Cưỡng chế buộc chuyển trường quốc tế với 300 trẻ em và loạt vụ việc tranh chấp kéo dài bị bưng bít?

Thứ Sáu, 29/11/2024, 17:00

Đang giữa năm học và đúng vào dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam, nhưng liên tiếp trong các ngày 18 và 21/11 vừa qua, Chi cục Thi hành án dân sự (THA) TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã niêm yết thông báo công khai về việc sẽ cưỡng chế THA đối với Công ty TNHH Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn - doanh nghiệp có tài sản là Trường Mẫu giáo quốc tế và trường Tiểu học quốc tế  Ngôi Sao Sài Gòn, nơi đang có khoảng 300 học sinh theo học…

Thông báo cưỡng chế yêu cầu phụ huynh phải chuyển trường cho con em trong vòng 30 ngày kể từ ngày THA niêm yết thông báo; giáo viên, người lao động tại trường phải làm việc với Ban Giám hiệu để được giải quyết quyền lợi. Điều khiến nhiều phụ huynh bất bình là các yêu cầu trên được THA TP Thủ Đức đưa ra nhằm phục vụ việc cưỡng chế, thu hồi tài sản theo bản án Phúc thẩm về kinh doanh thương mại từ ngày 24/8/2020 của TAND TP Hồ Chí Minh và quyết định THA theo yêu cầu vào ngày 12/10/2020 của Chi cục THA dân sự quận 2 cũ. Như vậy, Chi cục THA dân sự quận 2 cũ và TP Thủ Đức hiện nay đã có khoảng thời gian khá dài, lên đến 4 năm để có thể lựa chọn thời điểm THA phù hợp hơn. 

Do đó, việc này đã khiến hàng trăm phụ huynh có con em đang học tại đây bức xúc ký đơn tập thể gửi đến nhiều cơ quan chức năng. Bởi ngoài chuyện phải lo chạy đôn chạy đáo tìm nơi tiếp nhận để chuyển trường cho con em, thì việc cưỡng chế bất ngờ trên cũng đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với nhiều phụ huynh. Nhất là những phụ huynh đã nộp tiền học phí trọn khóa cho con em đến hết các năm từ 2027 - 2030 với tổng số tiền từ vài trăm nghìn đến hơn một triệu USD cho nhà trường.   

Cưỡng chế buộc chuyển trường quốc tế với 300 trẻ em và loạt vụ việc tranh chấp, sai phạm phía sau -0
Học sinh một bậc học của trường quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn.

Theo Giấy chứng nhận đầu tư do UBND TP Hồ Chí Minh cấp cho Công ty TNHH Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn, Trường Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn được hoạt động trên khu đất có diện tích 7.654m2 tại khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Tổng vốn đầu tư của dự án là 300 nghìn USD, thời hạn hoạt động trong vòng 25 năm kể từ tháng 7/2005 do ông Arunachalam Nandaa Kumar, quốc tịch Ấn Độ đại diện ủy quyền. Trên Giấy chứng nhận đầu tư này, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu trong quá trình hoạt động doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo định kỳ cho Sở GDĐT và các cơ quan chức năng liên quan. Thế nhưng sự việc tranh chấp lớn và kéo dài nhiều năm xảy ra tại đây đã không được Sở GDĐT và chính quyền địa phương đưa ra khuyến cáo gì kịp thời đối với phụ huynh có con em học tại trường. 

Khu đất xây dựng trường quốc tế trên được Công ty CP mía đường Bình Định (Bisuco) cũng do ông Kumar làm đại diện pháp luật, nhận chuyển nhượng từ chủ đầu tư Dự án khu dân cư tại đây là Công ty CP đầu tư Thủ Thiêm. Thời hạn sử dụng khu đất xây dựng trường học này kết thúc vào năm 2058. Thực hiện đầu tư dự án trường quốc tế trên, Bisuco đã lập pháp nhân là Công ty TNHH Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn để làm chủ đầu tư.

Ngoài khu đất làm trường quốc tế, Bisuco còn nhận chuyển nhượng thêm 4 nền đất biệt thự gần đó. Các thửa đất đã nhận chuyển nhượng sau đó được Bisuco đem thế chấp tại Chi nhánh ACB để đảm bảo cho các khoản vay. Để có tiền trả nợ ngân hàng ACB, ngày 24 và 27/10/2016 ông Kumar đã ký văn bản thỏa thuận 3 bên (có công chứng) với Công ty TNHH MTV Quản lý và Khai thác tài sản ngân hàng Á Châu (ACBA) và bên cho vay là ACB Chi nhánh Long An bán toàn bộ các thửa đất và tài sản trên đất của trường quốc tế.

Cưỡng chế buộc chuyển trường quốc tế với 300 trẻ em và loạt vụ việc tranh chấp, sai phạm phía sau -0
Trường quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn.

Theo thỏa thuận, Bisuco đồng ý bán cho ACBA với giá 169 tỷ đồng, riêng khu đất xây trường quốc tế và tài sản trên đất được bán với giá 112 tỷ đồng. Các bên còn cam kết, sau khi ký hợp đồng mua bán (được công chứng) các tài sản trên, ACBA có trách nhiệm thanh toán cho Bisuco số tiền 169 tỷ đồng vào tài khoản mở tại ACB Chi nhánh Long An. Sau đó Chi nhánh ACB này được quyền thay mặt Bisuco dùng số tiền trên để thanh toán nợ vay tại ngân hàng cho Công ty CP NIVL, thanh toán nợ của Bisuco với Công ty cho thuê tài chính của ACB. Số tiền còn lại, Chi nhánh ACB được phép thay mặt Bisuco thanh toán các khoản chi phí, tiền thuế của Bisuco liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng các tài sản. Đồng thời dùng để đặt cọc cho cam kết mua lại các tài sản trên trong vòng 24 tháng từ ACBA của Bisuco.

