Giải “bài toán” di dời 40.000 căn nhà ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh

Bài cuối: Cần cơ chế đột phá trong bồi thường, giải tỏa

Thứ Ba, 15/07/2025, 08:41

Liên quan đến chủ trương di dời nhà trên và ven kênh, rạch của TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Trần Kiên từng nêu ra phương án: Để đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch, trước hết là để cân đối nguồn vốn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội, thành phố đã chia thành 3 nhóm dự án. Trong đó 52 dự án di dời, chỉnh trang kênh, rạch, quy mô 13.827 căn; kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 21.518 tỷ đồng được dự kiến chi từ ngân sách.

Với các dự án này, chính quyền sẽ trực tiếp thực hiện công tác bồi thường, di dời, hỗ trợ và TĐC. Đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật các tuyến rạch nhánh, rạch nhỏ và tuyến rạch không thể thực hiện mở biên chỉnh trang hoặc không có giá trị thương mại, không hấp dẫn nhà đầu tư.

Nhóm dự án xây dựng nhà ở kết hợp thương mại kết hợp chỉnh trang đô thị gồm 3 tuyến kênh, rạch đều nằm trên địa bàn quận 8 với tổng quy mô di dời 1.800 căn, kinh phí bồi thường khoảng 2.700 tỷ đồng. Việc thực hiện di dời và tái định cư với các hộ trên trên 3 tuyến kênh, rạch này sẽ được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Cả 3 dự án đã được HĐND thành phố thông qua chủ trương thu hồi đất.

Nhóm dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư gồm 6 dự án trong đó có những dự án lớn như Nam kênh Đôi, rạch Văn Thánh, rạch Cầu Dừa, rạch Bần Đôn, thuộc địa bàn các quận 4, 7, 8 và Bình Thạnh với quy mô di dời 6.223 căn; kinh phí bồi thường dự kiến ở mức 19.024 tỷ đồng. Ông Lê Trần Kiên cho rằng, đây được xác định là phương thức chủ đạo để kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa. Trong đó phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất trong vùng phụ cận để tạo quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện phần dự án thương mại để bù đắp chi phí đã bỏ ra. 

Bài cuối: Cần cơ chế đột phá trong bồi thường, giải tỏa -0
Tình trạng ô nhiễm ở rạch Xuyên Tâm.

Những năm gần đây đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện. Công ty Hà Nội Ngàn Năm đề xuất dự án chỉnh trang rạch Xuyên Tâm ở quận Bình Thạnh; Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn đã nghiên cứu dự án chỉnh trang bờ Nam kênh Đôi - kênh Tẻ. Thậm chí, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã từng mạnh dạn đề xuất được đầu tư dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn theo hình thức BT với tổng chi phí lên tới 63.500 tỷ đồng, diện tích đất thực hiện dự án là 12.398ha, gồm cả diện tích đất để làm dự án và trả cho chủ đầu tư, chiếm 5% diện tích tự nhiên của TP Hồ Chí Minh khi chưa sáp nhập. Trong đó, phương án di dời các hộ dân sống trên và ven bờ Nam kênh Đôi của Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn trình với thành phố đã đặt mục tiêu giải tỏa toàn bộ 4.392 căn tại bờ Nam của tuyến kênh với 26.352 nhân khẩu đang sinh sống.

Sau khi di dời, diện tích đất được thu hồi trên 200.000m2 đất và tổng vốn đầu tư theo phương án này hơn 9.230 tỷ đồng. Nhưng nếu thành phố xác định hành lang bảo vệ kênh rạch rộng 30m, diện tích thu hồi sẽ giảm còn trên 120.000m2, mức vốn đầu tư cho dự án giảm còn hơn 7.360 tỷ đồng. Để hoàn vốn, nhà đầu tư đưa ra giải pháp được sử dụng quỹ đất đã thu hồi, trường hợp giá trị quỹ đất thấp hơn giá trị đầu tư, thành phố sẽ chỉ định một số khu đất khác để thanh toán cho nhà đầu tư hoặc bù từ nguồn vốn ngân sách.

