Từ Tắc Cậu tới Thiềng Liềng

Thứ Bảy, 17/12/2022, 13:58

Này, cô Hai, trời đang xanh, nắng đang ngon, gió đang lành, thế thì, ca lên vài câu cải lương nghe chơi? Sao lại không. Thích thì nhích.

Ca rằng: "Con rạch Cái Thia chảy về Tắc Cậu. Con sáo qua sông con sáo đậu hiên... nhà. Trời tháng tư, em mặc áo hoa cà. Qua ngõ nhà anh, em kéo nghiêng vành nón, giả bộ vô tình làm rớt cánh bằng lăng…". Mùi quá. Ngọt lịm. Nghe sướng lắm. Cô thấy chửa? Văn bản ghi rõ như ban ngày là "về" nhưng lúc các nghệ sĩ ca, ta sẽ nghe là "dìa".

thieng-lieng-2639.png -0
Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: S.t.

Với người miền Nam, có những trường hợp biến thể âm vị do sự chuyển dịch trong cách phát âm. Độc đáo là khi khảo sát trong ca dao, ta thấy cũng có sự "bắt vần" ngọt xớt, không trật mảy may, thí dụ: "Cá rô ăn mỏng, gợn sóng dưới đìa/ Kẻ nơm, người xúc biết dìa tay ai?"; hoặc: "Ngỡi nhơn nhơn ngỡi mau lìa/ Thất ngôn lời nói bậu dìa tay ai?". Nếu thay đổi qua tiếng nói phổ thông toàn dân ắt không tạo sự nhịp nhàng theo quy định nghiêm ngặt của thể lục bát.

Thử hỏi, trong bài tân cổ “Hoa tím bằng lăng” của Linh Châu vừa nêu, nếu viết đúng chính tả thì Tắc Cậu hay Tắt Cậu?

Trước hết xin nói ngay, trong cụm từ này, Cậu là danh từ riêng, còn "tắc/ tắt" ban đầu là danh từ chung nhằm chỉ tên gọi hình thể của sự vật như rạch, giồng, bàu, kinh, bến, xẻo, vàm, hói… Về sau, người ta gọi gộp lại để trở thành địa danh. Điều này nằm trong quy luật chung của cách đặt tên như ta đã có Bến Lứt, Vàm Nao, Giồng Ông Tố, Vũng Luông v.v… “Câu chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ” (NXB Văn hóa - Văn nghệ - 2019), nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín cho biết: "Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, có rất nhiều tắc, như: Tắc Sậy, Tắc Ráng, Tắc Vân, Tắc Chàng Hãng, Tắc Cây Mắm, Tắc Ông Thục…" (tr. 175).

Vậy, “tắc” nghĩa là gì?

Cứ theo “Đại từ điển tiếng Việt” (1999), tắc có cả thảy những nghĩa như: Mắc ứ lại, không thông; quy phạm (chuẩn tắc, nguyên tắc, phép tắc, quy tắc); thì (cẩn tắc vô ưu); nền để tế thần nông (xã tắc). “Việt Nam tự điển” (1931) còn ghi nhận thêm nghĩa: "Tiếng đánh lưỡi một cái mạnh: Lắc đầu tắc lưỡi". Mà, tắc lưỡi còn có cách nói khác là chắt lưỡi/ tróc lưỡi.

Các nghĩa này có thể áp dụng cho các trường hợp liên quan đến địa danh vừa nêu? Tôi nghĩ rằng không, vì tắc hiểu theo các nghĩa trên không hàm ý nhằm chỉ về hình thể, tính chất của sự vật vốn có trong tự nhiên của vùng đất nhiều sông nước như miền Nam. Như vậy, dám nói chắc nịch/ chắc nụi chỉ có thể là tắt.

