Lương bổng bỗng… lương lậu

Thứ Hai, 04/07/2022, 12:02

Vừa rồi, tôi có được đọc mẩu chuyện này trên tờ báo nọ. Cũng tức cười. Rằng, sau khi khám, bệnh nhân được vị bác sĩ khả kính viết cho cái toa đi mua thuốc điều trị.

Có điều là ông ta viết “chữ bác sĩ”, “viết phá toa” tức nét chữ ngoằn nghèo tới mức: “Bệnh nhân này đã dùng toa thuốc đó để đi xe buýt miễn phí trong hai năm, đi xem hát một lần. Thậm chí anh ta còn đưa cho sếp xem, khiến sếp tưởng là thư tay của ai đó nên vội tăng lương bổng cho anh ta. Đặc biệt con gái của anh ta đã chơi piano từ toa thuốc này mà được học bổng vào nhạc viện”.

Bạn vừa tủm tỉm cười đấy à?

Vậy, xin hỏi, trong mẩu chuyện này có cả từ “bổng”, thế thì nghĩa của nó ra làm sao? Hỏi thế mà cũng hỏi, nè bạn, nghe nè:

Phượng hoàng bay bổng xòe đuôi

Choàng tay qua cổ bớ tui với mình

Tình tứ chửa? Bay bổng là cất mình lên không trung một cách nhẹ nhàng, tạo cảm giác nhanh chóng. Không khác gì:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

(Truyện Kiều).

Còn bổng tít lại là bay cao, cao tít mù, thăm thẳm, không trông rõ. Trong “nghệ thuật” bay của chim muông nói chung, có câu tục ngữ đúc kết “Gần bay la, xa bay bổng”. La nghĩa là “thấp, gần mặt đất”, “Việt Nam tự điển” (1931) giải thích. Nếu không rõ nghĩa từ là ắt ta tắc tị với câu ca dao:

Cũng là con mẹ con cha

Cành cao vun xới, cành la bỏ liều

 Khi một người nhận xét: “Hễ ca sĩ X đã cất giọng thì thiên hạ chỉ còn có nước ngậm mà nghe”. Có người hỏi lại: “Vì sao thế?”, “À, giọng ca ấy lên bổng xuống trầm bá cháy con bọ chét”. Bổng trong ngữ cảnh này lại là giọng cao và trong, trái nghĩa với trầm là thấp. Nhưng ai đó tâm tình: “Có được thành công ngày hôm nay, đời tôi đã nhiều phen bổng trầm” thì cái sự bổng trầm này lại ngụ ý khi lên voi lúc xuống chó, chứ không hề suôn sẻ.

Trái nghĩa với bổng trầm hiểu theo nghĩa cao thấp không chỉ có thế. Thí dụ, nói về kinh nghiệm trồng trọt cày cấy: “Ruộng cao trồng màu, ruộng sâu cấy chiêm”, “Vụ mùa cấy cao, vụ chiêm cấy trũng”; hoặc nói về thói đời: “Cao chê ngỏng, thấp chê lùn”… Rõ ràng, tùy hoàn cảnh cụ thế, người Việt đã sử dụng các từ đồng nghĩa khác nhau, đâu ra đó.

Vậy, các nghĩa về từ “bổng” vừa giải thích, có thể áp dụng  vào câu chuyện của bệnh nhân được lương bổng nhờ tuồng chữ như gà bươi, gà bới của vị bác sĩ nọ? Không thể. Cứ theo như từ điển giải thích, ta có thể hiểu nôm na, đó là “Tiền lương của quan lại” (Đại từ điển tiếng Việt, 1999). Không những thế ngoài “bổng” còn có thêm “lộc”, chẳng hạn, “huệ lộc/ ân lộc” là cấp cho quan hưu trí, “liêm lộc” là cấp cho quan để dưỡng liêm, “sứ lộc” là cấp cho quan đi sứ...

Cụ thể ra làm sao?

