Mù quáng khi ăn thực dưỡng để chữa ung thư
Nhiều người khi được bác sĩ chẩn đoán mắc ung thư đã bỏ điều trị tại bệnh viện để về dùng phương pháp “thực dưỡng” được đồn thổi là “bỏ đói tế bào ung thư”. Sau đó, rất nhiều người khi quay trở lại bệnh viện sức khoẻ suy kiệt, tế bào ung thư phát triển di căn sang nhiều bộ phận.
Ước tính, trên thế giới có khoảng 10-20% người bệnh ung thư tử vong do hậu quả của suy dinh dưỡng, con số này ở Việt Nam có thể còn lớn hơn. Trào lưu ăn thực dưỡng để chữa ung thư mặc dù đã được các bác sĩ chuyên ngành ung bướu cảnh báo, nhưng nhiều người vẫn tin và làm theo.
Chữa bệnh theo “bác sĩ” trên mạng
Được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến phổi giai đoạn 3, bà Phạm Thị V. (70 tuổi, Hưng Yên) được bác sĩ chỉ định điều trị thuốc đích, nhưng nghe người quen mách, đặc biệt là nghe thông tin trên mạng, bà bỏ điều trị, về uống nụ hoa đu đủ để tiêu diệt khối u và ăn thực dưỡng nhằm “bỏ đói tế bào ung thư”. Thực đơn của bà V. chủ yếu là hạt ngũ cốc, rau, trái cây, không ăn thịt, cá, tôm. Sáu tháng sau, bà V. mệt mỏi, xanh xao và đau nhức dọc sống lưng, các con bà sốt ruột đưa mẹ đi Hà Nội khám. Lúc này, ung thư phổi của bà đã chuyển sang giai đoạn 4 di căn xương, đặc biệt, cơ thể bà bước vào tình trạng suy kiệt do thiếu chất.

Một trường hợp khác bị ung thư đại trực tràng, bác sĩ đã phẫu thuật và làm hậu môn nhân tạo. Lo sợ ăn thịt sẽ nuôi tế bào ung thư phát triển, nam bệnh nhân nghe theo quảng cáo trên mạng và áp dụng chế độ thực dưỡng, dùng thực phẩm chức năng, uống sữa để nâng cao thể trạng, tăng cường miễn dịch. Một 1 tháng sau khi chi hết 30 triệu mua thực phẩm chức năng, bệnh nhân này sụt 10kg, suy kiệt. Vết mổ hậu môn nhân tạo do ung thư đại tràng bị loét rộng không liền. Sau khi được chuyển đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân sau khi được các bác sĩ tư vấn điều trị đã tăng cân, ăn ngon miệng, vết loét cũng dần liền.
Ông Trần Văn H. (70 tuổi, Quảng Ninh) cho hay, khi phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, nhiều người đã khuyên ông ăn thực dưỡng, tuyệt đối không ăn các loại thịt, đặc biệt là thịt đỏ vì ăn khối u sẽ phát triển nhanh. Nhưng ông không áp dụng, mà điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Còn bà Nguyễn Thị L. (65 tuổi, Bắc Ninh) mắc ung thư phổi giai đoạn 4 đã 3 năm nay cho biết: “Xem quảng cáo trên mạng có rất nhiều người nói thực phẩm chức năng này tốt cho người ung thư, thực phẩm chức năng kia tăng cường miễn dịch cho cơ thể để chống lại tế bào ung thư… Lúc mới phát hiện bệnh, do quá sốc, tôi cũng mua hàng chục triệu để uống, sau đó ăn chế độ ít thịt đỏ. Khi bác sĩ điều trị cho tôi nói rằng, người bệnh ung thư không được để sụt cân, mà phải ăn uống đủ chất mới chống lại được tế bào ung thư, thì tôi đã bỏ hết các loại thực phẩm chức năng đã mua. Từ đó tôi rất cố gắng ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và đã lên cân, cảm thấy sức khoẻ tốt hơn rất nhiều”.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nhiều người bệnh ung thư có suy nghĩ, càng ăn nhiều, càng tẩm bổ nhiều thì càng nuôi dưỡng cho tế bào ung thư khiến khối u phát triển. Đó là suy nghĩ sai lầm.
