Nỗ lực xây dựng địa phương số của Đề án 06

Thứ Hai, 18/11/2024, 06:22

Sau 3 năm triển khai Đề án 06, người đứng đầu ở nhiều bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết từng công việc, nhiệm vụ cụ thể để phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giúp bức tranh chuyển đổi số ngày càng rõ nét và các vùng sáng được mở rộng.

Thông tin với PV, Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, đánh giá: Trong năm 2024, điểm sáng nổi bật là triển khai thành công sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại, bệnh án điện tử, nhân rộng 2 dịch vụ công liên thông, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID trên toàn quốc… Tất cả những nội dung trên đã mang lại những giá trị to lớn phục vụ nhân dân, doanh nghiệp cũng như toàn xã hội.

Đặc biệt, Đề án 06 không chỉ tạo lập công dân số mà còn góp phần xây dựng các địa phương trở thành những địa phương số. Ngoài Hà Nội đang triển khai hiệu quả 19 mô hình chuyển đổi số, tại các tỉnh như Kiên Giang, Bình Dương và Đồng Nai cũng triển khai quyết liệt xây dựng địa phương số từ chuyển đổi số và Đề án 06. Đây cũng là 3 địa phương trọng điểm kinh tế phía Nam với nhiều tiềm năng, việc ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, tạo thêm nền tảng cho địa phương phá triển, thu hút nguồn lực đầu tư với sự quyết tâm cao của lãnh đạo người đứng đầu các cấp trong triển khai Đề án 06 trên địa bàn.

Đối với tỉnh Kiên Giang, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 06 tỉnh Kiên Giang đã thống nhất ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án và tập trung trọng điểm vào TP Phú Quốc, trong đó tập trung đồng bộ các biện pháp, giải pháp thúc đẩy mạnh triển khai thực hiện tập trung 24 nhiệm vụ theo kế hoạch phù hợp với đặc điểm của TP Phú Quốc với 5 nhóm nhiệm vụ.

Ngày 8/11, TP Phú Quốc đã chính thực vận hành hệ thống camera AI với 41 camera được triển khai lắp đặt ở 7 điểm là các cửa ngõ giao thông, khu vực tập trung dân cư. Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã triển khai phần mềm thông báo lưu trú với 2.118 cơ sở, đã có 214.915 lượt thông báo lưu trú; 21.814 cơ sở kinh doanh đã thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; 100% doanh nghiệp, cửa hàng đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng, trong đó có 309/444 cửa hàng, đạt 70% đã thực hiện kết nối tự động; 135/444 cửa hàng, đạt 30% còn sử dụng máy POS và App điện thoại để xuất hóa đơn điện tử. Những biện pháp này góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, giúp truy thu thuế cho cơ quan Nhà nước. Đây là một trong những bước tiến quan trọng trong việc triển khai chuyển đổi số toàn diện của Phú Quốc, vươn mình xứng đáng là địa điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.

1.jpg -0
Việc đăng ký khám, chữa bệnh qua các kiosk tự động giúp hệ thống y tế cũng như người bệnh rút ngắn quy trình, thời gian, thủ tục cũng như nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Thống kê cho thấy, hiện 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, người dân không cần di chuyển vào đất liền. 100% tàu thuyền được định danh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững ngành thủy hải sản. Đảm bảo 100% kiểm soát số người ra vào Phú Quốc; cảnh báo được đối tượng nghi vấn, truy nã thông qua hệ thống IOC, hỗ trợ công tác thu thuế hộ kinh doanh, lưu trú và các dịch vụ khác theo dữ liệu thu thập được hỗ trợ công tác thu thuế hộ kinh doanh, lưu trú và các dịch vụ khác theo dữ liệu đã được thu thập được.

Có tới 90% các hoạt động giao dịch trên địa bàn chấp thuận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% người dân tự đăng ký khám, chữa bệnh tích hợp tự động trên Kiosk, sử dụng thẻ căn cước và VNeID thay thế thẻ bảo hiểm y tế. Kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh của 100% người dân trên địa bàn TP Phú Quốc được cấp và sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân và được cấp lý lịch tư pháp trên VNeID.

Đại tá Văn Văn Tấn cũng đánh giá, tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước, định danh và xác thực điện tử để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí là bước đột phá trong triển khai Đề án 06. Đây cũng là hai địa phương tiên phong, đi đầu triển khai thực hiện.

Bước đầu, hai địa phương trên đã rà soát, điều chỉnh thủ tục dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực cư trú, đất đai với việc xác định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm trung tâm, đầu mối xác thực thông tin của công dân tham gia thực hiện thủ tục hành chính; cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp mà sẽ sử dụng dữ liệu để xác thực với cơ sở dữ liệu đất đai để giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú, người dân không phải công chứng thẻ căn cước trong quá trình làm thủ tục hành chính liên quan đến đất đai; không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ chứng minh thông tin nhân thân, tình trạng hôn nhân để giải quyết các thủ tục liên quan đến mua bán, chuyển nhượng đất và tài sản gắn liền với đất.

Thống kê, từ ngày 28/10/2024 đến nay đã tiếp nhận, xử lý thành công 213/213 hồ sơ, 33 hồ sơ công dân chờ hoàn thiện thủ tục, 17 hồ sơ tiếp nhận hoàn thành các thủ tục khác. Việc sử dụng dữ liệu đất đai giúp Bình Dương mỗi năm tiết kiệm khoảng 300 triệu tiền in ấn giấy tờ và chi phí đi lại. Đối với người dân sẽ không phải đính kèm giấy tờ, xuất trình giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Đối với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, việc kết nối và xác thực dữ liệu đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường và sử dụng dữ liệu đất đai trong thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú sẽ cắt giảm quy trình xác minh cho cán bộ, không phải mất nhiều thời gian kiểm tra tính chính xác của tài liệu kèm theo, qua đó giảm áp lực và thời gian giải quyết hồ sơ cư trú cho cán bộ Công an cấp xã.

Rõ ràng, hành trình chuyển đổi số tại các địa phương là công cuộc khó khăn, vất vả, nhiều điểm nghẽn và cần xác định quyết tâm của người đứng đầu cũng như toàn thể hệ thống chính trị tại địa phương phải vào cuộc. Cùng với vai trò dẫn dắt của Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, các địa phương cần chủ động, kiên trì mục tiêu lấy người dân doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, xây dựng địa phương chuyển đổi số trong giai đoạn đất nước vươn mình bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Hoàng Phong
.
.