Bộ sách “bách khoa toàn thư” đầu tiên, có giá trị nhất của thời phong kiến là “Lịch triều hiến chương loại chí” (NXB Khoa học Xã hội - 1992, bản dịch Viện Sử học) do Phan Huy Chú biên soạn, cho biết vào năm 1067, đời vua Lý Thánh Tông: “Cấp bổng lộc cho các quan Đô hộ phủ sứ mỗi người mỗi năm 50 quan tiền, 100 bó lúa và cá muối mọi thức; cho cai ngục mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức liêm” (T.1, tr. 541).

Còn trước đó?

Phan Huy Chú dẫn lời của nhà sử học Ngọ Phong Ngô Thì Sĩ: “Thời Lý các quan trong ngoài đều không cấp bổng. Quan trong thì bất thần vua thưởng cho; quan ngoài thì giao cho dân một miền để đặt người thuộc viên thu thuế ruộng đất ao hồ đánh vào dân cày dân cá mà lấy lợi. Đến đây quan coi hình ngục mới được cấp bổng hàng năm”.

Tất nhiên, về quy chế cấp bổng lộc ấy, các triều đại sau đã thực hiện bài bản hơn, quy củ hơn, Phan Huy Chú cũng đã nói đến. Rồi đến đời nhà Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ do Nội các triềìu Nguyễn biên soạn cũng trình bày rành mạch, tỏ tường.

coins.jpg -0
Ảnh: L.G

Qua những thông tin quan trọng này, ta biết, ít ra từ đời nhà Lý, từ “bổng/ bổng lộc” đã được áp dụng trong thực tế. Và, bổng lộc này có lẽ chỉ có tính tượng trưng chăng? hoặc chỉ đủ sống, chứ không nhiều. Do đó, không phải ngẫu nhiên, khi đọc/ học sử ta biết các vị quan thanh liêm ngày xưa không giàu, chỉ đủ sống. Thế mới có chuyện danh thần Mạc Đĩnh Chi danh tiếng vang lừng cả nước, vua Trần Anh Tông quý trọng ông đến mức chỉ gọi tên tự Tiết Phu, chứ không gọi tên thật. Dù đảm nhận nhiều trọng trách, nhiều lần công cán nước ngoài nhưng ông vẫn nghèo. Có lần nhà vua ái ngại hỏi:

- Trẫm nghe các quan nói nhà Trạng túng, nếu có thiếu gì cứ nói, trẫm sẽ tư cấp thêm.

Mạc Đĩnh Chi tâu:

- Hạ thần trên nhờ ơn vua, dưới nhờ lộc nước; vợ con không đói rét là đã toại nguyện. Chỉ bệ hạ xin thương lấy muôn dân mà lo cho dân, xây dựng nước nhà vững bền thịnh trị. Đó mới là ước nguyện của hạ thần. Cúi xin bệ hạ xét cho!

Nhà vua khen ông nói chí phải.

Sau khi vua Trần Anh Tông băng hà (1314), vua Trần Minh Tông lên nối ngôi. Có lần để thử tính liêm khiết của Mạc Đĩnh Chi, nửa đêm, nhà vua sai người bí mật đem đặt mười quan tiền trước cửa nhà ông. Tờ mờ sáng hôm sau, ông rảo bước ra sân thấy những đồng tiền đó. Ông hỏi láng giềng chung quanh có ai đánh rơi thì đến nhận lại. Không ai nhận cả. Khi vào chầu, ông đem số tiền nhặt được tâu với nhà vua và nộp vào công quỹ. Nhà vua lắc đầu:

- Nếu không có ai nhận, mà tiền lại ngay trước cửa nhà khanh thì đó là tiền của khanh. Khanh cứ giữ lấy mà dùng.

Ông khẳng khái:

- Tâu bệ hạ, nếu thần đổ công sức thì đó mới là tiền của thần. Bỗng dưng có được số tiền lớn này, không phải do lao động mà có, thần không dám nhận.

Đức tính thanh liêm ấy của ông được người đời khen ngợi mãi. Còn có thể kể thêm trường hợp của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Lúc sinh thời, ông đã từng “thấy vàng không thèm ngoảnh cổ lại nhìn”, từ chối biết bao nhiêu bổng lộc, báu vật của triều đình nên khi nằm xuống gia đình rất túng quẫn.

