Di dời trong 5 năm sẽ bằng số lượng trong hơn 30 năm? (bài 1)
Trong hơn 30 năm qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực di dời khoảng 40 nghìn căn nhà lụp xụp trên và ven nhiều tuyến kênh, rạch chính. Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường sống cho hàng trăm nghìn người dân sinh sống ven các tuyến kênh, rạch, góp phần chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn gần 40 nghìn căn nhà nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ kênh, rạch cần di dời để phục vụ chỉnh trang đô thị, tiêu thoát nước, phát triển các tuyến giao thông thủy nội địa, cải thiện ô nhiễm môi trường cho hàng triệu người dân đang sinh sống dọc theo các lưu vực kênh. Do đó, ngày 28/5 vừa qua Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố tờ trình kèm theo dự thảo Đề án chỉnh trang đô thị khu vực nhà trên và ven sông, kênh, rạch giai đoạn 2025-2030…
Theo ông Trần Hoàng Quân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, hệ thống sông, kênh, rạch trong khu vực nội thành TP Hồ Chí Minh gồm 5 tuyến chính và các nhánh với tổng chiều dài hơn 105km. Hệ thống này giải quyết tiêu thoát nước cho lưu vực có diện tích lên đến 14.200ha. Ngoài vai trò là hệ thống giao thông đường thủy quan trọng, hệ thống kênh rạch này còn góp phần tạo nên cảnh quan môi trường để thành phố trở thành đô thị sông nước.
Trong đó, tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé dài hơn 11km cùng 2 nhánh là rạch Hàng Bàng và rạch Cầu Dừa; tuyến kênh Đôi - Kênh Tẻ dài gần 30km cùng 10 tuyến nhánh; kênh Tân Hóa - Lò Gốm với chiều dài hơn 13km cùng 5 nhánh; tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 10km cùng 5 nhánh và tuyến kênh Tham Lương- Bến Cát - rạch Nước Lên dài gần 33km.

Quá trình phát triển đô thi nhanh chóng những năm qua đã khiến hệ thống kênh rạch này bị bồi lắng, xây dựng lấn chiếm, rác thải làm thu hẹp dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương di dời nhà trên và ven sông, kênh, rạch, cải tạo môi trường và chỉnh trang đô thị, đến nay TP Hồ Chí Minh đã di dời được tổng cộng 44.508 căn nhà.
Cụ thể, di dời 9.266 hộ dân sinh sống trên và ven tuyến chính của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đồng thời với việc triển khai các dự án như xây dựng đại lộ Đông - Tây; Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé; dự án cải tạo các tuyến kênh, rạch như kênh Cầu Mé, rạch Hàng Bàng, kênh Nước Đen và các tuyến nhánh của kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đã di dời được 15.548 căn nhà trên và ven các tuyến kênh, rạch ô nhiễm.
Triển khai dự án cải tạo môi trường trên tuyến Kênh Đôi - Kênh Tẻ, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên cùng nhiều tuyến nhánh, TP Hồ Chí Minh cũng đã di dời được 7.542 căn nhà trên và ven các tuyến kênh, rạch ô nhiễm. Từ năm 2011 - 2015, có thêm 4.125 căn nhà trên và ven kênh rạch được di dời; giai đoạn 2016-2020 thành phố tiếp tục di dời được 2.479 căn và từ năm 2021-2025, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đặt mục tiêu có 5.378 hộ dân sống trên và ven kênh, rạch được di dời.
Có thể thấy, chủ trương di dời nhà trên và ven sông, kênh, rạch để chỉnh trang đô thị, tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân và góp phần phát triển kinh tế - xã hội được TP Hồ Chí Minh đặt làm nhiệm vụ trọng tâm và triển khai xuyên suốt trong vài chục năm qua. Tuy nhiên, con số thực hiện được còn khá khiêm tốn so với mục tiêu đề ra, chẳng hạn giai đoạn 2011-2015 thành phố đặt mục tiêu di dời 14.101 căn nhà trên và ven các tuyến kênh, rạch ô nhiễm, nhưng chỉ thực hiện được gần 30% trong số này.
