Thi vào lớp 10 theo chương trình mới: Sốt ruột chờ công bố môn thi thứ ba

Chủ Nhật, 12/01/2025, 08:05

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Thông tư số 30/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Trong đó, đối với quy chế tuyển sinh vào lớp 10, Thông tư quy định việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn.

Do đây là năm học đầu tiên thi lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nên mong muốn của học sinh, phụ huynh và các nhà trường trên cả nước thời điểm này là các địa phương cần sớm công bố môn thi thứ ba, không chờ đến thời điểm ngày 31/3 để các em có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Nhiều địa phương chọn Tiếng Anh là môn thi thứ ba

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố quy chế tuyển sinh vào lớp 10 từ năm học 2025-2026, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ “chốt” Tiếng Anh là môn thi thứ 3 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo lý giải của địa phương này, việc chọn môn Tiếng Anh là môn thi thứ ba không chỉ phù hợp với nguyện vọng của đông đảo phụ huynh, học sinh mà còn phù hợp với mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cao của địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

028795a8-71ac-4aa9-b375-9115157155c9.jpg -0
Việc công bố sớm môn thi thứ ba vào lớp 10 sẽ tạo thuận lợi hơn cho học sinh trong việc ôn tập. Ảnh minh họa

Một số tỉnh, thành khu vực phía Nam gồm Quảng Nam, Tiền Giang và Khánh Hòa cũng dự kiến sẽ chọn môn thi thứ ba là Tiếng Anh. Các địa phương này cho rằng Tiếng Anh là lựa chọn phù hợp, giúp tạo động lực, thúc đẩy học sinh tăng cường học môn này trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường. Học sinh, sinh viên cần giỏi Tiếng Anh để tiếp cận tài liệu, thông tin trong quá trình học tập. Khi bước vào thị trường lao động, các em cũng cần dùng ngôn ngữ này để làm việc, giao tiếp.

Việc một số địa phương phía Nam, trong đó có TP Hồ Chí Minh thông tin sớm về môn thi thứ ba đã giúp học sinh, phụ huynh trên địa bàn yên tâm bởi kỳ thi vào lớp 10 năm nay vẫn giữ được sự ổn định như các năm trước. Do đó, tâm lý chung của học sinh trên cả nước thời điểm này là mong các địa phương sớm công bố môn thi thứ ba, không chờ đến thời điểm ngày 31/3 nhằm tạo thuận lợi cho các em trong việc học tập hoàn thành chương trình và ôn tập, chuẩn bị tốt các điều kiện, tạo tâm lí sẵn sàng dự thi đạt kết quả tốt, nhất là năm nay là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 được tổ chức theo chương trình GDPT mới.

Tại Hà Nội, để các trường THCS thuận lợi trong công tác dạy và học; học sinh chủ động trong học và ôn, ngay từ cuối tháng 8/2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố cấu trúc định dạng và đề minh họa tất cả các môn thi vào lớp 10 để làm căn cứ xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018.

Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đang trong quá trình xây dựng phương án tuyển sinh lớp 10 THPT, trong đó có việc xem xét, tham vấn ý kiến chuyên gia, thống nhất về môn thi thứ 3 để trình UBND TP Hà Nội phê duyệt. Tuy vậy, học sinh, phụ huynh Hà Nội vẫn đang mong ngóng thành phố sớm đưa ra phương án môn thi thứ 3 để các em và các nhà trường có kế hoạch ôn tập phù hợp.

Lý do là kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội luôn căng thẳng, áp lực khi chỉ có khoảng trên 60% học sinh lớp 9 có cơ hội vào lớp 10 công lập nên từ nhiều năm nay phương án thi và kỳ thi lớp 10 THPT công lập luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh. Ngoài việc công bố phương án thi sớm, đông đảo học sinh, phụ huynh và giáo viên cũng mong muốn thành phố sẽ chọn Tiếng Anh làm môn thi thứ ba bởi đây là môn học nhiều năm qua luôn được Hà Nội lựa chọn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để không gây xáo trộn.

Không cố định môn thi thứ ba liệu có phù hợp?

Có một vấn đề đặt ra hiện nay là Bộ GD&ĐT quy định các địa phương không được chọn cùng một “môn thi thứ ba” quá 3 năm liên tiếp. Quy định này sẽ khiến cho các Sở GD&ĐT gặp khó khăn trong việc muốn giữ ổn định môn thi vào lớp 10, nhất là các địa phương có mong muốn chọn môn Tiếng Anh.

Nhiều ý kiến cho rằng, chẳng hạn như sau 3 năm liên tiếp chọn môn Tiếng Anh, đến năm thứ 4 phải chọn môn khác thì nên chọn môn nào cho phù hợp. Đây là bài toán không dễ bởi các môn học đánh giá bằng điểm số còn lại gồm Khoa học Tự nhiên, Lịch sử- Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục công dân… đều là môn học đặc thù, nếu sử dụng trong thi tuyển sẽ khó tạo sự công bằng hoặc tăng thêm áp lực cho học sinh.

Lý giải về việc không cố định môn thi thứ ba, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng: Yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Vì vậy, trách nhiệm của các nhà trường khi dạy học cho học sinh cấp THCS là làm sao cho học sinh được học một cách toàn diện, được trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản làm nền tảng cho các em học tiếp các bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt. Nếu quy định môn thi thứ ba là cố định thì muốn hay không, học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác. Điều này dẫn tới học sinh học không được toàn diện, gây thiệt thòi cho các em trong việc tích lũy kiến thức, phát triển năng lực của bản thân để học lên các bậc học cao hơn cũng như tham gia vào thị trường lao động sau này.

Để giữ được sự ổn định cho kỳ thi vào lớp 10, đặc biệt là môn thi thứ ba như mong muốn của nhiều học sinh, phụ huynh trong bối cảnh hiện nay, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, về lâu dài, khi đủ điều kiện, các địa phương cần tính đến phương án thiết kế bài thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm để tránh tình trạng “học tủ, học lệch” cũng như đảm bảo sự công bằng.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), nhằm đảm bảo hài hòa cả hai mục tiêu là tính toàn diện của kiến thức và tính ổn định của kỳ thi thì môn thi thứ ba có thể cố định là bài thi tổng hợp dưới dạng trắc nghiệm. Trong đó, các câu hỏi được thiết kế ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng sáng tạo mang tính căn bản mà một học sinh phổ thông cần phải biết, nắm vững… Điều này giúp học sinh được chủ động việc học ngay từ đầu, không phải lo lắng về chuyện luân phiên chọn môn thi hàng năm ít nhiều may rủi, cũng không phải băn khoăn về việc không đảm bảo công bằng…

Huyền Thanh
.
.