Thổi giá, lùa gà, úp sọt

Thứ Bảy, 11/03/2023, 10:53

"Thổi giá, lùa gà, úp sọt". Sự tổng kết này ít nhiều đã phản ánh một thực trạng cần phê phán/ lên án và cần có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất.

Đứng ở góc độ chữ nghĩa, ta có thể thấy gì?

Về từ thổi, có nhiều nghĩa, ở đây ta hiểu vẫn là cách tạo ra không khí chuyển động thành luồng gió đặng hoán đổi vị trí vật gì đó, chẳng hạn như từ thấp lên cao, từ bên này qua bên kia, tất nhiên nó phải nhẹ. Nhưng rồi, ta ngần ngừ khi biết lại là động tác "thổi giá", xem ra ly kỳ quá, vì rằng, giá trong ngữ cảnh này là giá trị hàng hóa. Bất kỳ hàng hóa nào cũng được định giá theo quy định, điều chỉnh của thị trường v.v… vậy thổi giá là thổi làm sao?

Thổi giá, lùa gà, úp sọt -0

Từ thổi này, đích thị là "thổi phồng". Phồng là căng tròn, to ra, cũng gọi là phùng. Một người bảo: "Tay X kia đúng là thứ ngựa non háu đá, không sao, cứ thổi thêm mấy câu cho nó sướng, cứ tưởng thật đến lúc ăn dưa bở thì nó mới bẽ mặt". Thổi này mục đích chính vẫn là "khen cho nó chết", là thêm thắt, ca ngợi, tung hô không đúng bản chất vốn có khiến người kia ảo tưởng về mình.

Với "thổi giá", có thể hiểu hoặc giá trị của cái mà mình đang sở hữu, hoặc vật dụng nào đó bán ra thị trường giá hợp lý chỉ là 1 nhưng rồi kẻ xấu lại phù phép biến hóa, tức "thổi" cho nó lên cao gấp nhiều lần. Ơ hay, sao lại tin? Thế mà thiên hạ vẫn tin sái cổ đó thôi, nói cách khác thổi/ thổi giá là một trò ma mãnh lừa đảo tinh vi đã khiến nhiều "gà mờ" tưởng thật nên sập bẫy.

Khi tiếp cận một thông tin nào đó, với những ai nhẹ dạ, không có điều kiện kiểm chứng, nghe đâu tin đó, cực kỳ khờ khạo được gọi là gà. Tại sao là gà, chứ không là con gì khác? Ta từng nghe nói đến nhưng câu so sánh như "dại như vích", "ngu như bò", "ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm"… nhưng rồi vinh dự thay, gà/ con gà lại hiên ngang đi vào câu cửa miệng của người đời.

Do đâu?

Trộm nghĩ, gà này không phải là "Con gà tục tác lá chanh", tự giới thiệu bằng những lời hoành tráng như trong “Lục súc tranh công”: "Này này! gà ngũ đức thẳm sâu:/ Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ/ Trên đầu đội văn quan một mũ/ Dưới chân đeo hai cựa thần thương". Có đúng vậy chăng? Không đâu. Vẫn chính là… con gà đó thôi. Bằng chứng như sau:

“Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính giải thích: "Gà mờ: Gà bệnh mắt có sâu", do đó, nó nhìn không rõ. Ngay cả khi về chiều tối, ánh sáng nhập nhoạng, con gà thấy không rõ ràng gọi là quáng/ quáng gà. "Việc của người thì sáng, việc của mình thì quáng"; từ đó có nghĩa phái sinh như hoa mắt, lòa mắt, làng mắt là chỉ nhìn thấy lờ mờ không rõ nét, trông gà hóa cuốc… Và từ "gà mờ" còn dùng chỉ những kẻ "Biết mập mờ không rõ", (theo "Việt Nam tự điển" 1931, "Đại từ điển tiếng Việt" 1999).

Từ xửa từ xưa phong tục người Việt đã có lệ "Gà mở cửa mả". Về ý nghĩa, không bàn đến nhưng trong lễ này, thông thường người ta ôm con gà trống từ nhà ra nghĩa địa, thả nó trước mộ mới đắp. Nơi xa lạ ấy, lúc ấy vừa đông người lại vừa rền vang tiếng tụng kinh, tiếng chuông khiến con gà hoảng sợ chạy quẩn quanh, trông ngơ ngác, khờ khạo… 

Kết hợp cả hai yếu tố từ cách sử dụng từ và phong tục đã có, gà đã được chọn nhằm chỉ kẻ khờ khạo là điều hợp lý. Mà, đã nói thì nói luôn thể. Rằng, ngoài gà mờ đáng thương kia, tôi hết sức phân vân về con gà què. Tự hỏi, thử xem có vô lý không khi ta phê phán "Gà què ăn quẩn cối xay"?

"Tự điển thành ngữ Việt Nam" (NXB Văn hóa thông tin - 1994) của Viện Ngôn ngữ học giải thích: "Hèn kém chỉ biết kiếm ăn, kiếm chác nhỏ nhặt ở nơi quen thuộc, không biết nhìn xa trông rộng, ví như loại què chân không đi xa được nên tìm những hạt thóc rơi bên cạnh cối xay" (tr.297). Trước đó nữa, "Tục ngữ lược giải" (Quốc Học thư xã 1952) của Lê Văn Hòe cũng cho rằng: "Người ta thường dùng câu này để nói người có tài bóc lột, bòn rút của cải người trong làng, trong họ hay trong nhà. Ví như con gà què không thể kiếm ăn nơi xa được" (tr.82).

Nhìn chung, đây là cách hiểu đã và đang phổ biến

Sở dĩ con gà quanh quẩn cối là do chân nó "có vấn đề" đó thôi. Vậy, có gì đáng trách? Chân què nên nó không thể bới, kiếm ăn như những con gà lành lặn khác, lẽ ra phải thương nó hơn thì mới phải chứ? Từ chỗ "quanh quẩn cối xay" nên khi qua nghĩa bóng mới dẫn tới cách hiểu vừa nêu. Mà, dù người què đó có quanh quẩn kiếm ăn ở "nơi quen thuộc" hay của "người trong làng, trong họ, trong nhà" đi nữa vẫn chuyện "nội bộ" của họ, chẳng ai rảnh hơi xoi mói, có ý kiến ý cò làm gì?

Trong tâm thức người Việt, lòng nhân/ lòng thương người luôn là sự đồng cảm. Chẳng hạn, "Thấy người hoạn nạn thì thương/ Thấy người tàn tật lại càng trông nom" (Gia huấn ca). Sự tàn tật ấy, theo cách nói của ông bà ta: "Khôn ngoan hiện ra mặt/ Què quặt hiện chân tay", không thể giấu đi được. Đôi khi, vì lý do gì đó, có thể nhằm làm nhẹ đi mức độ của què, không nói trắng phớ, không nói thẳng ra, người ta dụng từ khác, tinh tế hơn lẫn bông phèn: "Xi cà que". Cách nói này, xuất hiện đã đời tám hoánh, gần đây nó lại còn "đèo thêm" nghĩa khác nhằm chỉ hàng kém chất lượng.

Trở lại với câu tục ngữ "Gà què ăn quẩn cối xay", qua phân tích đã nêu, theo tôi, chính là  "Gà cồ ăn bẩn cối xây". "Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn" (1897) của ông Paulus Của Huỳnh Tịnh đã ghi nhận và giải thích: "Ấy là lời nói chơi chàng rể có ý tẹo hay là lấy luôn chị vợ hoặc em vợ; ăn bẩn nghĩa là ăn gần chung quanh, không chịu ăn xa". Cồ là gì? "To, lớn", "Gà to xương, cao lớn" ("Đại Nam quấc âm tự vị", 1895). Thế thì con "gà cồ" đó mới "đối trọng" với "ăn bẩn" mà lại bên "cối xay" thì đáng phê phán lắm.

Khi trong Nam hiểu ăn bẩn là "ăn gần chung quanh, không chịu ăn xa", ngoài Bắc lại có cách hiểu khác, thí dụ, "Việt Nam tự điển" (1931) xếp vào nghĩa chung "Lấy, tìm cách mà lấy làm của mình: ăn cắp, ăn gian" và giải thích theo 2 nghĩa: "1. Ăn bẩn thỉu; 2. Kiếm lợi một cách nhỏ nhen, không kể gì phải trái". Nay, "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) giải thích: "Hưởng thụ, giành về mình một cách đê tiện".

Trải theo năm tháng, từ "ăn bẩn" không còn hiểu như cách hiểu của thời “Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn” (1897), người ta nói thành "ăn quẩn", đơn giản chỉ vì có từ "cối xay" ngay phía sau - vốn là vật dụng cố định, không mấy khi di chuyển. Quẩn ở đây hiểu là con gà đó, chỉ quẩn quanh/ quanh quẩn, loanh quanh nơi đó. Do hiểu con gà đáng chê đó, chính là gà cồ, "Việt Nam tự điển" (1970) ghi nhận và dẫn chứng câu ca dao: "Gà cồ ăn bẩn cối xây/ Hát bảy đêm ngày chỉ có một câu".

