Đổi mới giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu

Chủ Nhật, 28/10/2018, 08:49
Ngày 27-10, tại Hà Nội, Tổ chức giáo dục IIG Việt Nam đã phối hợp với Trường THPT Chu Văn An và Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Đổi mới giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu”.

GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho biết: Khái niệm công dân toàn cầu tương đối đa dạng và có nhiều cách diễn giải khác nhau.

Tuy nhiên, giữa các cách tiếp cận khác nhau, đều có một số điểm chung như: Thế hệ công dân sẽ sống và làm việc trong một cộng đồng rộng lớn hơn, thường là vượt qua khuôn khổ biên giới một quốc gia; Thế hệ công dân sẽ chú trọng đến tính nhân văn và sự giao thoa văn hóa, kết nối giữa con người với con người, đặc biệt là giữa quốc gia này với quốc gia khác trên toàn thế giới. Với yêu cầu như vậy trong thế kỷ 21, giáo dục không đơn thuần chỉ là đào tạo để “biết đọc”, “biết viết”, “biết đếm” mà hướng tới năng lực toàn diện và trách nhiệm hơn, nhằm giúp cho người học có thể đối mặt với những thách thức rất phức tạp của hiện tại và tương lai.

Tin học và Ngoại ngữ đã và đang được xem là những kỹ năng mềm trong đào tạo thế hệ công dân toàn cầu. Ảnh minh họa.

Do vậy, GS Trần Thọ Đạt cho rằng, giáo dục phổ thông cần có cách tiếp cận mới không đơn thuần là nội dung phương pháp đào tạo mà còn phải phối hợp và hợp tác với các trường đại học từ đó có thể hình thành nguồn nhân lực thế hệ mới toàn cầu hóa.

Để đáp ứng xu thế này, thời gian qua, một số trường phổ thông tại Hà Nội đã đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, chương trình học và phương pháp giảng dạy. Trong đó, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành có thể xem là một trong những cơ sở giáo dục điển hình.

TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ: Để tăng cường năng lực hội nhập quốc tế cho học sinh, Tin học và Ngoại ngữ đã được nhà trường xem là hai môn học chính khóa quan trọng để mở cửa tri thức. Trong đó, từ năm học 2015-2016, nhà trường đã đưa chương trình Tin học quốc tế Mos vào giảng dạy chính khóa cho học sinh khối THPT.

Chứng chỉ tin học quốc tế Mos được công nhận trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc học ngoại ngữ của học sinh cũng được nhà trường xây dựng theo hướng “đi tắt, đón đầu” thông qua việc tổ chức cho học sinh học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Năm học 208-2019, chương trình tiếng Anh học thuật cũng được triển khai, giúp học sinh học được các kiến thức về khoa học tự nhiên bằng Tiếng Anh, được làm thí nghiệm và thuyết trình bằng Tiếng Anh, có tiền đề để hòa nhập vào môi trường học tập quốc tế trong tương lai.

Cũng tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo tiếp cận năng lực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện là hướng đi đúng, nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Tuy vậy, các ý kiến cũng cho rằng, một trong những mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới cần hướng đến đó là phát triển được tối đa năng lực thiết yếu của người học đáp ứng yêu cầu đào tạo thế hệ công dân toàn cầu.

Huyền Thanh
.
.