Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ

Thứ Năm, 22/09/2022, 13:16

Dám nói nói rằng, một trong lý do dễ dẫn tới tranh cãi và nhiều cách hiểu, suy luận khác nhau, còn vì sự đồng âm trong tiếng Việt. Báo Tuổi Trẻ ra ngày 1-11-2021 đăng bài “Không dễ tìm... Vua tiếng Việt”, trong đó có chi tiết: “Hoặc như kho tàng ca dao - tục ngữ cũng còn bỏ ngỏ những tranh luận trong cách hiểu của người đọc.

Ví dụ trong một tập, ở phần thi Xâu chuỗi, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn - giải thích vế 1 thành ngữ "Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ" rằng: "Đi hỏi già ý nói là chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng" đang vấp phải những tranh luận”.

Thế thì, ta hiểu thế nào về từ già?

untitled-1 copy.jpg -0
Ảnh: S.t

Chẳng hạn, khi nhìn thấy anh A ngồi uống nước với nhóm bạn, B tọc mạch: “Những ai kia? Bạn quan hệ thế nào?”. A bảo: “Con dì con già”. Già ở đây là tiếng gọi chị của mẹ, dì là em mẹ, ta hiểu mối quan hệ của họ là chị em bạn dì - “Đại từ điển tiếng Việt” (1999) giải thích: “Con của chị em ruột”. Nghe thế, anh B cà khịa qua cách chơi chữ: “Hôm qua, vì con gì mà bạn cháy túi, có phải do con già không?”. Con già ở đây tức là… con già, vì lá bài trong giới “Cờ gian bạc lận” in hình ông già, nói cách khác đích thị là “con K”. Thế nhưng, từ chuyên môn trong y học lại có bệnh K, là nói tắt “ca” trong của từ tiếng Anh “cancer” nhưng người Việt phát âm ca là “ca”.

Già có nhiều cỡ như già nua, già yếu, già rụm, già khú đế/ già cốc đế, già cúp bình thiếc, già khọm, già quánh/ già còm, già đanh, già rụi… Nếu sống lâu, ai cũng già, bình thường thôi nhưng ở đời ghét nhất vẫn là “già chơi trống bỏi” - dù đã già kề miệng lỗ nhưng vẫn làm những việc không đứng đắn, không phù hợp với tuổi tác của mình tỷ như trong vở tuồng Tiên Bửu, nhân vật lão Trượng tuyên bố:

Áo dày chớ nại quần thưa

Bảy mươi có của cũng vừa mười lăm

Già kiểu này thiên hạ cười là già lựu đạn, già dê, già không nên nết, già sinh tật… Nếu lão Trượng ưỡn ngực khoác lác:

Già thời già mặt già mày

Tay chân già hết, củ rày còn non

thì già dịch, già hết xí quách cỡ này khi xuất hiện trong câu ca dao lại nổ tanh bành té bẹ:

Càng già càng dẻo càng dai

Càng gãy chân chõng, càng sai chân giường

Khiếp.

Ai cũng thừa biết, với già, từ trái nghĩa là trẻ. Dứt khoát phải thế? Chưa chắc. Có thể là cặp từ già - non: “Chó già gà non”, ý nói ăn như thế ắt ngon chăng? Không đâu. Há chẳng nhìn thấy các quán mộc tồn ghi rành rành đặc sản “cày tơ” đó sao? Đây là nói về kinh nghiệm chọn chó và gà lúc thiến, là cách nói gọn của “Chó thiến già, gà thiến non”, có như thế mới mong nó không lại giống.

Trong vốn từ tiếng Việt, non có nhiều hàm nghĩa. “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) có liệt kê nhiều từ non cùng nghĩa “non lắm” - theo cách nói của người miền Nam: non nhuốt, non mởn, non nớt, non nhớt, non bệu, non trong… “Phương ngữ Nam Bộ” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên còn bổ sung thêm: non chẹt, non èo, non mễu (non mướt và tươi, thường dùng để chỉ rau cỏ), non xèo... Tất nhiên, không chỉ dừng lại đó, có thể thêm như non choẹt, non ệu v.v…

Ta còn thú vị với “chữ non” lại là viết quá xấu, chữ như gà bới nhưng “non chữ” là học hành còn ít, chữ nghĩa chẳng có bao nhiêu. Thử hỏi cắc cớ, “non nhân” là sao? Thơ Nguyễn Công Trứ có câu:

