Châu thổ Cửu Long với nỗi lo sạt lở mùa mưa lũ

Thứ Năm, 15/05/2025, 05:12

Lúc 3h ngày 13/5, một vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường giao thông thuộc khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Điểm sạt lở nằm cặp bờ trái sông Bằng Tăng, cách cầu Mương Khai khoảng 400 mét về hướng QL91.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, vụ sạt lở có tổng chiều dài 46 mét, sâu vào đất liền 4 mét, trong đó, 30 mét đã sạt lở hoàn toàn, phần còn lại 16 mét đang trong tình trạng sụt lún nghiêm trọng.

chautho 1.jpg -0
Hiện trường vụ sạt lở đường giao thông ở khu vực Long Định, phường Long Hưng, quận Ô Môn (TP Cần Thơ), ngày 13/5.

Theo người dân địa phương, tình trạng sạt lở bờ sông tại quận Ô Môn diễn ra từ nhiều năm qua, đặc biệt vào mùa mưa lũ. UBND TP Cần Thơ đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông; trong đó tập trung vào việc xây dựng kè chống sạt lở tại các điểm xung yếu và di dời các hộ dân sinh sống trong vùng có nguy cơ cao.

Tại quận Ô Môn, vào ngày 3/4, TP Cần Thơ đã triển khai xây dựng công trình kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn qua địa bàn phường Thới An với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 130 tỷ đồng. Dự án được xác định là công trình khẩn cấp nhằm phòng chống sạt lở và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước. Tuyến kè có chiều dài 650 mét, xây dựng theo phương án kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp thảm đá gia cố mái chống xói lở. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 - 2026, nguồn vốn sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố theo kế hoạch đầu tư công năm 2025.

Được biết, năm 2024, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác, tổng thiệt hại trên 15 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành 12 lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý 2.105 mét, tổng mức đầu tư 166,3 tỷ đồng; đồng thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai.

Ngày 14/5, UBND huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, tình hình sạt lở đê sông tả hữu trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đe dọa đến sản xuất, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân sinh sống bên trong khu vực đê. Do huyện Cù Lao Dung nằm tách biệt đất liền, chung quanh bao bọc bờ sông Hậu và biển Đông. Đê sông tả hữu với chiều dài hơn 80 km, chiều cao trên 2 mét, bao bọc xung quanh huyện; đây là tuyến đê trọng yếu phòng, chống triều cường dâng cao ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Từ đầu năm đến nay, đoạn đê này xảy ra 6 điểm sạt lở với chiều dài trên 350 mét tại 2 xã An Thạnh Đông và Đại Ân 1. Trong đó có 4 điểm sạt lở nghiêm trọng chiều dài trên 250 mét đe dọa đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng phòng NN&MT huyện Cù Lao Dung cho biết, một số điểm sạt lở lấn vào chân đê 1 mét, đáy 4 mét và sâu 2,5 mét, có điểm sạt lở sâu vào lộ nông thôn 1,5 mét và một số điểm sạt lở còn xuất hiện vết nứt lấn sâu vào đất liền trên 100 mét. Hiện 6 đoạn sạt lở có 255 hộ đang sinh sống, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 365 ha Ngay khi xảy ra sạt lở, địa phương đã huy động các lực lượng gia cố tạm thời phần sạt lở; giăng dây, treo biển cảnh báo để phương tiện giao thông và người dân lưu thông qua điểm sạt lở an toàn.

Trước đó, trung tuần tháng 3/2025, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu xảy ra vụ sạt lở bờ tây kênh 30/4, phía hạ lưu cống Nhà Mát (phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu). Vị trí sạt lở có chiều dài 33 mét, rộng 3 mét, sâu khoảng 1,3 mét. Nguyên được xác định là do xâm thực của dòng chảy mạnh từ biển Đông vào và ảnh hưởng của thủy triều đã gây sạt lở. Hiện gần khu vực sạt lở xuất hiện vết nứt, nguy cơ sạt lở tiếp tục xảy ra nếu không được gia cố kịp thời. Cơ quan chức năng gia cố bờ kênh bằng giải pháp đóng hàng cừ tràm bên ngoài, sau đó dùng dùng bao tải đất hoặc bao tải cát tạo lại mái kênh, gia cố lớp rọ đá bên trên trong phạm vi sạt lở, nhằm đảm bảo ổn định tạm thời cho khu vực bị sạt lở; đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hệ thống xi-lanh cống Nhà Mát để sớm mở hai cửa cống Nhà Mát cùng lúc; về lâu dài, cần sớm đầu tư hệ thống kè cứng để bảo vệ toàn khu vực và đảm bảo ổn định lâu dài cho các hộ dân sinh sống…

Những năm gần đây, tốc độ sạt lở, sụt lún bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL diễn ra ở mức đáng báo động. Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN&MT), trong số 743 điểm sạt lở có gần 690 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài gần 600 km và 53 điểm sạt lở bờ biển dài hơn 200 km; đặc biệt có 168 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, hơn 200 điểm sạt lở nguy hiểm. Thống kê của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cũng cho thấy, giai đoạn 2022 - 2023, vùng ĐBSCL có gần 22 triệu m3 đất cát lòng sông bị xói lở, nhưng khối lượng bồi chỉ gần 5 triệu m3, thiếu hụt gần 17 triệu m3. Đối với bờ biển, giai đoạn 2020 - 2023, miền Tây Nam Bộ có trên 400 km bờ biển bị sạt lở, làm mất hơn 458 ha đất.

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, thiên tai vùng này sẽ còn phức tạp, khó lường hơn, đặc biệt về sụt lún, sạt lở, ngập lụt, xâm nhập mặn…

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ NN&MT), nhằm ứng phó với hiện tượng sụt lún, sạt lở ở ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp “3 không, 1 hạn chế”. Đó là không xây dựng, nâng cấp nhà cửa sát bờ sông và trên lòng sông kênh rạch; không khai thác trái phép cát trên sông; không chặt phá rừng ngập mặn ven biển. Còn về hạn chế, cần hạn chế các phương tiện giao thông thủy đi với tốc độ cao trên sông, tạo sóng lớn tác động vào ven bờ gây sạt lở. Ngoài ra, người dân cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sạt lở như vết nứt, lún trên mặt đường ven sông, tường nhà, tuân thủ hướng dẫn của chính quyền địa phương và chủ động di dời đến nơi an toàn…

Văn Đức
.
.