Mắc cúm gia cầm A/H9N2 nguy hiểm thế nào?

Chủ Nhật, 07/04/2024, 16:09

Người đầu tiên mắc cúm gia cầm A(H9N2) tại Việt Nam hiện đang điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Như tin đã đưa, Việt Nam ghi nhận ca mắc cúm gia cầm A(H9N2) đầu tiên là nam bệnh nhân 37 tuổi, trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. 

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, sau khi được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nam bệnh nhân có tình trạng viêm phổi với hình ảnh tổn thương phế nang và mô kẽ lan tỏa hai phế trường trên X-quang, được chỉ định lấy mẫu phết mũi họng để làm xét nghiệm PCR virus cúm A, B. Tình hình suy hô hấp nặng dần, bệnh nhân được đặt nội khí quản thở máy.

Ngày 1/4, Phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) giải mã trình tự gen xác định bệnh nhân mắc virus cúm A/H9N2.

Mắc cúm gia cầm A/H9N2 nguy hiểm thế nào? -0
Tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh trên đàn gia cầm để không lây sang người.

Hiện bệnh nhân tiếp tục điều trị tại phòng cách ly áp lực âm của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, với chẩn đoán theo dõi nhiễm trùng huyết từ viêm phổi, cúm A, nhiễm nấm xâm lấn, biến chứng suy hô hấp, xuất huyết phổi, xuất huyết ở bụng ổn, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương thận cấp, xơ gan do rượu, theo dõi u gan.

Trước khi đến cơ sở khám và điều trị, bệnh nhân làm nghề thợ hồ, sinh sống và làm việc tại nơi cư trú, chưa từng tiêm phòng vaccine cúm và vaccine phòng COVID-19. Đối diện nhà bệnh nhân là nhà em gái, em rể có trực tiếp giết mổ và kinh doanh buôn bán gia cầm (gà, vịt, chuột đồng...) cho khách, còn bệnh nhân thì không trực tiếp tiếp xúc với gia cầm. Nhà bệnh nhân có nuôi 2 con ngỗng đẻ trứng để gia đình ăn, không cung cấp trứng ra bên ngoài.

Đến thời điểm hiện tại, tình hình sức khỏe của những người trong gia đình em gái, em rể bệnh nhân đều khỏe mạnh, đồng thời chưa ghi nhận gia cầm chết hay biểu hiện bất thường tại các địa điểm này.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế về cúm gia cầm; Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn theo dõi tình trạng sức khỏe nhân viên y tế đã chăm sóc cho bệnh nhân (tất cả nhân viên khi tiếp xúc với bệnh nhân ngay từ khi nhập viện đều mang phương tiện phòng hộ theo đúng quy định).

Vậy người mắc cúm gia cầm A/H9N2 nguy hiểm ra sao? PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con người có thể bị nhiễm virus cúm gia cầm, cúm lợn và các loại virus cúm khác, như cúm gia cầm A(H5N1), A(H7N9), A(H9N2) và các virus cúm lợn A(H1N1), A(H1N2) và A(H3N2).

Virus cúm gia cầm A được phân thành hai loại: Virus cúm gia cầm A có khả năng gây bệnh thấp và virus cúm gia cầm A độc lực cao. Một số chủng virus có độc lực cao như: Cúm A(H7N9), cúm A (H5N2), cúm A(H5N8), cúm A(H5N1)… Còn với tất cả các loại virus cúm A(H9) cho đến nay được xác định trên toàn thế giới ở các loài chim và gia cầm hoang dã đều có khả năng gây bệnh thấp.

Tại Việt Nam, trước đây lưu hành cúm A(H5N1) trên người và gây bệnh nặng, tử vong cao. Mới đây vào tháng 3/2024 ghi nhận 1 ca mắc cúm gia cầm A(H5N1) tử vong sau thời gian ngắn phát bệnh.

"Còn với cúm A(H9N2) ở nước ta ghi nhận có ở đàn gia cầm trước đây. Cúm A(H9N2) thường lưu hành ở đàn gia cầm và có thể lây sang người nhưng chưa thấy dịch lớn xảy ra, mới chỉ có ca bệnh đầu tiên vừa công bố. Tuy vậy, chúng ta cũng phải đề phòng vì các chủng virus rất dễ biến đổi thành chủng nặng hơn hoặc vẫn chủng đó nhưng biến đổi, có độc lực cao hơn, lây lan nhanh hơn, triệu chứng nặng hơn…", ông Phu nói.

Để phòng bệnh cúm gia cầm lây lan cho người, chuyên gia cho rằng, điều cần làm lúc này là làm tốt công tác phòng bệnh cho đàn gia cầm để đàn gia cầm không bị nhiễm bệnh. Bởi nếu không dập tắt được dịch từ gia cầm thì dịch cúm sẽ lây sang người. Do đó, phải làm tốt công tác kiểm dịch thú y.

Hiện nay, chưa có bằng chứng cúm A(H9N2) lây từ người sang người, nhưng bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine để phòng bệnh. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, nhất là người giết mổ cho rằng gia cầm khoẻ mạnh nên không áp dụng các biện pháp phòng hộ.

Khi phát hiện những ổ dịch có gia cầm chết, chuyên gia khuyến cáo người dân phải ngay lập tức báo cơ sở thú y, cơ sở y tế để các cơ quan đó vào cuộc điều tra ngay.

Bên cạnh đó, người dân phải nêu cao ý thức phòng dịch, thực hiện an toàn thực phẩm; bảo đảm an toàn trong chăn nuôi và bảo đảm vệ sinh trong việc giết mổ gia cầm.

Đặc biệt, người dân không nên ăn tiết canh, không ăn thực phẩm gia cầm khi chưa nấu chín; phải vệ sinh trong giết mổ và chế biến thực phẩm. Ngành Y tế cần đẩy mạnh truyền thông để người dân tránh tiếp xúc gia cầm bị bệnh, không ăn gia cầm ốm chết hoặc không rõ nguồn gốc.

Người dân cần lưu ý, khi có dấu hiệu sốt, bị viêm nhiễm đường hô hấp khi có lịch sử tiếp xúc với gia cầm thì không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trần Hằng
.
.