Nơi “Thần Chiến Tranh” lột xác

Chủ Nhật, 05/12/2021, 21:17

Bình minh ngày 20/11/1917, Mặt trận phía Tây của Đệ nhất Thế chiến rung chuyển. Chưa bao giờ, cảm giác kinh hoàng được đẩy lên cao đến như thế, với tiếng gầm rít của cả một khối hàng trăm xe tăng Anh tiến thẳng về hướng Cambrai – một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Pháp.

Trận đánh ấy không chỉ thay đổi toàn bộ các hình thái tác chiến ở Mặt trận phía Tây. Nó, một cách chính xác, còn là một bước khởi đầu mới trong lịch sử chiến tranh.

Tạm biệt “chiến tranh hào lũy”

Như Robert Leckie viết trong cuốn “Đệ nhất Thế chiến”, “tại Cambrai, trong một ngày, diện tích đất đai bị chiếm nhiều hơn cả bốn tháng diễn ra trận Ypres đẫm máu lần thứ ba”.

Để hình dung được điều này, có lẽ chúng ta cần phải nhìn ngược lại một chút về những năm tháng khốc liệt trước đó của Đệ nhất Thế chiến, với sự thống trị của “chiến tranh hào lũy”, đặc biệt là ở Mặt trận phía Tây. Mỗi cuộc xung phong của bất cứ phía nào, vượt qua những công sự, boongke, hào rãnh… kiên cố đều có khả năng biến thành một cuộc tự sát tập thể. Đến mức độ, có những quãng thời gian, diện mạo của chiến tranh trở nên kỳ quặc, khi không bên nào còn sức để xung phong nữa.

Tất nhiên, những nhà cầm quân ở cả hai phía đều cố gắng tìm cách phá vỡ sự bế tắc đó, bằng những công cụ quân sự thuần túy. Họ chú trọng tìm lời giải bằng các loại vũ khí. Súng phun lửa là một thí dụ. Vũ khí hóa học (hơi độc) là một thí dụ khác. Chúng đều tạo nên những thảm cảnh ghê rợn, song vẫn không đủ sức tạo nên thay đổi. Thậm chí, xe tăng hay chiến đấu cơ được sử dụng một cách đơn lẻ cũng vậy. Và thực tế, “phòng tuyến Hindenburg” chạy dọc biên giới Pháp – Đức vẫn đủ sức bảo vệ nước Đức, cho dù gần như một mình họ phải chống đỡ lại cả phe đồng minh Pháp, Anh lẫn Ý, lại đã có thêm binh sĩ Mỹ tiếp sức.

default.jpg -0
Xe tăng Mark IV được quân Anh đưa đến Cambrai bằng đường sắt.

Tuy vậy, đến trận Cambrai, điểm đột phá đã chính thức hé lộ. Cambrai là một vùng đồng bằng đá vôi, có mặt đất cứng, rất phù hợp với sự di chuyển của xe tăng. Vì  yếu tố này, các tướng lĩnh Anh chỉ huy cuộc tiến công đã thống nhất đi đến một quyết định táo bạo, thậm chí chưa từng có trong quân sử nhân loại: Tập trung một số lượng xe tăng cực lớn (vào thời điểm đó), quyết mở toang đột phá khẩu.

Sir Julian Byng – vị tướng trực tiếp chỉ huy trận đánh bên phía quân Anh – cùng tướng Henry Hugh Tudor đặt cược vào tính bất ngờ, và họ đã tính toán hoàn toàn chính xác. 6 giờ sáng ngày 20/11/1917, sau một loạt “pháo đầu”, thay vì các đơn vị bộ binh cảm tử ùa lên theo cách quen thuộc, quân Đức thấy hàng đàn những con quái vật bọc thép lù lù nối nhau nhô ra khỏi làn khói. Trên xe, quân Anh mang theo những bó củi, để lấp tạm các mương rãnh, hầm hào mà quân Đức sắp đặt nhằm cản bước tiến của họ.

Phòng tuyến Hindenburg nhanh chóng bị xuyên thủng đến 8 km. Quân Anh tiến rất nhanh về phía Boulon Ridge – mục tiêu cuối cùng của cuộc tập kích này. Chiến thắng dường như đã nằm trong tầm tay.

Những tiền đề gợi mở

Tuy vậy, Cambrai vẫn khép lại với thất bại của quân Anh. Cho dù khởi đầu thuận lợi đến như thế, họ vẫn không đạt được mục tiêu đề ra - nghĩa là chiếm Boulon Ridge, đặt một điểm cầu đột phá vào sâu phía sau Phòng tuyến Hindenburg.

Có nhiều lý do dẫn đến sự đảo ngược thế cờ này, mà trong đó, tinh thần quả cảm của những người lính Đức là yếu tố then chốt. Cho dù, bị đàn áp về mặt tinh thần và bị đẩy lui, quân Đức vẫn không “vỡ trận”. Ngược lại, họ vẫn đủ bình tĩnh để đón đánh quân Anh, với nòng cốt là sư đoàn dày dạn kinh nghiệm chống tăng: Sư đoàn số 54.

