Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan
Ngày 11/4, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh vừa tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên.
Đây cũng là nội dung hợp tác giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT), Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA) và Hiệp hội Sếu Quốc tế (ICF) và Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
6 cá thể sếu đầu đỏ (khoảng 7 tháng tuổi) này được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) và chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, bao gồm 3 cá thể trống và 3 cá thể mái.
Việc tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ diễn ra vào tối 10/4. Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe, sếu đầu đỏ được chuyển về Thảo Cầm Viên Sài Gòn để thực hiện cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã, sau đó sẽ vận chuyển về Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp, việc chuyển giao và tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Vương Quốc Thái Lan về Việt Nam là dấu mốc quan trọng đầu tiên trong Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan về bảo tồn sếu đầu đỏ.
Sếu đầu đỏ là biểu tượng của Vườn Quốc gia Tràm Chim và tỉnh Đồng Tháp. Đây là loài sinh vật quý hiếm, có tên trong sách Đỏ thế giới và đang trong tình trạng nguy cấp cần được bảo vệ.
Vườn Quốc gia Tràm Chim từng ghi nhận có hơn 1.000 cá thể Sếu đầu đỏ, một trong 15 loài sếu hiện đang tồn tại trên thế giới. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng sếu đầu đỏ về Tràm Chim càng lúc càng giảm. Trong các năm gần đây, số lượng sếu ở Tràm Chim rất thấp, có năm không có cá thể nào về.

Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032. Việc triển khai đề án là tín hiệu tích cực nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Đề án triển khai trong 10 năm, có khoảng 100 cá thể sếu được nuôi và thả ra, có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên, giúp cho người dân và bạn bè gần xa có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của sếu đầu đỏ.

Để thực hiện đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Song song là việc cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế cho người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.