Tại hội thảo “Dinh dưỡng với người bệnh ung thư” do Bệnh viện Bạch Mai tổ chức mới đây đã đưa ra con số, có tới trên 85% người bệnh ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc bệnh, khoảng 50% người bệnh đã có thiếu hụt dinh dưỡng ngay từ khi mới được chẩn đoán. Suy dinh dưỡng không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây gián đoạn, giảm hiệu quả điều trị, tăng nguy cơ biến chứng và thậm chí dẫn đến tử vong. Ước tính, trên thế giới có từ 10-20% người bệnh ung thư tử vong vì hậu quả của suy dinh dưỡng. Tại Việt Nam, con số này có thể còn lớn hơn.
Cần xử lý nghiêm những quảng cáo chữa bệnh phản khoa học
Mặc dù đã được các bác sĩ chuyên ngành ung bướu cảnh báo, song nhiều quảng cáo thực dưỡng chữa ung thư vẫn nhan nhản trên mạng xã hội. Trên trang facebook có tên “lương y N.Đ.V” quảng cáo ăn thực dưỡng khỏi ung thư, bí quyết cải thiện sau 1 tháng với người bị ung thư vú, phổi, trực tràng, vòm họng… Trong 1 video, “lương y” này cho biết, bản thân mình từng bị ung thư nhưng không uống 1 viên thuốc và không theo biện pháp điều trị nào mà chỉ dùng phương pháp ăn uống và nhịn ăn mà… khỏi bệnh. Sau đó là quảng cáo về thực phẩm chức năng do chính mình nghiên cứu tạo nên sản phẩm thực dưỡng toàn diện cho bệnh nhân ung thư, u nang, u xơ với tiêu đề “bí quyết giúp người bệnh chiến thắng bệnh K”.
Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, thời gian qua, lợi dụng lòng tin của người dân, có rất nhiều quảng cáo sai lệch về chế độ ăn và thực phẩm chức năng cho người bệnh ung thư tràn lan trên mạng xã hội, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Người bệnh ung thư không chỉ mất số tiền lớn cho các chế độ ăn và thực phẩm chức năng, mà còn khiến tình trạng dinh dưỡng xấu hơn, suy kiệt, làm mất đi cơ hội điều trị bệnh.
Chuyên gia ung bướu cũng cho rằng, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình điều trị ung thư, từ khi chẩn đoán đến khi kết thúc điều trị. Can thiệp dinh dưỡng đúng cách và kịp thời còn có thể mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh như: Giảm mệt mỏi, tăng dung nạp hoá trị, xạ trị, giảm gián đoạn điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh…
Từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư ăn thực dưỡng sau đó phải đến bệnh viện cấp cứu vì suy kiệt, khối u lở loét do không được điều trị, GS.TS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: “Quan điểm “bỏ đói tế bào ung thư” để dẫn đến người bệnh bị suy kiệt là nhận thức không đúng. Chúng ta cần hiểu rõ bản chất của vấn đề, đó là cần có một cơ thể khoẻ mạnh thì mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt, các tế bào miễn dịch khỏe mạnh đủ khả năng phát hiện, ức chế, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh – trong đó có tế bào ung thư. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, người bệnh sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khoẻ để chống chọi với bệnh tật cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị”.
Lời khuyên của các chuyên gia ung thư là người bệnh và gia đình không nên cả tin, tốn kém tiền bạc, thời gian vào các quảng cáo ăn thực dưỡng, uống thực phẩm chức năng “bỏ đói tế bào ung thư” mà mất đi cơ hội điều trị chính thống ngay từ “giai đoạn vàng”. Hơn thế nữa, những quảng cáo phản khoa học về chữa bệnh ung thư để bán thực phẩm chức năng cũng cần được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm.