Lạng Sơn: Nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Thứ Ba, 19/11/2024, 22:32

Xác định giải phóng mặt bằng (GPMB) là nhiệm vụ quan trọng, góp phần đảm bảo tiến độ triển khai dự án, nhất là các dự án trọng điểm có tầm quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như kinh tế quốc gia, tỉnh Lạng Sơn đã rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng dự án.

Đẩy nhanh tiến độ GPMB dự án 2 tuyến cao tốc

Tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là hai trong số 8 dự án trọng điểm tại tỉnh Lạng Sơn hiện nay.

Trong đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng– Trà Lĩnh được triển khai theo hình thức đối tác công tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1212 ngày 10/8/2020; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 20 ngày 16/1/2023 và giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với dự án. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 93,35km, đi qua địa phận 2 huyện Văn Lãng và Tràng Định của tỉnh Lạng Sơn khoảng 52km với tổng diện tích sử dụng đất địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 361,13 ha. Trong đó, đoạn đi qua địa bàn huyện Văn Lãng có diện tích thu hồi đất là 166,66 ha và huyện Tràng Định diện tích thu hồi đất là 194,47 ha.

Lạng Sơn: Nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm -0
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng,

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường GPMB các dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn, tính đến thời điểm hiện nay, tại huyện Văn Lãng, diện tích thu hồi đất dự kiến 166,66 ha với 897 trường hợp bị ảnh hưởng dự án tại các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Bắc Việt và thị trấn Na Sầm. Dự án đã thực hiện đo đạc, kiểm đếm 138,9 ha, đạt 83,34%; hiện đã chi trả tạm ứng cho 342 hộ với tổng số tiền 32,1 tỷ đồng. Kết quả bàn giao mặt bằng 42 ha tương ứng khoảng 9,1 km chiều dài tuyến; đã di chuyển 314 mộ, số mộ còn lại đã kiểm đếm 57 mộ. 

Tại huyện Tràng Định, diện tích thu hồi dự kiến 194,47 ha, với khoảng 682 hộ bị ảnh hưởng dự án tại các xã Hùng Việt, Hùng Sơn, Đề Thám, Chi Lăng và Chí Minh. Hiện dự án đã hoàn thành đo đạc, kiểm đếm 886 trường hợp với 194,47 ha, đạt 100%. Kết quả bàn giao mặt bằng đến nay là 49,77 ha tương đương với chiều dài tuyến là 8,9 km. Đã kiểm đếm 473 ngôi mộ của 197 hộ dân; thực hiện chi trả tạm ứng kinh phí di chuyển 204 mộ cho 76 hộ dân với số tiền 2,07 tỷ đồng, hiện đã di chuyển xong 199/473 ngôi mộ. 

Như vậy, tính đến nay, công tác bồi thường, GPMB đối với dư án này tuy vẫn còn một số khó khăn, nhưng 2 huyện Tràng Định và Văn Lãng đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ đồng ý nhận tiền tạm ứng, bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án. Hiện, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu từ nay đến cuối năm 2024 sẽ cố gắng bàn giao 100% mặt bằng của dự án này.

Lạng Sơn: Nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm -0

Đối với tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là dự án thành phần 2 thuộc dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Dự án này do Ban Quản lý đầu tư xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông tỉnh Lạng Sơn làm đại diện chủ đầu tư. Nhà đầu tư thực hiện dự án là Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng Đèo Cả - Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Xây dựng công trình 568 - Công ty cổ phần Lizen. Doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng. Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn phân kỳ là 11.024,7 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp chiếm 50,15% tổng mức đầu tư và vốn nhà nước chiếm 49,85% tổng mức đầu tư.

Dự án có tổng chiều dài 59,87 km gồm 2 tuyến. Tuyến 1 có chiều dài khoảng 43,43 km, điểm đầu tại Km1+800 kết nối với đường vào cửa khẩu Hữu Nghị thuộc địa phận thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) và điểm cuối tại Km44+749,67 (lý trình tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) thuộc xã Mai Sao (huyện Chi Lăng). Tuyến 2 là tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, chiều dài khoảng 16,44 km, gồm 2 đoạn. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi là 594,69 ha, đi qua 4 địa bàn gồm các huyện Chi Lăng, Văn Lãng, Cao Lộc và TP Lạng Sơn, với tổng số 2.356 trường hợp bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường GPMB các dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn, 4 địa bàn có dự án đi qua đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận được sự đồng thuận của người có đất thu hồi ngay từ bước đầu. Người dân đã đồng ý nhận tiền tạm ứng, bàn giao một phần mặt bằng để thực hiện dự án. Nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2024 sẽ hoàn thành công tác GPMB, bàn giao 100% mặt bằng đất sạch cho dự án.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Để công tác GPMB hiệu quả, theo Ban chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm tỉnh Lạng Sơn, công tác này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn và cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành sát sao, huy động toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc. 

Lạng Sơn: Nỗ lực giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm -0
Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Lạng Sơn phối hợp với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn chi trả tạm ứng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách các dự án trọng điểm và các Tổ công tác của Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp dự án, tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề để chỉ đạo, đôn đốc sát sao, quyết liệt việc thực hiện các nội dung chỉ đạo tại các thông báo, kết luận kiểm tra, nhằm đẩy nhanh tiến độ và giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục có nhiều đổi mới, sát sao và hiệu quả hơn ngay từ cấp huyện. Điển hình là hai dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng nêu trên. Ngoài ra là dự án nâng cấp Quốc lộ 4B đoạn km18-km80 kết nối hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh, thuộc địa bàn huyện Lộc Bình và Đình Lập.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư trong công tác giải phóng mặt bằng chặt chẽ hơn, thường xuyên, kịp thời trao đổi, phối hợp trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh và việc rà soát, thẩm định hồ sơ kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thu hồi đất bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, để làm tốt công tác GPMB, các huyện, thành phố nơi có dự án triển khai đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về các công tác này, giúp người dân hiểu và đồng thuận. Tin rằng, với sự chỉ đao sát sao, đồng bộ nhiều giải pháp, công tác GPMB các dự án trọng điểm tại tỉnh Lạng Sơn sẽ về đích đúng tiến độ.

P. Tâm
.
.