Chuyện về những chiến sĩ, bác sĩ
Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi đã gặp các bác sĩ mang hai màu áo - những người đang công tác Trại tạm giam số , Công an TP Hà Nội, làm công việc đặc thù là chăm sóc các “bệnh nhân” là bị can, bị cáo, can, phạm nhân đang giam giữ, cải tạo. Để họ yên tâm cải tạo, ngày lại ngày, các bác sĩ mang hai màu áo vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ, chữa lành cả vết thương thể xác và tinh thần, giúp họ yên tâm cải tạo, làm lại cuộc đời…
Một ngày ở bệnh xá Trại tạm giam số 1
Bệnh xá Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội nằm lọt thỏm trong khu giam giữ, bao xung quanh bởi những hàng cây xanh mướt. Trong lúc chờ đợi, tôi tranh thủ quan sát căn phòng. Trên những bức tường ốp gạch men trắng là tấm bảng phân công nhiệm vụ trực tuần, việc khám chữa bệnh tại các khu. Trong từng ô vuông được kẻ, vẽ nghiêm ngắn là những dòng chữ màu xanh, ghi rõ thời gian, tên, tuổi của từng cán bộ…
Mỗi ca trực có tối thiểu 5 đồng chí; bảng phân trực ngoài giờ cũng khép kín 24/24h. Bên phía tay phải của tấm bảng là dòng chữ còn thơm mùi mực “0h ngày…, bệnh nhân N.V.D đi cấp cứu”.

“Đêm qua, chúng tôi vừa có một bệnh nhân viêm phổi phải nhập viện… Các bác sĩ và y tá hiện đang ở các khu khám bệnh, lưu nghiệm thức ăn nên chưa kịp về?”, câu nói của Trung tá Nguyễn Hồng Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 1, cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi. Trước mặt tôi là người đàn ông ngoài 50 tuổi, đôi mắt thâm quầng vì những đêm mất ngủ nhưng ẩn sau đó vẫn là gương mặt phúc hậu.
“31 năm làm công tác y tế thì có 25 năm, tôi gắn bó với Bệnh xá Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội…”, anh cho biết. Từ đam mê với nghề, anh đã dành cả thanh xuân để gắn bó với công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh xá Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội.
Trong hơn 25 năm gắn bó, không chỉ chữa bệnh, cứu người, Trung tá Nguyễn Hồng Hải còn giúp chữa lành tâm hồn của không ít những người đã từng có quá khứ lầm lỗi; giúp họ yên tâm cải tạo, trở thành người có ích cho xã hội…
Anh chia sẻ, bác sĩ tại trạm tạm giam là một công việc rất đặc thù; việc khám, chữa bệnh cho các “bệnh nhân” trong trại tạm giam không giống như bên ngoài. Nếu ở bên ngoài, người bệnh mong được chữa bệnh thì ở trong trại tạm giam, nhiều người lại từ chối điều trị; một số còn có tâm lý chán nản, không hợp tác với cơ quan. Một số đối tượng còn muốn kết thúc cuộc đời của mình trong trại...
Trung tá Nguyễn Hồng Hải kể lại, trước đó, phạm nhân K.V.N bị viêm phổi. Sau khi điều trị ở trong trại không thuyên giảm, anh cùng đồng đội đưa ra bên ngoài chữa bệnh. Sau khi nhập viện, vì nhiều lý do, phạm nhân K.V.N không hợp tác, dù sức khoẻ rất yếu. Trong quá trình ở viện, người đàn ông chống đối bằng cách có những lời nói xúc phạm, lăng mạ cán bộ y tế. Rồi có lúc, lại tự ý rút dây truyền dịch ra khỏi tay… Khi ấy, Trung tá Nguyễn Hồng Hải đã gặp gỡ, tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình. Sau khi được vận động, thuyết phục, người đàn ông sau đó đã chấp nhận điều trị...
Trung tá Nguyễn Hồng Hải chia sẻ, họ là can, phạm nhân nhưng với chúng tôi, họ là bệnh nhân. Vì thế, tôi cùng đồng đội luôn nỗ lực hết mình để cứu, chữa. Các can, phạm nhân đang cải tạo, giam giữ tại Trại tạm giam số 1 có số lượng rất đông; trong trại tạm giam, ăn ở tập trung, môi trường có nhiều bệnh lây, truyền nhiễm, đặc biệt vào thời điểm giao mùa rất cao…
Tong môi trường trại tạm giam giữ có nhiều khó khăn, phức tạp. Đặc biệt hiện nay, số người bị tạm giữ, tạm giam tăng dần lên hàng năm. Trong đó, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như tội phạm liên quan đến loạn thần, với sự trẻ hoá cao. Khi vào trại, một số trường hợp không nhận thức được dấu hiệu hành vi, thường xuyên la hét. Với các trường hợp nay, họ phải thay phiên nhau giám sắt 24/24h…
Trong khi đó, việc khám và điều trị bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo và phạm nhân đang cải tạo, hiện nay người thầy thuốc chủ yếu bằng lâm sàng là chính; các biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng phải gửi đến tuyến trên.
Bởi thế, công việc của các cán bộ y tế, trong đó có Trung tá Nguyễn Hồng Hải bởi thế càng thêm bộn bề. Cùng với việc chữa bệnh là phòng bệnh… Để đảm bảo sức khoẻ cho các đối tượng tiến hành tố tụng từ giai đoạn ban đầu đến khẩu cung và đảm bảo ra toà, sau khi bản án có hiệu lực pháp luật của bản án các cấp, họ phải thường xuyên tổ chức công tác phòng dịch.
