Mặt trái…du học!: Muôn vàn cạm bẫy

Thứ Bảy, 30/04/2016, 10:18
Không ít người vì cả tin các trung tâm dỏm dẫn đến tiền mất tật mang, dở dang việc học hành của con cái. Cùng với ma trận tư vấn du học, nhiều kẻ lừa đảo nhận “chạy” suất định cư, du học ẵm tiền tỷ một cách dễ dàng…


Nắm được tâm lý sính du học, nhiều công ty, trung tâm tư vấn, môi giới du học hình thành như nấm mọc sau mưa. Nhiều hội thảo du học với đủ loại ưu đãi và lời hứa hẹn hấp dẫn về điều kiện xét tuyển cũng như môi trường học tập hiện đại, năng động, ưu việt… khiến phụ huynh “ù tai, hoa mắt”. 

Không ít người vì cả tin các trung tâm dỏm dẫn đến tiền mất tật mang, dở dang việc học hành của con cái. Cùng với ma trận tư vấn du học, nhiều kẻ lừa đảo nhận “chạy” suất định cư, du học ẵm tiền tỷ một cách dễ dàng…


Mê quá hóa nai tơ

Chuyện bà N.T.Th (ngụ quận 6, TP Hồ Chí Minh) bị 3 đối tượng Trần Văn Tam (40 tuổi; ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh), Tạ Văn Thảo (42 tuổi; ngụ huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) và  Nguyễn Thành Trí (ngụ TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) lừa chiếm gần 17 tỷ đồng gây chú ý của dư luận trong thời gian gần đây. Thấy bà Th là gia đình giàu có lại khát khao cho con du học ở Mỹ, Tam cùng đồng bọn lên kế hoạch “xẻ thịt” con mồi. 

Chúng “nổ” mình làm việc ở Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và đang được giao nhiệm vụ rất đặc biệt ở thủ đô Washington, Mỹ. Và tất nhiên với tầm vóc đó chúng dễ dàng giúp bà Th cùng các con sang định cư, học tập ở Mỹ. Chi phí trọn gói được đưa ra là 16,8 tỷ đồng, trong đó 16 tỷ đồng giúp bà Th mua nhà và cho 2 con định cư tại Mỹ, còn 800 triệu là chi phí lo thủ tục. Bà Th là người có hiểu biết trong vấn đề định cư tại Mỹ nhưng đã không thể cưỡng lại quyết tâm cho con du học, định cư tại Mỹ nên mới chấp nhận “canh bạc” này. 

Còn những kẻ lừa đảo cũng hiểu rõ, nếu chỉ “nổ” đơn thuần là có đường dây chạy định cư Mỹ như thông tin lan tràn trên mạng internet thì rất khó có thể thuyết phục bà Th. Khi biết mình đã bị lừa, bà Th đau khổ bảo tiền bạc mà vợ chồng đã chắt chiu tích cóp hàng chục năm trời đã “ra đi” chỉ trong chớp nhoáng. 

Giá mà bà cho con cái học tập bình thường ở Việt Nam, sau đó tùy vào năng lực, sở thích, nguyện vọng của chúng rồi hẵng tính đến con đường du học một cách đường hoàng, chính đáng thì tốt đẹp biết bao nhiêu… Khi hối hận thì tất nhiên sự việc đã qua rồi, đã có biết bao bài học “xương máu” như vậy nhưng rồi lại có nạn nhân mới mà không chỉ có người giàu…

Phong trào cho con du học đã lan khắp các làng quê, những người nông dân chân chất, trúng vài mùa vụ có của ăn của để cũng mộng cho con đi du học mà phải ở Mỹ, Anh, Úc thì mới oách! Cách đây không lâu, hơn 20 học sinh ở nhiều tỉnh, thành tụ về một khách sạn ở quận 5 để chờ “bay” sang Mỹ du học. Sau 2 ngày mỏi mòn chờ đợi mà chẳng thấy người của công ty lo chuyện du học xuất hiện, các phụ huynh đã trình báo cơ quan Công an.

Hội thảo du học luôn thu hút các học sinh, sinh viên tham gia.

Tan mộng vì nghe theo tư vấn

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù quyết tâm đầu tư cho con đi du học nhưng hầu hết các bậc phụ huynh đều không hiểu rõ về thị trường du học. Và để khởi đầu cho quá trình này nơi đầu tiên mà họ tìm đến là các công ty tư vấn du học. Chính vì vậy mà số lượng công ty tư vấn du học ở TP Hồ Chí Minh mọc lên ngày càng nhiều. Mà càng nhiều thì cạnh tranh càng khốc liệt. Đối với các công ty làm ăn uy tín, họ cạnh tranh bằng chất lượng, còn những công ty mới thành lập, làm ăn chụp giựt mà muốn phụ huynh chú ý thì không còn cách nào khác hơn là phải “nổ như bắp rang”. 

“Chiêu bài” mà các công ty tư vấn du học dạng này đưa ra các chương trình học bổng của trường này, trường nọ để “dụ” các phụ huynh. Thông thường nhất đó là quảng cáo lập lờ nhận được 50% học bổng. 

Thoạt nghe qua khá hấp dẫn nhưng khi “cá đã cắn câu” thì mới hay 50% học bổng kia chẳng qua chỉ áp dụng cho năm đầu tiên mà như thế thì chẳng đáng là bao. Chẳng hạn như du học ở Úc 3 năm tiền học phí khoảng 70.000 -80.000USD, tiền ăn ở, tiêu vặt với ngần ấy nữa, cộng lại khoảng trên dưới 150.000USD. Nếu được học bổng 50% của năm đầu tương đương khoảng trên 12.000 USD thì chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng chi phí. Nếu phụ huynh không tính toán kỹ rất dễ đứt gánh giữa đường và thực tế có rất nhiều trường hợp như vậy.

Chiêu thứ 2 là du học vừa học vừa làm, có nơi không ngần ngại cam kết như đinh đóng cột “du học sinh làm thêm không chỉ đủ trang trải cho cuộc sống, việc học mà còn dư để gửi về gia đình”. Các công ty tư vấn du học Nhật Bản đang làm mưa làm gió với những thông tin đại loại như vậy. Họ đưa ra con số hấp dẫn là lưu học sinh làm thêm có thể kiếm từ 150 - 200 ngàn yên (quy đổi khoảng từ 30-40 triệu đồng) mỗi tháng. Trên thực tế du học sinh ở Nhật nếu được cho phép đi làm thêm cũng không thể quá 28 tiếng/tuần nhưng không dễ tìm được việc nếu như tiếng Nhật không tốt. 

Với thời gian ấy, thu nhập từ làm thêm chỉ có thể kiếm được khoảng 50 nghìn yên, tương đương 10 triệu đồng. Trong khi đó, mức sinh hoạt phí trung bình của sinh viên đại học, gồm cả tiền thuê nhà tại một số thành phố ở Nhật là khoảng 100 - 150 nghìn yên. Đó là chưa kể học phí mỗi năm ngốn từ 500 nghìn đến 1 triệu yên nữa thì lấy đâu ra? Tuy nhiên, đây là điều mà các công ty du học chẳng quan tâm, cái chính mà họ cần đó là nguồn thu từ chi phí làm hồ sơ mà “con mồi” trả cho mình, còn sau đó học hành ra sao thì “makeno” (mặc kệ nó). Vì khi đã được đi du học tức việc thực hiện hợp đồng đã hoàn thành, du học sinh phải tự mà bơi, không chịu nổi thì về nước, coi như… huề cả làng!                         

Từ phân tích trên cho thấy, nếu phụ huynh chỉ nghe theo công ty tư vấn mà thiếu tìm hiểu thêm (hỏi kinh nghiệm những người đi trước, truy cập trang web của trường mà con mình muốn theo học…) thì rất dễ bị thất bại. Quyết định 05/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ về điều kiện thành lập, trách nhiệm trước pháp luật… của tổ chức dịch vụ tư vấn du học. Tuy nhiên, công tác hậu kiểm mới là quan trọng nhưng dường như chưa được cơ quan chức năng quan tâm sâu sát.

Nhóm PV
.
.