Vì sao cần phải cấm các sản phẩm thuốc lá mới?

Thứ Tư, 06/12/2023, 16:26

Thuốc lá điện tử có chứa nicotin là chất gây nghiện. Nicotin ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh thiếu niên với những hậu quả nghiêm trọng là gây nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Dung dịch thuốc lá điện tử có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.

Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học và trong cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của thanh thiếu niên. Bên cạnh tác hại sẵn có của thuốc lá điện tử, các sản phẩm này còn đang bị các đối tượng tội phạm về ma tuý lợi dụng để che dấu hành vi mua bán, sử dụng trái phép ma tuý và các chất gây nghiện, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội, đặc biệt cho giới trẻ.

Tại Việt Nam, trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường trong giới trẻ giảm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử lại tăng nhanh. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong học sinh nhóm tuổi từ 13-17 giảm 50%, từ 5,36% ăm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019; nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành lại tăng tới 18%, từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung cao ở nhóm tuổi 15-24 với tỷ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25-44 (3,2%), 54 – 64 tuổi (1,4%).

Vì sao cần phải cấm các sản phẩm thuốc lá mới? -0
Nếu cho thí điểm thuốc lá điện tử, sẽ gây ra hậu quả khôn lường tới sức khoẻ người dân.

“Có thể thấy chỉ sau 3 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, kinh tế, môi trường, đặc biệt là các hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của thế hệ trẻ. Điều này cho thấy những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong việc giảm sử dụng thuốc lá 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhằm vào giới trẻ”, bà Nguyễn Thị Thu Hương, đại diện Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết. 

Đối tượng khách hàng tiềm năng mà các công ty thuốc lá đang tiếp cận là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, phụ nữ, những người chưa từng hút thuốc lá. Hiện nay Việt Nam chưa cho phép kinh doanh, chưa sản xuất trong nước mà tỷ lệ hút thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đã tăng nhanh. Nếu cho phép kinh doanh, lưu hành sản phẩm tự do thì tỷ lệ sẽ tăng lên rất cao cả ở người trưởng thành và thanh thiếu niên, đi ngược lại mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo tinh thần của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá, làm mất đi tính hiệu quả của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Bài học của một số nước khi nới lòng đã dẫn đến những hệ lụy lớn, kể cả các nước có năng lực kỹ thuật, kinh tế như Nhật Bản, Mỹ, Canada. 

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Chiến lược Quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đều thể hiện nhất quán quan điểm chính sách của nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cấp thuốc lá, giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá. Việc cho phép sẽ mở rộng nguồn cung cấp, tăng thêm sự lựa chọn sản phẩm, sẽ làm gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, sẽ không phù hợp với mục tiêu của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, kinh nghiệm các nước…, trên quan điểm lấy lợi ích sức khỏe của người dân là trên hết, đặc biệt ngăn ngừa thế hệ trẻ phụ thuộc vào sản phẩm gây nghiện, Bộ Y tế kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết để cấm các sản phẩm này nhằm ngăn chặn kịp thời trước khi việc sử dụng thuốc lá mới trở nên phổ biến. Trên thế giới đã có 42 nước cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei,Campuchia.

Theo Bộ Y tế, không nên cho phép thí điểm sản phẩm gây nghiện và có hại cho sức khoẻ, càng không thể đưa sức khoẻ người dân ra thực hiện việc thí điểm. Trong thời gian thí điểm sẽ làm tăng nhanh số người sử dụng, nhất là trong thanh thiếu niên và gây ra những hệ luỵ xã hội không khắc phục được.

PV
.
.