Đất chăng dây, cây cắm sào

Thứ Bảy, 31/12/2022, 12:18

Này bạn mình ơi, quái quỷ thật, khi đến một độ tuổi nào đó, tự dưng con người ta lại nhớ đến chuyện “ngày xửa ngày xưa”. Tất cả như những thước phim lần lượt quay trở về trong trí nhớ. Dấu hiệu của tuổi già đấy chăng? Tôi nhớ lúc nhỏ, còn ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng nghe mọi người nói đến câu: “Sào dài chống suối, sào ngắn chống khe”. Có phải đó là lời dặn dò về kinh nghiệm lúc băng rừng lội suối? Khoan vội trả lời, trước hết ta thử tìm hiểu từ sào xem sao?

Ở vùng sông nước, người ta thường lấy một đoạn tre róc sạch hết mắt, dùng để chống ghe thuyền từ chỗ cạn ra đến mực nước có thể di chuyển dễ dàng; hoặc cũng dùng để đẩy ghe thuyền lướt tới; tùy địa hình địa vật, người ta còn sử dụng như cái chèo. Cây sào ấy dài ngắn là tùy nhưng người ta thường chọn loại tre đực già, đặc ruột thì nó mới chịu được lực đẩy lớn mà không bị cong/ gẫy, dù mưa nắng vẫn chắc bền và dẻo dai.

ong20song1.jpg -0
Ảnh: ST.

Sông sâu sào vắn khó dò

Muốn qua thăm bậu mà đò không đưa

Tục ngữ có câu: “Đò nào sào nấy”, tất nhiên rồi, nhưng hiểu theo nghĩa bóng là vợ thế nào, chồng thế ấy cũng như “Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”, “Nồi nào vung nấy”… Với từ con đò, ngày trước có câu cửa miệng phổ biến: “Gọi như gọi đò”, tức là người này gọi nhiều lần, gọi miết, gọi mãi, gọi khản giọng nhưng người kia vẫn không nghe/ không làm theo có thể cố ý hoặc vô tình. Chẳng hạn, trời đã sáng nhưng các con không chịu thức đi học, vẫn ngủ nướng, bà mẹ gọi mãi nhưng chúng cứ nằm ì ra đó, bực mình, bà tắc lưỡi: “Gọi như gọi đò”. Có lẽ tiếng gọi đò vang vọng bền nhất trong thơ ca Việt Nam vẫn là:

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lái đò của nhà thơ Yến Lan có nghe chăng? Nhìn kia, lạ chưa, nhìn kìa:

Ông lão vẫn say trăng, đầu gối sách,

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng.

Ngành/ ngành trăng là một từ mới sáng tạo, nếu trước đó chỉ mới nghe dến vầng trăng/ con trăng/ bón trăng... Còn nhớ hồi non tơ mới lớn, có đọc một đoạn văn nhưng rồi vẫn còn nhớ mãi. Chỉ đôi dòng nhưng có thể mở ra trong trí óc non nớt một cảnh chiều tà mênh mông sông nước quạnh quẽ, chỉ có thể là buổi chiều cuối năm quạnh quẽ đấy chăng? “Bỗng, giữa khoảng triền miên rộng rãi, ngân đưa một điệu hát lơ lửng bay trên dòng nước, một điệu hát đò đưa, trầm trầm, lặng lẽ:

Muốn sang nhưng ngại vắng thuyền,

Muốn về bên ấy nhưng duyên lỡ rồi!

Nhịp hát gần lại và xa đi theo chiếc thuyền nhỏ, cô độc, ảo não, trong sự tỏ bày kín đáo của một tấm lòng thương nhớ mênh mông. Ở trên bờ sông bên này, người khách đã đứng dậy, tay nắm chuôi dao, mắt nhìn cái vệt lửa của chiếc thuyền đặt mờ trên mặt nước. Thuyền hình như lại gần, vì sóng vỗ vào mạn đò mỗi lúc một mạnh. Và sau khi nhận đúng là một chiếc đò chở khách, người lữ hành của đất nước Trung Quốc hò lên:

- Tồ ui! (Đò ơi!)

Sóng nước trả lời lại cái giọng kêu quái gở bằng một bóng vang lạnh lẽo”.

Văn của Hồ Dzếnh. Ông không làm văn, chỉ trải lòng qua từng con chữ. Bùi ngùi. Xao xuyến. Và, có sức ám ảnh. À, nghe đâu mối tình đầu của thi hào Nguyễn Du cũng đã bắt đầu từ hoàn cảnh gọi đò. Rằng, thời hoa niên thơ mộng, ông được thân sinh cho ra Hà Nội theo học với ông đồ họ Lê. Trường bên Gia Lâm, bên kia sông Nhị, hằng ngày ông phải đi đò sang. Ngày nọ, khi đến bến, đò đã đi mất hút, gọi mãi không được, đành phải ngồi chờ, lúc ấy hình ảnh cô lái đò đoan trang thùy mị, đáng yêu lại hiện về trong trí nhớ, ông bèn viết mấy dòng lục bát:

Ai ơi chèo chống tôi sang

Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra

Còn nhiều qua lại, lại qua

Giúp nhau cho nữa để mà…

Nguyễn Du bỏ lửng là nhằm thăm dò ý tứ của cô lái đò thế nào. Lúc cô quay đò về, ông nhờ người bạn học là Lê Tiếp chuyển giúp, nhưng cô không dám nhận. Nài nỉ mãi, cuối cùng cô nhận nhưng phải thêm hai từ “quen nhau”. Tình cảm giữa hai người ngày càng thắm thiết hơn. Từ “quen” dần dà đã thay bằng từ “thương”, vì thế ông mới có cảm hứng rạo rực:

Quen nhau nay đã nên thương

Cùng nhau một mối tơ vương mối tình

Cảnh xinh xinh, người xinh xinh

Trên: trời, dưới: nước, giữa: mình với ta

Nhưng rồi, kết thúc chuyện tình này cũng tựa như biết bao chuyện tình bẽ bàng khác. Vâng, đúng là thế, bởi từ phía gia đình Nguyễn Du khi biết chuyện này đã cấm tiệt, “ngăn sông cấm chợ” bằng cách chuyển ông sang học ở Thái Bình. Cô lái đò đau khổ. Nguyễn Du cũng đau khổ. Mười năm sau, quay về chốn cũ, ông ngậm ngùi:

Trăm năm đã lỗi hẹn hẹn hò

Cây đa bến cũ, con đò khác đưa

Và, bấy giờ ông còn thổ lộ cảm xúc dạt dào:

Yêu nhau những muốn gần nhau

Bể sâu muôn trượng, tình sâu gấp mười

Vì đâu xa cách đôi nơi

Bến nay còn đó, nào người năm xưa?

Được biết, cô lái đò tên Đỗ Thị Nhật. Mà, chuyện tình này, có thật hay chỉ giai thoại? Chỉ biết rằng, trên tạp chí Nghiên cứu văn học (số tháng 6/1960) nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bính đã kể lại với những thông tin trên và cho biết, sau khi Nguyễn Du mất, triều đình nhà Nguyễn đã cho thu thập di cảo của thi hào và lưu giữ: “Cụ Nguyễn Đình Ngân ở Huế đã lâu nên có dịp được xem tập di cảo ấy và theo cụ thì câu chuyện tình kể trên kia là tự tay Nguyễn Du viết ở trong một tập di cảo, dưới nhan đề “Mối hận tình của tôi”. Tiếc rằng sau ngày kháng chiến tập di cảo đó đã thất lạc”, ông Bính cho biết. Tin hay không tùy mỗi người, riêng tôi tin có thật, thông tin này không những không hại gì cho sự nghiệp Nguyễn Du mà còn cho thấy một nét “đời thường” của danh nhân đã viết nên kiệt tác Truyện Kiều.

Ghe anh vững lái, vững chèo

Đủ buồm, đủ cột, đủ neo, đủ sào

Gặp cơn sóng gió ba đào

Anh ra tay lèo lái, em đứng mũi chịu sào nó sẽ vượt qua

“Đứng mũi chịu sào” là ngụ ý chỉ ai đó giữ vai trò quan trọng và chịu trách nhiệm trong tình huống gian nan, khó khăn nhất. Khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết ca từ: “Thương con đò cắm con sào đứng đợi”, ta hãy lưu ý đến từ cắm vì còn là vai trò của con sào nữa. “Sào sâu khó nhổ”, chỉ vì cắm sâu quá. Cắm sào là dùng để neo giữ ghe thuyền. Có những áng văn chương dù không xuất hiện từ sào/ cắm sào nhưng ta vẫn nhận ra, thí dụ:

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Từ “ai” cho biết lúc ấy trên thuyền dù không có ai, Hàn Mặc Tử nhìn thấy là do nó đã được neo lại bằng cách sợi dây thừng nối từ mũi thuyền đến con sào cắm sát bờ. Với tàu bè hiện đại đóng bằng sắt thép, khi cập bến không thể buộc lại bằng sào, mà phải bằng cọc sắt đã đóng vững chắc cố định trên bờ, thậm chí còn thể buộc lại bằng dây xích sắt nữa - gọi lòi tói. Nhưng khi bà Hồ Xuân Hương viết:

Ai về nhắn bảo phường lòi tói

Muốn sống đem vôi quét trả đền

Lại hiểu “lòi tói” là chỉ những kẻ dốt nát, chữ nghĩa ất ơ, chữ tác đánh chữ tộ, văn chương câu cú cộc lốc như bầu dục chấm mắm cáy. “Lòi” là dây (như lòi tiền), “tói” là xâu lại/ nối lại (như  Truyện Kiều có câu: “Áo xiêm buộc tói lấy nhau”).  “Từ điển Việt - Bồ - La” của A. de Rhodes (1651) giải thích lòi tói là “xiềng xích sắt”. Hồ Xuân Hương khi đánh giá thơ phú của phường lòi tói: “Cũng đòi học nói nói không nên”, há chẳng phải từ âm ói/ lòi tói là bà đang ngao ngán xỉa xói đến độ muốn “ói” đấy chăng?

Có thể nói cắm sào và chống sào là hai động tác gắn liền nhau trong quá trình trước và sau liên quan đến di chuyển của ghe đò. Vậy, ta hãy quan sát một “hoạt cảnh” trong hò đối đáp - nữ hò ỡm ờ:

Xung quanh cỏ mọc xanh rì

Chính giữa nước chảy, anh đi ngõ nào?

Nam trả lời ba trợn:

Hai tay bụm lấy cù lao

Chính giữa nước chảy, chống sào anh qua

Ủa? Có liên quan gì đến câu chuyện đang bàn? Thế mới biết người Việt mình chơi chữ tài tình, tếu táo quá cỡ thợ mộc. Thanh lịch bà trang nhã, ai hiểu sao thì hiểu. Đã hiểu rồi à? Ắt phải… cười.

Khi đọc “Tắt đèn”, ta biết sau bữa ăn trưa, “Bà nghị cầm đĩa giò kho ăn dở, trút vào trong niêu, sai thằng bếp treo lên lao màn và dặn: “Bà đã đếm kỹ từng miếng rồi đấy. Còn mười bốn miếng tất cả. Hễ mất miếng nào thì chết với bà!”. Giàu sụ mà đối với kẻ ăn người ở thế này, chỉ có thể gọi là keo kiệt, bủn xỉn. Lao màn là cái gì? Là… cây lao nhưng “nghĩa bóng: cái sào” - theo “Việt Nam tự điển” (1931). Treo cái niêu lên sào dựng đứng, bởi bà nghị thừa biết câu tục ngữ: “Chó treo mèo đậy”. Còn đây là lúc đặt cây sào nằm ngang:

