Cuộc chiến nguồn nước của nông dân Morocco

Thứ Tư, 07/12/2022, 21:15

Mỗi ngôi làng dưới chân dãy núi High Atlas ở Morocco đều được đặt tên theo chính con sông chảy qua, như truyền thống đẹp của mảnh đất này. Cho đến một ngày, những cây cọ dần mọc dày quanh lòng sông trống rỗng, những tên gọi mỹ miều không còn nhắc về những con sông thơ mộng, và những cây cầu giờ chỉ bắc qua vô vàn tảng đá khô rát còn lại dưới đáy sông…

Chuyện trong ngôi làng nhỏ

“Khi còn bé, tôi thường bơi ở con sông này, nơi có nhiều loại cá đến kinh ngạc. Vậy mà nửa thế kỷ sau, hôm nay, thung lũng của chúng tôi đã hoàn toàn khô hạn”, Yousef, một nông dân sống tại Kalaat MGouna, phía đông thành phố cửa ngõ Ouarzazate, chua xót nói. Yousef từng làm việc tại Pháp và chỉ trở về Morocco sau khi nghỉ hưu để gây dựng một khu vườn lớn trồng ô liu, hạnh nhân và lựu của riêng mình.

ảnh 1.jpg -0
Khô hạn đã là “bức tranh” quen thuộc với nhiều nông dân Morocco. Ảnh: Atalayar

Thế nhưng Yousef không hề biết rằng, việc tìm kiếm nguồn nước tưới cho khu vườn lại trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Vùng bán sa mạc Ouarzazate đang ngày càng khô hạn. Cũng như ở phần còn lại của Bắc Phi, hiện tượng nóng lên toàn cầu đã cho thấy sự đáng sợ của nó, nhất là đối với nông nghiệp. Trong khi đó, những năm gần đây, khu vực Skoura, Nam Ouarzazate, nơi vốn đang chịu áp lực từ các hoạt động khai thác, đã trở thành điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư lớn vào sản xuất dưa hấu. Kể từ năm 2008, diện tích đất gieo trồng dưa hấu đã tăng gấp 10 lần, đe dọa nguồn nước địa phương vốn bấy lâu chỉ phục vụ dân làng và các hộ làm nông quy mô nhỏ.

Ở Zagora, một khu vực nhỏ với 30.000 dân, nước được phân phối theo… giọt và thậm chí chỉ được cung cấp vài giờ trong ngày. “Mọi người đang rời khỏi thung lũng để tìm việc ở các thành phố hoặc tìm kiếm cơ hội ra nước ngoài. Tiếp cận nguồn nước đang trở thành một vấn đề an sinh xã hội, bởi chúng tôi đang tồn tại nhờ những đồng lương các lao động xa quê gửi về. Thật khó để canh tác”, người nông dân Yousef buồn phiền chia sẻ thêm. Ước mơ khu vườn thơm mùi ô liu vẫn còn nguyên, và Yosef vẫn ngày đêm trăn trở ý tưởng một trang trại phối hợp nông nghiệp thử nghiệm phương pháp tưới nhỏ giọt của mình, nhằm tối ưu nguồn nước vốn đã chẳng dôi dư. “Thung lũng của chúng tôi đang gặp nguy hiểm lớn. Nếu không có nước, chúng tôi đang ở thời điểm cận kề sự sụp đổ lớn”, ông lo ngại nói.

Chuyện nơi thị trấn to

Đối với nông dân Morocco, sự “cộng hưởng” giữa lạm phát và hạn hán đang gây ra một vấn đề lớn khi giá cả mọi thứ từ nhiên liệu đến phân bón đều tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, khiến việc canh tác nông nghiệp của họ trở nên khó khăn hơn, Africa News nhận định. Bella El Omari, chủ trang trại ở thị trấn Ain Atiq vùng ngoại ô Rabat, cho biết: “Năm nay do hạn hán, sản xuất nông nghiệp coi như bằng 0. Không có nước, không có mưa, điều này quá khó cho nông dân”. Ông El Omari dự kiến sản lượng thu hoạch từ nông trại sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu mưa.

