Nhiều làng nghề truyền thống đất cố đô tất bật vào mùa Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Thứ Năm, 19/12/2024, 06:44

Từ giữa tháng 11 âm lịch năm nay, nhiều làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế đã tất bật vào vụ để sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Nhờ đôi tay tài hoa, khéo léo của thợ thủ công mà thị trường Tết có thêm nhiều sản phẩm truyền thống độc đáo để người tiêu dùng lựa chọn.

Những ngày gần cuối năm 2024, PV Báo CAND tìm về phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) và bắt gặp nhiều lò rèn ở khu phố này đang đỏ lửa. Bên trong ngôi nhà cấp 4 nằm ngay mặt tiền khu phố cổ, ông Trương Tý (SN 1968) cho biết, khoảng 100 năm về trước, một số người thợ ở làng rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã vào vùng đất Bao Vinh để mở các lò rèn và truyền dạy nghề rèn cho người dân ở đây.

Thời điểm thịnh hành nhất, tại phố cổ Bao Vinh có hàng chục lò rèn, tuy nhiên đến nay chỉ còn 28 hộ dân làm nghề rèn và chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sản phẩm mỹ nghệ.

langnghe 1.jpg -0
Lò rèn ở Bao Vinh (phường Hương Vinh, TP Huế) đỏ lửa sản xuất phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

“Dù nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ nghề rèn không cao nhưng do là nghề truyền thống của cha ông để lại nên tôi quyết tâm duy trì, bám trụ với nghề. Ngoài những tháng trong năm, vào dịp cận Tết Nguyên đán, lò rèn của gia đình tôi đỏ lửa cả ngày lẫn đêm và có 7 người thợ làm việc để sản xuất ra nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã phục vụ thị trường Tết. Sản phẩm nghề rèn Bao Vinh gồm có dao, kéo, nồi, chảo phục vụ bếp núc gia đình đến các loại búa, liềm, lưỡi cày, lưỡi cuốc, xẻng phục vụ sản xuất nông nghiệp hiện được nhiều thương lái thu mua cung ứng cho các tỉnh, thành miền Trung và vận chuyển sang Lào tiêu thụ”, ông Trương Tý cho hay.

Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh cho biết, những năm gần đây, sản phẩm được làm từ nghề rèn truyền thống của địa phương tạo dựng được thương hiệu trên thị trường. Sự ưa chuộng của người tiêu dùng đối với sản phẩm nghề rèn Bao Vinh ngày càng gia tăng nhờ vào độ bền vượt trội của sản phẩm chuyên phục vụ cho gia đình, chế biến thực phẩm, xây dựng và ngành nông nghiệp.

“Hiện chính quyền địa phương đang tập trung hỗ trợ, khôi phục và phát triển nghề rèn truyền thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển nghề rèn. Đồng thời UBND phường tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ lò rèn đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng mẫu mã đáp ứng nhu cầu thị trường. Thời gian tới địa phương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm nghề rèn đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từ đó nâng cao giá trị thương mại, giúp nghề rèn truyền thống tại địa phương ngày càng phát triển hơn”, ông Tạ Dương Anh Tuấn khẳng định.

Trong khi đó, vào những ngày này, nhiều hộ dân chuyên sản xuất mứt gừng ở phường Kim Long, TP Huế cũng hối hả, tất bật để làm ra những mẻ mứt gừng thơm ngon phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Vụ Tết năm nay, gia đình ông Trần Hữu Nam sản xuất gần 3 tấn mứt gừng. Ông Nam cho biết, mứt gừng Kim Long được chế biến bằng phương pháp thủ công, không sử dụng bất kỳ hóa chất gì nên rất được thị trường ưa chuộng. Do việc chế biến mứt gừng qua nhiều công đoạn, kỳ công và tốn nhiều thời gian nên từ tháng 10 âm lịch, gia đình ông Nam đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu gồm củ gừng tươi và đường để làm mứt.

“Cứ mỗi vụ Tết, gia đình tôi huy động tất cả con cháu, mỗi người mỗi việc, từ cạo vỏ gừng, thái gừng, luộc gừng, ngào đường để rồi cho ra thành phẩm cuối cùng là mứt gừng. Mứt gừng được đóng gói vào bao bì cẩn thận để bỏ mối cho thương lái. Bình quân mỗi ký mứt gừng, trừ chi phí sản xuất thì người làm mứt thu lợi chỉ vài nghìn đồng/kg. Dù thu nhập từ việc làm mứt gừng mỗi vụ Tết không cao nhưng gia đình tôi vẫn quyết tâm giữ gìn nghề làm mứt truyền thống và truyền dạy lại cho con cháu”, ông Nam chia sẻ thêm.

Theo lãnh đạo UBND phường Kim Long, trước đây nghề làm mứt gừng truyền thống ở địa bàn phường có nhiều hộ dân tham gia. Tuy nhiên những năm trở lại đây, do thị trường hàng hóa đa dạng, mứt Tết có nhiều loại khác nhau và do nhu cầu tiêu thụ mứt gừng giảm nên hiện chỉ còn khoảng 10 hộ gia đình bám trụ với nghề làm mứt gừng truyền thống. Riêng vụ Tết Nguyên đán năm nay, mỗi chủ cơ sở làm mứt gừng ở Kim Long sản xuất trung bình từ 2 đến 5 tấn mứt gừng để bỏ mối tại các chợ truyền thống ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành lân cận.

Để có chính sách hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân làm nghề truyền thống nên mới đây, vào cuối tháng 11/2024 vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các quyết định công nhận nghề rèn Bao Vinh và nghề làm mứt gừng Kim Long là nghề truyền thống của tỉnh.

Ngoài các làng nghề kể trên, hiện ở Thừa Thiên Huế còn có các làng nghề truyền thống như mè xửng, hương trầm Thủy Xuân; bánh tét, bánh chưng Phú Dương, Phú An; đúc đồng Phường Đúc; hoa giấy Thanh Tiên; tranh làng Sình cũng đang tất bật, hối hả vào vụ Tết. Theo thống kê, hiện ở địa bàn TP Huế có 2 hợp tác xã và hơn 770 cơ sở tham gia làm nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, nghệ nhân và thợ thủ công.

Ông Trần Song, Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, với đặc thù là địa phương có nhiều nghề và làng nghề truyền thống nhưng hiện tình trạng sản xuất của các làng nghề vẫn còn nhỏ lẻ, chưa gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chưa cải tiến được mẫu mã để tăng sức cạnh tranh với thị trường. Do đó, để bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và làng nghề truyền thống, thời gian tới TP Huế tiếp tục khuyến khích các làng nghề, cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Trong đó phấn đấu hằng năm có từ 1 đến 2 sản phẩm của các nghề, làng nghề trên địa bàn được công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời thông qua các chương trình khởi nghiệp, đầu tư thiết bị từ nguồn vốn khuyến công, xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng để khuyến khích nghệ nhân và thợ lành nghề tiếp tục truyền nghề, dạy nghề để phát triển nghề truyền thống.

Anh Khoa
.
.