Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học?

Thứ Bảy, 05/08/2023, 08:41

Kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển đại học năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, tổng số thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hơn 660.000, tương đương 66% số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Con số này cũng đồng nghĩa với việc có gần 1/3 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học và chọn “lối đi” khác. Điều bất thường này liệu có phải là tín hiệu vui?

Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thay vì đăng ký xét tuyển vào đại học, em Nguyễn Đức Huy ở Đan Phượng (Hà Nội) đã quyết định nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng nghề tại Hà Nội. Theo chia sẻ của Huy, với mức điểm thi tốt nghiệp THPT mà em đạt được, cơ hội vào học ở các trường đại học top giữa là rất lớn nhưng sau khi cân nhắc, em đã lựa chọn học cao đẳng nghề. Quyết định này của em đã được bố mẹ đồng tình, phần vì phù hợp với sở thích, năng lực của em, phần vì cơ hội việc làm sau khi ra trường cũng rất lớn.

Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học? -0
Năm 2023, cả nước chỉ có hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: VOV

“Nhiều người nghĩ rằng, phải học đại học mới là thành công, thành đạt, còn học nghề là không có tương lai nhưng thực tế theo em tìm hiểu không phải như vậy. Hiện nay có rất nhiều ngành nghề ra trường cơ hội việc làm rất rộng mở, thu nhập cũng khá cao mà thời gian học lại ngắn hơn học đại học nên tiết kiệm được cả thời gian và cơ hội”- Huy chia sẻ.

Em Nguyễn Thu Thuỷ ở Quảng Xương (Thanh Hoá) cũng cho biết: Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng về các ngành nghề đào tạo và xu hướng việc làm sau khi ra trường, thay vì đăng ký vào các trường đại học, em đã nộp hồ sơ xét tuyển vào một trường  nghề tại địa phương bởi với thu nhập hiện nay của gia đình em, việc nuôi em học đại học tại thành phố lớn là quá sức. Cũng theo phân tích của Thuỷ, một trong những lợi thế khi vào các trường nghề là thời gian học nghề ngắn hơn học đại học, với người tốt nghiệp THPT chỉ mất 2- 3 năm để lấy bằng trung cấp, cao đẳng. Bên cạnh đó, học nghề cũng nhanh chóng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp do chương trình được thiết kế với thời gian thực hành từ 55-70%. Ngoài ra, một số ngành nghề hiện nay, lương và chế độ đãi ngộ cũng rất tốt.

Vì sao 1/3 tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT từ bỏ cơ hội vào đại học? -0
Học đại học hay học nghề đều là đóng góp cho xã hội.

Thực tế cho thấy, trước đây, phần lớn những học sinh quyết định “rẽ lối” vào trường nghề chủ yếu là do phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và năng lực học tập, các em không có nhiều lựa chọn khác. Tuy nhiên những năm gần đây lại khác, có không ít học sinh như trường hợp của Huy, dù điểm thi tốt nghiệp khá cao, đủ sức vào các trường đại học top giữa, điều kiện kinh tế gia đình cũng khá giả song em vẫn chọn vào cao đẳng nghề.

Theo TS. Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, có hai sự khác biệt lớn giữa học cao đẳng và học đại học, phụ huynh và học sinh cần nắm rõ. Thứ nhất, về bậc học, học cao đẳng là bậc học thấp hơn một trình độ so với bậc học đại học. Thứ hai về chương trình đào tạo, các trường cao đẳng, về cơ bản, đều dạy thực hành chiếm phần đa số. Một số trường chất lượng cao, giờ thực hành được nhiều hơn, có thể đạt tới 70-80%. Vì số lượng thời gian học thực hành chiếm đa số nên những học sinh có học lực văn hoá ở bậc THPT chưa chắc giỏi, nhưng học nghề ở bậc cao đẳng hoàn toàn có thể giỏi về lĩnh vực nghề nghiệp. Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cũng thông tin thêm, hiện nay, nhiều trường cao đẳng ở Việt Nam đã tổ chức các chương trình liên kết, hay thường gọi là "Du học nghề tại Việt Nam". Do đó, khi ra trường, các em có thể lao động tại bất kỳ nước nào có công nhận bằng cấp với mức lương rất tốt…

Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và phát triển tiềm năng con người cho rằng: Việc ngày càng có nhiều học sinh không vào đại học mà chọn “lối đi” khác là điều hết sức bình thường, thậm chí là tín hiệu vui. Điều này cho thấy, nhận thức của một bộ phận học sinh, phụ huynh đã có sự thay đổi phù hợp hơn, sát với thực tiễn cuộc sống, xã hội. Nhiều gia đình đã biết tính toán hơn để có lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, với năng lực của con em mình. Và quan trọng hơn, là chính phụ huynh đã cởi bỏ được định kiến, mặc cảm rằng “vào đại học mới là gia đình thành công, thành đạt”, thay vào đó, họ nhận thức được rõ ràng hơn rằng, mỗi con người sinh ra đều có nhiệm vụ, một sứ mệnh, học đại học hay học nghề đều là đóng góp cho xã hội.

“Từ trước đến nay, rất nhiều phụ huynh lập trình sẵn cho con con đường bắt buộc phải đi là “học xong THCS thì lên THPT rồi vào đại học”. Chính quan niệm này đã ít nhiều góp phần dẫn đến hệ lụy là công tác phân luồng sau bậc THCS, đặc biệt là THPT bị “tắc”. Do đó, việc ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn học nghề thay vì vào đại học về lâu dài sẽ góp phần làm giảm nguy cơ mất cân đối giữa các ngành nghề, giữa các bậc học, trình độ đào tạo hiện nay”- PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhấn mạnh điều này, đồng thời cho rằng, để tương thích với sự thay đổi này, công tác tuyển dụng cũng cần phải thay đổi theo hướng không quá nặng nề về bằng cấp, cần chú trọng đến tay nghề và các kỹ năng mềm của người lao động, không phân biệt trình độ đại học hay cao đẳng. Bên cạnh đó, hệ thống trường nghề cũng cần phải nâng cao chất lượng, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ năng thực hành và đặc biệt là người thầy trong các trường nghề cũng phải “làm mới mình” nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của phương pháp đào tạo hiện đại.

Đồng quan điểm này, thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống giáo dục FPT tại Hà Nội cũng cho rằng, hiện nay nhiều phụ huynh, học sinh có xu hướng nhận thức đúng hơn về tình hình xã hội và năng lực bản thân nên có thể lựa chọn những con đường khác để vào thị trường lao động nhanh hơn, với chi phí học tập phù hợp hơn với điều kiện kinh tế của gia đình, nhất là trong bối cảnh học phí đại học đang tăng mạnh. Ví dụ như lựa chọn theo học các trường đào tạo nghề nghiệp, hệ thống trường cao đẳng nghề. Đây là những hướng đi thực tiễn, phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế, hoàn cảnh gia đình của học sinh và đáp ứng nhu cầu xã hội, tránh gây lãng phí nguồn nhân lực sau đào tạo.

Huyền Thanh
.
.