Giai đoạn 2015 - 2020 mục tiêu đặt ra là di dời 20.000 căn, nhưng chỉ thực hiện được hơn 12%. Kết quả trên cho thấy, mục tiêu Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đặt ra là tiếp tục di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven các tuyến kênh rạch trong 5 năm tới là không hề đơn giản. Nhất là khi các chương trình, dự án chỉnh trang đô thị tại thành phố trước đây thuận lợi hơn do có thể huy động nguồn vốn vay ODA và các nguồn quỹ đất công. Nhưng nay các điều kiện này gần như không còn trong khi việc triển khai di dời nhà trên và ven kênh, rạch phải đảm bảo trình tự, pháp lý thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Đất đai và nhiều quy định pháp luật hiện hành.
Phạm vi đề án được Sở Xây dựng đề xuất triển khai trên toàn bộ các khu vực có nhà trên và ven sông, kênh, rạch cùng khu vực lân cận tại địa bàn 16 quận, huyện với con số lên đến 398 dự án hoặc tuyến sông, kênh, rạch chính và tuyến nhánh. Lộ trình thực hiện được Sở Xây dựng đưa ra là đến năm 2027 sẽ hoàn thành các bước lập thủ tục quy hoạch 1/2000 ở các khu vực dự kiến chỉnh trang đô thị; thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng nhà tái định cư (TĐC), nhà ở xã hội (NOXH); thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, bồi thường, giải tỏa.
Từ năm 2028-2030 sẽ cơ bản hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ, TĐC cho người dân sống trên và ven các tuyến sông, kênh, rạch; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kè bờ và thực hiện các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hoặc đấu giá đối với các tuyến được mở rộng biên, tạo quỹ đất dọc sông, kênh, rạch sau khi di dời. Kết quả này sẽ mở ra nhiều cơ hội với các nhà đầu tư bất động sản và hứa hẹn sẽ tạo lực đẩy mạnh mẽ đối với thị trường nhà ở tại thành phố.
Mục tiêu đặt ra rất lớn như vậy, nhưng đánh giá về những khó khăn, thách thức trong dự thảo đề án trình UBND thành phố, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cũng thừa nhận, chi phí thực hiện di dời, tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sống trên và ven sông, kênh, rạch chiếm phần lớn tổng mức đầu tư các dự án.
Ngoài ra, để đảm bảo khả năng triển khai còn cần nguồn kinh phí rất lớn để đầu tư xây dựng nhà TĐC, NOXH, hạ tầng đô thị thiết yếu. Trong khi đó, ngân sách thành phố dành cho việc đền bù, giải tỏa còn hạn chế, hiện chỉ tập trung cân đối cho các dự án chuyển tiếp, dự án đang thi công và một số dự án trọng điểm, cấp bách, được ưu tiên đầu tư; hạn chế bố trí vốn cho các dự án không có mặt bằng sạch hoặc các dự án có nhiều vướng mắc trong bồi thường, làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Việc huy động nguồn lực đầu tư tư nhân và tổ chức quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn do thời gian thực hiện thường kéo dài, kinh phí thực hiện lớn, khả năng hoàn vốn thấp, không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư.
HĐND TP Hồ Chí Minh duyệt chủ trương đầu tư công để cải tạo rạch Văn Thánh
Ngày 28/6, tại kỳ họp thứ 23 HĐND TP Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Văn Thánh. Tổng mức đầu tư cho dự án lên đến 8.555 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2025-2030. Dự án có tuyến rạch chính dài hơn 1,96km nối từ đường Võ Oanh đến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và 1 tuyến rạch nhánh dài 275m. Để thực hiện dự án này, sẽ có hơn 1.000 hộ dân phải di dời, tổng mức bồi thường, hỗ trợ, TĐC và giải phóng mặt bằng lên đến 6.812 tỷ đồng. Chi phí dành cho việc nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng đồng bộ hai bên rạch Văn Thánh khoảng 1.743 tỷ đồng.