Cũng theo “Đại từ điển tiếng Việt”, tắt có các nghĩa như: 1. Làm cho hoặc trở nên không cháy, không sáng nữa (tắt đèn); 2. Ngưng hoạt động (tắt máy); 3. Mất đi, không tồn tại nữa (nụ cười vụt tắt); 4. Đi theo lối ngắn hơn đường chính để cho nhanh hơn (rẽ tắt qua rừng); 5. Nói, viết cắt bớt một số âm, chữ (mét viết tắt là "m") v.v… Xét ra, tắt trong địa danh Tắc/ Tắt Cậu là nằm ở nghĩa thứ 4, dù đúng nhưng vẫn chưa đủ.

Vậy, tắt trong ngữ cảnh cụ thể này nghĩa là gì?

"Tắt: Con kinh đào băng ngang hai con sông lớn chỉ việc đi lại hai nơi được dễ dàng" (Bùi Thanh Kiên - “Phương ngữ Nam Bô”å, NXB Hội Nhà văn - 2015, tr.1298).

"Tắt là rạch ngắn, nối ngang hai con rạch khác chảy song song, nơi giáp mối tạo một ngã ba thay vì ngã tư… (Sơn Nam - “Bến Nghé xưa”, NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh - 1992, tr.31-32).

Từ định nghĩa này, hiện nay quan sát trên bản đồ tỉnh Kiên Giang, ta thấy sông Cái Lớn là con sông lớn nhất của tỉnh, bắt nguồn từ xã Long Thành, huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Nó chạy ngoằn nghèo trên địa bàn tỉnh này khoảng 35 km, và trong hành trình đó, nó tẽ thêm nhánh sông Cái Bé gần như song song rồi đổ nước ra vịnh Rạch Giá.

"Hữu ngạn sông Cái Lớn cũng có nhiều rạch nhỏ và kênh đào ăn thông qua sông Cái Bé như Rạch Nước Đục, Cái Su, Cái Bần Lớn, Cái Bần Bé, Tắt Cậu…" (“Tìm hiểu Kiên Giang” - Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Kiên Giang biên soạn, in năm 1986, tr. 56). Nhờ đó, các phương tiện giao thông có thể đi tắt: "Đi theo lối ngắn hơn đường chính để cho nhanh hơn" như “Đại từ điển tiếng Việt” đã giải thích. Thế nhưng "tắt" một khi trở thành địa danh ở miền Nam, nó không phải đường bộ, chính là đường thủy. 

Sự việc rõ ràng, rành mạch như thế nhưng tại sao hiện nay người ta nói/ viết Tắc Cậu? Những người trước nhất đặt câu hỏi này, chính là nhà văn hóa Vương Hồng Sển: "Đáng lẽ phải viết tắt là ngả tắt, xẻo nhỏ giữa hau sông lớn" (“Tự vị tiếng Việt miền Nam”, NXB Văn Hóa - 1993, tr. 659); hoặc nhà văn Sơn Nam nhận thấy: "Về chánh tả, trên hầu hết bản đồ chế độ cũ thường ghi tắc, với chữ c" (Sđd, tr. 31). Có lẽ từ đó, mọi người đã chấp nhận và thừa nhận Tắc Cậu, dù "tắc/ tắc Cậu" không phản ánh được tinh thần của từ tắt. Dù vậy, không một ai có thể thay đổi được thói quen trong sử dụng ngôn ngữ của cư dân vùng miền, như thế, ta phải chấp nhận như một sự tồn tại… hợp lý. Thậm chí, nếu hiện nay trên văn bản ta ghi Tắt Cậu thì lại trở thành… sai chính tả đấy.

Lại nữa, dù không cả gan lớn mật khoác lác một tấc đến trời nhưng cô Hai ơi, tôi đây cũng dám nói chắc như bắp rang, như đinh đóng cột rằng, có lẽ không một ai có thể thống kê chính xác toàn cõi nước Nam ta có cả thẩy bao nhiêu địa danh. Mà này, trong vô số đó, có một địa danh độc đáo, không "đụng hàng", theo tôi vẫn chính là ấp Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ (TP.Hồ Chí Minh). Có thể trong ngữ nghĩa tiếng Việt sử dụng toàn dân, từ thiềng liềng khó hiểu đối với nhiều người, vì thế hiện nay đã có cuộc tranh luận thú vị.