Thực hiện cam kết trên, ngay trong ngày ký văn bản thỏa thuận 3 bên, Bisuco và ACBA đã ký hợp đồng mua bán công trình xây dựng và chuyển nhượng khu đất xây dựng trường quốc tế này với giá 119 tỷ đồng. Nhưng ngay trong thời gian thực hiện các cam kết 3 trên, ngày 31/12/2016, ACBA đã ký hợp đồng cho Công ty TNHH Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn (đang được bàn giao cho vợ chồng Trần Văn Thức, Võ Thị Phương Thảo tạm nắm quyền điều hành để thực hiện cam kết 3 bên) thuê với giá 1 tỷ đồng/năm. Việc này đã tạo cơ hội cho vợ chồng Thức, Thảo nắm luôn quyền điều hành, khai thác trường quốc tế trên từ đó đến nay với doanh thu mỗi năm lên đến vài chục tỷ đồng.

Thời gian qua, đại diện Bisuco liên tiếp có đơn tố cáo ông Trần Văn Thức (SN 1980, trú tại phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) và vợ là bà Võ Thị Phương Thảo (SN 1981, trú tại TP Biên Hòa, Đồng Nai) đến Công an TP Hồ Chí Minh về hành vi “Giả mạo chữ ký” của ông Kumar để sang tên toàn bộ số cổ phần đứng tên ông Kumar trong Công ty TNHH Quốc tế Ngôi Sao Sài Gòn sau khi được ông Kumar bàn giao con dấu và quyền điều hành trường để thực hiện thỏa thuận 3 bên kể trên. Bởi từ năm 2017 ông Kumar đã về nước để chữa bệnh, không có mặt để có thể ký chuyển nhượng cổ phần. Tháng 11/2022 Cục quản lý Xuất nhập cảnh đã xác nhận với cơ quan chức năng là ông Kumar đã xuất cảnh qua cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất từ tháng 5/2017 và đến thời điểm đó chưa có thông tin ông Kumar nhập cảnh trở lại. Hiện vụ việc đang được Công an TP Hồ Chí Minh thụ lý. Ngoài ra, Bisuco cũng đang khởi kiện ACBA ra TAND quận 3 để “đòi” lại phần tài sản còn dư và vụ việc đang được tòa giải quyết.    

Theo Quyết định Phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ngày 7/5/2021, thì ngày 14/9/2018 ACBA đã ký hợp đồng chuyển nhượng trường quốc tế trên cho Công ty TNHH Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (đang do ông Thức, bà Thảo tạm quản lý, điều hành) với giá hơn 139 tỷ đồng. Tuy vậy, sau khi đặt cọc cho ACBA số tiền 5 tỷ đồng, ông Thức, bà Thảo chỉ chuyển trả thêm cho ACBA được 3,5 tỷ đồng và chiếm luôn quyền khai thác trường đến nay. Ngay cả 4 nền đất biệt thự được Bisuco thế chấp tại Chi nhánh ACB Long An và giao cho ACBA bán cùng lúc với trường quốc tế để thanh toán nợ cho vay ngân hàng, ACBA cũng đã chuyển nhượng cho ông Thức, bà Thảo.

Từ đó, ngày 26/10/2018 vợ chồng ông Thức, bà Thảo đã ký thỏa thuận bán cho ông Nguyễn Tấn Phát, trú tại quận Bình Thạnh với giá 82 tỷ đồng. Tố cáo đến Công an TP Hồ Chí Minh, ông Phát cho biết sau khi chuyển số tiền 32 tỷ đồng, cặp vợ chồng này chỉ chuyển nhượng cho ông Phát được 1 nền, 3 nền đất còn lại không thực hiện thỏa thuận và có dấu hiệu lảng tránh. Vì vậy ông Phát đã tố cáo hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền 15 tỷ đồng của vợ chồng Thức, Thảo. Vào cuộc điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh đã ra thông báo truy tìm. Song vợ chồng Thức, Thảo đã xuất cảnh ra nước ngoài vào giữa năm 2023.

Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty CP Thẩm định giá E XIM phát hành vào tháng 10/2020 gửi ACBA, thì giá trị của trường quốc tế trên đã là hơn 343,8 tỷ đồng, riêng phần giá trị quyền sử dụng khu đất giáo dục đã là 329 tỷ đồng. Trong khi đó, theo bảng kê nộp tiền sử dụng đất của chủ đầu tư dự án này, thì trong 3 năm liên tiếp thời điểm dự án mới khởi động, chủ đầu tư chỉ phải nộp hơn 11,5 triệu đồng cho phần diện tích đất trường học, thương mại dịch vụ. Từ đó dư luận cho rằng thành phố cần xem xét lại số tiền thu ngân sách đối với khu đất giáo dục trên. Đặc biệt, cần làm rõ khu đất trên được TP Hồ Chí Minh cho thuê đất trả tiền hàng năm hay trả tiền một lần để xác định việc đem khu đất này đi thế chấp có đúng quy định pháp luật hay không. 

    

Bảo Sơn
.
.