Cười cợt, châm biếm như vậy là đủ, là đã lột tả hành động tẹo/ lẹo tẹo cả cô chị lẫn cô em của chàng rể, chứ không phải hằn học, thù ghét đến mức như cách nói của dị bản: "Rau răm muối ớt xe phay gà cồ", nếu thế, câu này chỉ có mỗi nghĩa đen là nói về… nghệ thuật ẩm thực mà thôi. Vì rằng, dẫu con gà què/ gà cồ đó một khi hiểu qua nghĩa bóng, ta sẽ thấy cực kỳ vô lý, ừ, cứ cho người đó "chỉ biết kiếm ăn, kiếm chác nhỏ nhặt" đáng cười chê, nhưng liệu có cần "xử lý" đến mức phải "xé phay" không?

Dám thưa rằng, không.

Khi tôi quả quyết đến thế, biết đâu có người lại cãi. Không sao, lúc khác hãy cãi, nếu có. Còn bây giờ, ta hãy quay về với con gà mờ. Khi kẻ xấu lùa những kẻ ngơ ngáo, khờ khạo mà họ đánh giá chi thứ "gà mờ" là có chủ đích rõ ràng, chứ làm sao lùa được những ai kia đã cáo/ cáo già, đã từng trải, đã am hiểu sự đời? Lùa là dồn vào, đưa vào, lọt vào, tập trung vào một vị trí nào đó. Ca dao miền Nam có câu: "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp sông cũng lội gặp chùa cũng tu", là lùa hiểu theo nghĩa này. Và, còn có những từ như nói lùa: "Nói dua nịnh, nói theo cho được lòng ai", đánh bàn lùa: "Làm chuyện gạ gẫm", "Đại Nam quấc âm tự vị" (1895) giải thích.

Với "quy trình" này, ta thấy sau khi đã lùa tất tần tật lũ gà mờ vào sọt,  thế thì, động tác kế tiếp là "úp/ úp sọt". Sọt là cái vật dụng đan bằng tre nứa, mắt thưa, sâu lòng, ngoài Bắc còn gọi cái bu: "Cái chụp đan bằng tre hay bằng nứa, dùng để nhốt gà hoặc có khi dùng để chụp những chùm quả chín trên cây", theo "Việt Nam từ điển" (1931). Ngộ thay, bu còn là từ dùng để chỉ người mẹ nhưng bu với người Nam cũng là bâu như ai đó nói: "Tay X kia toàn là chuyện ruồi bu/ ruồi bâu", là làm những chuyện ất ơ, không đâu vào đâu, mất thời gian vô ích. Vậy thành ngữ "Châu lụy thấm bâu" là sao? Là nước mắt dầm dề, đầm đìa ướt… cổ áo. Trong vụ úp sọt, không dùng từ sọt/ bu ta có thể dùng từ bội/ cái bội cùng nghĩa. Một khi đã hiểu bội cùng nghĩa, ta mới có thể giải thích rành rẽ câu tục ngữ "Đan bội đội ơn". Cái ơn đó đặt trong bội/ sọt thì nó lọt hết ra ngoài, dẫu là đội lên đầu đi nữa, ý muốn nói đó là kẻ bội bạc phụ ơn của người khác.

Nếu "thổi giá" không nhằm "lùa gà" mà dành cho cá tôm chẳng hạn, dĩ nhiên không thể dùng từ "úp sọt". Như ta đã biết, một trong những cách bắt được nhiều tôm cá trong một lúc, ngoài ngư cụ như đăng, đó, te, chong, nò, rọ, xiệp, lưới…, còn có cả cái mà "Cất lên thì thấy, để xuống đáy thì không". Cái gì? Cái vó. Từ cất vó chính là chỉ động tác cuối cùng thu hoạch toàn bộ tôm cá đang ở trong vó. Qua đó, gần đây từ cất vó thêm nghĩa phái sinh mà "Đại từ điển tiếng Việt" (1999) đã ghi nhận: "Tóm gọn, tiêu diệt gọn: Công an đã cất vó toàn bộ toán biệt kích".

Ông bà mình có câu nói thật hay: "Vỏ quýt dày, móng tay nhọn". Rằng, khi kẻ lừa đảo vừa hả hê, hí hửng "úp sọt" thì chúng đã bị cơ quan chức năng nhanh chóng "cất vó" ngay tắp lự.

Lê Minh Quốc
.
.