Tranh  luận thế nào? Cô Hai hỏi đấy à? À, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ cho rằng: "Thiềng Liềng là âm khá cổ còn bảo lưu trong phương ngữ Nam Bộ (thường được gọi là "âm Cổ Hán Việt", là âm Việt hóa đối ứng với tiếng Hán quan phương giai đoạn Tùy Đường), đọc theo âm Hán Việt hiện nay là "THÀNH LINH" nói tắt của "tâm thành tắc linh" (Báo Thanh Niên Online ngày 23/11/2021).

Trước hết, ta hãy xét thiềng và thành. Quả đúng như ông Vũ đã dẫn chứng nhiều từ điển cho biết "thiềng" đồng nghĩa với "thành". Điều này, ta có thể kiểm chứng từ “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895): "Thiềng thị: Thành quách, chợ búa, chỗ đô hội. Chốn thị thiềng: Chốn đô hội, dinh liễu (đối với nhà quê)"; “Từ điển Việt - Pháp” (1898) của J.F.M Génibrel, “Từ điển Việt-Hoa-Phá”p (1937) của Gustave Hue, “Việt Nam từ điển” (1970) của Lê Văn Đức…  cũng ghi nhận như vậy.

Ta còn có thể tìm thấy dấu vết của thiềng trong ca dao miền Nam: "Muốn lên non tìm con chim lạ/ Chớ chốn thị thiềng chim chạ thiếu chi"; không những thế, một số vùng ở Trung Bộ cũng sử dụng tương tự, thí dụ ở Bình Định: "Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương ông Hậu thủ thiềng ba năm". Rõ ràng, thiềng là cách phát âm của thành. Không bàn cãi.

Thế nhưng làm sao có thể biết chính xác "thiềng liềng" cùng gốc "thành linh"? là nói tắt của "tâm thành tắc linh" như ông Vũ đã khẳng định? Đã có tài liệu nào cho biết "liềng" cũng đồng nghĩa như "linh"? Chưa hề. Do đó, nhà nghiên cứu An Chi khẳng định: "Về lý, ta làm sao biết được Thiềng Liềng có tên tiếng Hán là Thành Linh cho nên đây có thể chỉ là một sự áp đặt" (Báo Thanh Niên ngày 19/2/2021). Đúng thế, chỉ là một sự suy diễn, vì muốn dẫn tới kết luận trên, ta phải giải thích cho bằng được ngữ nghĩa của từ "liềng".

Trở lại với từ "thiềng/ thiềng liềng", ta biết một cách chắc chắn cũng còn có cách ghi là "thiền/ thiền liền". “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) ghi nhận: "Thiền liền: Loại ngãi thấp, lá lớn trải trên mặt đất, củ nó có mùi thơm gắt, chữ gọi là tam nại, vị thuốc mát". Thế nhưng, khó có thể giải thích vì sao, sau này, chính người miền Nam lại ghi "thiềng liềng", chẳng hạn, trong tập sách “Hiển hoa bí tử” (Trung tâm sản xuất học liệu  xuất bản năm 1975), giáo sư Phạm Hoàng Hộ - Trường Đại học Khoa học, giải thích loại cây này: "Kaempferia galanga (Thiềng liềng), thân ngắn, lá mọc sà mặt đất, củ có nhiều công dụng" (tr. 443).

Năm 1981, khi viết “Đất Gia Định xưa” (NXB Trẻ tái bản 1997) nhà văn Sơn Nam cũng viết "thiềng liềng" (tr. 85). Ngay cả bài đồng dao có nhắc đến cây này, như “Địa chí Long An” (NXB Long An, NXB Khoa học xã hội - 1990) vẫn ghi thiềng liềng, thí dụ: "Chơi với cải thì cải cho dưa/ Chơi với cưa thì cưa cho ván/ Chơi với chúng bạn thì chúng bạn cho tiền/ Chơi với thiềng liềng thì thiềng liềng cho thơm" (tr. 445).

