Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ

Thứ Năm, 18/08/2022, 10:56

Dịp kỷ niệm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh 300 năm (1698-1998), nhà văn Sơn Nam được Hãng phim Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh mời tham gia chương trình mà ông cho biết: "Thử theo chân Nguyễn Hữu Cảnh, từ nơi sinh quán, mộ phần của ông, trở về Châu Đốc, rạch Ông Chưởng, sông Tiền, Rạch Gầm, nơi ông mất".

Sở dĩ chuyến đi "hoành tráng" như thế vì Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh là người đóng vai trò trước nhất xác lập ranh giới, đơn vị hành chánh cho sự ra đời của vùng đất Sài Gòn - Gia Định, từ năm 1698.

Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ -0
Ảnh: S.t.

Lần đầu tiên đến Quảng Bình - sinh quán của Nguyễn Hữu Cảnh, nhà văn “Hương rừng Cà Mau” thú nhận có nhiều lời ăn tiếng nói của cư dân địa phương "hơi khó nghe, khi nói nhanh", thậm chí ông phải lấy sổ ra ghi chép, học hỏi. Rõ ràng, tiếng nói của từng vùng miền là một trong những yếu tố cần thiết làm phong phú, giàu có bổ sung thêm vào kho tàng tiếng Việt. Ngay cả những ai am tường văn hóa, ngôn ngữ Nam Bộ nhưng có lúc cũng cần phải tìm hiểu, học cách sử dụng từ của người Bắc, người Trung; và ngược lại. Chuyện này bình thường và cũng là lẽ tất nhiên không của riêng ai. Vì lẽ đó, trên đời này, nếu khiêm tốn và khôn ngoan, không một ai dám vỗ ngực xưng tên là mình rành rẽ nhất về tiếng Việt. Chuyến đi này, Sơn Nam có kể trong tập sách “Ấn tượng 300 năm” (NXB Trẻ-1998). Rằng, lúc chia tay ở Quảng Bình: "Có bạn ghi giùm tôi một câu để làm quà: "Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ" (tr. 43).

Ta hãy tách bạch từng từ đặng tìm hiểu xem sao.

Với từ "rào", trước hết ta nhớ đến câu tục ngữ "Ăn cây nào rào cây ấy", "Rào đường rấp ngã"… Rấp chính là lấp; hoặc "Qua rào vỗ vế", hàm nghĩa tương tự "Qua sông đấm bòi vào sóng", "Qua truông trật lọ cho khái"… Rào là "Trồng cây hay đâm cọc thành hàng chung quanh vườn đất nhà mình", theo “Việt Nam tự điển” (1931). Ở miền Trung ngày xưa, người ta làm hàng rào quanh nhà bằng cách trồng chè tàu, tỉa tót thẳng thớm, đẹp mắt. Nếu chọn lấy câu ca dao hay nhất có từ rào, ắt tôi chọn câu phổ biến ở miền Nam:

Hột châu nhỏ xuống kẹt rào

Thò tay em lượm, phụ mẫu chào, em buông

Hay quá xá hay. Quái quỷ, làm sao mà kẹt? Làm sao mà lượm? Một cách nói vống cực dễ thương, dù thế nào nhưng hễ "phụ mẫu chào" tức thừa nhận em thì em thả quách giọt lệ thảm giọt lệ sầu, chứ giữ lại làm chi. Ta thử so sánh từ "rào" này trong ca dao Quảng Bình:

Nhà em ở mé bờ rào

Anh chê nhà rách không vào thì thôi

Rào trong ngữ cảnh này chính là sông. Với từ rú, nếu tra “Phương ngữ Nam Bộ” (Nam Chi Bùi Thanh Kiên), “Từ điển phương ngữ Nam Bộ” (Nguyễn Văn Ái chủ biên), ta không tìm thấy. Nếu có, như “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895) cũng nói rõ: "Rú: Rừng. Rừng rú: Rừng. (Tiếng đôi người Bắc Kỳ hay dùng tiếng sau)".

Đi mô băng rú băng ri

Băng tràm, băng chủi tới mần chi chốn này

Câu ca dao này, có từ khó hiểu là "chủi" tức cây đót thường dùng làm chổi; và, ta thấy người Quảng Bình cũng gọi "rú ri" hàm nghĩa như "rừng rú". Do đó, khi nghe nói đến gia cầm, gia súc như gà ri, lợn ri…, ta biết chúng thuộc loại gà rừng, lợn rừng. Trong truyện ngắn “Chú gà trống ri”, nhà văn Tô Hoài quan sát và nhận thấy nó: "thấp bé và nhỏ nhắn hơn giống gà thường". Tất nhiên, từ rú trong tiếng nói toàn dân còn có nghĩa kêu, hú, ré to và dài nhằm biểu lộ cảm xúc gì đó thái quá, chẳng như ai đó nhận xét: "Nhìn thấy mẹ đi chợ về, bé nhóc mừng rú lên"…

Với từ "ngái", người miền Nam hiểu: "Xa xôi, cách một quãng đường xa, đi lâu mới tới", theo “Phương ngữ Nam Bộ”. Trong khi đó, “Việt Nam từ điển” (1931) ở ngoài Bắc chỉ ghi nhận theo nghĩa: "1. Thứ cây thuộc loại sung, lá có lông, quả nhỏ, không ăn được; 2. Dở dang, chưa êm mùi, êm giọng: Thuốc hút còn ngái". Ngoài ra, ta còn có thể kể đến "ngái/ ngái ngủ" tức đã thức nhưng chưa thức hẳn, chưa dậy, chưa "đã" con mắt những muốn muốn "ngủ nướng" thêm chút nữa.

