Nguy hiểm rình rập các nhà báo trong vai trò thanh tra và chiến sĩ
Theo Reuters, nữ nhà báo Lyra McKee bị bắn chết khi đang đưa tin về tình trạng biểu tình bạo loạn tại Bắc Ireland, ngay sau khi cô vừa đăng tải một bức ảnh về bạo lực trên Twitter, nói rằng tình hình “hoàn toàn điên rồ”. Các cuộc biểu tình bạo loạn bắt đầu tại khu vực Creggan của Bắc Ireland kể từ tối 18-4 (giờ địa phương).
Những người biểu tình đã cố tình ném bom xăng, đốt xe và thậm chí là nổ súng về phía cảnh sát. CPJ cho hay, Lyra McKeee là nhà báo đầu tiên bị giết ở Vương quốc Anh kể từ năm 2001. Cảnh sát nghi ngờ vụ nổ súng được thực hiện bởi các nhà cộng hòa bất đồng chính kiến, cụ thể là nhóm “Quân đội cộng hoà Ireland mới” (IRA) và đã cho bắt giữ 2 thiếu niên (18 và 19 tuổi) nhưng đến nay kết quả điều tra vẫn chưa có gì tiến triển.
![]() |
Hồi tháng 4, nữ nhà báo Lyra McKee bị bắn chết khi đang đưa tin về tình trạng biểu tình bạo loạn tại Bắc Ireland. Ảnh: Simplenews |
Vụ việc khiến người ta liên tưởng ngay đến vụ sát hại nhà báo Arab Jamal Khashoggi hồi tháng 10 năm ngoái. Thông báo đỏ truy nã 20 nghi phạm sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã được Interpol phát đi nhưng cuộc điều tra vẫn chỉ ở mức độ cầm chừng vì có quá nhiều bên liên quan và bị tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau.
Hay như cái chết của nữ nhà báo Daphne Caruana Galizia trong vụ nổ bom xe ở Malta hồi năm 2017 khi bà đang theo đuổi loạt phóng sự điều tra chống tham nhũng lớn... Rõ ràng, câu chuyện về những phóng viên điều tra với nguy hiểm rình rập tính mạng không còn hiếm và nó đang xảy ra thường ngày trên khắp thế giới.
Báo cáo của CPJ có trụ sở tại New York (Mỹ) công bố hồi tháng 1 cho thấy, số lượng các nhà báo bị giết hại trong năm 2018 đã tăng gấp 2 lần so với năm trước đó. Cụ thể, có 53 nhà báo trên toàn thế giới thiệt mạng trong khi tác nghiệp và 34 trường hợp trong số đó bị giết hại có chủ đích.
Báo cáo của CPJ khẳng định trong khi số nhà báo bị giết hại trong quá trình tác nghiệp lên mức cao nhất trong 3 năm qua, số nhà báo bị giết hại trong các cuộc xung đột giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2011. Trong khi đó, báo cáo của tổ chức Các nhà báo không biên giới cho biết số người làm báo thiệt mạng trong năm 2018 là 80 người, bao gồm cả blogger, nhà báo công dân và những người làm trong lĩnh vực truyền thông.
Trước đó, vào năm 2017, thống kê của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (IFJ) chỉ rõ, số lượng nhà báo, phóng viên điều tra thiệt mạng do bị giết tại khắp nơi trên thế giới là 65 người. 50 trong số đó là các phóng viên chuyên nghiệp, có thời gian hoạt động báo chí ít nhất là 14 năm.
Ðáng chú ý con số 65 nêu trên chỉ bằng một nửa so với số liệu thống kê năm 2016 do IFJ đưa ra. IFJ cũng cho thống kê rằng, trong vòng 25 năm qua, hơn 2.300 nhà báo và nhân viên truyền thông đã thiệt mạng trên toàn thế giới.
Ông Anthony Bellanger, Tổng Thư ký của IFJ khẳng định trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Mười năm qua là nguy hiểm nhất đối với những người làm báo, trong đó kỷ lục nhất là vào năm 2007 với 155 người thiệt mạng”. Ðến ngay cả Liên Hợp Quốc cũng từng xếp phóng viên là một trong những nghề nguy hiểm nhất trên thế giới.