Nhà thờ ông rất sơ sài, đến đời Duy Tân có sắc thần ban cho, nhưng tộc trưởng trong họ không có đủ hai đồng bạc để lãnh sắc! Bọn lính đem sắc thần về từ đường Nguyễn Thiếp, vì không được nhận tiền nên chúng ra ruộng xiết cả cái cày của ông tộc trưởng. Oái oăm thay, ông này phải đem cái chuông treo trong nhà thờ đem bán cho người đàn bà giàu có trong làng để chuộc lại! Chi tiết nhỏ này đủ thấy thuở sinh thời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã sống liêm khiết như thế nào.

Ở Quảng Nam còn nhắc đến cách dạy con của bà mẹ Tổng đốc Hoàng Diệu. Lúc làm quan ở Hà Nội, vì nhớ mẹ, thương mẹ, có lần ông gửi về làm quà một vóc lụa quý. Bà mẹ không nhận, gửi trả lại, kèm theo một nhành dâu, tượng trưng ngọn roi, để cảnh cáo con đừng nhận quà cáp, biếu xén gì của dân. Ở Bến Tre, bà mẹ Lê Thị Mẫn cũng dạy con nghiêm khắc như vậy. Lúc con trai làm Án sát Nam Định nhân tết Nguyên đán, nhờ người đem về biếu mẹ một hộp trà ướp sen, mấy vóc lụa Hà Đông. Nhận quà, bà đem lụa đốt thành tro, gói lại rồi nhờ người đem quà chuyển trả lại.

Hành động của hai bà mẹ này cùng ngụ ý dặn dò con ra làm quan phải giữ lòng trong sạch, liêm khiết; không phải vòi vĩnh, nhận của đút lót, vun vén cho gia đình; ở nhà tự lo toan được, con không phải bận tâm, dành tâm trí lo cho dân, cho nước. Hành động quyết liệt này là sự răn đe, lời răn dạy nghiêm khắc của mẹ dành cho con đã làm nên đạo đức mỗi nếp nhà. Qua những mẩu chuyện cụ thể này, ta thấy bổng/ bổng lộc không nhiều, do đó, làm quan nếu liêm khiết ắt không thể giàu nứt đố đổ vách. Họ vì phận sự mà làm việc nước, lo cho dân chứ nào  phải vì bổng lộc. Đáng kính thay.

Trở lại với câu chuyện chữ nghĩa đang bàn, ta thấy sau khi chế độ quân chủ không tồn tại, nhưng từ “bổng” vẫn không mất đi. Do đó, với từ “lương”: “Tiền công trả định kỳ, thưởng là hàng tháng cho cán bộ công nhân viên”, còn có cách nói “lương bổng”: “Lương của quan lại, của cán bộ viên chức nói chung”, theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999).

Tuy nhiên tùy ngữ cảnh nữa, thí dụ anh A hỏi cô B: “Qua công ty mới, lương bổng ngon không?”. Câu trả lời: “Lương chỉ bèo như con cá kèo nhưng bổng không phải ngon mà rất ngon”, tức ngoài lương còn có thêm nhiều khoản thu nhập khác. Đi làm công ăn lương, nếu được “Lương cao bổng hậu”, mỗi tháng đến ngày ký nhận hoặc nhận chuyển khoản ATM ắt ai đó trong lòng “trống giong cờ mở”. Ngược lại, nếu chỉ ba cọc ba đồng, chỉ “bò chét nhét miệng hùm” ắt họ lại len lén thở dài: “Lương lậu rõ chán”.

Cơn cớ làm sao lại xuất hiện từ “lương lậu”?