Giặt áo thì phơi con sào

Chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao

Ấy là lời của cô Tấm khi hóa thân vào chim vàng anh bảo với Cám. Lẽ ra, với sào trong trường hợp này phải gọi bằng cái sào/ cây sào, chứ sao lại gọi bằng con? Tương tự khi về làng Phú Chiêm tham gia Lễ hội mì Quảng lần thứ nhất (5/8/2022), các mẹ, các chị lúc làm mì Quảng không gọi sợi mì mà dùng từ con/ con mì. Họ nói thế này: “Khi tráng mì xong, nhớ thoa/ xoa lên bề mặt một lớp mỏng dầu phọng/ dầu phụng, nhờ vậy, khi xén/ cắt ra, bỏ vào tô, lùa vào miệng thì mới cảm thấy từng con mì thơm tho quyến rũ biết chừng mô”. Đã thế, ta từng nghe nói đến con ong, con kiến nhưng rồi vẫn có cách diễn đạt khác như trong Truyện Kiều:

Kẻo khi sấm sét bất kỳ

Con ong cái kiến kêu gì được oan

Xét ra trong tiếng Việt những từ như cây, cái, con đứng trước loại từ nào đó, có thể hoán đổi cho nhau một cách linh hoạt, chứ không “đóng khung” cố định theo nguyên tắc nhất định.

Với từ sào/ con sào, có thể bất ngờ với nhiều người khi bắt gặp trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân: “Sáng hôm sau, mặt trời lên bằng con sào, Tràng mới trở dậy”.Ta hiểu là một cách nói chỉ về thời gian, chỉ ước chừng một cách phiên phiến chứ không chính xác cụ thể. Chẳng hạn, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết: “Trời mọc ba sào: Chừng nửa buổi mai”.

Sào còn là từ đồng âm dùng chỉ đơn vị để đo diện tích ruộng đất. “Sào: Đồ đo ruộng có 15 thước mộc”; “Sào mẫu: Tiếng gọi chung số đo đất ruộng. Mười sào làm một mẫu”; “Sào đất/ sào ruộng: Phần thứ 10 trong một mẫu đất, mẫu ruộng” - ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích. Về sở hữu đất đai của từng cá thể, tục ngữ có câu phản ánh sự quy định: “Đất chăng dây, cây cắm sào”. Chăng có nghĩa là giăng. Câu này, nhà ngôn ngữ Nguyễn Đức Dương giải thích: “(Đo) đất thì nên chăng dây; (đo) cây (chưa đẵn hạ) thì nên dựng sào, vì đó là hai cách làm đỡ tốn thì giờ và công sức nhất” (Từ điển tục ngữ Việt - NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh - 2010, tr.314).

Ngày xưa ở trong Nam gọi “chạy dây: Kéo sợi dây mà chạy tới, cũng là cách đo ruộng đất”, “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cho biết. Nói cách khác, “chăng dây” là đo cụ thể diện tích đất mà nhà nước đã thừa nhận/ chứng nhận trên giấy tờ; “cắm sào” không phải “(đo) cây (chưa đẵn hạ)” mà dựng sào thẳng đứng từ ranh giới đất của mình lấy làm chuẩn, nếu cây trồng chìa nhánh lấn sang/ chìa sang phần đất của người khác thì không thuộc về mình.

Trở lại với câu: “Sào dài chống suối, sào ngắn chống khe”, ta có thể thích sào theo nghĩa nào vừa nêu trên? Không. Không theo nghĩa nào cả. Đơn giản như đang giỡn, rằng thì là ở đây chơi chữ bằng cách nói lái: “chống suối” là “chuối sống”, “chống khe” là “ché không”. Chuối còn sống, còn xanh, sống sít; cái ché là cái bình bằng sành, to bụng, miệng túm có nắp đậy, dùng đựng rượu lúc cưới hỏi, cũng gọi là chóe. 

Lê Minh Quốc
.
.