Chơi game trên điện thoại liên tục, nam sinh 15 tuổi liệt tứ chi phải cấp cứu

Thứ Tư, 09/10/2024, 18:14

Thiếu niên 15 tuổi ở Hoà Bình chơi game liên tục trong thời gian dài và có nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ, đã đột ngột liệt tứ chi phải cấp cứu ngay trong đêm. Theo các bác sĩ, thiếu niên mắc căn bệnh cực kỳ hiếm gặp ở lứa tuổi nhỏ. 

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bệnh viện tiếp nhận cháu B.Q.V (15 tuổi, trú tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vào cấp cứu với triệu chứng đau dữ dội vùng cột sống cổ và thấy liệt tứ chi. 

Theo người nhà cho biết, cháu V thường chơi game trên điện. Trước khi nhập viện, em học sinh này chơi game liên tục trong thời gian khá dài. Trong quá trình đó, em có nhiều động tác mạnh như lắc, giật mạnh cổ mà theo bệnh nhân thì các động tác này được thực hiện nhằm đỡ mỏi. Các bác sĩ xác định đây là nguyên nhân chính khiến cột sống cổ bị tác động đột ngột với lực mạnh gây tổn thương mạch máu chèn ép tủy sống cổ.

Chơi game trên điện thoại liên tục, thiếu niên 15 tuổi liệt tứ chi -0
Nam sinh được bác sĩ hướng dẫn tập phục hồi chức năng để cải thiện tình trạng liệt.

Mặt khác, với người có thói quen cúi xuống nhìn vào điện thoại và máy tính bảng lâu để đọc tin nhắn hoặc chơi game gây đẩy đầu về phía trước và gia tăng áp lực lên cột sống, các mạch máu bị ứ trệ dễ tổn thương.

Cháu V được chẩn đoán bị máu tụ tiên phát ngoài màng cứng tủy sống cổ và được chỉ định mổ cấp cứu. May mắn thay, ca mổ thành công, tình trạng liệt tứ chi của cháu đã có cải thiện và được kết hợp tập phục hồi chức năng cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Sau hơn 2 tuần điều trị và tập luyện, cháu đã được xuất viện.

TS.BS Trương Như Hiển, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, máu tụ ngoài màng cứng tủy sống là một bệnh ít gặp, lâm sàng thường hay bỏ sót, nguyên nhân thường gặp do dị dạng hệ mạch ngoài màng tủy hoặc do chấn thương. Cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời để tránh các biến trứng nặng nề do máu tụ gây chèn ép tủy sống.

Bệnh thường gặp với người lớn tuổi, có bệnh lý nền như cao huyết áp, thoái hóa cột sống nặng... Tuy nhiên, bệnh phát hiện ở người trẻ, đặc biệt mới 15 tuổi như cháu V thì trong hơn 20 năm làm nghề đây là lần đầu tiên. 

Theo bác sĩ, đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời sẽ gây ra những biến chứng vĩnh viễn như liệt tay chân, khó khăn trong việc nói, lú lẫn trí nhớ thậm chí tử vong nếu khối máu tụ quá lớn. 

Hiện nay, nhiều em học sinh sa đà vào trò chơi điện tử và chơi game liên tục trong nhiều giờ, gây ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe tâm thần. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 70-80% số trẻ em 10-15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%.

Nghiện game có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như: Bị ảnh hưởng đến kết quả học tập; có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực và cơ xương khớp (khô mắt, đỏ mắt, đau lưng, đau tay, đau cổ do phải ngồi quá lâu ở một tư thế).

Trẻ cũng có thể bị đau đầu, rối loạn giấc ngủ như thiếu ngủ gây mệt mỏi, dễ cáu gắt, dễ biến thành trầm cảm, dễ kích động, lo âu.

Về mặt xã hội, trẻ nghiện game thường ít tham gia vào hoạt động xã hội, hạn chế giao tiếp với người xung quanh, lâu dần dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Thậm chí, để có tiền chơi game, một số trẻ còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản của người khác.

Theo BS Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghiện game, internet cha mẹ cần giám sát thời gian sử dụng mạng của trẻ. Cụ thể, thời gian sử dụng máy tính, điện thoại để chơi game không quá 1 tiếng với ngày bình thường và không quá 2 tiếng với ngày nghỉ.

Cha mẹ cần cân bằng các hoạt động khác cho trẻ, cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các môn thể thao phát triển thể chất, vui chơi lành mạnh. Khi thấy trẻ không cải thiện tình trạng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để được điều trị phù hợp.

Trần Hằng
.
.