Tự chủ đại học không có nghĩa là “tự lo”
Ngày 21/4, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học “Tự chủ đại học trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học: Kết quả, bài học kinh nghiệm và những yêu cầu trong giai đoạn mới”.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề chung về tự chủ đại học như: hoàn thiện pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách về tự chủ đại học, mô hình tự chủ đại học trên thế giới và Việt Nam, đánh giá đổi mới quản trị đại học sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ngoài ra còn có các chủ đề cụ thể như: tự chủ về tổ chức nhân sự, vai trò của Hội đồng trường; tự chủ về tài chính và các nguồn tài trợ; tự chủ về học thuật và quốc tế hóa giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và cạnh tranh.
Trình bày tham luận tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, mặc dù việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đã giúp cải thiện, đổi mới hệ thống giáo dục đại học và đạt được một số kết quả tích cực, nhưng quan niệm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những nhầm lẫn đáng tiếc theo nghĩa tự chủ là “tự do” và “tự lo”, dẫn tới cách tiếp cận và vận dụng vào thực tiễn không thống nhất.
Theo TS Mai Hoa, trong thực tế, tự chủ đại học có nơi, có lúc được hiểu và đánh đồng với việc tự chủ về tài chính. Các trường đại học muốn thực hiện tự chủ toàn diện sẽ phải cân nhắc, đánh đổi giữa tự chủ với việc ngừng cấp ngân sách nhà nước cho nhà trường cả về chi thường xuyên lẫn chi đầu tư. Đồng thời, cũng có quan điểm cho rằng, thực hiện tự chủ nghĩa là cơ sở giáo dục đại học được hoàn toàn “tự do” quyết định mọi việc. Theo đó, phủ nhận vai trò của Nhà nước trong kiểm soát chất lượng, định hướng hoạt động của các trường. Bà Hoa cho rằng, tự chủ đại học dù ở mức độ nào vẫn luôn tồn tại vai trò của Nhà nước, luôn tồn tại mối quan hệ giữa kiểm soát chất lượng và tự chủ.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TP Hồ Chí Minh cho rằng, tự chủ không có nghĩa là hoàn toàn “tự lo”. Như ở Trường ĐH KHXH&NV có những ngành học đặc thù như: Khảo cổ, Hán nôm... khi chuyển qua cơ chế tự chủ vẫn cần được hỗ trợ để tạo điều kiện cho sinh viên theo học.
Bà Lan cũng cho rằng, các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, nhất quán; tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực thi quyền tự chủ.
PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, các báo cáo tham luận đã nêu những thành tựu, cũng như những điểm nghẽn, những thách thức trong quá trình thực hiện tự chủ đại học theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo các cấp có liên quan, nhằm góp phần tổng kết lý luận và thực tiễn sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.