Trong buổi trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được ở bác sĩ Nguyễn Hồng Hải niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn 30 năm gắn bó với công tác y tế, 25 năm làm bác sĩ ở Trại tạm giam vào những ngày kỷ niệm, “món quà” nhận được là sự cảm ơn của các can, phạm nhân. Nhiều can, phạm nhân sau khi được chữa trị bệnh, trả án đã trở về với cộng đồng đã trở thành những công dân tốt. Điều đó đã giúp Trung tá Nguyễn Hồng Hải càng gắn bó và say mê với nghề…
Nên duyên với nhau từ những ca trực
Trong quá trình làm việc ở Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội, tôi đã dịp gặp gỡ với vợ chồng Đại uý Lê Mạnh Linh và Đại uý Nguyễn Thu Trang. Tình yêu từ những ca trực, vừa là đồng đội, vừa là người thân, họ đã vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Ngày còn nhỏ, tôi yêu màu xanh áo lính và mơ ước trở thành một cán bộ Công an. Vì thế, khi Trại giam Gia Trung, Bộ Công an tuyển dụng, tôi đã đăng ký tham gia và trúng tuyển” – cơ duyên đến với ngành Công an của Đại uý Lê Mạnh Linh, cán bộ Đội hậu cần, Trại tạm giam số 1 đến như thế. Năm 2019, anh về công tác tại Trạm tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội. “So với môi trường của trại giam, ở nơi đây phức tạp hơn nhiều. Phạm nhân là những người có án, họ ý thức được hành vi phạm tội, mong muốn cải tạo để sớm trở về với cộng đồng và xã hội. Ở đây, ngoài phạm nhân còn có bị can, bị cáo và đối tượng bị tạm giữ; người nước ngoài và tử tù. Tâm lý các đối tượng ban đầu thường hoang mang, sợ hãi… ” - Đại uý Lê Mạnh Linh chia sẻ.
Đại uý Lê Mạnh Linh được chỉ huy đội hậu cần phân công nhiệm vụ khám điều trị cho số can, phạm nhân tại khu giam lẻ. Đồng thời, là tổ trưởng tổ y tế phụ trách công tác tổng hợp; báo cáo số liệu y tế và tổng hợp công việc chung của Đội hậu cần.
Cùng với công tác chuyên môn, khám, cấp thuốc điều trị cho hàng nghìn lượt can, phạm nhân tại khu giam, chuyển bệnh xá điều tra; khám sức khoẻ; xử trí cấp cứu nhanh chóng, kịp thời, không để các trường hợp can, phạm nhân tử vong trong trại, anh còn thực hiện công tác tổng hợp…
Trong thời gian qua, cùng với việc chữa bệnh, anh đã góp phần không nhỏ vào thành công của không ít các đơn vị nghiệp vụ. Một trong những kỷ niệm, Đại uý Lê Mạnh Linh ấn tượng nhất là việc giáo dục, cảm hoá bị can là đối tượng trong một vụ án xâm phạm về an ninh quốc gia. Anh kể lại, bị can là người Gia Lai, do nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào một tổ chức phản động. Sau khi bị bắt giữ, người đàn ông này vẫn ngây thơ tin rằng, số đối tượng ở bên ngoài sẽ đưa anh ta ra ngoài…
“Ánh mắt dửng dưng, mệt mỏi sau nhiều đêm không ngủ của người đàn ông khiến tôi trăn trở. Làm thế nào để đối tượng ăn uống, hợp tác với cơ quan điều tra?”- Đại uý Lê Mạnh Linh cho biết. Ban đầu, mọi việc không dễ dàng, do tâm lý cảnh giác của anh ta… “Những lần đầu gặp gỡ, tôi không vào thẳng vấn đề mà chỉ nói chuyện với người đàn ông… Khi thấy tôi hiểu về đất và người Gia Lai cùng những phong tục, tập quán, người đàn ông dần mở lòng hơn”, Đại uý Lê Mạnh Linh chia sẽ. Sau khi tìm tìm hiểu và biết được gia cảnh của người đàn ông, Đại uý Lê Mạnh Linh bắt đầu tiếp xúc.
Từ sự e ngại ban đầu, đối tượng đã dần mở lòng. Khi đã lấy được lòng tin của đối tượng, anh bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân… Cứ vậy, mưa dầm thấm lâu, sau gần 2 tháng, anh đã lấy được lòng tin của người đàn ông. Sau khi được phân tích, hiểu rõ được phương thức và thủ đoạn của các đối tượng phạm tội; đồng thời biết được chủ trương, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với những người thành tâm hối cải, người đàn ông đã hợp tác tích cực với Công an TP Hà Nội trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án.
Với thành tích trên, Đại uý Lê Mạnh Linh đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng Giấy khen. Trong quá trình công tác, Đại uý Lê Mạnh Linh cùng người đồng nghiệp là Đại uý Nguyễn Thu Trang đã nên vợ, nên chồng. Công việc của trại giam giam đặc thù, cùng với những thuận lợi, họ cũng đối mặt với không ít khăn; có những thời điểm vì công việc, cả tháng vợ chồng cũng không ăn được cùng nhau một bữa cơm… Khó khăn là vậy nhưng họ vẫn động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Lặng lẽ và cần mẫn, ngày lại ngày, những chiến sĩ, bác sĩ Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội đã chữa lành vết thương thể xác và tinh thần, giúp các can, phạm nhân yên tâm cải tạo… Đối với họ, hạnh phúc khi thấy họ sau khi trả án, trở thành những công dân có ích cho xã hội.