Năm ba chén non nhân nước trí

Một vài câu thơ thánh phú thần

Là tác giả lấy từ câu “Nhân giả nhạo sơn, trí giả nhạo thủy”- người nhân trí thích ngao du non nước nhưng cũng hiểu rộng là chỉ cảnh non nước. Do có thể đảo từ non non nước nước/ nước non/ non nước nên trong ca dao, thơ Việt Nam, hình ảnh ấy mang nhiều sắc thái khác nhau. “Thề non nước” của Tản Đà là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Mà đã nói đến non ắt ta lại nhớ đến từ đồng nghĩa là núi/ núi non. Các câu thành ngữ “Đầu non góc núi”, tương tự “Đầu gành cuối biển”, “Đầu sông ngọn nguồn” là chỉ nơi xa xôi, khó đi tới, cheo leo, quạnh vắng… Trong “Việt ngữ tinh hoa từ điển” (1949), nhà nghiên cứu Long Điền Nguyễn Văn Minh nhận xét: “Thường nghiệm thấy chỉ nói: “dãy núi” không thấy nói “dãy non”; lại chỉ thấy nói “non nước”, mà không thấy nói “núi nước” và nói “núi già” mà không thấy nói “non già”. Lại xét trong câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại thành hòn núi cao”, trong một câu mà ngày xưa dùng cả hai tiếng “non” và “núi”, thì tất có dụng ý và chắc hai tiếng nghĩa có phân biệt” (NXB Hội Nhà văn tái bản năm 1998, tr. 369). Không những thế, non còn đi chung với sông/ non sông; và núi cũng vậy: núi sông/ sông núi. Với các dẫn chứng này, ta thấy rằng, trong tiếng Việt sự biểu lộ từng sắc thái của các từ nước/ núi/ non cực kỳ phong phú, đa dạng.

Với già, từ trái nghĩa ngoài già - trẻ, già - non, còn có cặp từ già - tơ: “Gà tơ xào với mướp già/ Vợ hai mươi mốt chồng đà bảy mươi” v.v… Lại còn có câu “Vịt già gà tơ” vậy, suy ra câu này cũng ý nói về… chuyện thiến như vừa giải thích? Không, đây là kinh nghiệm nói về cách ăn/ ăn ngon, vì vịt già không bị hôi lông, gà tơ thịt mềm. Hễ nhắc đến chuyện ăn ắt nhiều người đang thèm thuồng lắm đây, chi bằng ta hãy ra chợ Bà Chiểu mua lấy con gà về lai rai ba sợi nhá?

Đồng ý cái rụp.

Sau khi ta chọn xong, bỏ con gà đó lên cân, bà bán hàng nhìn vào cân tặc lưỡi: “Chà, giác rồi đó. Không sao, bán rẻ làm quen, lần sau nhớ ra mua là được”. Giác là gì? Nghe lạ tai quá đi mất, may ghê, lúc đó có cầm theo quyển “Đại từ điển tiếng Việt”, dày 1892 trang, họ lúi cúi tra cứu nhưng rồi cũng “bó tay” vì không hề thấy giải thích. Hỏi ra mới biết “giác” được hiểu là “già”, cân giác ngược với cân non, mà, cân non đích thị… cân thiếu/ thiếu trọng lượng.

Trở lại với từ giác, ta biết ngày xưa, một đồng là mười giác; một giác còn gọi là một hào, một cắc. Trong “Việt ngữ chánh tả tự vị”, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho rằng, “cắc” do từ “giác” mà ra. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ và yêu mến ca khúc “Rước đèn tháng tám”, trong đó có câu: “Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh”. Ở đây, cắc là âm thanh lúc gõ vào tang trống vọng lên tiếng kêu nhỏ, và giòn; tùng là gõ vào mặt trống tạo ra âm thanh to, rõ, vang xa. Hai động tác đó, nếu sử dụng liên tiếp là “tùng tùng cắc cắc”. Sở dĩ dông dài một chút, vì theo tôi khi Tiến sĩ Dương Khuê (1839-1902) viết bài ca trù nổi tiếng “Gặp lại cô đào cũ”, mở đầu: “Hồng hồng tuyết tuyết” là cụ nhại theo cách gõ trống “tùng tùng cắc cắc” đó thôi. Suy luận này, có đúng?

Còn “Đi giác sắm bầu, đi câu sắm giỏ” thì sao? Câu thành ngữ này, hiểu theo nghĩa bóng làm nghề gì cũng bỏ vốn đầu tư dụng cụ hành nghề, tựa như “Làm ruộng sắm cày, đi may sắm kéo”. Giác trong câu này, có thể hiểu đại khái là phương pháp làm tụ máu bằng hơi/ giác hơi, dùng cái bầu (hay ống sừng) úp vào người để hút máu độc. Dụng cụ ấy của thợ giác gọi là “bầu giác/ ống giác”, không liên quan gì tới… già.

