư tưởng "Những câu hỏi lớn sẽ không được quyết định bởi các bài phát biểu hay những cuộc lấy ý kiến đa số, mà bằng sắt và máu", thật đáng ngạc nhiên, lại không hề mặn mà với việc chạy đua mở rộng những lãnh thổ thuộc địa cho nước Đức. Cho dù, thực tế là ông đã buộc phải thỏa hiệp với nhu cầu nội tại ấy từ chính những tầng lớp quyền quý trong xã hội Đức, để chứng kiến nước Đức trở thành cường quốc thực dân có lãnh thổ ở châu Phi lớn thứ ba, sau Anh và Pháp, trong thời gian chấp chính của mình.

Bismarck lý giải, ngay từ lúc nước Đức thống nhất mới ra đời (năm 1871): "Chừng nào tôi còn là thủ tướng, chúng ta sẽ không theo đuổi chính sách thuộc địa. Chúng ta có một hạm đội không thể ra khơi, và chúng ta không được có  bất kỳ điểm dễ bị tổn thương nào ở những nơi xa xôi trên thế giới, những điểm mà người Pháp sẽ không ngần ngại tấn công vào ngay khi nó bắt đầu xuất hiện”. Một cách cụ thể hơn, ông cũng từng làm rõ quan điểm: "Những lợi ích được kỳ vọng rằng các thuộc địa sẽ mang tới cho nền thương mại và công nghiệp của mẫu quốc chủ yếu dựa trên ảo tưởng, bởi vì chi phí cho việc thành lập, bảo hộ và đặc biệt là yêu sách với các thuộc địa thường xuyên vượt quá những lợi ích thực sự mà chúng ta có thể thu được. Cuối cùng, hơn thế, nỗ lực thiết lập các thuộc địa trong các khu vực chủ quyền của các quốc gia khác (nghĩa là tranh chấp thuộc địa với các cường quốc khác), dù đúng hay sai, cũng đều có thể dẫn đến những xung đột đa dạng và không mong muốn.

Biết mình, biết người

Thực tế, vào thời điểm Vương quốc Phổ lãnh đạo thành công công cuộc thống nhất nước Đức, cách tiếp cận vấn đề của Otto von Bismarck thể hiện rằng ông là một chính khách lão luyện, hết sức cẩn trọng và suy tính chu toàn cho an nguy của cơ đồ vừa mới dựng.

Cho dù là nhân tố chủ chốt trong việc tập hợp sức mạnh quốc gia Phổ, lần lượt đánh bại các kình địch như Đan Mạch, Áo và Đế quốc Pháp của Napoleon III để thành lập đế chế thứ hai của người Đức ngay tại cung điện Versailles của triều đình Pháp (với lễ đăng quang của Hoàng đế Đức Wilhem I, ngày 18-1-1871), Bismarck không bị lóa mắt bởi hào quang chiến thắng, cũng không để đôi chân mình rời xa mặt đất.

Ông nhận thức được rõ, do các vấn đề lịch sử để lại như sự chia rẽ của cộng đồng các tiểu quốc Đức hay sự tụt hậu về kỹ nghệ hàng hải, vào thời điểm ấy, hải quân Đức chưa đủ sức tranh hùng với các cường quốc đại dương đích thực. Cho dù thời hoàng kim của Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha đã trôi qua, thì những đối thủ cạnh tranh trên mặt biển như Anh, Pháp, Hà Lan vẫn còn quá mạnh, và người Đức cần thêm thời gian cũng như các công cụ chính trị - ngoại giao, để xây dựng và củng cố các hạm đội riêng của mình, nhưng quan trọng hơn là tạo nên các phòng tuyến ngoại giao.

Bên cạnh đó, như ông giải thích, nếu không sở hữu sức mạnh hải quân đủ để kiểm soát tình hình trên các tuyến hàng hải, chi phí nhằm khai thác các nguồn lợi từ thuộc địa về phục vụ cho chính quốc sẽ có thể còn lớn hơn chính những nguồn lợi ấy.

Hơn hết, mục tiêu hàng đầu mà Otto von Bismarck hướng đến nhằm bảo vệ đế chế non trẻ vừa được dựng lên bởi rất nhiều công sức của mình không phải là vội vã bành trướng ở hải ngoại, mà là củng cố vị thế đế quốc Đức ngay chính tại cựu lục địa - vốn vô cùng dễ bị phân mảnh, bởi chồng chéo các xung đột lợi ích.

Để củng cố vị thế này, Bismarck chú trọng nhiều nhất đến một cơ chế cân bằng quyền lực. Trong cơ chế đó, ông hiểu rõ rằng nước Anh sẽ hạn chế trực tiếp can dự vào châu Âu, nhưng sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền lợi của mình tại các thuộc địa. Việc tuyên bố nước Đức không có tham vọng trở thành một đế quốc thực dân, ở một khía cạnh nào đó, cũng có thể xem là ngón đòn ngoại giao khéo léo giữ nước Anh không trở nên thù địch với nước Đức.

