Kê đơn thuốc 2 tháng: Người bệnh và cơ sở y tế đều được lợi

Thứ Hai, 19/05/2025, 06:54

Nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo bệnh viện cho rằng, phát thuốc 2 tháng đối với một số bệnh, nhóm bệnh mãn tính điều trị ổn định là cần thiết, mang lại lợi ích cả cho người bệnh lẫn bệnh viện.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhiều lần đề xuất phát thuốc 2 tháng/lần cho người bệnh ngoại trú mắc bệnh mãn tính đã điều trị ổn định để giảm quá tải bệnh viện, giảm thời gian đi lại và chờ đợi của người dân. Hiện, cả nước có Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) đang thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày đối với một số bệnh, nhóm bệnh, được người bệnh hoan nghênh và ủng hộ.

Nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo bệnh viện cho rằng, phát thuốc 2 tháng đối với một số bệnh, nhóm bệnh mãn tính điều trị ổn định là cần thiết, mang lại lợi ích cả cho người bệnh lẫn bệnh viện.

3 lợi ích khi kê đơn thuốc 2 tháng

Mắc bệnh tăng huyết áp đã 5 năm nay, trước đây, tháng nào bà Phạm Thị Tới (63 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) cũng đi từ rất sớm để tới Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khám bảo hiểm y tế (BHYT), lấy thuốc về uống. Nhưng gần đây, 2 tháng bà mới phải đi khám một lần bởi đơn thuốc bác sĩ kê dùng trong 2 tháng. “Khám BHYT rất đông, tôi thường phải đi từ sớm để xếp hàng. Nhưng hiện nay 2 tháng mới phải đi khám một lần tôi thấy đỡ vất vả, không phải đi lại chờ khám, lấy thuốc nhiều lần như trước”.

xanhpôn 12.jpg -0
Việc cấp thuốc 2 tháng/lần sẽ giảm thời gian đi lại và chờ đợi của người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cho khoảng 230.000 người có thẻ BHYT. Với hơn 50 bàn khám, hàng ngày bệnh viện tiếp nhận trung bình khoảng 3.000 lượt bệnh nhân khám ngoại trú. Trong tổng số bệnh nhân đến khám, nhóm bệnh nhân mắc bệnh mạn tính chiếm hơn 50%, chủ yếu là các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp, viêm gan B mạn, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính, rối loạn lo âu,...

Tình trạng quá tải tại khu khám bệnh luôn là thách thức lớn, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm (8h-10h và 13h-15h), dẫn đến hiện tượng bệnh nhân phải chờ đợi lâu, gia tăng áp lực cho nhân viên y tế và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

TS.BS Lương Đức Dũng, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, trong giai đoạn 2020-2023, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thực hiện việc cấp thuốc tối đa 3 tháng cho người bệnh điều trị ngoại trú trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam. Khi hết dịch, bệnh viện nhận thấy việc cấp thuốc điều trị mạn tính với thời gian 2 tháng tiếp tục đem lại hiệu quả tích cực trong công tác khám chữa bệnh, nên đã gửi công văn đề xuất Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội xem xét tiếp tục cho phép triển khai cấp thuốc điều trị ngoại trú 2 tháng đối với các bệnh lý cần điều trị dài ngày, trong tình trạng ổn định.

Theo đó, từ tháng 11/2024, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã triển khai thí điểm việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú trên 30 ngày cho các bệnh nhân có tình trạng ổn định đối với các nhóm bệnh: Tăng huyết áp, đái tháo đường typ 2, rối loạn lipid máu, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, Parkinson, viêm gan virus B mạn, lupus ban đỏ hệ thống và viêm mao mạch dị ứng.

TS.BS Lương Đức Dũng cho biết, việc thí điểm kê đơn và cấp thuốc điều trị ngoại trú trên 30 ngày bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan, như đối với người bệnh vẫn đảm bảo được đúng quyền lợi được thụ hưởng theo quy định BHYT, đồng thời tiết kiệm được thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm thời gian chờ đợi, tăng sự hài lòng.

Đối với cơ sở y tế đã nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tải cho khối khám bệnh, tạo điều kiện để bệnh viện tập trung nguồn lực cho phát triển chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật cao, điều trị các bệnh nhân cấp cứu, hồi sức nặng và không ngừng cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ. Lợi ích đối với các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan BHXH giảm được chi phí khám bệnh, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, phù hợp hơn nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Theo thống kê, từ tháng 11/2024 đến hết tháng 4/2025, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã cấp thuốc trên 30 ngày cho khoảng 2.300 người bệnh. Số lượng bệnh nhân được cấp thuốc có xu hướng tăng dần theo từng tháng.