Tùy ngữ cảnh, người ta cũng sử dụng từ già nhằm chỉ sự việc/ sự vật nào đó ở trạng thái quá mức bình thường, thí dụ, nói về kinh nghiệm “thả thính” o mèo, tán tỉnh có câu phổ biến: “Chuông già đồng điếu chuông kêu/ Anh già lời nói em xiêu tấm lòng”. Khi nhà văn Nguyễn Tuân viết danh tác “Chiếc lư đồng mắt cua”, chiếc lư đồng này chế tác bằng đồng điếu còn gọi đồng mắt cua/ đồng vỏ cua “hợp kim gồm 10 phần đồng đỏ, 1 phần thau”, “Việt Nam tự điển” (1970) cho biết. Nói cách khác, dân trong nghề còn gọi “chuông già”, vì thế mới có dị bản: “Chuông già, động đến thì kêu/ Anh già giọng nói, em xiêu tấm lòng”. “Già giọng nói” là nói lắm, nói nhiều ngụ ý nhiều lời thả thính tán tỉnh…

Thế nhưng từ “già” trong câu: “Ở ăn thì nết cũng hay/ Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”, có phải thi hào Nguyễn Du “đá xéo” chê Hoạn Thư không còn xuân sắc, trẻ trung chăng? Không phải đâu. “Già” ở đây là già giặn, nhiều kinh nghiệm, sành sỏi; là cách nói tắt của “già đời” lọc lỏi, từng trải. Vì thế, khi xử án Hoạn Thư, Thúy Kiều phải thừa nhận và khen: “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”.

Đôi khi già đi với dăm từ, nay lại hàm nghĩa khác, thí dụ với câu nói: “Ông X là bố già của Y”, chắc gì ông X là sinh ra Y, tùy ngữ cảnh có thể là “ông trùm” mà Y là kẻ dưới trướng băng nhóm đó do X  cầm đầu. Với người Nam, với câu: “Ông X là bõ già của Y”, ta hiểu ông X cha đỡ đầu nhưng từ “bõ già” người Bắc lại dùng chỉ người đày tớ già. Trước đây, người Nam thường gọi L.19 - máy bay trinh sát là “đầm già” nhưng nay cụm từ “máy bay đầm già/ máy bay bà già” lại hàm nghĩa khác. Khác là khi nó đi chung với người lái là “phi công trẻ” để trở thành câu cửa miệng mỉa mai mà cực hóm: “Phi công trẻ lái máy bay bà già”.

Rõ ràng tiếng Việt biến hóa, thay đổi khôn lường.

Điều thú vị, từ già này lại là đại từ nhân xưng cả ba ngôi. Ở mức thân mật “tình thương mến thương”, thí dụ, một ông già bảo: “Già này sức khỏe còn tốt”: ngôi thứ nhất; “Già ơi, giúp con chuyện này nhá”: ngôi thứ hai; A và B trò chuyện: “Già X vừa du lịch một chuyến dối già đấy”: ngôi thứ ba. Dối già tức trối già là làm một việc gì đó cho thỏa mãn vào lúc gần trời xa đất, xem như cú chót trong đời. Còn “già đời” ngoài nghĩa chỉ người lớn tuổi, thí dụ “Già đời mặc áo tơi chữa cháy” là phê phán hành động vụng về ngốc nghếch nhưng cũng còn được hiểu nhằm chỉ ai đó sống lâu năm trong nghề, lão luyện đầy kinh nghiệm.

Khi Thế Lữ viết truyện ngắn “Tay đại bợm”, ta hiểu nhân vật đó thuộc hạng bợm già. Thế nhưng ở đời, “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, dẫu bợm già gặp bà già thì đố mà xơ múi gì được vì thế mới có câu “Kẻ cắp gặp bà già” -  dù tinh ma quỷ quái cỡ nào nhưng gặp phải tay cao thủ, già giặn từng trải thì cũng chỉ có nước húp cháo rùa, bù trất - ví như hắn ta gặp phải bà già cẩn trọng, chu đáo, gìn giữ của nả cẩn thận.

Thông thường khi nói về tuổi tác của ai đó, ta thường dùng “người già/ người trẻ” - như thành ngữ có câu: “Già được bát canh, trẻ được manh áo mới”. Trở lại với câu “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”, thì già ở đây trái nghĩa với trẻ. Hỏi, vì người già nhiều kinh nghiệm, biết rõ đường đi nước bước, có thể tư vấn cho mình; hỏi, vì trẻ/ trẻ con không biết nói dối, nghe/ thấy những gì đã xảy ra/ diễn ra thì kể lại trung thực, không thêm bớt, ta có thể tiếp cận thông tin về với sự việc rõ ràng như vốn có. Còn nếu muốn nói đến cái ý “chào hỏi người cao tuổi, đó là kính lễ vô cùng quan trọng", tục ngữ có những câu như “Yêu trẻ, trẻ đến nhà, kính già, già để tuổi cho”, “Kính lão đắc thọ”…

Lê Minh Quốc
.
.