Giảm bớt áp lực thi cử nhưng vẫn phải đảm bảo minh bạch, công bằng

Thứ Bảy, 11/01/2025, 07:25

Quy định tất cả các trường THCS đều phải xét tuyển vào lớp 6, kể cả trường THCS chất lượng cao theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được đánh giá sẽ giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh tiểu học trong bối cảnh nhiều học sinh phải tham gia luyện thi từ quá sớm; việc đánh giá cũng toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào mỗi điểm số.

Điều này cũng phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục, không hướng đến bệnh thành tích. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là tiêu chí xét tuyển phải phù hợp, đảm bảo minh bạch, công bằng bởi lâu nay vẫn có những lo ngại về việc phụ huynh “chạy học bạ”, “làm đẹp” hồ sơ để con giành được lợi thế trong xét tuyển.

16fef63d-c8f4-4edd-8657-7540ea06891f.jpeg -0
Việc xét tuyển vào lớp 6 được kỳ vọng sẽ giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh tiểu học. Ảnh minh họa

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, quy định xét tuyển vào lớp 6 sẽ tạo ra sự công bằng hơn trong tuyển sinh, sẽ không còn chuyện các trường tuyển sinh sớm hay muộn mà đều phải chờ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học lớp 5 mới có thể xét tuyển. Điều này rất phù hợp với các trường công lập hiện nay, nơi có mô hình đào tạo giống nhau.

Tuy nhiên, với các trường song ngữ, trường quốc tế, trường chất lượng cao, Bộ GD&ĐT cần xem xét để có cơ chế mở nếu không sẽ rất khó để lựa chọn học sinh phù hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường nếu chỉ dựa vào học bạ. Đó là chưa kể, việc dựa vào học bạ để tuyển sinh cũng dấy lên lo ngại về tình trạng “em nào cũng 10 điểm”, liệu có gia tăng việc xin - cho điểm học bạ hay không?

Trong khi đó, xu hướng ở bậc đại học hiện nay, nhiều trường top trên cũng đã dần bỏ xét tuyển bằng học bạ. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng bày tỏ băn khoăn khi cho rằng, Quy chế tuyển sinh THCS mới của Bộ GD&ĐT quy định, tiêu chí xét tuyển sẽ do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể. Thế nhưng, căn cứ vào đâu để định ra tiêu chí xét tuyển, nếu không dựa vào học bạ và một số "thành tích" của các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể thao?

Việc phụ huynh “chạy đua” để “làm đẹp” học bạ và bằng khen các loại khác nhau để giành lợi thế trong việc cạnh tranh vào các trường chất lượng cao thì việc xét tuyển liệu có đảm bảo công bằng?

Chia sẻ thêm với PV Báo CAND về quy định mới này, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết: Bên cạnh các yêu cầu về kiến thức cần đạt được, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 đặt mục tiêu tăng cường giáo dục kỹ năng của học trò, hướng tới giáo dục toàn diện cả về phẩm chất, năng lực. Trong bối cảnh đó, quy định xét tuyển vào lớp 6 để giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh tiểu học là diễn biến phù hợp với chương trình mới. Thực tế những năm qua cho thấy, nhiều học sinh tiểu học phải tham gia vào việc ôn, luyện thi từ quá sớm dẫn đến mất tuổi thơ, không còn thời gian cho các hoạt động liên quan đến việc hình thành các kỹ năng, trải nghiệm và văn hóa đọc. Tuy vậy, ông Cường cũng cho rằng, để hạn chế những tiêu cực, bất cập, vấn đề đặt ra là phải xây dựng được tiêu chí xét tuyển phù hợp, đảm bảo công bằng, minh bạch. Chẳng hạn như ngoài học bạ, cần đến cả những tiêu chí phụ khác phù hợp với sân chơi của học sinh tiểu học, đảm bảo việc đánh giá học sinh toàn diện hơn, không chỉ tập trung vào mỗi điểm số. Và trước thực tế một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học, nếu việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được, Bộ GD&ĐT có thể cho phép các trường này được kết hợp xét tuyển với các hình thức kiểm tra, đánh giá trực tiếp năng lực học sinh.

Lý giải vì sao Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT quy định tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển vào lớp 6, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết: Trước đây, Thông tư số 11/2014/TT-BGD&ĐT quy định tuyển sinh THCS hằng năm theo hình thức xét tuyển. Quy định này bảo đảm việc tuyển sinh vào THCS được thực hiện phù hợp đối với cấp học cần huy động 100% học sinh vào học theo mục tiêu phổ cập giáo dục. Đến năm 2018, trước thực tế một số trường THCS có uy tín, được đông đảo học sinh đăng ký vào học, việc xét tuyển theo tiêu chí chung chưa đáp ứng được, Bộ GD&ĐT cho phép các trường này có thể kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai trong những năm qua, có một số trường đã thực hiện việc tuyển sinh chủ yếu dựa vào tổ chức việc “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” như một kỳ thi tuyển sinh dành cho 100% học sinh đăng ký vào trường; vai trò của việc “xét tuyển” trong phương thức kết hợp với “kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh” theo quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT chưa được thực hiện thỏa đáng bởi việc kiểm tra, đánh giá năng lực khác với việc tổ chức cả một kỳ thi với nhiều môn thi.

Thông tư số 30 được Bộ GD&ĐT mới ban hành tiếp tục quy định phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển, đồng thời giao cho các Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí xét tuyển, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Theo đó, các Sở GD&ĐT phải xây dựng bộ tiêu chí xét tuyển áp dụng cho tất cả các trường; đồng thời có hướng dẫn tiêu chí riêng đối với các trường sau khi thực hiện việc xét tuyển theo tiêu chí chung vẫn có số học sinh đáp ứng yêu cầu nhiều hơn chỉ tiêu nhà trường được giao. Tiêu chí riêng không chỉ là các yêu cầu trong hồ sơ xét tuyển mà còn cần đánh giá trực tiếp học sinh theo nhiều hình thức khác nhau như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, hồ sơ học tập, các sản phẩm, hoạt động của học sinh (các hình thức này đã được quy định tại các Thông tư ban hành quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD&ĐT); hoặc bài kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh (theo tinh thần quy định tại Thông tư số 05/2018/TT-BGD&ĐT); bảo đảm việc tuyển sinh được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn như Thông tư 30 đã quy định. Ngoài ra, đối với việc tuyển sinh ở bất kỳ trường THCS nào thì theo nguyên tắc Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT là đều phải thực hiện nhiệm vụ phổ cập trên địa bàn. Đó cũng là căn cứ để các Sở GD&ĐT xây dựng tiêu chí xét tuyển bảo đảm yêu cầu tuyển sinh chính xác, công bằng, công khai và minh bạch.

Huyền Thanh
.
.