Khi nước Anh không xem nước Đức là kẻ thù, Bismarck có thể yên tâm về tình hình ở phía Tây, bởi Napoleon III đã bị ông đánh bại đến mức khó còn khả năng gượng dậy. Ở phía Đông, sau khi khuất phục nước Áo rồi, Bismarck lại chủ trương ký một hiệp ước hữu hảo với triều đình đế chế Áo - Hung. Song song, nước Đức của Bismarck cũng thiết lập những mối quan hệ mang tính hỗ trợ với đế quốc Ottoman ở Đông Nam Âu, để gia cố vành đai ngăn cản sức bành trướng của đế quốc Nga Sa hoàng - một "đại địch" khác, như Bismarck liệt kê năm 1888.

Phía Nam, quá trình thống nhất các tiểu quốc Đức trở thành nguồn động lực để các tiểu quốc Ý cũng hoàn tất tiến trình của riêng họ, và trong sự thù địch với những kẻ chiếm đóng Pháp (từ thời Napoleon I), nước Ý ngả về phía Đức, và một hiệp ước ba bên Đức - Ý - Áo được xác lập năm 1882.

Như vậy, rất dễ thấy, nhìn từ chuỗi hành động thực tế, Bismarck có lý do để coi trọng sự vững vàng của nước Đức tại châu Âu hơn là khuếch trương ra hải ngoại.

gettyimages-3321218-59be1f17af5d3a0010f409f7.jpg -0
Không ủng hộ hướng bành trướng hệ thống thuộc địa, nhưng Bismarck cuối cùng cũng vẫn phải thỏa hiệp trước nhu cầu lợi ích của giai cấp tư bản tài phiệt Đức.

Lực bất tòng tâm

Tuy nhiên, không phải ai trong số tầng lớp tinh hoa của Đệ nhị Đế chế cũng hiểu được những toan tính ấy, và thực tế là chỉ sau vài năm, Otto von Bismarck đã phải chịu nhượng bộ.

Giới tài phiệt Đức "không cam lòng" với việc cứ phải đi sau những người đồng nghiệp Anh, Pháp, Hà Lan hay thậm chí là Ý, trên hành trình tìm kiếm những nguồn lợi kếch sù ở hệ thống thuộc địa.  Họ tạo nên những sức ép ghê gớm trong chính trường Đức - một cơ chế liên bang quân chủ lập hiến, để Bismarck cũng phải cân nhắc lại về chính sách đối ngoại.

Cuối cùng, vào các năm 1884-1885, sau khá nhiều những cuộc họp bàn về châu Phi tại Berlin, nước Đức bắt đầu tiến chiếm những thuộc địa ít ỏi đầu tiên ở lục đen là Kamerun (nay là Camerooon), Đông Phi (nay là Burundi, Rwanda, và Tanzania), Tây Nam Phi (nay là Namibia và Botswana) và Togo. Trên tiến trình này, có những khu vực được giao toàn quyền cho các công ty tư nhân, khi nhà nước Đức không đủ nguồn lực tổ chức khai thác.

 Dường như, đó cũng chính là xuất phát điểm để khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất mà giới nghiên cứu lịch sử quốc tế thống nhất đề cập, khi nhìn lại sau này, là tham vọng chia lại hệ thống thuộc địa toàn cầu. Bởi lẽ, kể cả khi đã được xem là một đế quốc thực dân đúng nghĩa, "phần bánh" mà nước Đức sở hữu vẫn quá "bèo bọt" so với những gì nước Anh hay nước Pháp nắm giữ "trên bàn tiệc". Và cả lần ấy lẫn Thế chiến thứ hai, nước Đức đều là phía bại trận, như Bismarck từng lo ngại.

Cũng có nhiều khả năng, khi chấp nhận để Đệ nhị Đế chế chuyển hướng sang con đường bành trướng hải ngoại, Otto von Bismarck đã nghĩ đến cả thế cân bằng chiến lược toàn cầu, như phỏng đoán của một vài nhà nghiên cứu sau này. Song, xét cho cùng, như những gì ông đã làm và như điều ông đã nói năm 1888 (nghĩa là chỉ 2 năm trước khi chính thức "cáo lão"), mục tiêu chính mà ông muốn nước Đức hướng đến nằm chính tại châu Âu.

Chỉ là, ông không thể ngăn cản được một xu thế tất yếu của thời đại. Hoặc là, ông đã nghĩ quá xa…

* "Vào thời điểm trước khi Đệ nhất Thế chiến bùng nổ, Đế quốc thực dân Đức sở hữu khoảng xấp xỉ 3 triệu km2 lãnh thổ thuộc địa (so với 33.670.000 km2 thuộc địa của Đế quốc thực dân Anh, và 13.500.000 km2 của đế quốc thực dân Pháp). Không giống các đế quốc thực dân "đi trước", Đức không có nhiều dấu ấn để lại về văn hóa, ngôn ngữ, thể chế, phong tục…

* "Tuy nhiên, chỉ trong vòng 20 năm kể từ thời điểm Otto von Bismarck tiếp nhiệm cương vị Thủ tướng Vương quốc Phổ, quốc gia mà ông phụng sự đã thực sự trở thành một cường quốc hàng đầu cựu lục địa, với việc lần lượt thành lập Liên bang Bắc Đức, rồi Đệ nhị Đế chế Đức. Sau các thắng lợi quân sự liên tiếp, Đế quốc Đức ép Napoleon III phải cắt hai vùng Alsace và Loraine, đồng thời đẩy bạt cả "uy phong" của Đế quốc Áo - Hung ở  Trung Âu.

Thiên Phong
.
.