Làm gì để giảm thiểu các vụ cháy lớn?

Chủ Nhật, 19/01/2025, 06:51

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra 111 vụ cháy, giảm sâu so với năm 2023 (giảm 363 vụ) và không có vụ cháy làm chết người. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý nhà nước về PCCC ở Bình Dương không xem đó là thành tích vì trong số các vụ cháy có 6 vụ cháy lớn (chiếm 5,4%) và 55% vụ cháy trung bình đã gây thiệt hại không ít về tài sản.

Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra cháy tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các khu dân cư địa bàn đô thị luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Từ trăn trở đó, Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội nghị tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn đối với loại hình cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trên địa bàn tỉnh.

Làm gì để giảm thiểu các vụ cháy lớn? -0
Hội thi về PCCC tại một doanh nghiệp ở Bình Dương.

Tại hội nghị đánh giá các vụ cháy xảy ra chủ yếu ở các địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh (Các TP: Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một); cháy lớn tập trung tại các loại hình nhà kho, cơ sở sản xuất các mặt hàng dễ cháy mà nhất là cơ sở sản xuất, chế biến gỗ. Ghi nhận trong năm 2024 có 43/111 vụ cháy (tỉ lệ 38,7%) thuộc loại hình kho, cơ sở sản xuất; 24/111 vụ cháy (tỉ lệ 21,6%) nhà ở đơn lẻ. Cơ quan chức năng đã làm rõ nguyên nhân 92/111 vụ cháy, trong số này có 56/92 vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện, chiếm tỷ lệ 60,9%; 17/92 vụ cháy do sơ suất bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt...

Cháy do sự cố điện chiếm tỷ lệ cao được xác định nguyên nhân do tình trạng các hộ gia đình tự ý chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh chưa được sự cho phép của các cơ quan quản lý nhà nước; chưa chấp hành tốt những quy định của pháp luật về PCCC. Nhiều công trình, nhà xưởng văn phòng công ty… các chủ đầu tư còn chủ quan không đặt công tác an toàn nguồn điện lên hàng đầu; thiếu kiểm tra bảo dưỡng hệ thống điện định kỳ.

Đối với các hộ gia đình, nhiều thiết bị điện được lắp đặt không đúng quy chuẩn, sử dụng dây dẫn tải chưa phù hợp với công suất; nhiều thiết bị đã cũ, dây điện bị hở và hư hỏng nhưng chưa được thay thế… Đặc biệt là không tắt các thiết bị khi không sử dụng, nhất là các thiết bị sinh nhiệt như bếp điện, lò sưởi, bàn ủi… Một số gia đình còn “tiết kiệm” không lắp đặt các thiết bị bảo vệ như aptomat (cầu dao tự động) để ngắt nguồn điện khi quá tải dẫn đến xảy ra sự cố.

Về phía các cơ quan chức năng, trong công tác quản lý nhà nước về xây dựng, một số nơi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép, sai phép, cơi nới thêm tầng, xây bít lối thoát hiểm; tận dụng tối đa khoảng trống, khoảng không để làm nhà ở; bao bọc căn nhà bằng hàng rào sắt để chống trộm đến khi xảy ra cháy đã không còn lối thoát nào…

Việc duy trì điều kiện an toàn PCCC và CNCH tại các chung cư cao tầng trên địa bàn tỉnh còn một số bất cập do lực lượng PCCC cơ sở tại nhiều nơi chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng; kinh phí duy trì hoạt động của lực lượng, phương tiện PCCC được quy định bố trí ngay trong giai đoạn lập dự án quy hoạch, dự án đầu tư và thiết kế công trình, tuy nhiên chủ đầu tư thường không dự toán đủ để duy trì trong suốt quá trình sử dụng công trình mà các hộ gia đình phải đóng góp. Chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm PCCC. Một số ban quản trị chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực quản lý, vận hành khi thành viên chủ yếu là người lớn tuổi, làm việc kiêm nhiệm, không có đội ngũ cán bộ kỹ thuật hiểu biết về PCCC để quản lý, vận hành…

Về nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên, theo Đại tá Nguyễn Thanh Điệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, do tình hình kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến người đứng đầu cơ sở chỉ quan tâm tập trung duy trì sản xuất kinh doanh để hoạt động cầm chừng, không chú trọng đến việc đầu tư kinh phí duy trì thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC theo quy định.

Một số văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và CNCH, nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong những năm gần đây có nhiều thay đổi theo hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật ngày càng thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện của cơ quan quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH cũng như việc nắm bắt, tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành có lúc chưa chặt chẽ, thống nhất dẫn đến còn tình trạng xây dựng công trình chưa đúng quy hoạch, sai giấy phép xây dựng, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp làm ảnh hưởng chung đến công tác quản lý Nhà nước về PCCC trong đầu tư xây dựng.

Về nguyên nhân chủ quan, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp cơ sở, nhất là người đứng đầu cơ sở ở một số nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCCC và CNCH; các văn bản chỉ đạo, quy định của pháp luật về công tác PCCC và CNCH nhiều nơi mới chỉ dừng lại ở việc triển khai; công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc, có nơi chưa được thực hiện thường xuyên. Ý thức, trách nhiệm của một bộ phận quần chúng nhân dân đối với công tác PCCC chưa cao, chưa nhận thức được tầm quan trọng của an toàn PCCC; còn chủ quan, lơ là trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, đặc biệt là thiết bị điện trong sinh hoạt gây mất an toàn PCCC. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC của một số chủ đầu tư chưa đầy đủ, đặt nặng mục tiêu kinh tế, cắt giảm chi phí đầu tư cho PCCC hoặc có tâm lý đối phó với các quy định về PCCC…

Trước thực trạng trên, trong thời gian sắp tới, Ban chỉ đạo PCCC và CNCH tỉnh Bình Dương yêu cầu, chính quyền địa phương các cấp duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCCC và CNCH từ cấp tỉnh đến cơ sở; chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực của đội dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực lượng PCCC chuyên ngành đảm bảo hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn tăng cường năng lực đối với lực lượng PCCC chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo theo quy định của pháp luật. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình an toàn PCCC hoạt động hiệu quả; các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH; tuyên truyền, công khai các hành vi vi phạm an toàn về PCCC, các công trình chưa thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động.

“Các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác PCCC& CNCH, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, gắn chặt với nhiệm vụ chuyên môn của từng sở, ban, ngành, địa phương…”, ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Mã Hải
.
.