Song, thành bại ở Cambrai cũng không có quá nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa đích thực và lớn lao nhất gắn liền với địa danh đó, là những bài học xương máu, mang tính chất gợi mở cho hình thái chiến tranh hiện đại.

1547-c5.jpg -0
Cambrai ngày khai chiến.

Sir Byng hay tướng Tudor chỉ nhìn vào diễn biến trận đánh, và thấy rằng súng phun lửa đã bị đè bẹp bởi xe tăng. Thêm vào đó, họ nhận ra rằng nếu không có bộ binh tùng thiết, những chiếc xe tăng chiến đấu đơn độc rất dễ trở thành mồi ngon cho các xạ thủ đối phương, khi phải tác chiến trong những địa hình không thích hợp.

Nhưng, tướng Hugh Elles và người phụ tá – đại tá J.F.C Fuller chú trọng đến những vấn đề khác, sâu rộng hơn, mang tính lý luận. Trước trận Cambrai, những dàn đại bác luôn được đặt phía sau hàng quân, và không có cách nào triển khai thứ hỏa lực hung hãn đó trước trận. Xe tăng – hay nói đúng hơn là những khối xe tăng được đoàn ngũ hóa và tổ chức kỹ lưỡng – đã giải quyết thành công vấn đề này. Fuller viết: “Sức tấn công của xe tăng không chỉ là sự tàn phá áp đảo, mà còn hủy hoại tinh thần một cách ghê gớm”.

Nói như Robert Leckie, “hỏa lực đại bác, được bắn trực xạ, là thứ hiệu quả nhất trong tất cả các loại vũ khí. Chúng không chỉ có khả năng tàn sát khủng khiếp, mà còn khiến kẻ địch khiếp sợ”. Do đó, những hàng nòng pháo xe tăng liên tục tiến tới và khạc đạn khiến không người lính nào chịu đựng nổi. Xe tăng không cần ai kéo, nó có thể tự tiến lên, áp sát mục tiêu. Xe tăng lại được bọc sắt. Mà trong các trận đánh, chuyện thắng bại thực ra không phải chỉ được quyết định bởi số quân địch bị giết. Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào sự hỗn loạn của quân địch: rã ngũ, tan hàng, vứt bỏ vũ khí, chạy trốn. Một cách ngắn gọn, những “tập đoàn xe tăng” trở thành thứ công cụ hoàn hảo phục vụ chiến tranh hiện đại.

Bộ Tổng tham mưu Anh trong Đệ nhất Thế chiến không chú ý nhiều đến những phân tích của Fuller hay Elles, nhưng giới quân sự Đức thì ngược lại. Chiến tranh vẫn tiếp diễn. Thậm chí các hình thái của chiến tranh hào lũy vẫn tồn tại. Song, chỉ 22 năm sau, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, nước Đức Quốc xã đã trỗi dậy một cách kinh khủng, với một đội quân được cơ giới hóa triệt để, và được chỉ huy bởi những vị tướng thực địa đã bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu cũng như kiện toàn các phương thức tác chiến của binh chủng thiết giáp. Heinz Guderian hay Erwin Rommel, ở một phương diện nào đó, đã thành danh nhờ những gợi ý từ trận Cambrai. Nhờ những bài học mà họ học được từ chính người Anh.

Theo Britanica, tổng cộng quân Anh đã huy động 476 xe thiết giáp biên chế vào hai quân đoàn tham gia trận Cambrai. Trong đó, có 378 xe tăng chiến đấu. Số còn lại là xe thiết giáp vận chuyển.

Kết thúc trận đánh, theo số liệu chính thức từ phía Anh, quân Anh thương vong 75.681 người (trong đó có 10.042 tử sĩ) và 180 xe tăng. Quân Đức mất 54.720 người (8.817 chết).

So với những phiên bản xe tăng đầu tiên được sử dụng ở đoạn đầu Đệ nhất Thế chiến, xe tăng Mark IV mà quân Anh sử dụng trong trận Cambrai đã tiến khá xa về cả tốc độ lẫn độ dày vỏ giáp và hỏa lực. Nhưng dĩ nhiên, chúng vẫn còn quá chậm chạp và nặng nề so với các thế hệ xe tăng sau này làm mưa làm gió trong Đệ nhị Thế chiến.

Đại diện cho giới quý tộc quân phiệt Đức, Thái tử Ruppect – người kế thừa vương vị Đức, quận công Bavaria, Swabia và Franconia – khẳng định: “Bất cứ nơi nào mà nền đất thích hợp cho xe tăng (như Cambrai), chúng ta sẽ bắt buộc phải chuẩn bị và chờ đợi những cuộc đột kích như thế. Trong các trường hợp cụ thể ấy, sẽ không thể còn tồn tại bất cứ kiểu “mặt trận im lặng” nào nữa”. Quả vậy, chỉ sang đến năm 1918, sự kết hợp giữa bộ binh và xe tăng đã làm nên những thành tựu rất đáng chú ý, trong chặng cuối Đệ nhất Thế chiến.

Thiên Thư
.
.