Kiều bào trẻ xúc động khi được đến thăm "địa chỉ đỏ" của quê hương
Trong hai tuần qua, 110 đại biểu là thanh niên, sinh viên kiều bào Việt Nam tiêu biểu từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã tham gia nhiều hoạt động đầy ý nghĩa trong khuôn khổ Trại hè Việt Nam 2025 với chủ đề "Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hoà bình".

Tối 25/7 tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ bế mạc Trại hè Việt Nam 2025 với chủ đề "Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình".
Trong hai tuần qua, 110 đại biểu là các thanh niên, sinh viên kiều bào Việt Nam tiêu biểu từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã cùng nhau đi qua 10 tỉnh, thành phố từ Nam ra Bắc, khám phá những vùng đất giàu bản sắc văn hóa và lịch sử.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao, trại hè năm nay diễn ra vào thời điểm đất nước trải qua những dấu mốc thiêng liêng. Chính vì vậy, đây cũng có thể coi là một "hành trình về nguồn" để thế hệ trẻ kiều bào hiểu thêm và tri ân những hy sinh to lớn của cha ông, từ đó thêm tự hào và nâng cao trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Bà Ngô Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết Ban Tổ chức trại hè năm nay đã nỗ lực tổ chức các hoạt động, từ tham quan đến giao lưu, hoàn toàn bằng tiếng Việt. Đặc biệt, cuộc thi tiếng Việt trong khuôn khổ trại hè mang theo thông điệp đầy ý nghĩa, là lời kêu gọi thế hệ trẻ Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới gìn giữ tiếng mẹ đẻ, phát huy truyền thống yêu chuộng hòa bình.

Bên cạnh các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa và lịch sử dân tộc, các đại biểu trẻ còn chia sẻ những khó khăn với trẻ em khuyết tật, mồ côi, các bạn sinh viên nghèo vượt khó, cũng như gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ tại những địa phương mà đoàn đi qua.
Em Đặng Minh Tâm, đại biểu trẻ đến từ Ba Lan, đại diện cho 110 thanh niên, sinh viên phát biểu tại lễ bế mạc, không kìm được xúc động khi có cơ hội được đi qua những "địa chỉ đỏ" của quê hương. "Chúng em được đến thăm Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Em thực sự xúc động khi đến đây, biết được ông cha ta đã đổ xương máu để giành được độc lập như hiện nay. Em hy vọng trong những năm tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động ý nghĩa như vậy để chúng em, những người trẻ Việt Nam, được hiểu thêm về quê hương, đất nước nơi mình sinh ra".