Khơi giếng xưa, giữ mạch làng
Những ngày đầu hè, con đường đất đỏ dẫn vào xóm Cây Dầu, thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) rộn tiếng cuốc xẻng, tiếng trò chuyện xôn xao giữa trưa nắng. Giữa khu vườn um tùm bóng mát, chiếc giếng cổ hàng trăm năm tuổi như vừa thức giấc sau giấc ngủ dài, được người dân trong xóm chung tay khơi dậy bằng tất cả sự trân quý và tự hào.
Theo quan sát, chiếc giếng này nằm khuất dưới chân đồi, hướng mặt ra cánh đồng lúa và hoa màu xanh mướt. Cây cối quanh giếng đã được phát quang, lòng giếng được vét sạch bùn, những phiến đá ong cũ kỹ dần lộ diện. Hơn hai mươi hộ dân trong xóm, từ cụ già tóc bạc đến thanh niên trai tráng, người thì xúc đất, người xếp đá, trộn vữa, đổ bê tông. Mỗi người một tay, chẳng ai nề hà.

"Giếng là tài sản ông bà để lại. Ngày trước, cả xóm chỉ dùng nước giếng này để nấu cơm, giặt giũ. Nước trong, mát lành như rút từ lòng đất mẹ. Nay khôi phục lại, ai cũng vui như có chuyện đại sự trong làng", bà Nguyễn Thị Liên vừa xếp lại đống đá ong, vừa kể chuyện xưa, giọng đầy hào hứng.
Kế bên, anh Nguyễn Văn Thuận, người con trai gắn bó với làng từ nhỏ, hì hụi nâng từng phiến đá chẻ: "Nghe kể, giếng này có từ 800, 900 năm trước. Mấy năm gần đây bị đất đá vùi lấp, bà con xót ruột lắm. Vì vậy, chúng tôi đợi ngay khi đường làng vừa được nâng cấp xong là lập tức họp dân, mỗi nhà góp một triệu, người xa quê thì gửi tiền về phụ. Ai cũng muốn giếng xưa lại reo nước ngọt như ngày nào".
Độc đáo nhất của giếng Cây Dầu không chỉ nằm ở tuổi đời, mà ở kỹ thuật xây dựng xưa cũ nhưng bền bỉ phi thường. Giếng được lót bằng gỗ lim, gỗ trai, những loại gỗ ngâm nước hàng trăm năm vẫn không hư hỏng. Thành giếng là đá ong xếp bằng mộng, không cần vôi vữa mà vẫn chắc nịch. Những tấm gỗ được vớt lên từ đáy giếng đen bóng, cứng cáp như mới hôm qua, đang được rửa sạch, phơi nắng để lát nữa sẽ lại thả xuống đúng chỗ cũ.
Không khí như một ngày hội làng thu nhỏ. Có cụ ông đứng bên nhắc nhở cách xếp đá sao cho đúng thế, có nhóm phụ nữ lo nồi nước chè xanh, dăm chiếc bánh đúc nóng cho mọi người giải lao. Lũ trẻ trong xóm thì lon ton chạy quanh, tíu tít như vừa khám phá ra một kho báu giấu trong lòng đất.
Cách đó không xa, ở xóm Cây Đa, thôn Mai Lộc 2, giếng Cây Đình vừa được tu bổ hoàn thiện. Mỗi chiều, sau buổi làm đồng, người dân lại tụ về đây rửa mặt, nghỉ chân dưới bóng mát cây cổ thụ. "Hồi còn nhỏ, tui thường ra giếng lấy nước. Mẹ bảo nước giếng Đình có thể để cả tuần không hôi, không lắng cặn. Giờ giếng được làm lại, sạch đẹp, mọi người càng quý hơn", anh Hồ Trung Dũng, một người dân ở đây vừa kể, tay vừa vốc nước múc từ giếng uống một cách ngon lành.
Từ năm 2020 đến nay, phong trào phục hồi giếng cổ đã lan rộng khắp xã Cam Chính, Cam Nghĩa. Nhiều giếng như giếng Cây Thị, giếng Ông Cây, giếng Gai… đã được khơi dòng trở lại bằng chính bàn tay, tấm lòng của người dân địa phương. Điều quý giá nhất khi gắn với mỗi giếng là một câu chuyện, một phần ký ức của làng.
Bà Trần Thị Anh, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Cam Lộ, cho biết, toàn huyện hiện có 14 giếng cổ, đa số thuộc dạng giếng Chăm, đặc trưng bởi đá ong và gỗ quý. "Người dân chính là chủ thể quan trọng nhất trong việc giữ gìn giếng cổ. Họ không chỉ sống cùng giếng, mà còn truyền lại những câu chuyện, nghi lễ, ký ức gắn với từng giếng cho thế hệ sau".
Theo bà Anh, bảo tồn giếng cổ không chỉ là việc giữ một công trình, mà là giữ lại mạch sống, giữ lấy bản sắc văn hóa làng quê đang dần mai một. Chính quyền địa phương đang tích cực khảo sát, lập hồ sơ, quy hoạch khu vực giếng cổ để bảo vệ tốt hơn, đồng thời gắn việc bảo tồn này với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.