Hơn 500 vụ phóng viên bị sát hại trong vòng 10 năm qua và Liên Hợp Quốc đã phải ra kế hoạch hành động vì sự an toàn của phóng viên khi tác nghiệp. Giám đốc Ban vận động của CPJ, bà Courtney Radsch cho rằng, cái đáng lo ngại nhất hiện nay không chỉ là số lượng nhà báo bị sát hại gia tăng mà là hiện tượng các nhà báo tại các quốc gia vốn nổi tiếng yên bình lại bị chết một cách bí ẩn và tình trạng thủ phạm không bị đưa ra trước công lý ngày càng trầm trọng.
Tính toán của CPJ cho thấy, vào riêng năm 2015, trong số 71 nhà báo thiệt mạng, thì có đến 69% chết vì bị giết hại, 24% là do xung đột và chỉ 7% là vì tham gia nhiệm vụ nguy hiểm.
Ðược biết, từ cuối những năm 1980, vấn đề an toàn cho nhà báo đã được quan tâm đặc biệt trong các phong trào của Công đoàn, dẫn đầu là Liên đoàn Các nhà báo Hà Lan (NVJ). Một chương trình hành động trên toàn thế giới đã được Liên đoàn Các nhà báo quốc tế (IFJ) đưa ra nhằm giảm thiểu rủi to mà các nhà báo đang phải đối mặt khi tham gia đưa tin tại các cuộc xung đột vũ trang.
![]() |
Tưởng nhớ nữ nhà báo 30 tuổi người Bulgaria Viktoria Marinova bị sát hại hồi tháng 10 năm 2018. Ảnh: Nikolay Doychinov |
IFJ cũng nhấn mạnh rằng, các công ty truyền thông cần phải nâng cao trách nhiệm đối với sự an toàn của phóng viên. Ngày nay, nhiều đoàn thể thành viên của IFJ đã hợp tác với các công ty truyền thông và các cơ quan quân sự để xây dựng các chương trình huấn luyện, chuẩn bị tác nghiệp, nhất là tác nghiệp tại các vùng chiến sự.
Và để bảo vệ các nhà báo, nhiều tổ chức, IFJ cũng đã kêu gọi chính phủ các nước phải mạnh tay hơn nữa đối với tệ nạn tham nhũng, lạm dụng quyền lực, đồng thời hỗ trợ tối đa cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Hồi tháng 2-2015, Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí đã công bố những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột mang tên “Lời kêu gọi xây dựng các nguyên tắc và quy định an toàn toàn cầu”.
Tài liệu này đề ra 7 tiêu chuẩn cơ bản dành cho các nhà báo tới tác nghiệp ở những vùng xung đột nguy hiểm; kêu gọi tập huấn cứu thương và hoạt động trong vùng nguy hiểm, mua bảo hiểm y tế, trang bị các thiết bị bảo hộ như áo giáp và mũ chống đạn. Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí còn nhấn mạnh, các hãng thông tấn và báo chí phải có “nghĩa vụ đạo đức” là hỗ trợ tối đa các nhà báo làm việc trong những vùng nguy hiểm.
Tháng 3 năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) cũng xuất bản một cuốn sách dành riêng cho các nhà báo của Giáo sư Jean-Paul Marthoz có tựa đề “Khủng bố và báo chí: Cẩm nang nghề báo” (Terrorism and the Media: A Handbook for Journalists).
Ngoài việc giới thiệu những bí quyết hay trong khi tác nghiệp cho các nhà báo như thận trọng khi tuyên truyền các thông điệp hay thực hiện phỏng vấn với khủng bố, thì ấn phẩm này cũng dành hẳn một chương riêng chia sẻ về các vấn đề liên quan tới sự an toàn của giới báo chí khi tác nghiệp.
4 năm trước, cũng chính UNESCO đã đưa ra một thông điệp rằng: “Thất bại trong việc ngăn chặn các vụ tấn công nhà báo có nghĩa là các chính phủ và quan chức các quốc gia đang tước khỏi người dân quyền cơ bản được tiếp nhận thông tin, còn những kẻ tấn công hay chủ mưu thì tồn tại và tin rằng sẽ không thể bị bắt”.