Cuối năm, gia tăng ngộ độc vì uống phải rượu rởm
Giáp Tết, ngộ độc rượu lại gia tăng khi nhiều người sau cuộc nhậu liên hoan, tiệc tùng hay gặp gỡ bạn bè đã phải nhập viện cấp cứu. Điều đáng nói, nhiều người nhập viện do uống phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp, thậm chí mất mạng như nam thanh niên 28 tuổi ở Hà Nội mới đây.
Sau chầu nhậu cùng đồng nghiệp ở Hà Nội, anh N.Q.C (28 tuổi, Nam Định) thấy mệt mỏi nhưng vẫn về quê vợ ở huyện Phú Xuyên chơi. Ngày 30/12, anh C xuất hiện khó thở, người nhà đưa vào bệnh viện ở Phú Xuyên cấp cứu. Sau đó, bệnh tiến triển nặng hơn, ý thức lơ mơ, anh được đặt ống nội khí quản và chuyển đến Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Các bác sĩ cho biết, khi đến viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch. Xét nghiệm máu cho thấy, bệnh nhân nhiễm toan chuyển hoá nặng, chẩn đoạn ngộ độc methanol và chuyển sang Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê. Anh C được thở máy, lọc máu liên tục 8h, xét nghiệm nồng độ methanol trong máu là 103mg/ml. Một ngày sau, bệnh nhân hôn mê sâu, mất hết phản xạ và chụp sọ não cho thấy ngộ độc methanol gây biến chứng xuất huyết não lớn, nguy cơ tử vong cao. Rạng sáng 1/1, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, tại đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu vào cấp cứu và thường gia tăng trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, số ca ngộ độc methanol liên quan đến rượu đều tăng lên vào dịp cuối năm. Với trường hợp của anh C, nồng độ methanol trong máu cao gấp 5 lần chỉ số gây ngộ độc, rất nặng.
Tình trạng ngộ độc do uống phải rượu rởm liên tiếp xảy ra trên cả nước. Sau cuộc nhậu với bạn bè, anh L.S.Đ (48 tuổi, trú tại TP Vinh, Nghệ An) được gia đình đưa đến bệnh viện khi có các triệu chứng đau đầu, nhìn mờ, ý thức lơ mơ. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độc methanol trong máu lên tới 63,85mg/ml. May mắn, anh Đ được lọc máu và điều trị tích cực đã phục hồi. Còn bạn anh, người uống rượu cùng nhập viện trước đó không may đã tử vong do ngộ độc methanol quá nặng.
Theo BS Nguyễn Trọng Toàn, Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, những năm gần đây, vào dịp cuối năm, Khoa tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Phần lớn là nam giới, ở mọi độ tuổi, đặc biệt nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc methanol rất nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản, thở máy. Những trường hợp này nếu được cứu sống cũng sẽ có biến chứng về thần kinh, thị giác sau này.
Không chỉ ngộ độc rượu do uống phải cồn công nghiệp, mà nhiều người “nghiện rượu” nhậu nhẹt quá đà dẫn tới viêm tuỵ cấp phải nhập viện không phải ít. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Tuấn Hải (Hà Nội), anh vừa “thoát chết” bởi đợt cấp cứu viêm tụy cấp kéo dài cả tháng ở bệnh viện.
Nguyên nhân do anh Hải thường xuyên nhậu nhẹt, đặc biệt là dịp giáp Tết, anh uống cả bia lẫn rượu dẫn đến bị đau bụng, không ăn uống được, cơn đau lan dần lên ngực rồi kéo sang hai mạng sườn và lưng. Vào nhập viện cấp cứu, bác sĩ lấy huyết tương từ cơ thể anh thì phát hiện đục như sữa, do mỡ máu tăng cao, viêm tụy cấp thể nặng, thậm chí có thể tử vong. Anh Hải được lọc máu khẩn cấp, thay huyết tương cấp cứu. “Thoát khỏi cửa tử tôi mới thấy sợ. Bác sĩ nói phải cai rượu để giữ tính mạng, nếu còn tái phát lần sau sẽ rất nguy hiểm”, anh Hải kể.
Theo các bác sĩ, việc thường xuyên uống nhiều bia rượu sẽ gây hẹp ống dẫn tụy, khiến men tiêu hoá không được tiết vào ruột non mà ứ động trong tụy, dẫn đến viêm. Ngoài ra, rượu bia còn thúc đẩy tăng mỡ máu, làm tăng nguy cơ viêm tụy cấp. Hàng năm đều có nhiều trường hợp viêm tụy cấp nặng vì thói quen uống rượu bia sa đà trong dịp Tết. Viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm, dễ tái phát, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Tương tự, người uống phải rượu rởm chứa methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống, nhưng có thể muộn hơn tuỳ thuộc vào số lượng rượu mà người bệnh uống. “Có người triệu chứng kín đáo nên không phát hiện, mà vài ngày sau, hoặc cả tuần sau mới có, lúc đó tình trạng ngộ độc đã rất nặng, nguy cơ tổn thương não lớn, mất thần kinh thị giác, mù hoàn toàn, hoặc có thể tử vong”, BS Nguyên cho biết.
Tại Việt Nam rất nhiều trường hợp ngộ độc methanol do uống phải rượu pha cồn công nghiệp trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí cả trong bữa cỗ. Người uống phải loại rượu rởm này khả năng cứu sống khi uống số lượng ít, đến bệnh viện kịp thời. Các trường hợp tử vong hầu hết do uống số lượng nhiều, đến bệnh viện muộn. Theo quy định tại Điều 4 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, để sản xuất và lưu thông sản phẩm rượu trên thị trường, cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm về rượu phải thực hiện thủ tục công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hiện nay, có loại rượu thủ công nhà tự nấu tự nấu vẫn được bán len lỏi ra thị trường, nếu chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không kiểm soát được nguồn gốc sản phẩm, người sản xuất không thực hiện thủ tục công bố rất dễ bị trà trộn rượu pha cồn công nghiệp đến tay người tiêu dùng. Số người nhập viện vì uống phải rượu methanol gia tăng, nhưng việc phát hiện, bắt giữ được cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chứa methanol còn quá ít. Vì vậy, vẫn tiếp tục có nạn nhân của tình trạng rượu rởm.
BS Nguyên khuyến cáo, bất kỳ ai uống rượu rởm đều có nguy cơ bị ngộ độc, nặng thì tử vong, hoặc nếu được cứu sống có thể tổn thương về mắt, não, kể cả điều trị khỏi cũng để lại di chứng lâu dài. Vì vậy, khi tham dự các buổi liên hoan, lễ Tết cần nâng cao cảnh giác với những loại rượu không rõ nguồn gốc kể cả người thân quen mang đến. Nếu uống rượu mà xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, đi lại không vững, có thể lẫn lộn thì đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị.