Cần chế tài đủ mạnh để siết quản lý thực phẩm chức năng, sữa bột
Theo Bộ Y tế, một trong những khó khăn của việc quản lý thực phẩm chức năng là theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung và sản xuất, kinh doanh ngay sau khi tự công bố mà không cần có ý kiến của cơ quan quản lý. Doanh nghiệp đã lợi dụng vào điều này để tuỳ tiện xếp loại sản phẩm, hoặc sản xuất sản phẩm kém chất lượng, thậm chí hàng giả tuồn ra thị trường.
Kẽ hở để sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng
Theo Cục an toàn thực phẩm ATTP (Bộ Y tế), cả nước có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng. Từ khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, quy định bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn về sản xuất thực hành tốt trong sản xuất thực phẩm (GMP), cả nước chỉ có 205 cơ sở được cấp chứng nhận GMP, với hơn 60.000 sản phẩm.
Từ năm 2022 đến nay, Cục đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho hơn 24.643 sản phẩm, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%; cấp 205 giấy chứng nhận đủ cơ sở điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu GMP (còn hiệu lực).

Dựa vào quy định doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm, nhiều năm nay, một số đối tượng đã manh nha thành lập công ty, sau đó phát triển thành “tập đoàn” để sản xuất thực phẩm chức năng giả. Điển hình là Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, điều tra đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả do Nguyễn Năng Mạnh, Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA cầm đầu, Kết quả điều tra xác định, từ năm 2016, Mạnh và các đối tượng lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.
Các đối tượng sử dụng thủ đoạn in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm là nhập khẩu từ Mỹ, châu Âu nhưng trên thực tế chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và mua trôi nổi trên thị trường. Về chỉ tiêu chất lượng, nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Liên quan đến vụ án này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ của Cục ATTP, trong đó có nguyên Cục trưởng.
Một trong những kẽ hở để thực phẩm chức năng giả hoành hành thời gian qua, theo lãnh đạo Cục ATTP, trước kia cứ 3 năm doanh nghiệp phải xin cấp lại chứng nhận công bố một lần, nếu công ty nào không sản xuất nữa sẽ dừng. Nhưng từ khi Nghị định 15 có hiệu lực, công bố một lần là vĩnh viễn, có doanh nghiệp công bố 50 sản phẩm, nhưng chỉ sản xuất 5 sản phẩm; hoặc sản xuất sản phẩm này không bán được thì ngừng lại không cần thông báo, cơ quan quản lý cũng không thể làm gì được. Đầu hồ sơ công bố rất nhiều, nhưng số lượng sản xuất thực tế lại thấp hơn nhiều.
Bỏ tiền kiểm nên doanh nghiệp khi đăng ký công bố sản phẩm chỉ cần nộp phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn. Đối với chỉ tiêu chất lượng doanh nghiệp không phải công bố mà tự chịu trách nhiệm. Khi sản phẩm ra thị trường, lúc đó mới có khâu hậu kiểm. Nhưng các vụ việc vừa qua đã cho thấy, có sự buông lỏng trong hậu kiểm, thậm chí cán bộ quản lý tiếp tay cho đối tượng, gây ra hậu quả nặng nề.
Theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội, hằng năm đơn vị vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng kiểm tra chỉ tiêu an toàn là chính, còn hậu kiểm chất lượng là khi có phản ánh, có phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, hoặc có chỉ đạo kiểm tra từ cấp trên, lúc đó thành lập đoàn kiểm tra không theo kế hoạch, lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm chất lượng và xử lý vi phạm nếu có.
Nhiều sửa đổi để siết chặt quản lý
Bộ Y tế vừa có dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15, trong đó, đề xuất siết chặt quản lý hồ sơ công bố các sản phẩm, tương tự một số nước châu Âu. Cụ thể, cơ quan tiếp nhận hồ sơ tự công bố phải cho ý kiến, đăng tải công khai, xây dựng kế hoạch hậu kiểm và tiến hành lấy mẫu giám sát nếu phát hiện vi phạm. Quy định này được kỳ vọng sẽ giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng và tính minh bạch của sản phẩm ngay từ đầu.
Ngoài ra, Nghị định 15 hiện đang xếp thực phẩm bổ sung vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến đóng gói sẵn và cho phép tự công bố, không yêu cầu đăng ký công bố sản phẩm. Đây là kẽ hở để doanh nghiệp lợi dụng, tự khai sai nhóm sản phẩm hoặc chế biến thực phẩm chức năng thành thực phẩm bổ sung để né kiểm tra. Dự thảo sửa đổi lần này quy định rõ thực phẩm bổ sung phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời phải được kiểm soát nội dung quảng cáo, công dụng nhằm kiểm soát thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, dự thảo mới yêu cầu bổ sung kiểm soát từ thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng của sản phẩm ngay từ giai đoạn nghiên cứu, phát triển và bắt buộc đăng ký bản công bố trước khi lưu thông. Đồng thời, các cơ sở sản xuất nhóm thực phẩm đặc biệt này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện an toàn thông thường như trước. Điều này giúp bảo đảm chất lượng và an toàn ở mức cao hơn, tương tự các nước phát triển như Liên minh châu Âu và một số nước.
Bộ Y tế cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung yêu cầu phải kiểm nghiệm đồng thời cả chỉ tiêu an toàn và chỉ tiêu chất lượng. Đặc biệt, bổ sung cụ thể yêu cầu lập kế hoạch, hậu kiểm định kỳ, hậu kiểm đột xuất; tăng quyền cho cơ sở kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu giám sát; đồng thời yêu cầu kết nối dữ liệu giữa Bộ Y tế, các bộ, ngành khác và chính quyền địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia, để quản lý xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.