ảnh 2.jpg -0
Khô hạn kéo dài khiến nông dân Morocco chịu nhiều mất mát. Ảnh: Reuters

Không phải riêng ông Omari, mà nông dân nào ở Morocco cũng ôm nỗi lo chung như thế. Theo báo cáo của Bộ Thiết bị và Nước Morocco, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các đập lớn trên toàn Morocco chỉ đạt 29,2% cho đến giữa tháng 7 vừa qua, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng mưa thường là yếu tố lớn nhất quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế của Marocco và năm nay, theo Reuters, sản lượng ngũ cốc thu hoạch ít hơn 2/3 so với năm 2021 và sản lượng sữa giảm tới 30%. Zakaria Khatabi, một nông dân ở Zhiliga, phía bắc Rabat, cho biết: “Tôi thậm chí không chắc mình sẽ gieo lúa mì trong năm nay vì lượng mưa đến quá muộn và quá ít”. Chính phủ Morocco đã quyết định thực hiện chương trình tiết kiệm nước quy mô quốc gia, bên cạnh việc dành hơn 1 tỷ USD hỗ trợ nông dân đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Song, Mehdi Fakir, một nhà phân tích kinh tế cho biết: “Hạn hán ở Morocco luôn được coi là một vấn đề mang tính thời điểm, nhưng đó thực ra là một vấn đề mang tính cấu trúc. Hạn hán cũng như cuộc khủng hoảng lúa mì và nhiên liệu chứng minh rằng cần một giải pháp nhanh chóng cho tình hình hiện tại của quốc gia Bắc Phi này”.

Chuyện không riêng ai cả

Atalayar News trích dẫn số liệu do Ngân hàng Thế giới cung cấp cho thấy, các đợt hạn hán liên tiếp trong gần nửa thập kỷ qua là một lời nhắc nhở rõ ràng về tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Morocco trước diễn biến mưa ngày càng thất thường. Tác động của hạn hán, kết hợp với tình hình chiến sự ở Ukraine, càng khiến thách thức trở nên lớn hơn với Morocco, trong việc cứu chính nông dân của mình. "Việc tăng giá và tăng chi phí sản xuất ở cấp độ quốc tế ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng địa phương, và do đó dẫn đến lạm phát nội bộ", chuyên gia Fakir nói. Lạm phát ở Morocco đã đạt đến mức chưa từng thấy trước đây do hậu quả của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và vấn đề Ukraine lại càng làm tăng chi phí năng lượng. Theo cơ quan kế hoạch của nước này, lạm phát ở Morocco đạt 7,2% trong tháng 6, một trong những mức cao nhất kể từ năm 2008.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cũng cho biết: “Morocco là một trong những quốc gia gặp vấn nạn nguồn nước trầm trọng nhất trên thế giới”. Thay vì được phân phối lại một cách đồng đều cho người dân, 85% lượng nước tiêu thụ quốc gia được sử dụng cho nông nghiệp thâm canh, chủ yếu là cho các sản phẩm thị trường như dưa hấu và bơ, và nông nghiệp trồng cây. Bà Jamila Bargach, Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Morocco Dar Si Hmad về phát triển, giáo dục và văn hóa, nhận định một trong những điều gây trở ngại cho an ninh nguồn nước là việc sử dụng quá nhiều nước trong các ngành sản xuất: “Nông nghiệp là một vấn đề rất lớn, đặc biệt là ở khu vực miền Nam của Morocco, nơi xuất khẩu một lượng lớn trái cây sang châu Âu. Dù nó tạo ra nhiều việc làm, nhưng lượng nước sử dụng cho việc trồng hoa quả lớn hơn nhiều so với lượng nước có thể được bổ sung, tạo ra sự mất cân bằng lớn”.

Trên thực tế, Morocco hiện dựa vào nước mặt tự nhiên và nước ngầm cho gần như toàn bộ lượng nước ngọt tiêu thụ, thông qua mạng lưới 149 đập lớn trên cả nước. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lượng nước bình quân đầu người hàng năm tại quốc gia này là 600m3, thấp hơn rất nhiều so với mức 1.700m3, tức ngưỡng khan hiếm nước. Năm năm liên tiếp hạn hán đã khiến nhiều hồ chứa nước trong số này cạn kiệt, và những người nông dân gieo trồng nhỏ lẻ, không đủ sức gánh cả một trang trại sản phẩm xuất khẩu, sẽ lại là những người khốn khổ nhiều hơn bất cứ ai.