Tham gia vào chương trình di dời, tổ chức lại cuộc sống cho người dân trên và ven kênh, rạch của thành phố, các nhà đầu tư cũng đã lường trước những khó khăn về vấn đề bố trí TĐC. Đại diện Công ty CP Đầu tư hạ tầng và nhà ở Sài Gòn cho rằng, ngoài việc chưa có giải pháp, cơ chế đột phá, thì vấn đề khó nhất trong thực hiện đền bù, giải tỏa, di dời nhà trên và ven kênh, rạch là bố trí TĐC. Đây không chỉ là việc giải quyết chỗ ở cho người bị ảnh hưởng mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến sinh kế, học hành, dịch vụ xã hội và văn hóa tinh thần của người dân. Do vậy, khi đề xuất với thành phố, doanh nghiệp này cần đến hơn 3 năm để di dời 4.392 căn nhà trên và ven bờ Nam kênh Đôi.  

Thực tế cho thấy, để thực hiện chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống cho cư dân và tăng khả năng thoát nước cho tuyến rạch Xuyên Tâm, ngay từ năm 2002, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt dự án cải tạo tuyến rạch này. Nhưng sau hơn 20 năm, hiện dự án vẫn đang ì ạch. Lý do dự án này bị "treo" lâu như vậy là do nguồn kinh phí lớn và thay đổi chủ trương đầu tư. Năm 2016 cũng đã có một doanh nghiệp đề xuất triển khai dự án theo hình thức đối tác công - tư, sử dụng quỹ đất dọc hai bên kênh để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi đền bù giải tỏa.

Đến tháng 10/2017, thành phố đã quyết định dừng các dự án BT để chờ quy định mới, do đó dự án tiếp tục "treo". Sau đó Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được Công ty CP Hà Nội Nghìn Năm đề xuất với TP Hồ Chí Minh cho phép triển khai với vốn đầu tư ban đầu khoảng 5.000 tỷ đồng. Nhưng cuối cùng nhà đầu tư này vẫn không thể làm chủ đầu tư dự án và dự án được thành phố quyết định đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách. Thực trạng trên cho thấy việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân cho các dự án cải tạo kênh, rạch là không dễ dàng.    

Ngoài những thách thức về vấn đề tài chính và nguồn lực để thực hiện đề án di dời gần 40.000 căn nhà trên và ven sông, kênh, rạch trong những năm sắp tới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cũng nêu ra nhiều khó khăn trong việc đền bù, giải tỏa. Trong đó đa số các hộ dân sinh sống trên và ven sông, kênh, rạch đều không đủ điều kiện bồi thường mà chỉ có thể được hỗ trợ về nhà, đất dẫn đến giá trị bồi thường, hỗ trợ thấp, không đủ để mua căn hộ, nền đất TĐC. Do đó việc vận động người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng phục vụ dự án là rất khó khăn.

Mặt khác, nhiều người dân sinh sống ven sông, kênh, rạch đã gắn bó lâu dài với khu vực sinh sống nên một bộ phận người dân có tâm lý không muốn di dời, không muốn thay đổi cuộc sống dù đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng, ngập lụt hay nguy cơ thiên tai, sạt lở. Ngoài ra, phần lớn cư dân sinh sống ở khu vực ven sông, kênh, rạch có thu nhập thấp, lao động tự do hoặc các công việc không ổn định, việc di dời ra khỏi khu vực hiện tại cũng khiến họ lo ngại về vấn đề sinh kế, học hành, y tế…

Để hiện thực hóa đề án trên, Sở Xây dựng đã nêu ra nhiều giải pháp triển khai, nhưng vẫn cần những giải pháp mang tính đặc thù, đột phá trong công tác bồi thường, thu hồi đất và huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho các dự án cải tạo, chỉnh trang môi trường ven sông, kênh, rạch.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh:

Trong hàng chục năm qua TP Hồ Chí Minh đã làm nên kỳ tích qua việc đầu tư chỉnh trang một loạt tuyến kênh, rạch để mang lại bộ mặt mới cho nhiều khu dân cư lụp xụp trên và ven kênh, rạch. Nhưng đến nay vẫn còn hàng chục nghìn căn nhà lụp xụp, trên và ven các tuyến kênh, rạch bị ô nhiễm nặng. Những năm qua thành phố cũng đã thể hiện sự cầu thị khi quyết định sửa sai việc dùng cống hộp để lấp kênh Hàng Bàng. Nay cần tiếp tục khôi phục lại dòng chảy đoạn thượng nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã biến thành cống hộp, hoặc tuyến kênh đã bị lấn chiếm như kênh A41, kênh Hy Vọng, kênh Nhật Bản để góp phần tiêu thoát nước cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Bảo Sơn
.
.