Trong khi đó, ở ngoài Bắc không những vẫn gọi "thiền liền" mà còn gọi qua vài tên khác nữa. Chẳng hạn, bộ sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (NXB Khoa học Kỹ thuật - 1981), GS-TS Đỗ Tất Lợi khi giải thích "tên khoa học “Kaempferia galanga”, cho biết: "Còn gọi sơn nại, tam nại, thiền liền, sa khương", thông dụng nhất vẫn là tên gọi địa liền "vì lá mọc sát mặt đất" (tr. 378); “Từ điển Bách khoa nông nghiệp” (Trung tâm biên soạn từ điển Việt Nam biên soạn - 1991) cũng giải thích như vậy với tên gọi "địa liền" (tr. 180). Hiện nay, “Đại từ điển tiếng Việt” (NXB Văn hóa - Thông tin - 1999) của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam không ghi nhận "thiền liền" chỉ có "thiềng liềng (như địa liền)" (tr. 1569). 

Qua những dẫn chứng này, ta thấy, thiềng liềng chính là thiền liền.

Trở lại với địa danh Thiềng Liềng, nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Vũ có ý kiến cho rằng, không liên quan gì đến loại cây thiềng liềng/ thiền liền/ địa liền. Kỳ quái chửa? Ới cô Hai ơi, tôi lại nghĩ khác. Thiềng Liềng nằm trong tính phổ biến đặt tên vùng đất mới ở miền Nam khi lưu dân thuở xưa lần đầu đặt chân đến đây, nhà văn Sơn Nam lý giải: "Một số lớn địa danh dùng buổi ban đầu đi khẩn hoang thường lấy đặc điểm địa phương cho dễ nhớ" (sđd, tr. 78) và ông đã dẫn chứng cụ thể.

Từ ý kiến này, ta có thể nêu ra vài thí dụ khác như Hóc Môn; Gò Vấp (trại âm vắp); Hàng Xanh (trại âm sanh); Dần Xây (trại âm giằng xay): "Cây cối xay, trái nó giống cái thớt cối xay; bông là dùng làm thuốc ho gió, sắc với đường phèn", ông Huình Tịnh Paulus Của cho biết v.v… Rõ ràng, cách đặt tên này có tính "quy luật", chứ không phải giải thích từ nguyên theo lối nói dân gian.

Học giả An Chi lại cẩn trọng: "Ngộ nhỡ Thiềng Liềng là một địa danh phiên âm từ tiếng Khmer thì sao?". Đây là ý kiến đáng suy nghĩ, tuy nhiên, có lẽ phải xét thiềng liềng/ thiền liền trong cách gọi tên sự vật/ sự việc khác nhau của hai miền Nam - Bắc, thí dụ na/ mãng cầu, hộp quẹt/ bao diêm, sắn/ khoai mì, mũ/ nón, cá quả/ cá tràu v.v… Và, cũng không loại trừ trường hợp của tên gọi địa liền/ thiền liền/ thiềng liềng.

Nếu đúng như vậy, địa danh Thiềng Liềng là do từ nguồn gốc ban đầu nhằm chỉ vùng đất này có nhiều "cây ngãi thấp" như “Đại Nam quấc âm tự vị” giải thích. Éo le chửa. Chẳng éo le gì đâu. Âu cũng là một cách lắt léo chữ nghĩa của người Việt. Mà, cái sự lắt léo này đã khiến cho không một ai có thể biết được hết lời ăn tiếng nói, tên gọi sự vật/ sự việc của cư dân các vùng miền, vì thế, một khi ai đó dám vỗ ngực xưng tên "vua tiếng Việt" thì… Thì sao? Thì nói như Vũ Trọng Phụng, chỉ có thể là "vô nghĩa lý". Mà thôi, chẳng ai rỗi hơi bàn chuyện này.

Lê Minh Quốc
.
.