Chuyện của Morocco

Một số tác động tồi tệ nhất của hạn hán ở Marocco đã được cảm nhận ở Agadir, một thành phố ven biển với 1 triệu dân, cách Casablanca vài giờ lái xe về phía Nam. Trong những năm trước, chính quyền thành phố đã phải cắt nguồn cung cấp nước uống cho các hộ gia đình vào ban đêm để vượt qua mùa hè khô cạn, cũng như chuyển nước từ các hồ chứa dùng để tưới tiêu cho cây trồng. Các đập cung cấp cho Agadir gần như cạn trơ và thành phố phải phụ thuộc vào nguồn nước 275.000 mét khối mỗi ngày do một nhà máy mang theo giải pháp mới cung cấp. Ahmed Said, một cư dân Agadir, cho biết: “Tôi từng phải đổ đầy những lon nước để dùng vào ban đêm. Ơn Chúa, bây giờ đã có nước rồi”.

Giải pháp mà Said thầm cảm ơn chính là máy khử mặn nước biển mới, thường gọi là nhà máy khử muối, mà người dân Agadir tin sẽ là một mô hình để giảm thiểu hạn hán kéo dài. Mặc dù các nhà máy khử muối nhỏ hơn đã hoạt động ở Morocco trong nhiều năm, nhưng nhà máy bắt đầu hoạt động ở Agadir vào mùa hè này cho đến nay là nhà máy lớn nhất của đất nước và là nhà máy đầu tiên được xây dựng nhằm giải quyết tình trạng lượng mưa liên tục giảm, theo Reuters. Rachid Boukhenfer, một quan chức địa phương giải thích: “Tóm lại, nếu không khử muối, Agadir không thể tìm đủ nước để uống và chúng tôi sẽ phải cắt giảm nguồn cung lâu hơn, tồi tệ hơn”. Đánh giá ban đầu về hiệu quả của nhà máy là đòn bẩy để chính phủ Morocco lên kế hoạch mở thêm 12 cơ sở khử muối mới, một phần của khoản đầu tư dự kiến vào các dự án nước trị giá 12 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2027 tại quốc gia này.

Nhà máy khử mặn nước biển không chỉ cung cấp nước uống mà còn được sử dụng để tưới cho một số vùng đất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc tung phao cứu sinh cho những người nông dân. Abdeljalil Drif thuộc Hiệp hội nông dân vùng Souss gần Agadir vui mừng chia sẻ, các trang trại ở vùng Chtouka sẽ được tưới bởi nhà máy khử muối mới, sau khi họ đã đào những giếng sâu hơn bao giờ hết bởi các tầng chứa nước cạn kiệt. “Chúng tôi hy vọng diện tích cây trồng được tưới bởi nước từ nhà máy sẽ được mở rộng, vì các con đập đã cạn kiệt sau nhiều năm hạn hán”, Drif nói.

Công trình nhà máy khử mặn nước biển quan trọng nhất để cung cấp cho thành phố lớn nhất của Morocco - Casablanca - sẽ được khởi công xây dựng vào năm tới và đi vào hoạt động vào năm 2026.

Trong lúc chờ đợi giấc mơ “dư thừa nước tưới tiêu” thành hiện thực, Hamid Rachel, một chuyên gia về môi trường, nhấn mạnh việc cần phải quản lý nhu cầu và tận dụng tối đa nguồn nước, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, để giải bài toán “cuộc chiến giành giật lấy nước” cho người dân.

Tái sử dụng nước thải đã qua xử lý để tưới tiêu không gian xanh, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn tài nguyên nước, song song với việc rà soát lại chính sách tiết kiệm nước quốc gia và đầu tư tiền hỗ trợ nông dân của chính phủ Morocco, là những ý kiến mà Rachel đưa ra.

Nhưng có lẽ, những kế hoạch vĩ mô sẽ cần nhiều thời gian nghiên cứu, còn nước lại là thứ cần thiết tức thời với người nông dân Morocco. Những giải pháp như máy khử muối, lọc mặn nước biển, sẽ là thứ họ chờ đợi ngay lúc này.

An Nhiên
.
.