Tạm thời suy luận rằng, ở trong Nam con lươn (đồng âm với lương) còn gọi là lịch, do đó ta có từ đôi “lươn lịch” là hiểu theo nghĩa: “Cũng là lươn lịch cùng nhau một phồn”. Phồn nghĩa là phường, là cùng hội, cùng nhóm, cùng băng, cùng bè... Trong khi đó, “Việt Nam tự điển” (1931) ở ngoài Bắc cho biết còn có tên gọi khác: “Lệch: Tức là con nhệch, một thứ lươn bể”. Câu mắng của người miền Nam: “Đồ lươn lệch” hàm nghĩa ám chỉ sự tráo trở, mặt trái mặt phải, lươn lẹo…

Một khi trong lời ăn tiếng nói đã có các từ liên quan đến lương như lương tâm, lương bằng lương tri, lương tướng, lương duyên v.v… thì cách nói tếu táo “lươn lịch” cũng nhằm hiểu là nói về lương nói chung. Thế nhưng một khi nhận đồng lương “cùi bắp”, chỉ ít ỏi thì không thể dùng từ “lịch” bởi lịch thường hiểu là “đẹp đẽ, xinh tốt” (Đại Nam quấc âm tự vị, 1895). Thế thì, một khi nhận đồng lương bèo bọt, bèo nhèo, chẳng ra gì thì từ “lươn lịch/ lương lịch” đã có, đã quen thuộc, người ta mới dùng từ trái nghĩa của nó là “lương lậu”. Trái nghĩa với lịch là lậu - hiểu theo nghĩa bỉ lậu, xấu, sơ sài, nông cạn… Sự chọn lựa này “đẹp đôi” và hợp lý quá.

 Ơ kìa, có nhiều từ trái nghĩa với “lịch” nhưng tại sao người ta lại chọn “lậu”, cố tình cho chúng “bắt bồ” với nhau? Đơn giản chỉ vì hai từ này cùng bắt đầu với “l/ lờ” ắt tạo ra cách nói vừa mang tính bông phèn, mỉa mai lại vừa phát âm nhịp nhàng, dễ nhớ.

Trở lại với chuyện bổng/ bổng lộc đã có từ thời nhà Lý, thiết tưởng cũng nên nhắc lại quan điểm của nhà sử học Ngô Thì Sĩ. Ông hoàn toàn có lý khi cho rằng: “Kinh thi có nói: “Người làm quan có đầy đủ thì mới bắt làm điều thiện được”, bởi vì triều đình có gia ơn cho người làm quan thì người làm quan mới gia ơn cho dân được. Phàm người thấy vật đáng thích mà lòng không thích, như Dương Chấn từ chối vàng, như Ôn Tầu từ chối tiền, thì có được mấy người?

Không thế thì năm được mùa mà con kêu đói, năm ấm mà vợ kêu rét; đã có thơ Bắc môn than thở cảnh nghèo thì cũng có thơ Đại phong chỉ trích lòng tham, đó cũng là thường tình của người ta tất đến thế. Đem đạo thánh hiền để trách thói đời, không bằng đem đạo bình thường để sửa đổi lòng người. Nếu đem dê cho chó sói chăn, đem vịt làm mồi cho chim cắt, thế là để mặc cho nó xâu xé. Nếu không định bổng lộc thì tệ sinh ra không thể nói xiết được. Lời xưa nói: “Bớt quan thì yên dân”. Việc trị nước thì nuôi dân là trước hết. Bởt quan lại, định bổng lộc, đó là việc đầu tiên để nuôi dân” (T.1, tr, 541).

Khi ta bàn về chữ nghĩa, hỡi ôi, nào chỉ là câu chuyện của chữ nghĩa. Vấn đề thời sự trong dòng chảy của ngày hôm nay đấy chứ. Có điều những người làm quan thời buổi này bổng lộc không thiếu, thậm chí thừa mứa, dư ăn dư mặc nhưng rồi cuối cùng chúng lại vẽ nhọ bôi hề trở thành kẻ đáng khinh bỉ: quan tham. Do đâu? Chúng chỉ đáng trở thành củi ném toẹt vào lò của cụ Tổng đang khơi dậy lòng tin mãnh liệt trong dân. Dân tình hả hê lắm. Bàn chữ nghĩa về lương bổng, bổng lộc, há chẳng phải là lúc ôn cố tri tân về bài học làm quan đó sao? 

Lê Minh Quốc
.
.