Triển khai văn bằng số có ngăn chặn triệt để bằng giả?

Thứ Tư, 11/12/2024, 06:30

Một nhiệm vụ quan trọng mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt ra trong năm học 2024-2025 là tăng cường chuyển đổi số trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Đồng thời, tiếp tục cập nhật dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ trên phần mềm của Bộ GD&ĐT để phục vụ nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin về văn bằng, chứng chỉ của cơ quan, đơn vị và người dân; tiến tới việc cấp và sử dụng văn bằng số.

Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng bằng giả gây bức xúc.

Việc làm giả, sử dụng bằng, chứng chỉ giả từ lâu đã và đang là câu chuyện khá nhức nhối và gây bức xúc trong xã hội. Điều đáng nói là hiện nay bằng giả được làm rất tinh vi. Xét về hình thức bên ngoài thì rất khó để phân biệt được bằng giả. Mặc dù trong nhiều năm qua, lực lượng Công an đã triệt phá nhiều đường dây làm bằng giả, giấy tờ giả quy mô lớn tại nhiều địa phương, song tình trạng mua, bán bằng giả trái phép vẫn diễn ra trên mạng xã hội, nhất là các nền tảng xuyên biên giới.

Gần đây nhất là vào tháng 5/2024, Công an TP Thanh Hóa đã phát hiện một số đối tượng đang sản xuất bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng giả tại một căn hộ chung cư. Lực lượng Công an đã thu giữ một số máy in, máy khắc laser các loại; bảng điểm và bằng tốt nghiệp có chữ ký và đóng hình dấu của các trường như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Hải Phòng, Trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức - Bộ Công Thương; 600 tem bảy màu in chữ "Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam", các con dấu giả của các trường đại học nói trên và hàng loạt hồ sơ cá nhân…

205d2151108t6354l6-4-2.jpg -0
Công an TP Thanh Hóa khám xét và thu giữ nhiều tài liệu và văn bằng giả trong 1 vụ án. Ảnh minh họa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhằm góp phần ngăn chặn, đẩy lùi việc sản xuất, mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả, hiện nay, nhiều trường đại học đã từng bước số hóa văn bằng, chứng chỉ do nhà trường cấp để thuận tiện cho người sử dụng trong việc tra cứu, đối chiếu. Để tra cứu thông tin về văn bằng, người dùng chỉ cần truy cập địa chỉ website của nhà trường, sau đó nhập loại văn bằng, số hiệu, số vào sổ và năm cấp, hệ thống sẽ cho ra kết quả tra cứu bao gồm các thông tin họ và tên, số hiệu bằng, ngành, nghề đào tạo, trình độ đào tạo, cơ sở đào tạo cũng như tình trạng văn bằng. Trong trường hợp người dùng nhập đúng thông tin mà không hiện ra kết quả thì có nghĩa là văn bằng không tồn tại.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã triển khai cổng dịch vụ công về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người Việt Nam. Người dùng có thể tra cứu trên trang thông tin điện tử của Trung tâm Công nhận văn bằng, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT tại địa chỉ: https://naric.edu.vn/front/tra-cuu-van-bang hoặc quét mã QR trên giấy công nhận văn bằng để xác thực.

Ngoài ra, đối với bằng cấp của các cơ sở giáo dục đại học trong nước, Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện xây dựng Hệ thống tra cứu thông tin văn bằng, chứng chỉ. Hiện phần mềm tra cứu văn bằng, chứng chỉ do Cục Quản lý chất lượng xây dựng đã cập nhật dữ liệu của hàng triệu bản ghi văn bằng, chứng chỉ để phục vụ việc tra cứu của các đơn vị, người dân khi có nhu cầu…

Cán bộ của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Với việc Bộ GD&ĐT yêu cầu phải số hóa cơ sở dữ liệu về văn bằng như hiện nay, việc xác minh bằng đại học thật hay giả không khó. Riêng đối với các trường hợp cần xác minh bằng con dấu thì có thể gửi công văn tới trường để xác minh. Các trường hoàn toàn có thể xác định được bằng thật hay bằng giả thông qua các cơ sở dữ liệu đầu vào, đầu ra và hồ sơ lưu của sinh viên. Tuy nhiên, cán bộ này cũng thừa nhận, hiện nay, việc xác minh bằng cấp mới chỉ được các cơ quan nhà nước, hay các đơn vị nước ngoài yêu cầu, còn đối với các công ty, doanh nghiệp tư nhân ít khi đề nghị xác minh. Đây có thể là kẽ hở cho người sử dụng bằng giả.

Do vậy, nếu tất cả các doanh nghiệp, đơn vị đều chủ động xác minh kỹ bằng cấp thì vấn nạn làm bằng giả sẽ từng bước được đẩy lùi, vì có mua bằng giả cũng khó sử dụng được. Ngoài ra, bên cạnh việc xử lý các đối tượng làm bằng giả thì cũng cần phải xử lý nghiêm cả những người cố tình sử dụng bằng cấp giả để tăng tính răn đe.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết: Một trong những nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT sẽ triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới là văn bằng số. Theo ông Hải, văn bằng là kết quả đầu ra rất quan trọng cho quá trình đào tạo, học tập, tuy nhiên thực tế tồn tại rất nhiều bất cập trong quản lý văn bằng như tình trạng bằng giả. Với việc triển khai văn bằng số thì tới đây, các văn bằng từ bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp các phương thức đào tạo đại học, sau đại học sẽ được số hóa. Văn bằng giấy vẫn được giữ, nhưng khi đã số hóa thì việc quản lý, sử dụng hoàn toàn trên môi trường số, trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam.

"Với việc triển khai văn bằng số, chúng ta cũng sẽ từng bước hiện đại hóa công tác quản lý giáo dục đại học. Văn bằng là "đầu ra" nhưng sẽ gắn với những dữ liệu liên quan đến "đầu vào" và quá trình đào tạo. Đây là bước rất quan trọng để nâng cao quản lý cả một chuỗi đào tạo từ "đầu vào" cho đến "đầu ra", hạn chế các vấn đề về bằng giả, vấn đề tiêu cực về văn bằng. Khi đã làm văn bằng số thì bằng giả sẽ khó có đất sống"- ông Hải cho hay.

Huyền Thanh
.
.