Với từ "ngôi", ở trong Nam, ông Huình Tịnh Paulus Của giải thích: "Vì, vì vua, ngai ngự, chỗ ngồi phẩm bậc". Từ "vì" này, ta hiểu là "vị". Thật lạ, ngày xưa ở trong Nam khi nhằm chỉ kiểng vườn, cái vườn lại dùng từ "ngôi vườn". Câu cửa miệng: "Con mắt ở trên ngôi" là tiếng mắng những hành động vô ý vô tứ, lấc ca lấc cấc của ai đó. Trong khi đó ở ngoài Bắc, ngoài việc chỉ đám tóc ở giữa đầu như rẽ đường ngôi thì ngôi còn chỉ người thợ cạo/ thợ ngôi. Và, đã có câu thành ngữ "Mép thợ ngôi".

Qua dẫn này, rõ ràng, với từ "ngái' người Nam cũng hiểu như người Quảng Bình là xa, nhưng khi chỉ vị trí rất xa có từ "xa ngái" chứ không có từ "ngái ngôi" cùng nghĩa; cũng không có từ trái nghĩa là "ngưn", được hiểu là "gần", thí dụ:

Có duyên ngái mấy cũng ngưn

Vô duyên ở sát thắt lưng cũng thừa

Thật thú vị khi ngái còn dùng để chỉ loại trái cây, cả ba miền điều hiểu nó tương tự như sung nên mới có câu: "Sung ngái một lòng, bưởi bòng một dạ". Rồi, không chỉ thế, ngái và sung cũng tựa như vả nên mới "bắt cầu" qua: "Lòng vả cũng như lòng sung".

Rõ ràng, làm nên sự phong phú, đa dạng nhiều sắc thái trong tiếng Việt, còn phải kể đến thổ âm, thổ ngữ của từng vùng miền. Trong sáng tác văn học nghệ thuật, nhiều tác giả đã vận dụng một cách tinh tế, có chọn lọc khi sử dụng khiến ca từ trở nên đắc địa hơn và phù hợp với giai điệu dân ca của vùng đất đó. Nhờ vậy, khi phổ biến thì ca khúc đó có lợi thế dễ đi vào lòng người. Vậy, với các từ "mô nỏ chộ" ta thấy gì?

Ta thấy trong ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý viết: "Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La". Tương tự, “Mưa trên phố Huế”, nhạc sĩ Minh Kỳ đã viết: "Chiều mưa, phố xưa u buồn, có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô". Với từ "mô" dù mang sắc thái địa phương nhưng có lẽ ai cũng hiểu "đâu/ đi đâu/ ở đâu", nhằm tạo ra câu nghi vấn. Tuy nhiên, còn tùy theo ngữ cảnh nữa, chẳng hạn, ụ đất, nấm đất nhô lên cao cũng gọi mô/ mô đất.

Nỏ cũng thế, thí dụ thấy chồng loay hoay nhóm bếp mãi không xong, người vợ bảo: "Eng hè, củi nỏ tề" thì nỏ trong ngữ cảnh này là khô/ củi khô: "Anh nè, củi khô kìa". Trong hai câu này, dám nói rằng, người xứ Nghệ nghe câu trên ắt lấy làm cảm động, dạt dào biết bao cảm xúc của tình chồng nghĩa vợ; còn nếu, nghe câu dưới, như tất cả vùng miền khác đã nói, cũng nói ắt không thể có cảm giác đó. Rõ ràng, thổ âm, thổ ngữ của từng địa phương không chỉ là phương tiện chuyển tải thông tin mà ở đó còn là cái hồn quê nhà, là cái tình cái nghĩa chan chứa xiết bao kỷ niệm trải dài theo năm tháng mà mình đã sinh ra và lớn lên nữa. Hễ nghe ai đó nói bằng tiếng đó, giọng đó như một lẽ tự nhiên, ta có cảm tình ngay. Sực nhớ đến quê nhà. Người vùng miền nào cũng thế thôi. Tôi, người Quảng Nam cũng đã có lần tự nhủ:

Xa quê hương gặp đồng hương

Mắt đen. Răng trắng. Má hường. Môi thơm

Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn

Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà

Bóng hình này giống người ta

Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

Mơ hồ một bến sông quê

Long lanh mắt biếc xuôi về xốn xang

Chạm vào sợi tóc mơn man

Vuốt ve bồ kết nhẹ nhàng thơm lâu

Quê nhà ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Ở gần đây chứ đâu xa

