Trường đại học bỏ tổ hợp xét tuyển lạ và cộng 3 điểm cho thí sinh có IELTS từ 4.0
Nhiều tổ hợp xét tuyển lạ, không có môn chính, môn chủ chốt, không liên quan đến chương trình đào tạo đã được các trường đại học loại bỏ, thay thế bằng các tổ hợp có môn truyền thống sau khi nhận được phản ứng từ dư luận xã hội.
Trường đại học Hòa Bình vừa điều chỉnh tổ hợp xét tuyển các ngành y khoa, y học cổ truyền tuyển sinh 5 tổ hợp, trong đó 4 tổ hợp có môn Toán và Sinh học, tổ hợp còn lại Toán - Lý - Hóa.
Với việc điều chỉnh này, nhà trường đã loại bỏ tổ hợp xét tuyển lạ, không có môn học cốt lõi liên quan đến chuyên ngành đào tạo gồm: Toán- Ngữ văn-Tiếng Anh; Toán-Vật lý-Tiếng Anh; Ngữ văn- Toán-Địa lý.
Tương tự, Trường Đại học Đồng Tháp cũng điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho nhiều ngành sư phạm theo hướng bổ sung các môn cơ bản như Vật lý vào ngành sư phạm Vật lý; bổ sung môn Hóa học vào ngành sư phạm Hóa học và môn Sinh học vào ngành sư phạm Sinh học.
Trước đó, ngành sư phạm Vật lý của trường này xét tuyển các tổ hợp Toán - Văn - Tiếng Anh; Toán - Văn - Hóa mà không có môn Vật lý. Tương tự ngành sư phạm Hóa học cũng xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Vật lý; Toán - Văn - Tiếng Anh; sư phạm Sinh học tuyển tổ hợp Toán - Văn - Hóa...

Trường đại học Văn hóa Hà Nội cũng vừa điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên. Theo đó, thay vì cộng 3 điểm cho thí sinh có IELTS từ 4.0 trở lên, điểm cộng sẽ được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn. Cụ thể, thí sinh có IELTS từ 4.0 - 4.5 sẽ được cộng 1 điểm; IELTS 5.0 được cộng 2 điểm; IELTS 5.5 - 6.0 sẽ được cộng 2.5 điểm, IELTS từ 6.5 trở lên mới được cộng 3 điểm...
Trước đó, Báo CAND đã có bài phản ánh về việc sự xuất hiện một số tổ hợp lạ, không có môn liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo trong mùa tuyển sinh năm 2025 đã khiến nhiều người lo ngại sẽ gây khó khăn trong đào tạo, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực sau này.
Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam cho rằng, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ giúp các trường ĐH thu hút thêm thí sinh, đặc biệt là thí sinh có thế mạnh ở các môn khác nhau, không bị quá bó hẹp trong nhóm môn cố định. Tuy nhiên, các tổ hợp phải phản ánh đúng năng lực yêu cầu của ngành học, đặc biệt đối với các ngành cần kiến thức nền tảng vững như Sư phạm, Y dược, CNTT... Nếu mở rộng quá nhiều tổ hợp mà không có tiêu chí rõ ràng, thiếu các môn học căn bản liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo sẽ dẫn đến chất lượng đầu vào không đồng nhất, không đảm bảo.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, những môn học cốt lõi thường phản ánh năng lực nền tảng của thí sinh. Do đó nếu tuyển sinh ngành Sư phạm Lịch sử mà không yêu cầu môn Lịch sử, ngành Sư phạm Vật lý mà không yêu cầu môn Vật lý, ngành Ngôn ngữ Anh không yêu cầu môn Tiếng Anh hay Y dược không yêu cầu có môn Hóa học hay Sinh học thì sẽ rất dễ xảy ra tình trạng sinh viên không có nền tảng kiến thức phù hợp, gây khó khăn trong quá trình học tập, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo sau này.
Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm yêu cầu các trường ĐH khi đưa ra các tiêu chí tuyển sinh, các tổ hợp xét tuyển không phù hợp, bị dư luận phản ứng phải rà soát, điều chỉnh lại theo hướng lấy người học làm trung tâm, đảm bảo quyền lợi của người học. Việc mở rộng, không giới hạn tổ hợp xét tuyển phải có các điều kiện đi kèm. Đơn cử như các tổ hợp xét tuyển vào các ngành phải có môn bắt buộc liên quan trực tiếp đến chuyên ngành đào tạo.