Nghiện thuốc lá 30 năm, đi khám phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

Thứ Bảy, 16/11/2024, 20:55

30 năm hút thuốc lá, mỗi ngày hết 1 bao, gần đây ông thấy tức ngực, khó thở, ho khò khè, mệt mỏi, đi khám ông Phạm Văn Thắng (Tây Hồ, Hà Nội) được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Theo chia sẻ của ông Thắng, ông nghiện thuốc lá nhiều năm nay, đã vài lần cai nhưng không thành công. Khi hút lại, ông hút nhiều hơn, mỗi ngày 1 bao thuốc. Vợ ông cách đây 5 tháng ho nhiều, sốt, đi khám được xác định viêm phổi. Bác sĩ khuyến cáo ông cai thuốc không những phòng bệnh cho mình mà còn cho người thân, bởi sống trong môi trường khói thuốc, người thân của ông cũng trở thành đối tượng hút thuốc lá thụ động.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh viêm phổi mãn tính được gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, tiết chất nhầy và thở khò khè. Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc lâu dài với các chất khí hoặc hạt vật chất kích thích, thường là từ khói thuốc lá. Những người bị phổi tắc nghẽn mãn tính có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và loạt các bệnh lý nguy hiểm khác. 

Nghiện thuốc lá 30 năm, đi khám phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính -0
Khám tầm soát sức khoẻ, nhiều người được khuyến cáo cai thuốc lá.

Tại chương trình khám tầm soát sức khoẻ miễn phí cho gần 2.000 người dân Hà Nội vào sáng 16/11 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, nhiều người cho biết hút thuốc lá đã nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Dương (65 tuổi) cho biết: Tôi hút thuốc từ hồi thanh niên, răng xỉn hết, nhưng khó bỏ lắm. Gần đây sức khoẻ giảm sút, tôi mới cai, nhưng không dứt điểm. Trước đây ngày hút 10 điếu thì nay hút 2-3 điếu. Nhiều lúc tôi hay ho, có đờm, uống thuốc lâu khỏi”. Ông có chỉ số mỡ máu cao, nhịp tim nhanh, chức năng gan, phổi kém. Bác sĩ khuyến cáo ông cai thuốc, có chế độ ăn uống và luyện tập lành mạnh để phòng chống bệnh tim mạch và bệnh phổi.

Anh Phạm Văn Tấn (45 tuổi) bị rối loạn đường huyết đang có chế độ ăn và tập luyện để giảm lượng đường trong máu, nhưng vẫn mỗi ngày hút nửa bao thuốc lá. Bác sĩ khuyến cáo anh cai thuốc, nhưng 5 tháng nay anh vẫn chưa cai. “Tôi rất khó bỏ thuốc, chưa quyết tâm cai được”, anh Tấn chia sẻ.

Cai thuốc lá không phải dễ với nhiều người. Bệnh viện Bạch Mai có Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá bao gồm tổng đài tư vấn hỗ trựo cai nghiện thuốc lá miễn phí với đầu số là 1800-6606 và các phòng tư vấn trực tiếp về cai nghiện thuốc lá trong bệnh viện. Người dân cần nâng cao nhận thức về cai nghiện thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho mình và cộng đồng. 

Theo BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đề xuất, Bộ Y tế cần tổ chức thêm nhiều hoạt động truyền thông và tư vấn cai nghiện thuốc lá để giúp những người đã lỡ sử dụng các sản phẩm này có thêm quyết tâm từ bỏ thuốc. Đồng thời, khi thực hiện các lệnh cấm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để kiểm soát hiệu quả ở đường biên và cả thị trường trong nước. Điều này sẽ giúp giảm thiểu việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới, đặc biệt là qua các mạng xã hội, hình thức tiếp cận nhanh chóng đến giới trẻ.

Trần Hằng
.
.