Nghe giọng nói gặp quê nhà, vậy thôi…

Câu nói: "Eng hè, củi nỏ tề", người Quảng Nam, nói rộng ra là người miền Trung cũng quen thuộc với từ "tề". Thật xí lắc léo ghê gớm. Nếu đã có "tề" (kìa), thì "tê" lại là "kia". Không chỉ có thế, nhạc sĩ Phạm Duy viết ca khúc “Bên nớ bên ni”, có đoạn: "Em có nghe bên ni lạnh như bên nớ. Phút giây chia lìa, trong lòng cũng phải đèo mong". Bên ni là "bên này"; bên nớ là "bên ấy/ bên đó". Thế nhưng ở đoạn khác, lại có câu: "Bên tê thành phố tráng lệ, giai nhân nằm khoe lõa thể. Bên ni phố vắng, ôi lòng ngoại ô". Bên tê lại được hiểu "bên kia". Nói cách khác, ni, nớ, tê, tề tùy theo ngữ cảnh, ta có thể hiểu là bên này, bên nọ, nhằm chỉ hai hướng trái ngược nhau.

Rồi trong “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân có câu: "Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi" - ta hiểu "chừ" là chỉ thời gian hiện tại như bây chừ/ bây giờ. Còn có thể kể thêm đôi từ nữa, chẳng hạn nhạc sĩ Lê Xuân Hòa có ca khúc “Răng anh nỏ về”. Răng là "sao/ tại sao"; nỏ là "chẳng/ không" như ta đã biết, là một cách đặt câu hỏi. Mà đã có "răng" ắt phải có "rứa" (vậy). Chẳng hạn trong “Bài phú Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất” (1873), cụ Phạm Văn Nghị cười chê kẻ hèn nhát, chỉ dám giơ súng sậy hò voi:

Hay là rửa tính mê chưa sạch, tham bạc răng, tham sống cũng răng;

Hay là chí cả chưa khôn, khiếp chết rứa, khiếp Tây cũng rứa.

Từ "răng", "rứa" trong ngữ cảnh này nghe ra rất mỉa mai. Có thể nói, sở dĩ chọn thủ pháp này, nghĩ cho cùng tác giả mong muốn tác phẩm của mình mang sắc thái của vùng miền đó rõ nét nhất, càng dễ lay động lòng người. Thế nhưng, chỉ chọn một đôi từ thật phổ thông, có tính phổ biến rộng rãi, chứ nếu từ đó có tính riêng biệt ắt ép-phê ngược. Thí dụ, ca khúc “Thăm biển Cửa Lò” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, có lẽ nhiều người ngẩn tò te khi nghe câu: "Giữa một làng dân nghèo nhưng đẹp biết bao nhiêu khi "dạ" về thuyền đầy khoang tôm cá". Thử hỏi "dạ" là gì mà trong văn bản “Tuyển tập ca khúc Nguyễn Văn Tý” (NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh-1999) phải đặt trong ngoặc kép? Thật ra, "dạ" này là… viết sai chính tả, đúng ra là phải viết "giạ" hay "giã" là từ xứ Nghệ nói về đi đánh cá biển. Mà, lạ ghê cho tiếng Việt mình, đôi khi người ta phát âm từ đó, nhưng rồi mình phải hiểu ở sắc thái khác. Lật lại sổ tay của tháng ngày đi công tác tại xứ Nghệ, tôi có chép được bài vè nói trạng ngoài đó, nay, đọc lại vẫn lấy làm thích thú. Thử chép lại hầu bạn mình:

Được một ổ gà ri

Đựng đầy hai sảo trứng

Nói có sách, mách có chứng

Không tin thì đến nhà mà coi

Nuôi một ổ ong ròi

Đựng đầy hai chum mật

Gánh một gánh đất

Vắt ba trăm cái nồi

Đập một con đồi

Bưng được mười cái trống

Đan một cái nống

Hết mười cơn pheo

Bài vè thú vị này còn dài. Thích ghê. Nhưng rồi, hiểu nghĩa thế nào là đúng? Tôi không dám đánh trống qua cửa nhà sấm, vì thế bèn đánh trống lảng quay trở lại với câu mà nhà văn Sơn Nam đã được người Quảng Bình chép làm quà. Nãy giờ, các từ trong câu đó, ta đã bàn rồi, rõ nghĩa rồi, còn mỗi từ chộ. Chộ là thấy. Với từ "chộ" có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến câu ca dao phổ biến ở Quảng Bình:

Nói thương có chắc chi không

Loan ăn với phụng chộ rồng lại theo?

Tóm lại, câu nói: "Rào rú ngái ngôi mô nỏ chộ", ta hoàn toàn có thể hiểu là "Sông núi xa xăm đâu chẳng thấy". Tuy nhiên, các từ này, không chỉ ở Quảng Bình, ta vẫn thể tìm thấy dấu vết của nó qua lời ăn tiếng nói của cư dân từ Quảng Nam ra đến Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh…

Lê Minh Quốc
.
.