Hành trình vượt lên số phận của những bạn trẻ khuyết tật giàu nghị lực
Sơn và Chi là 2 trong 38 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức vào tối 7/10.
Mắc bệnh xương thủy tinh bẩm sinh, Trần Ái Hải Sơn (SN 1998, xã Thanh Hoà, huyện Bù Đốp, Bình Phước) đã trải qua tuổi thơ khó nhọc khi trong gia đình có cha và chị gái cũng mắc căn bệnh này. Không chịu khuất phục số phận, chàng trai “tí hon” đã phấn đấu vươn lên, lan tỏa nghị lực sống cho người cùng cảnh. Hay cô gái Nguyễn Thuỳ Chi (Lào Cai) mang trong mình căn bệnh bại não, đã cùng bạn sáng lập Công ty TNHH “Chạm vào Xanh” giúp người khuyết tật có việc làm.
Sơn và Chi là 2 trong 38 gương mặt thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam và Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam tổ chức vào tối 7/10.
Chàng trai xương thủy tinh và khát vọng đem tương lai cho người cùng cảnh
Kể về tuổi thơ khó nhọc của mình, chàng trai “tí hon” Trần Ái Hải Sơn chia sẻ, cha em vốn là người đàn ông mồ côi, lại mắc căn bệnh xương thủy tinh. Nhưng mẹ em, một cô gái lành lặn đã đem lòng yêu thương ông, họ kết hôn và sinh được 3 người con. Người con gái đầu lòng Trần Thị Ngọc Ngân chào đời chưa được bao lâu đã được xác định mắc căn bệnh xương thủy tinh giống cha. Hai năm sau, Sơn ra đời, hạnh phúc vỏn vẹn chỉ được 1 năm, em lại có biểu hiện mắc bệnh xương thủy tinh.
“Em may mắn hơn chị Ngân, còn có thể đến trường, chị em chỉ nằm ở trên giường, phải có người phục vụ toàn diện”, chàng trai “tí hon” chia sẻ. Trong ký ức tuổi thơ của cậu bé Sơn, rất nhiều lần bắt gặp cảnh mẹ không cầm được nước mắt khi chị Ngân hỏi “chừng nào con biết đi?”; hay những lần Sơn ngây ngô thắc mắc “sao các bạn chạy nhảy mà con không đi được?”… Dần dần lớn lên, hiểu được căn bệnh của mình, Sơn không hỏi mẹ nữa.
Tới 6 tuổi, thấy các bạn đi học, Sơn cũng muốn biết chữ. Mẹ mua sách vở, đến xin cô giáo cho cậu bé vào lớp 1 học thử. Thấy em nhỏ xíu, xương mong manh, ngồi xuống ghế không vượt qua chiều cao của chiếc bàn, cô giáo không dám nhận. Hai năm sau, người em gái út là Trần Thị Thuý Ái (cô gái may mắn trong gia đình không mắc xương thủy tinh) đủ tuổi đến trường, Sơn mới được đi học. Để con biết chữ, mẹ Sơn - người phụ nữ trụ cột trong gia đình hằng ngày đi hái tiêu thuê và làm đủ công việc kiếm sống - đã dành thời gian đi học cùng con. Hơn 1 tháng đầu tiên, mẹ ở trực tiếp trên lớp để con cần gì thì hỗ trợ, rồi tan học lại chở con về. Có lần ngồi sau xe em bị té ngã, gãy hai chân, gãy tay, gãy xương vai, nhưng 10 ngày sau, cậu bé “tí hon” đã cố gắng đến trường.