Tỷ lệ bệnh nhân phải quay lại khám trong vòng 50 ngày (tương đương gần 2 tháng) sau khi được cấp thuốc trên 30 ngày là khoảng 3%. Các nguyên nhân chủ yếu bao gồm: Xuất hiện tác dụng phụ, phản ứng không mong muốn cần điều chỉnh liều hoặc đổi thuốc, hoặc phát sinh triệu chứng bất thường như cơn tăng huyết áp, biến động chỉ số glucose ở bệnh nhân đái tháo đường.

Một số nhóm bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường typ 2, rối loạn lipid máu, viêm gan B mạn, thoái hóa khớp, Parkinson được đánh giá là phù hợp để áp dụng cấp thuốc dài ngày. Chính sách này đã góp phần giảm đáng kể tần suất đến bệnh viện của người bệnh, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm như 8h-10h và 13h-15h, qua đó cải thiện thuận lợi cho công tác chuyên môn tại các khoa khám bệnh. 

Theo TS Dũng, hiệu quả của việc cấp thuốc điều trị ngoại trú trên 30 ngày còn được thể hiện khi 97% bệnh nhân không cần tái khám trong vòng 2 tháng. “Tiêu chí lựa chọn bệnh nhân cấp thuốc trên 30 ngày cần tình trạng bệnh ổn định tối thiểu từ 3 đến 12 tháng tùy nhóm bệnh giúp đảm bảo an toàn điều trị, đồng thời hạn chế nguy cơ biến chứng do thiếu giám sát y tế, góp phần hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý bệnh mạn tính”, TS Dũng cho biết.

Nên triển khai trên toàn quốc

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho rằng, một số bệnh mãn tính sẽ được cấp thuốc từ 1-3 tháng/lần là hoàn toàn phù hợp với bệnh tật. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân và bệnh viện. Tuy nhiên, chỉ tuỳ từng trường hợp, nếu là bệnh mãn tính đơn thuần như tiểu đường, hoặc huyết áp, phát thuốc thuốc 2 tháng/lần là hợp lý. Nhưng với những bệnh nhân mắc kèm theo 3-4 bệnh phối hợp thì tuỳ tình hình mà các bệnh viện bố trí cấp thuốc 1 tháng/lần hoặc dài hơn.

Với đề xuất của BHXH Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho rằng hợp lý, nhưng các bệnh viện phải có trách nhiệm lọc, tách, phân loại nhóm bệnh nhân nào cấp thuốc và khám 1 tháng/lần, nhóm bệnh nào 2 tháng và nhóm bệnh nào 3 tháng.

Theo đánh giá của nhiều bác sĩ, việc cấp thuốc điều trị ngoại trú trên 30 ngày đã có tác động rõ rệt đến mức độ giảm tải cho bệnh viện nhờ giảm tần suất tái khám định kỳ của người bệnh mạn tính ổn định. Nhiều người mắc bệnh mãn tính điều trị ổn định cũng mong mỏi được cấp thuốc 2-3 tháng/lần.

Theo ông Nguyễn Đức Hoà, Phó Giám đốc BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã đề xuất nhiều lần cách làm như Xanh Pôn và Bộ Y tế cũng đồng thuận, nhưng đến nay mới chỉ có rất ít bệnh viện triển khai. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay chưa có bệnh viện nào trên cả nước phát thuốc 2 tháng/lần ngoài Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đang thí điểm.

Theo đại diện Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đang sửa đổi, bổ sung Thông tư số 52/2017/TT-BYT, trong đó có nội dung cho phép một số bệnh, nhóm bệnh thuộc Danh mục được phép kê đơn lên đến 90 ngày. Nội dung sửa đổi về cơ bản chủ trương giảm bớt số lần đến bệnh viện cho người bệnh, đặc biệt bệnh nhân ở vùng xa xôi, miền núi về các bệnh viện lớn. Đối với bệnh và nhóm bệnh được phép kê đơn hơn 30 ngày đang cân nhắc tiếp và sẽ có kết quả trong thời gian sớm.

Trần Hằng
.
.