Tổ chức dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh THCS và THPT: Cần có lộ trình triển khai phù hợp
Nhiều ý kiến cho rằng, chủ trương hướng tới dạy 2 buổi/ngày ở cấp THCS và THPT là một định hướng lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), hướng đến nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện cho học sinh, phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018.
Tuy nhiên, để chính sách này thực sự hiệu quả và nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội, cần có lộ trình triển khai phù hợp, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình học và hoạt động giáo dục, tránh tình trạng buổi học thứ hai bị "biến tướng" thành dạy thêm, học thêm kiến thức văn hóa đơn thuần như trước đây.

Mặc dù ủng hộ chủ trương Trường THCS và THPT hướng tới việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày của Bộ GD&ĐT song nhiều phụ huynh vẫn còn băn khoăn về các điều kiện có thể triển khai hiệu quả chủ trương này trong thực tế.
Anh Nguyễn Quang Minh, phụ huynh có con đang học THCS ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: "Việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, trong đó buổi học thứ hai nhà trường tập trung vào giảng dạy các môn STEM, AI, năng lực số, Tiếng Anh; các hoạt động thể thao, năng khiếu và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, làm việc nhóm, văn hóa đọc, hướng nghiệp sớm, kỹ năng tự học … thì quá lý tưởng. Điều này sẽ giải quyết được cùng lúc nhiều mục tiêu như tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, học sinh có điều kiện được phát triển toàn diện, phụ huynh học sinh cũng yên tâm hơn khi cho con học cả ngày ở trường mà không phải lo lắng việc con ở nhà "dán" mắt vào màn hình điện thoại, máy tinh hay chơi game. Tuy nhiên, chỉ khi nào các thầy cô đủ trình độ năng lực để dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới; cơ sở vật chất của các trường được đầu tư theo hướng có đủ trang thiết bị thực hành; đảm bảo đủ phòng học chức năng, phòng bộ môn cho các con học học tập, nghỉ ngơi thì khi đó việc tổ chức học ngày 2 buổi mới hiệu quả, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm kiến thức đơn thuần như trước đây".
Không chỉ băn khoăn về chất lượng khi chưa đủ điều kiện triển khai, một số ý kiến còn cho rằng, việc áp dụng cứng nhắc lịch dạy 2 buổi/ngày cho toàn bộ học sinh ở bậc THPT là không phù hợp.
Chị Đào Thu Nga, phụ huynh có con đang học THPT ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho rằng, học sinh cấp 3 không còn là những đứa trẻ cần bị kiểm soát từng giờ từng phút. Đây là giai đoạn mỗi người bắt đầu xác định rõ con đường mình đi, năng lực mình có và mục tiêu mình hướng tới. Không ai giống ai, nên càng không thể gò tất cả vào một khuôn học giống nhau, suốt cả ngày từ sáng đến chiều. Rất nhiều học sinh muốn dành thời gian tự học, nâng cao, đầu tư đúng trọng tâm theo định hướng riêng-dù là thi đại học, học sinh giỏi, du học hay phát triển kỹ năng khác. Bắt học sinh ngồi lì ở trường 2 buổi/ngày, học đủ thứ rải đều chỉ để "đồng đều hóa" là phản giáo dục. Việc này không những không hiệu quả mà còn tước đi cơ hội được phát triển cá nhân và quan trọng hơn, nó giết chết khả năng tự học- thứ mà xã hội nào cũng cần từ một người trẻ.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên tại Hà Nội thì cho rằng, chủ trương này nên áp dụng khi cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng được việc học 2 buổi/ngày có kèm bán trú. Khi đó, giờ học chính khóa buổi sáng có thể linh hoạt theo mùa, không cần bắt đầu quá sớm. Giờ học buổi chiều nên kết thúc trước 16h30. Nhà trường sắp xếp lịch học dồn vào các ngày trong tuần để các con được nghỉ trọn vẹn cả ngày thứ 7 và Chủ nhật. Như vậy vẫn còn khung thời gian chiều - tối và cuối tuần để học sinh tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, giải trí, du lịch và các công việc khác cùng gia đình. Ngoài ra, một số bạn có nhu cầu đi học thêm vẫn có thể sử dụng khoảng thời gian này để sắp xếp hợp lý.
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ, cá nhân ông ủng hộ chủ trương học 2 buổi/ngày đối với cấp THCS và THPT. Việc này có thể giúp nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường thời gian học sinh tương tác với giáo viên, bạn bè trong môi trường giáo dục được kiểm soát để phát triển toàn diện, không chỉ kiến thức mà còn kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, tăng thời gian đến trường cũng sẽ tạo điều kiện để giáo viên quan sát và tổ chức các hoạt động giáo dục cá nhân hóa, phát huy thế mạnh của từng học sinh. Chủ trương này cũng rất phù hợp với tinh thần nhân văn của Thông tư 29, giảm áp lực học thêm, góp phần tiết kiệm chi phí học thêm của các gia đình, trong khi học sinh vẫn được nhà trường quản lý học tập, tránh tham gia những lớp học không đảm bảo chất lượng.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Thành Nam, vấn đề đặt ra là Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn và quy định cụ thể để đảm bảo việc chuyển đổi từ dạy học 1 buổi sang 2 buổi như: Tổ chức ăn bán trú thế nào vừa phù hợp với điều kiện từng địa phương vừa đảm bảo an toàn; tổ chức lại các hoạt động giáo dục trong ngày đảm bảo cân đối giữa hoạt động tư duy và hoạt động cơ thể; thời gian làm việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, theo nhu cầu phát triển của độ tuổi nhằm giúp học sinh có cơ hội học tập và trải nghiệm nhiều hơn, chứ không phải để tăng áp lực học tập. Cùng với đó, khi chuyển sang dạy học 2 buổi 1 ngày, Bộ GD&ĐT cũng phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên theo hướng thu nhập, chế độ đãi ngộ sẽ tăng lên tương ứng cùng khối lượng công việc.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng khẳng định: Dạy học 2 buổi/ngày không phải việc mới trong giáo dục. Nhiều nước trên thế giới, khi có đủ điều kiện, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày là rất tốt. Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, để tổ chức tốt hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, phải hội đủ 3 yếu tố gồm: Cơ sở vật chất với phòng học đầy đủ, có sân chơi, bãi tập phục vụ các hoạt động giáo dục thể chất và giảng dạy các kỹ năng khác; có đủ giáo viên; có chương trình dạy học và tổ chức đủ các hoạt động trong 2 buổi, phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Tuy nhiên, theo khảo sát đánh giá ban đầu, yêu cầu THCS, THPT bắt buộc học 2 buổi/ngày hiện nay chưa phù hợp vì chưa đủ 3 điều kiện tối thiểu, đáp ứng nhu cầu học sinh. Đặc biệt, nhu cầu của học sinh THCS, THPT đa dạng, phân hóa cao, tổ chức của riêng nhà trường cũng chưa đáp ứng được. Do đó, trong chương trình GDPT mới 2018, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ, tiểu học dạy học 2 buổi/ngày còn với THCS, THPT, nơi nào có đủ điều kiện thì khuyến khích học 2 buổi/ngày.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng cho biết, Bộ GD&ĐT đang tổ chức rà soát, đánh giá lại hoạt động này, trên cơ sở đó có hướng dẫn chung toàn quốc, thực hiện với từng cấp học. Quan điểm là góp phần nâng cao chất lượng chính khóa; giảm áp lực học tập cho học sinh; bảo đảm học sinh được phát triển phẩm chất năng lực toàn diện và tôn trọng lựa chọn của phụ huynh học sinh.