Dù khó nhọc, nhà thuộc hộ nghèo bữa đói bữa no, nhưng chàng trai xương thủy tinh vẫn kiên trì, miệt mài học tập và trở thành học sinh tiêu biểu xuất sắc trong học tập, lao động, vươn lên hoà nhập cộng đồng của tỉnh Bình Phước. “Em cố gắng thích nghi với bệnh và học thật tốt, đây là cách tốt nhất để vượt qua mặc cảm, có một tương lai lo được cho bản thân, để mẹ em bớt khổ”, Sơn chia sẻ. Năm 2018, Sơn thi đỗ vào Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và em gái đậu vào Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh. Hai anh em học đại học cùng lúc, gánh nặng lại oằn vai mẹ khi một năm sau cha em mất. Bà lo nhất là cơ thể yếu ớt của Sơn sẽ trụ ra sao suốt 4 năm học mà không có người thân bên cạnh. Chàng trai nghị lực chia sẻ: “Hai năm đầu, em ở tầng 3 ký túc xá, đều được các bạn cõng mỗi lần lên xuống. Tới năm thứ 3, em được chuyển xuống tầng 1, nhưng phòng vẫn có bậc tam cấp, vẫn là các bạn giúp đỡ em đi lại”. Sơn được các Mạnh Thường Quân tài trợ xe lăn điện, được nhà trường hỗ trợ học phí và ký túc xá, được căng tin hỗ trợ 2 bữa cơm mỗi ngày. “Suốt 4 năm, em không mất chi phí ăn ở và học tập, điều này đã giúp em rất lớn để thực hiện được ước mơ”, chàng trai chia sẻ.
Sơn và em gái hiện đang làm việc tại Tổ chức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam. Chàng trai cho biết: “Em chưa giàu về vật chất, nhưng đang hỗ trợ về công việc cho các bạn khuyết tật. Với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng, em đã tự nuôi sống bản thân và tiếp tục giúp đỡ các bạn cùng cảnh, truyền cảm hứng cho các bạn vươn lên trong cuộc sống”.
Tôn vinh những tấm gương giàu nghị lực
Theo anh Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội LHTN Việt Nam, 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương năm 2024 là những tấm gương tiêu biểu giàu nghị lực, vươn lên từ nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, tích cực đóng góp cho cộng đồng, góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên. Nhiều đại biểu thanh niên khuyết tật có những nghị lực phi thường vươn lên trong cuộc sống, lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng, tạo công ăn việc làm, thành lập những Câu lạc bộ trợ giúp cho những người cùng cảnh ngộ như bạn Trần Thanh Hiếu, Nguyễn Ngọc Nhứt, Nguyễn Thuỳ Chi. Hay hai sinh viên xuất sắc Lê Thảo Nguyên và Chương Đình Phúc (đều SN 2005) có các đề tài tham dự nhiều Cuộc thi cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học.
Mắc chứng cerebral palsy thể co cứng bẩm sinh (bại não), không thể tự đi lại và chăm sóc bản thân, chị Nguyễn Thuỳ Chi (34 tuổi, Lào Cai) đã không đầu hàng số phận. Sau khi tốt nghiệp đại học, chị ở lại Hà Nội và bắt đầu hành trình lập nghiệp, đã cùng với bạn là Lưu Thị Hiếu thành lập Công ty TNHH “Chạm vào Xanh” để giúp đỡ việc làm, thúc đẩy phong trào sống độc lập cho người bại não và người khuyết tật. Đến nay, những người mắc chứng bệnh tương tự của chị Chi tham gia các hoạt động “Chạm vào Xanh” đã lên tới gần 300 người và vẫn tiếp tục gia tăng. Chị còn là người đã có nhiều cống hiến trong việc xây dựng mạng lưới các gia đình, trẻ em và người bại não, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng hoà nhập xã hội cho họ.
Theo anh Quy, chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” được Trung ương Hội LHTN Việt Nam phát động từ năm năm 2013 thông qua sự kiện diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vujicic đến Việt Nam giao lưu cùng thanh niên Việt Nam, nhằm mục tiêu tìm kiếm, tôn vinh những tấm gương thanh niên khuyết tật, có ý chí vượt lên, chiến thắng số phận và đóng góp tiêu biểu cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Thông điệp “Sống trung thực, sống trách nhiệm, sống nghị lực” chương trình cũng mong muốn tạo sự lan toả và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam.