Bị truy thu tiền phụ cấp, hàng nghìn giáo viên lo lắng

Thứ Hai, 30/09/2024, 08:24

Do chi trả số tiền phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo vượt mức quy định, nhiều địa phương ở tỉnh Đắk Lắk đang yêu cầu các trường học rà soát danh sách để thu hồi tiền từ các giáo viên. Thông tin này khiến hàng nghìn giáo viên lo lắng vì số tiền phải nộp lại hàng chục, thậm chí lên đến hàng trăm triệu đồng do cộng dồn qua các năm…

Mặc dù năm học 2024-2025 mới chỉ bắt đầu gần một tháng nhưng cô Trần Thị Thơm (giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) cùng nhiều giáo viên trong trường những ngày qua đứng ngồi không yên khi nhận thông tin sẽ bị truy thu số tiền chênh lệch chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong 38 tháng.

Theo tính toán của cô Thơm, nếu bị truy thu trong thời gian gần 4 năm thì số tiền với những giáo viên lâu năm sẽ từ 80-100 triệu, còn đối với giáo viên bậc THCS thì bình quân 30-50 triệu/giáo viên.

mac no 2.jpg -0
Nhiều giáo viên lo lắng khi nhận văn bản truy thu tiền phụ cấp ưu đãi.

"Đây là tin quá sốc đối với giáo viên chúng tôi, bởi trước đó chưa hề có một văn bản nào nói về việc truy thu này. Bây giờ truy thu trong thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống giáo viên", cô Thơm bày tỏ.

Cũng như cô Thơm, cô Nguyễn Thị Dung (giáo viên Trường Tiểu học Ea Kly, huyện Krông Pắk) cho hay, những ngày qua, giáo viên trong trường hết sức lo lắng khi nhận được thông tin sẽ bị truy thu tiền phụ cấp ưu đãi thời gian qua.

"Sau khi tính toán, tôi sẽ bị truy thu gần 80 triệu đồng. Cả 2 vợ chồng tôi đều công tác trong ngành Giáo dục gần 20 năm, mức thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt còn chưa đầy 10 triệu đồng/người/tháng. Theo tính toán, nếu bị truy thu, mỗi tháng vợ chồng phải đóng lại hơn 5 triệu đồng. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn", cô Dung tâm sự.

Trao đổi thêm về vấn đề này, cô Trần Thị H. (giáo viên một trường tiểu học tại xã Ea Kpam, huyện Cư M'gar) cho rằng, tiền của giáo viên được hưởng ưu đãi không phải lỗi của giáo viên mà do cấp trên nghiên cứu sai. "Tiền của Nhà nước phát về cho giáo viên trong thời gian gần 4 năm, chúng tôi đã tiêu rồi. Nếu buộc phải truy thu để nhập vào ngân sách Nhà nước thì cấp tỉnh, huyện phải có lộ trình truy thu cho hợp lý để không ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên. Đồng thời, phải thực hiện lấy ý kiến của giáo viên các trường", cô H. nêu ý kiến.

Theo tìm hiểu của phóng viên, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2005, giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các trường ở miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 50%. Còn địa bàn đồng bằng, thành phố, thị xã được hưởng 35%. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Đắk Lắk có 184 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giáo viên được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định.

Đến giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định 861 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 130 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giảm 54 xã so với trước đó. Tuy vậy, các địa phương ở Đắk Lắk vẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên ở 54 xã này theo mức cũ dẫn đến vượt mức quy định.

Lý giải về nguyên nhân để xảy ra việc chi sai này, bà Phan Thị Lý, Trưởng phòng Tài chính huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk cho rằng, văn bản này là của Trung ương, tuy nhiên về đến địa phương thì bằng các kênh, cụ thể là của Ban Dân tộc triển khai xuống chưa kịp thời nên trong quá trình áp dụng cũng chưa kịp thời.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, sở dĩ 54 xã trên địa bàn tỉnh không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước vì không đáp ứng quy định tại Quyết định 33/2020/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ ngày 12/11/2020 về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025.

"Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các quyết định này về đến tận thôn, buôn và các đơn vị liên quan. Cho đến nay, người dân đã nắm và rất hiểu về các quyết định này. Việc triển khai của các đơn vị, địa phương có liên quan đến chế độ chính sách cho cán bộ công chức, viên chức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực khó khăn mà qua thanh tra, kiểm toán phát hiện thu hồi là trách nhiệm của người công chức tham mưu cho thủ trưởng các đơn vị triển khai các chế độ", ông Vinh lý giải.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay đang xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy để có hướng xử lý. "Vấn đề này đã xin ý kiến các bộ, ngành ở Trung ương, hiện chờ ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sau đó mới họp và báo cáo riêng. Về phương án thu hồi, UBND tỉnh sẽ tính toán cẩn thận. Về mặt pháp luật là phải thu, nhưng thu như thế nào thì cũng phải quan tâm đến đời sống của giáo viên. Khi nào có kết luận sẽ thông tin đầy đủ", ông Cảnh nói.

Văn Thành
.
.