Sửa quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi chi phí đào tạo đối với những trường hợp không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước.
Một trong những điểm đáng chú ý là Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn (tăng từ 60 ngày lên 120 ngày). Theo đó, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người học hoặc gia đình người học ở Việt Nam có trách nhiệm nộp trả đầy đủ khoản tiền phải bồi hoàn.
Đề xuất này một mặt tạo điều kiện cho người học, gia đình người học có thời gian thu xếp kinh phí để chi trả chi phí bồi hoàn theo quy định, đồng thời nhằm bảo đảm tính nhất quán, thống nhất với các văn bản pháp luật khác có quy định về bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo như Nghị định 101/2017/NĐ-CP của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 86/2021/NĐ-CP quy định việc công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học và trao đổi học thuật.

Ngoài ra, Dự thảo cũng bổ sung khoản 5 vào Điều 7 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP về việc miễn, giảm chi phí bồi hoàn đối với một số đối tượng gồm: Người học được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần được miễn chi phí bồi hoàn; người học thuộc hộ nghèo theo quy định được giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP; Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc bồi hoàn chi phí đào tạo quyết định việc miễn, giảm chi phí bồi hoàn cho người học.